Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản đồng ý việc CTCP Tập đoàn Crystal Bay nghiên cứu, khảo sát, đề nghị quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư tại các khu vực thuộc huyện Cam Lâm và huyện Khánh Sơn, theo nguồn tin từ Báo Khánh Hòa.
Theo đó, công ty này đang đề xuất khảo sát, đầu tư dự án Khu du lịch Crystal Bay Khánh Sơn - Cam Lâm. Với quy mô dự kiến 3.173,43ha, khu du lịch này sẽ nằm tại xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) và xã Cam Phước Tây, Cam An Bắc (huyện Cam Lâm).
Được biết, dự án này sẽ gồm 3 hợp phần, trong đó hợp phần 1 và hợp phần 2 sẽ nằm tại xã Ba Cụm Bắc và xã Cam Phước Tây; còn hợp phần 3 sẽ tọa lạc tại xã Cam Phước Tây và xã Cam An Bắc.
Đối với hợp phần 1, mục tiêu là xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp (resort 6 sao), xây dựng khu nhà vườn sinh thái, các dịch vụ spa, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe gắn với việc trồng các loại cây ăn quả theo mô hình du lịch canh nông… Bên cạnh đó, tại hợp phần này sẽ có dịch vụ dù bay, hệ thống bay trượt zipline từ đỉnh đồi (gần đèo Khánh Sơn) nối xuống đồi khu vực đồi bay kinh khí cầu gần hồ Tà Rục.
Đối với hợp phần 2, mục tiêu đầu tư xây dựng khu khách sạn thấp tầng cùng các villa nghỉ dưỡng trên sườn đồi (resort 5 sao), hệ thống nhà hàng, spa, sân khấu biểu diễn văn hóa nghệ thuật, cơ sở y tế trị liệu, nha khoa, làm đẹp…
Đáng chú ý với hợp phần 3, Crystal Bay đặt mục tiêu đầu tư những tiện ích nổi bật như: sân golf 72 lỗ, công viên giải trí Universal Studio, khu bay khinh khí cầu ngắm cảnh, hạ tầng dịch vụ hệ thống bay trượt zipline nối từ hợp phần 1 (từ đỉnh núi gần đèo Khánh Sơn)…
Chân dung ông chủ đứng sau Tập đoàn Crystal Bay?
Chủ tịch HĐQT tập đoàn Crystal Bay là ông Nguyễn Đức Chi, một doanh nhân xứ Nghệ. Ông Nguyễn Đức Chi sinh năm 1968 tại làng Đông Tháp, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông từng học chuyên văn tại trường Phan Bội Châu, một trường chuyên nổi tiếng của tỉnh Nghệ An.
Năm 1986, ông Chi thi đậu vào trường Đại học An ninh, Bộ Công an, khóa D18. Đến năm 1989 được chọn sang Nga học tại trường Đại học Luật Kishinhop. Giai đoạn 1991-1994, ông chuyển sang học trường Kinh tế, Chính trị và Pháp luật Moskva. Sau khi tốt nghiệp, ông Nguyễn Đức Chi ở lại nước Nga và kinh doanh trong khoảng 10 năm.
Đến năm 1996, ông Nguyễn Đức Chi bắt đầu về nước đầu tư với dự án Trung tâm thể thao giải trí Cosmos ở phố Ngọc Khánh, Hà Nội.
Nhận thấy tiềm năng của du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Đức Chi tiếp tục “lấn sân” sang mảng bất động sản du lịch. Ông thành lập công ty Đầu tư và phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT) với dự án đầu tay là Rusalka (tiếng Nga có nghĩa là Nàng tiên cá) nằm ven biển Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang.
Đây từng là một trong những dự án siêu nổi tiếng một thời tại Nha Trang với tổng vốn đầu tư lên đến 15 triệu USD. Dự án Rusalka được cấp phép đầu tư vào năm 2000.
Năm 2010, ông Chi thành lập CTCP du lịch Trọng Điểm Nha Trang (Focus Travel Nha Trang) xin tiếp tục thực hiện dự án Rusalka. Tuy nhiên, lúc này dự án được đổi tên thành Khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa.
