Theo AFP, vài tháng sau khi VinFast ra mắt sàn Nasdaq, VNG cũng đang lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán ở New York.

“Tôi đặt ra thách thức cho đội ngũ làm game bằng cách nói rằng trong vòng 3 - 5 tới, VNG cần trở thành một công ty game toàn cầu", CEO Lê Hồng Minh chia sẻ với AFP. 

Để làm được điều này, “VNG cần phải ở trên một sân khấu quy mô lớn, có khả năng tiếp cận nguồn vốn và tài năng toàn cầu”, ông Minh nói thêm.

Tại Việt Nam, VNG là một trong những cái tên quen thuộc trong giới công nghệ. Không chỉ được biết tới là nhà phát hành game hàng đầu, doanh nghiệp này còn sở hữu hệ sinh thái gồm ví điện tử, dịch vụ đám mây hay ứng dụng Zalo với khoảng 75 triệu người dùng.

ceo-le-hong-minh-vng-can-tro-thanh-mot-cong-ty-game-toan-cau-1703608266.jpg
CEO Lê Hồng Minh của VNG. Ảnh: AFP

-------

Nhìn lại hành trình khởi đầu của VNG

Trong cuộc phỏng vấn với AFP, CEO VNG đã chia sẻ về quá trình những ngày đầu của VNG.

Công ty ra đời năm 2004 với tên gọi Vinagame. Khởi đầu của công ty khởi nghiệp này chỉ có 5 nhân sự. Công ty đã giới thiệu về game trực tuyến đầu tiên của mình và của Việt Nam - bằng cách đi dán áp phích về trò chơi này tại khoảng 5.000 quán Internet.

Hiện nay, VNG đã chuyển sang lĩnh vực fintech và trí tuệ nhân tạo (AI), với sứ mệnh cho thế giới thấy Việt Nam và các kỹ sư của Việt Nam có khả năng làm được những gì.

Dù vậy, game vẫn là một mảng quan trọng trong kế hoạch kinh doanh của VNG với 80% doanh thu của công ty vẫn đến từ lĩnh vực này.

Mỗi năm, VNG phát hành khoảng 10 trò chơi điện tử ở Việt Nam và các thị trường khác ở Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia. Công ty cũng đang cố gắng mở rộng hoạt động sang thị trường châu Mỹ Latin, Trung Đông.

Đánh giá về việc mở rộng thị trường của VNG, Lisa Hanson - Giám đốc điều hành của Niko Partners, một công ty nghiên cứu thị trường trò chơi châu Á, cho biết: “Đó là một sự phát triển tự nhiên”.

Trong cuộc trò chuyện với AFP, CEO VNG đã nói chia sẻ về những kỷ niệm lần đầu tham dự World Cyber Games ở Daejon (Hàn Quốc) vào năm 2002 - hai năm trước khi VNG ra đời.

"Tôi vẫn còn nhớ cảm xúc đó. Tôi tự nhủ đây là đỉnh cao trong sự nghiệp game thủ của mình. Mục tiêu cuối cùng của bất kỳ ai tài giỏi là chơi với những người giỏi nhất trên thế giới, phải không?", ông nói.

Hiện nay, CEO Lê Hồng Minh cũng có mục tiêu tương tự với VNG trong bối cảnh doanh nghiệp này đang giới thiệu "hệ sinh thái kỹ thuật số cây nhà lá vườn" tới các nhà đầu tư trên toàn cầu.

-----

Thách thức phía trước

Theo ông Huy Phạm, Giảng viên cao cấp về tài chính tại đại học RMIT TP HCM, cho biết đây là thời điểm thích hợp để VNG thực hiện tham vọng IPO. “Khi VinFast niêm yết, họ thực sự đã thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế. Vì vậy, các công ty Việt Nam có động lực để làm điều đó", ông nói.

Hiện gã khổng lồ internet Tencent (Trung Quốc) và Temasek (Singpore) đang là cổ đông của VNG. Tuy nhiên, theo vị giảng viên này, VNG sẽ cần tiếp cận nguồn tiền mặt lớn khi lên kế hoạch xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn phù hợp với Việt Nam, cũng như với việc mở rộng thị trường trong mảng phát hành game.

Trong hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) vào tháng 8, VNG cho biết công ty đã lỗ 86,7 triệu USD vào năm 2022 và 27,4 triệu USD trong sáu tháng đầu năm 2023.

"Nếu mở rộng sang thị trường khác thì sẽ làm chi phí tăng và khoản lỗ cũng tăng theo", ông Huy nhận định.

Trong khi nền tảng Zalo đang hoạt động tốt, thì ứng dụng thanh toán ZaloPay đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà cung cấp khác như MoMo hay ShopeePay, do một trong số những đối thủ này có nguồn hậu thuẫn tài chính dồi dào hơn VNG.

Đối với nhà sáng lập VNG, sau khi chứng kiến sự biến đổi mà Internet tạo ra với Việt Nam trong thời thơ ấu, ông kỳ vọng rằng đã đến lúc phải có một thử thách mới.

"Các công ty Việt Nam ngày càng có năng lực và tự tin hơn. Chúng ta cần phải nhìn ra ngoài biên giới của mình", ông Lê Hồng Minh nói.

(Bài này mình tham khảo nguồn từ AFP nhé)