chan-dung-ts-truong-nhat-hoa-pho-hieu-truong-dh-thang-long-chau-noi-duy-nhat-cua-nu-giao-su-toan-hoc-dau-tien-cua-viet-nam-1715088772.png
TS. Trương Nhật Hoa - Phó Hiệu trưởng ĐH Thăng Long

Đã hơn 10 năm kể từ những ngày TS. Trương Nhật Hoa - thế hệ thứ ba trong gia đình gắn bó với sự nghiệp giáo dục - bắt đầu làm việc tại Trường Đại học Thăng Long, thuộc tốp đầu những cơ sở giáo dục đại học thiên về ứng dụng của Việt Nam. Đây là ngôi trường đại học ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam được bà Hoàng Xuân Sính, nữ Giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam sáng lập và con trai bà, ông Trương Ngọc Kim cùng tiếp nối và phát triển. 

chan-dung-ts-truong-nhat-hoa-pho-hieu-truong-dh-thang-long-chau-noi-duy-nhat-cua-nu-giao-su-toan-hoc-dau-tien-cua-viet-nam-2-1715088772.png
GS.TSKH. Hoàng Xuân Sính phát biểu tại lễ tốt nghiệp khóa đầu tiên 
chan-dung-ts-truong-nhat-hoa-pho-hieu-truong-dh-thang-long-chau-noi-duy-nhat-cua-nu-giao-su-toan-hoc-dau-tien-cua-viet-nam-1-1715088851.jpeg
TS. Trương Nhật Hoa phát biểu lễ tốt nghiệp 35 năm sau - 2023 

Không còn những ngày tháng phải đi thuê địa điểm, “hoang mang và sợ hãi, nhìn đâu cũng thấy thiếu thốn và nhỏ bé” như cảm giác của GS. Hoàng Xuân Sính vào thời đầu thành lập trường, tổ hợp trường học giờ đây bề thế và hiện đại đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt, học tập, làm việc, giao tiếp xã hội, hoạt động ngoại khóa và thể thao cho sinh viên trong một ngày trọn vẹn. 

Hai thế hệ đi trước cho thấy sự cam kết tận tâm cho những mục tiêu lớn lao cho giáo dục khi hoàn thiện được ngôi trường đẹp, hiện đại, cơ sở vật chất tiện nghi và tình hình tài chính ổn định.
 
Giờ đây, ở vai trò Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo của Trường Đại học Thăng Long, TS. Trương Nhật Hoa đang vận dụng những tiến bộ công nghệ mới vào quản trị và giảng dạy, tái cơ cấu, giúp vận hành trường học minh bạch hơn, với các chức năng phù hợp với giáo dục đại học để đạt được những tiêu chuẩn cao hơn. 

chan-dung-ts-truong-nhat-hoa-pho-hieu-truong-dh-thang-long-chau-noi-duy-nhat-cua-nu-giao-su-toan-hoc-dau-tien-cua-viet-nam-4-1715088772.png
Trường Đại học Thăng Long

Bối cảnh đại học đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của công nghệ. Những thách thức nổi bật bao gồm cải tiến chất lượng giáo dục, tích hợp công nghệ vào học tập và giảng dạy. Thị trường lao động đang chuyển dịch mạnh mẽ, nhiều công việc mới xuất hiện đòi hỏi lực lượng lao động cách tư duy mới và các kỹ năng thích ứng. 

Việc khai thác tài nguyên nhân sự trong ngành giáo dục lại càng đặc thù, vì ở đó con người vừa là sản phẩm vừa là nguồn gốc sản phẩm, từ đó tác động tới kết quả và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Là nhà quản lý nhìn thấy những cơ hội trong khó khăn, TS. Trương Nhật Hoa cho biết cô tập trung phát triển đội ngũ nhân lực gồm 500 giảng viên và nhân viên. “Bởi trong giáo dục, con người chính là nguồn tài nguyên quý giá nhất cần được khai thác và phân bổ đúng chỗ.”

Ưu tiên tiếp theo của Nhật Hoa là số hóa công tác quản lý và giảng dạy, giúp tăng hiệu suất công việc, góp phần tiết kiệm thời gian và tài nguyên. Trong ba năm trở lại đây, Trường Đại học Thăng Long áp dụng phương thức đánh giá hiệu quả công việc (KPI), từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực trong đội ngũ. 

“Chúng tôi đã đánh giá công việc và nhân sự hợp lý hơn, thay vì chỉ dựa vào thâm niên làm việc như trước đây,” Nhật Hoa cho biết. 

chan-dung-ts-truong-nhat-hoa-pho-hieu-truong-dh-thang-long-chau-noi-duy-nhat-cua-nu-giao-su-toan-hoc-dau-tien-cua-viet-nam-5-1715088851.jpeg
TS. Trương Nhật Hoa - Phó Hiệu trưởng ĐH Thăng Long

Tốt nghiệp chuyên ngành tài chính kinh tế từ Học viện Quản lý Singapore, thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học Nice Sophia Antipolis (Pháp), và nhận bằng tiến sĩ Kinh tế từ Đại học Kinh tế Quốc dân, TS. Nhật Hoa đã trải qua nhiều vị trí tại trường, từ công việc truyền thông, nhân sự, xây dựng chương trình đào tạo tới tài chính trước khi tham gia điều hành ở vị trí hiện nay. Cô cũng là Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn và chuyển giao công nghệ của trường, với mong muốn trường có thể hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức giáo dục, trường học quốc tế để kết hợp đào tạo, cũng như ứng dụng các công nghệ mới vào đào tạo.

