Theo Nikkei, VNG có kế hoạch triển khai dịch vụ trí tuệ nhân tạo tương tự ChatGPT dành riêng cho người Việt, trong bối cảnh “kỳ lân” này đang tìm cách huy động vốn và đặt mục tiêu niêm yết tại Mỹ.

VNG – ‘kỳ lân’ công nghệ được hậu thuẫn Tencent và Ant Group của Alibaba hiện đang sở hữu Zalo. Được biết, gần đây VNG đã mở rộng tính năng dịch thuật cho Zalo. Ngoài ra sắp tới, công ty sẽ bổ sung một tính năng AI tổng quát, có thể cho phép người dùng thực hiện mọi thứ, từ viết email đến tìm câu trả lời cho các truy vấn.

Tại Việt Nam, trào lưu sử dụng ChatGPT phổ biến vào đầu năm nay, tuy nhiên các câu trả lời của chatbot bằng tiếng Việt kém chính xác hơn bằng tiếng Anh.

Hồi tháng 8, VNG đã nộp đơn đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên Nasdaq. Tuy nhiên, sau đó công ty đã tạm hoãn kế hoạch này bởi bối cảnh điều kiện thị trường chứng khoán “đầy thách thức”. 

vng-tham-vong-muon-lam-chatgpt-cho-rieng-nguoi-viet-nam-1700934296.jpg

“Tôi muốn thế giới nhìn thấy một công ty xứng đáng với danh hiệu ‘công ty công nghệ toàn cầu’ có trụ sở tại Việt Nam. Điểm mạnh của VNG là chúng tôi vừa bay bổng vừa thực tế”,  nhà sáng lập kiêm CEO VNG - Lê Hồng Minh chia sẻ với Nikkei Asia. Tuy nhiên, vị này không tiết lộ về mốc thời gian chính xác sẽ IPO.

VNG cho biết trong hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vào tháng 8 rằng công ty đang xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn bằng tiếng Việt để “sáng tạo nội dung, dịch ngôn ngữ và chatbot”.

Được thành lập vào năm 2004, VNG đã phát triển từ một công ty phân phối game thành một tập đoàn gồm 34 công ty con, với các hoạt động kinh doanh bao gồm fintech, trung tâm dữ liệu, dịch vụ âm nhạc Zing và ứng dụng nhắn tin Zalo với 75 triệu người dùng.

Ngoài việc tạo ra đối thủ ChatGPT, VNG còn có một loạt ứng dụng khác cho AI như: hỗ trợ trợ lý giọng nói giống Alexa, tạo ra hình ảnh và âm thanh trong game…

“Chúng tôi cố gắng kết hợp AI vào tất cả các sản phẩm của mình, cho dù đó là game hay Zalo, thanh toán điện tử hay điện toán đám mây”, ông Vương Quang Khải, người chịu trách nhiệm công cuộc chuyển đổi sang AI tại VNG cho biết.

Theo ông Minh các lĩnh vực mới đang thách thức sự thống trị hàng thập kỷ qua của các công ty công nghệ Mỹ. Ông cho rằng đó là một sự “phát triển tự nhiên” và sẽ có rất nhiều “công ty đến từ các quốc gia khác nhau” góp mặt trong sân chơi mới.

Điển hình là sự đa dạng trong lĩnh vực chip bán dẫn, một lĩnh vực có sự tham gia của những gã khổng lồ ở Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan và Anh. Ông Lê Hồng Minh cũng đang cố gắng đưa doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các liên minh công nghệ.

Đối với VNG, điều đó đòi hỏi những chiến lược dài hạn, đặc biệt là khi lĩnh vực mà họ phải đối mặt với những đối thủ khốc liệt nhất: trung tâm dữ liệu và phát triển game của riêng mình thay vì phân phối từ công ty khác.

Hiện VNG vẫn chưa tìm được mảng kinh doanh có lợi nhuận để giảm sự phụ thuộc vào mảng game – lĩnh vực vốn đem lại hơn 80% doanh thu cho công ty. Tiền bản quyền game là một trong những chi phí lớn nhất, lên tới 32 triệu USD (784 tỷ đồng) trong 6 tháng đầu năm nay.

Bên cạnh việc tăng cường tạo ra những game online do chính VNG phát triển và bán ra nước ngoài, công ty cũng sẽ thử nghiệm "bán chéo", chẳng hạn như chuyển đổi người chơi game thành người dùng ví điện tử ZaloPay.

Hiện ZaloPay là mảng kinh doanh thua lỗ của tập đoàn bởi chiến lược "đốt tiền” để khuyến mãi cho người dùng nhằm giành thị phần trước MoMo và GrabPay. Nửa đầu năm 2023, công ty báo lỗ 650 tỷ đồng, cao hơn so với mức lỗ 390 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

(Mình tham khảo bài này từ Nikkei Asia nhé)