Năm 2015, CTCP du lịch Trọng Điểm Nha Trang được đổi tên thành CTCP Khu du lịch Champarama do ông Nguyễn Đức Chi làm Chủ tịch HĐQT. Đến tháng 1/2016, công ty này được Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Champarama.
Sau đó, dự án này đã được chuyển nhượng cho KDI Holdings với tên gọi mới là Vega City Nha Trang. Chủ tịch HĐQT KDI Holdings là ông Kiều Hữu Dũng, một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng. Ông từng được biết đến là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank và nhiều công ty có tiếng như: CTCP Đầu tư Thảo Điền, CTCP Đầu tư Bắc Thủ Đô, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán ACB, rồi Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sacombank....
Đến 7/2016, ông Nguyễn Đức Chi thành lập CTCP Crystal Bay với vốn điều lệ ban đầu là 250 tỷ đồng. Công ty có 3 cổ đông sáng lập gồm: ông Nguyễn Đức Chi (nắm giữ 60% VĐL), ông Nguyễn Đức Tấn - em trai ông Chi (nắm giữ 20% VĐL) và bà Nguyễn Thị Duyên (nắm giữ 20% VĐL).
Tháng 4/2020, Crystal Bay đã tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Gần đây nhất, vào tháng 6/2021 vốn điều lệ của Crystal Bay đã được nâng lên 1.150 tỷ đồng. Hiện ông Nguyễn Đức Chi đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT của công ty.
Ngoài Crystal Bay, ông Nguyễn Đức Chi còn đứng tên ở một loạt pháp nhân khác thuộc “hệ sinh thái” của tập đoàn như: CTCP Cam Ranh Riviera Resort, Công ty TNHH Du thuyền Horizon Việt Nam, CTCP Crystal Bay Hotels & Resorts, CTCP Vân Đồn Green Industrial Park, CTCP Mũi Dinh Ecopark, CTCP Crystal Bay Ninh Thuận…
Tập đoàn Crystal Bay đang sở hữu những dự án nào?
Nổi lên như một “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản, tập đoàn Crystal Bay đang bền bỉ xây dựng hệ sinh thái du lịch, nghỉ dưỡng theo xu hướng “All in one” (tất cả trong một).
Theo giới thiệu, tập đoàn Crystal Bay đang hoạt động kinh doanh trong 3 lĩnh vực: đầu tư phát triển hệ sinh thái du lịch, nghỉ dưỡng, trải nghiệm; du lịch lữ hành quốc tế và nội địa; quản lý khai thác khách sạn, chăm sóc sức khỏe và đạo tạo nguồn nhân lực.
Đặc biệt, tập đoàn này đang hướng tới những khu vực như: Ninh Thuận, Vân Đồn, Đà Lạt... với mục tiêu thực hiện sản phẩm chiến lược "một kỳ nghỉ, nhiều vùng di sản", góp phần đưa Việt Nam thành trung tâm du lịch mới của châu Á.
Đối với bất động sản khu nghỉ dưỡng trọn gói, tên tuổi của Crystal Bay gắn liền một loạt dự án như: Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa, Selectum Noa Resort Cam Ranh, Sunbay Park Hotel & Resort Phan Rang, Ninh Chữ Sailing Bay Ninh Thuận, Mũi Dinh Cap Padaran Ninh Thuận, Crystal Marina Bay Nha Trang, Vân Đồn Heritage Road Quảng Ninh, Chala Bay Resort Ninh Thuận, Rocko Bay Resort Ninh Thuận...
Đối với dịch vụ lữ hành, tập đoàn Crystal Bay đang đầu tư vào các dự án như: đảo Fun Island, du thuyền Seacat Catamara, công viên bến du thuyền quốc tế Fatabaya, bến du thuyền Ana Marina.
Bên cạnh đó, tập đoàn Crystal Bay cũng đang đầu mở rộng "hệ sinh thái" trong lĩnh vực nghỉ dưỡng. Theo tìm hiểu, tập đoàn này đang có những công ty thành viên khác như: Anex Tour (khai thác dịch vụ du lịch quốc tế), du thuyền Horizon (khai thác dịch vụ du thuyền Nha Trang)…