Còn dưới góc nhìn của Nhật Hoa, hai thế hệ trước đã đã tiên phong xây dựng trường cho mục tiêu tạo ra lợi ích cho xã hội. “Cả bà và bố tôi đều hành động vì cộng đồng là người tiếp nối, tôi cần những cải tiến phù hợp với thời đại để tiếp tục phát triển.” Nhật Hoa nói.
Cô sẽ làm thế nào? 

“Với đội ngũ sát cánh bên mình, tôi trao quyền và tin tưởng họ” 

Nhật Hoa cho biết cô nhìn vào bức tranh tổng thể để đề ra chiến lược dài hạn với tinh thần cầu thị, quá trình chuyển đổi có tính cách mạng này cũng luôn cần sự giám sát kỹ càng và liên tục đánh giá, xem xét lại để điều chỉnh. 

Là con một, quen làm mọi việc một mình, và đi một mình một con đường, Nhật Hoa kể điều cô nhận thấy rõ rệt trong gia đình mình là không ai, kể cả bà nội – một người rất được nể trọng bởi khả năng chuyên môn, sự dấn thân trong sự nghiệp giáo dục và quản trị - và bố mẹ định hướng cô phải làm gì. 

Trong những bữa ăn gia đình, họ vẫn nói về công việc tại trường, nơi mẹ của Nhật Hoa, PGS. TS Trần Thị Ngọc Lan làm trưởng khoa Âm nhạc ứng dụng. Nếu GS. Hoàng Xuân Sính - người chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các nhà khoa học hàng đầu thế giới, giản dị và khiêm nhường, tin rằng giáo dục luôn cần những nền tảng chắc chắn và “hữu xạ tự nhiên hương”, thì Nhật Hoa cho biết mình đồng ý với quan điểm này, nhưng cũng có những cách tiếp cận khác phù hợp với những biến chuyển mới của xã hội.

chan-dung-ts-truong-nhat-hoa-pho-hieu-truong-dh-thang-long-chau-noi-duy-nhat-cua-nu-giao-su-toan-hoc-dau-tien-cua-viet-nam-6-1715089088.jpeg
Gia đình ba thế hệ gắn bó với giáo dục: Bà nội là GS.TSKH. Hoàng Xuân Sính, Bố là kỹ sư Trương Ngọc Kim và Mẹ là PGS.TS Trần Thị Ngọc Lan

“Tôi sẽ giữ vững nền tảng giáo dục là gốc rễ, và ứng dụng những cách làm mới trong quá trình vận hành ngôi trường này,” TS. Trương Nhật Hoa nói. Cô kể bà nội cô vẫn thường hỏi về công việc của mình, rằng “Con có bận không? Bà thương con lắm”, nhưng Nhật Hoa trả lời quyết đoán: “Con làm được!” 


GS. TSKH Hoàng Xuân Sính, sinh năm 1933, là nữ giáo sư - tiến sĩ toán học đầu tiên tại Việt Nam, từng nhiều lần làm Trưởng đoàn học sinh Việt Nam đi dự Olympic Toán quốc tế. Bà từng giữ những vị trí quan trọng trong ngành giáo dục như Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Ủy viên Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội Đại học Pháp ngữ (AUF). Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1996 và chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm năm 2003.

chan-dung-ts-truong-nhat-hoa-pho-hieu-truong-dh-thang-long-chau-noi-duy-nhat-cua-nu-giao-su-toan-hoc-dau-tien-cua-viet-nam-10-1715089587.png

GS. TSKH Hoàng Xuân Sính thành lập Đại học Thăng Long ra đời với sứ mệnh thực nghiệm mô hình đại học tự chủ tài chính, không xin kinh phí nhà nước. Ra đời với sự tài trợ của các nhà khoa học Việt kiều, chủ yếu ở Pháp. Tầm nhìn 100 năm xây dựng trường, được GS. Hoàng Xuân Sính chia ra làm ba giai đoạn. Tính tới nay, bà cùng hai thế hệ kế tiếp đã hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất trong 20 năm đầu và đang trong giai đoạn 40 năm phát triển đội ngũ giảng dạy trước khi tập trung vào nghiên cứu khoa học trong 40 năm tiếp theo.  

Forbes Viet Nam

https://forbes.vn/cuoc-chay-tiep-suc-duong-dai-tai-truong-dai-hoc-thang-long