“Mẹ là người truyền cảm hứng cho tinh thần khởi nghiệp của tôi. Hình ảnh buôn bán vất vả của mẹ đã dạy cho tôi bài học về giá trị sống ngay từ nhỏ”, anh Bình tâm sự.
Được mẹ mua cho chiếc máy tính khi Internet chưa phát triển, anh Bình đã say mê tìm tòi, viết ra những phần mềm đơn giản để bạn bè “chat” với nhau. Ở tuổi 13, anh Bình đã phát triển trò chơi cho Nintendo 64 và PlayStation 1, đây là những trò chơi điện tử phổ biến vào thời điểm đó. Sau này, anh Bình đã đậu vào trường Đại học California, Irvine với chuyên ngành khoa học máy tính, tại đây anh Bình tiếp tục nghiên cứu và phát triển các dự án liên quan đến máy tính.

“Tôi được học phải quan sát cuộc sống mới đưa được thực tế vào dự án của mình”, anh Bình chia sẻ. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Bình làm việc cho một công ty chuyên viết phần mềm sửa chữa ô tô. Tại đây, anh Bình cùng với Joe Fernandez - một người bạn ở Mỹ của anh đều thấy hợp nhau về mọi mặt và cả hai quyết định startup công ty của riêng mình.
Năm 2003, họ thành lập công ty phần mềm cung cấp dịch vụ quản lý giáo dục trực tuyến nhưng sau đó cả hai đi hai hướng. Năm 2008, họ lại gặp nhau và Klout Inc ra đời. Anh Bình giải thích: Klout có nghĩa là sức ảnh hưởng đến người khác.
Klout sử dụng phân tích truyền thông xã hội thông qua "Điểm Klout" với thang điểm là từ 1 - 100 để xếp hạng ảnh hưởng của một người đối với 600 triệu người theo dõi trên internet của một người. Mỗi nội dung được người dùng đưa lên các phương tiện truyền thông xã hội được đo lường tính hiệu quả để Klout có thể xác định những điểm số này.
“Lúc mới xuất hiện chúng tôi gặp không ít khó khăn, người thích, người không thích. Lúc đó công nghệ thông tin chưa phát triển như bây giờ nên việc thu thập một lượng dữ liệu khổng lồ phục vụ khách hàng không phải đơn giản”, anh Bình nói.
Klout ngày càng được cải thiện và phát triển dành cho các doanh nghiệp nhằm cung cấp một cổng thông tin phân tích và đánh giá mức độ thành công của một thương hiệu nào đó cho cộng đồng. Từ 90 nhân viên lúc đầu, đến năm 2015 Klout Inc có hơn 700 nhân viên.
Năm 2014, Klout được chọn là một trong "10 công cụ quản lý mạng xã hội miễn phí tốt nhất". Đến tháng 3/2014, hãng Lithium Technologies đã mua lại trang web này với giá 200 triệu USD. Vào ngày 25/5/2018, hãng này đã cho ngừng hoạt động của Klout.
Năm 2015, anh Bình Trần cùng cộng sự Eddie Thái huy động được 14 triệu USD “làm vốn”, quyết định về Việt Nam thành lập quỹ đầu tư hạt giống, hỗ trợ các startup Việt. Quyết định trở về của anh Bình vốn không nằm trong kế hoạch ban đầu. Sau khi thoái vốn tại Klout, anh Bình Trần được chính phủ Brazil mời phát biểu tại một diễn đàn công nghệ trong khuôn khổ World Cup 2014 ở Brazil. Tại đây, anh đã gặp Khailee Ng, Giám đốc điều hành của Quỹ 500 Startups Đông Nam Á.
“Câu chuyện của Khailee Ng và khoản đầu tư vào Grab khiến tôi suy nghĩ. Khailee Ng cũng nói rất nhiều về những bất ngờ trong sự hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ ở khu vực Đông Nam Á. Trái tim tôi trở nên rộng mở với một suy nghĩ, có những thời điểm quan trọng khi mà một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ có thể thay đổi cuộc sống của hàng trăm, thậm chí hàng triệu người”, anh Bình Trần nói.
Theo lời anh Bình chia sẻ, cuộc gặp gỡ này là chất xúc tác để anh bắt đầu viết những dòng đầu tiên của chương mới trong cuốn sách cuộc đời mình. Chính bản thân anh cũng hiểu đó là một quyết định mạo hiểm. Chưa có kinh nghiệm quản lý quỹ, năm 2015 Việt Nam đang trong bối cảnh Việt Nam là thị trường mới nổi và chưa có hoạt động thoái vốn quy mô lớn, việc huy động vốn cho một quỹ đầu tư thực sự là một thách thức.
Nhưng cả Bình Trần và Eddie Thái đều tin tưởng vào tài năng công nghệ Việt Nam khi họ bắt đầu huy động vốn. Tiếng tăm của nhân sự công nghệ Việt Nam không phải điều gì quá mới mẻ. Một lãnh đạo Google chia sẻ với Bình Trần rằng Việt Nam có số lượng kỹ sư phần mềm trên nền tảng Android của Google ngang với Indonesia - quốc gia có dân số gần gấp ba lần Việt Nam.
Với kinh nghiệm của mình, ông đánh giá cao khả năng của các kỹ sư trẻ Việt Nam. Nhưng đó không phải là toàn bộ sức hấp dẫn của Việt Nam. Đội ngũ sáng lập 500 Startups Việt Nam tin rằng Việt Nam sẽ đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế số của khu vực khi nhu cầu đầu tư hạt giống tại Việt Nam chưa được đáp ứng.
“Chúng tôi muốn tận dụng thời gian sớm một chút để gieo hạt giống đúng thời điểm, xây dựng một thương hiệu đầu tư mà những nhà sáng lập có thể tin tưởng”, anh Bình nói. Hiện tại, 500 Startups Việt Nam là quỹ đầu tư mạo hiểm năng động nhất Việt Nam, theo đuổi mục tiêu tìm kiếm và phát triển các kỳ lân công nghệ của giới khởi nghiệp Việt Nam.
Chặng đường có thể còn gian nan, nhưng như anh Bình Trần và cộng sự chia sẻ, họ tin vào con đường và giá trị mà nó mang lại. 500 Startups Việt Nam là công ty con của 500 Startups có trụ sở tại Thung lũng Silicon (Mỹ) và được coi là một trong những công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn hạt giống hàng đầu. 500 Startups Việt Nam hoạt động ở nhiều quốc gia với danh mục đầu tư bao trùm hầu hết các lĩnh vực.
Một số tên tuổi nổi bật được 500 Startups Việt Nam đầu tư vào là Hiip, Voiz FM, RealStake và Cricket One. Số tiền đầu tư trung bình của quỹ là 100.000 USD, có thể nhiều hơn trong trường hợp đặc biệt. Nhóm 500 Startups Việt Nam hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hoạt động kinh doanh, tiếp thị, tuyển dụng và gây quỹ.
Các startup sẽ có cơ hội tiếp cận với những nhà quản lý đầu tư của quỹ ở Việt Nam và trên thế giới, các chuyên gia cố vấn cũng như các nhà đầu tư, doanh nhân giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khi trở thành thành viên của 500 Startups Việt Nam.