Mới đây, nhờ thông tin sản xuất thành công vắcxin phòng dịch tả lợn châu Phi, cổ phiếu VET của Navetco bấy lâu nay im lìm bỗng chốc tăng vọt. Tại thời điểm kết thúc tuần giao dịch huy hoàng chưa từng có trong lịch sử của mình, VET đạt 102.000 đồng/cổ phiếu tương ứng tăng 53%! Một điều ít người biết, tập đoàn Anova Corp – một công ty của gia đình ông Bùi Thành Nhơn là cổ đông chiến lược hiếm hoi tại Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương với số cổ phần đang nằm giữ 12,18%.

Cổ phiếu liên quan tập đoàn của ông chủ Novaland tăng 53% trong 10 ngày nhờ sản xuất thành công vắcxin phòng dịch tả lợn châu Phi

Tối ngày 14/1/2021, các kênh thông tin chính thống đều đưa tin Việt Nam sản xuất thành công vắcxin phòng dịch tả lợn châu Phi. Thông tin cho hay từ tháng 9/2020 đến nay, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cùng với Công ty CP Thuốc thú y Trung ương (Navetco) đánh giá độc lực, chủng loại và khẩn trương bắt tay vào nghiên cứu vắcxin.

Các nguồn tin cũng dẫn lời Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay: “Chúng ta đã tiến hành tiêm công cường độc thành công trong phòng thí nghiệm. Đến nay, đã tiến hành tiêm trên 25 con lợn ngoài sản xuất cho kết quả rất tốt. Cục Thú y cùng Navetco chuẩn bị đánh giá khảo nghiệm, sẽ phải thành lập Hội đồng đánh giá cấp Bộ để tiến hành khảo, kiểm nghiệm chắc chắn. Tuy nhiên, kết quả đến nay khá tốt. Nếu kết quả khả quan thì chỉ trong quý 1-2021, Việt Nam sẽ tiến hành sản xuất thương mại vaccine dịch tả lợn châu Phi”.

Điều đáng nói là, giới đầu tư chứng khoán đã nhanh chóng nhìn nhận đây là cơ hội tốt để đầu tư. Phiên giao dịch 15/1/2021, cổ phiếu VET của Navetco bấy lâu nay im lìm cùng thanh khoản thấp đã dậy sóng. Từ mức giá 67.200 đồng/cổ phiếu ngày 14/1, VET đã tăng kịch biên độ ngày 15/1 đẩy giá lên 77.500 đồng.

Không dừng lại ở đó, VET tiếp tục được nhà đầu tư săn mua. Kể cả trong "phiên kinh hoàng 19/1" của thị trường chứng khoán, cổ phiếu VET vẫn đóng giá trần. Tại thời điểm kết thúc tuần giao dịch huy hoàng chưa từng có trong lịch sử của mình, VET đạt 102.000 đồng/cổ phiếu tương ứng tăng 53%!

Theo dữ liệu của chúng tôi, Navetco tiền thân là Viện Quốc gia Vi trùng học và Bệnh lý Gia súc, được thành lập từ năm 1955 với chức năng chủ yểu là chẩn đoán bệnh và sản xuất một lượng nhỏ vaccine cho gia súc. Công ty cổ phần hóa và đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào cuối năm 2012 đầu năm 2013 và chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với Vốn điều lệ 160.000.000.000 đồng từ thời điểm đó. 16 triệu cổ phiếu VET được đăng ký giao dịch trên UpCOM từ 13/12/2017.

Cổ phiếu VET rất ít có giao dịch do cơ cấu cổ đông cô đặc. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty có 3 cổ đông lớn nắm giữ đến 84% vốn gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nắm giữ 65%); Công ty Cổ phần Anova (12,18%); Bà Phạm Thị Cúc (5,85%). Ngoài các cổ đông lớn, giao dịch cổ phiếu VET cho thấy hầu hết các cổ phiếu còn lại của công ty đều nằm trong tay cán bộ công nhân viên, người lao động của công ty. Chính bởi lý do này nên VET "im hơi lặng tiếng" suốt thời gian lên sàn chứng khoán.

Sau thông tin vắcxin phòng dịch tả lợn châu Phi, cổ phiếu VET bắt đầu tăng giá mạnh khiến cho giá trị khối tài sản của các cán bộ công nhân viên VET và ông chủ Tập đoàn Anova Bùi Thành Nhơn tăng cũng tăng mạnh Âu cũng là 1 sự đền đáp xứng đáng cho các nhà khoa học cũng như các nhà đầu tư có tâm với nền khoa học công nghệ nước nhà.

Chân dung Anova Corp

Một điều ít người biết, bên cạnh mảng kinh doanh địa ốc với thương hiệu Novaland, ông Bùi Thành Nhơn còn sở hữu công ty nông nghiệp Anova Corp, với lĩnh vực kinh doanh đa dạng từ thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, mía đường...

Được thành lập từ năm 1992, tiền thân của tập đoàn Anova Corp là Công ty TNHH Thương Mại Thành Nhơn. Năm 1995 sau khi thành lập công ty Thành Nhơn được 3 năm, ông Bùi Thành Nhơn đã Liên doanh với Philippines đưa Công ty liên doanh sản xuất Thuốc thú y Biophamachemie vào hoạt động mở rộng hệ thống phân phối trong nước và xuất khẩu thuốc thú y đến nhiều quốc gia trên thế giới. 1 năm sau đó, ông tiếp tục hợp tác với Mitsui, công ty hàng đầu Nhật Bản thiết lập hệ thống phân phối acid amin cho thị trường Việt Nam.

Hiện nay Anova đang sở hữu tới 10 công ty thành viên bao gồm 3 nhà máy thuốc thú y hiện đại, đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, 1 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, 2 công ty kinh doanh nguyên liệu sản xuất thuốc thú y, nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối vaccine và 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối sản phẩm thuốc thú y cho thị trường miền Bắc.

Năm 2013, Quỹ đầu tư DWS Vietnam Fund sở hữu 20% cổ phần của Anova đã định giá doanh nghiệp này ở mức 65 triệu USD. Tuy nhiên, Anova Corporation có thể sẽ trở thành một đế chế khi những tham vọng của ông Bùi Thành Nhơn thành hiện thực.

Năm 2013, Anova đã trở thành cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương (Navetco) và Xí nghiệp thuốc thú y Trung ương (Vetvaco). Hiện Navetco và Vetvaco là hai công ty chủ lực của Bộ NN&PTNT trong việc sản xuất và cung ứng các loại vaccine phòng bệnh, dược phẩm và chế phẩm sinh học cho gia súc, gia cầm và thủy sản.

Thời điểm này, lĩnh vực phục vụ cho ngành chăn nuôi đang bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, trong đó có lĩnh vực thuốc thú y, vaccine. Đặc biệt, thị trường vaccine cho chăn nuôi tăng trưởng mạnh mẽ đặc biệt sau dịch cúm gia cầm năm 2003-2004, và nhiều loại bệnh khác như lở mồm long móng, heo tai xanh… khiến thị trường này càng tăng trưởng.

Không chỉ thuốc thú y và vaccine, Anova còn hướng đến thức ăn gia súc và chăn nuôi với chiến lược được định hướng theo mô hình 3F – từ trang trại đến bàn ăn (Feed – Farm – Food). Thức ăn chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo nguồn thịt sạch. Giống vật nuôi được chọn lọc kỹ, an toàn, không nhiễm bệnh. Cuối cùng, Anova sẽ sử dụng sản phẩm chăn nuôi để đưa vào chế biến thành thực phẩm đến người tiêu dùng.

"Trong 10 năm tới, Anova sẽ đóng góp lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam bằng cách tăng hiệu suất cho chăn nuôi, tạo nên một chuỗi thực phẩm sạch có thể truy xuất được nguồn gốc toàn diện, giá trị gia tăng cao trong nông nghiệp”, ông Bùi Thành Nhơn từng đặt mục tiêu.

Và tất nhiên, con đường để tiến tới mục tiêu đó cũng sẽ như cách ông từng làm trước đây – mượn sức của những người khổng lồ. Năm ngoái, IFC thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã đầu tư 340 tỉ đồng (tương đương khoảng 15 triệu USD) dưới hình thức trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm cho một trong những công ty trực thuộc tập đoàn Anova là CTCP Thức ăn Chăn nuôi Anova (Anova Feed) để mở rộng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi.


Cũng trong năm đó, Anova cũng bắt tay với Kerry Group (Ireland) đầu tư sản xuất sữa bột dành cho trẻ em – Anka Milk. Đây là một trong những chiến lược để hiện thực hóa chiến lược phát triển nhóm sản phẩm sạch mới của tập đoàn, gồm thịt, cá, trứng, sữa. Trước đó, Anova cũng đã đầu tư vào thị trường chăn nuôi heo an toàn với sự ra đời của 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực về trang trại chăn nuôi, quy mô hiện tại bao gồm 1 trại nái 2.400 con và 1 trại thịt 12.000 con.

Hiên nay, lãnh đạo Anova corp là ông Nguyễn Hiếu Liêu nắm chức CEO và bà Võ Thúy Anh, thành viên HĐQT. Đây được xem như là 2 cánh tay đăc lực của ông Bùi Thành Nhơn từ lúc khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Hiếu Liêm đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong công tác quản lý và làm việc trong lĩnh vực sản xuất thuốc thú y. Ông đã từng đảm nhiệm ví trí Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Bio-pharmachemie, công ty liên doanh đầu tiên tại Việt Nam sản xuất thuốc thú y và đã dẫn dắt công ty đạt được những thành công vượt trội liên tục trong nhiều năm. Ông tốt nghiệp chương trình Đại học của trường Đại học Nông Lâm. Tốt nghiệp khóa Executive MBA, HSB-TUCK, Đại học Dartmouth, Hoa Kỳ.

Trong khi đó Võ Thúy Anh tốt nghiệp ngành thạc sỹ kế toán quốc tế. Bà Anh có bề dày kinh nghiệm quản lý tốt do từng giữ các chức vụ cao cấp như Giám đốc Kế hoạch tài chính và Chiến lược của công ty Pepsi Việt Nam, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ thép Việt, Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư Nova, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Anova Milk...Và liên tục giúp cho các công ty đạt được kết quả cao trong hoạt động kinh doanh.