Vụ HAG bị huỷ niêm yết bắt buộc này rần rần mấy ngày nay, mình dạo qua 1 vòng thì thấy có nhiều ý kiến trái chiều nhưng phần nhiều là bảo vệ HAG. Tính ra thì HAG vẫn luôn rất khéo léo khi làm truyền thông.

Với kinh nghiệm làm tư vấn doanh nghiệp một thời gian và bản thân cũng đang kinh doanh/ đầu tư thì mình cũng xin nêu một số quan điểm đứng trên góc nhìn về tài chính và quy định của pháp luật để bóc tách case này.

hagl-bau-duc-1645010327.jpg
Theo Bầu Đức, việc hồi tố này hoàn toàn tuân theo quy định mới. Công ty đang phát triển theo hướng tốt và chắc chắn có lãi cao nên chúng tôi muốn đền đáp xứng đáng cho các nhà đầu tư tin tưởng. Nếu bị huỷ niêm yết, công ty sẽ rất có lỗi với cổ đông.

Trước tiên thì mình xin khẳng định là đội ngũ của HAG đều là thú dữ trong giới tài chính Việt Nam, nếu xét về thông minh tài chính và am hiểu luật thì chúng ta chắc chắn thua xa họ tít tắp. Vậy nên nếu lôi luật ra mà làm logic phân tích thì sao bật được họ, họ đập cho to đầu luôn.

Muốn "móc ngoáy" được họ thì chịu khó bóc vào cái phi logic trong hành động và kẽ hở tài chính trong cách mà họ thực thi thì sẽ hiệu quả hơn.

Trước tiên với những doanh nghiệp mà tài sản nằm phần lớn ở khoản phải thu và xây dựng dở dang thì chắc chắn khi muốn "tác động" đến báo cáo tài chính, họ chỉ cần tác động vào 1 trong 2 khu vực này. Điều đáng nói là tài sản dở dang và cố định của HAG lại chủ yếu được hợp nhất bởi công ty con là HNG chứ HAG chỉ có đúng cái nịt (từ năm 2021 thì HNG đã không còn là công ty con của HAG). Mà đã nhắc đến HNG thì lại có bước chân của Thaco. Vậy nên HAG chỉ có thể tập trung vào khoản phải thu mà biến tấu. Hay nói thẳng hơn thì chìa khoá của HAG lúc này chính là kỹ năng xử lý khoản phải thu.

Muốn tác động đến khoản phải thu thì "lẻ" có hàng tá cách, "sỉ" thì 2 cách phổ biến là hoán đổi vay nợ - cổ phần và xử lý trích lập. Trước giờ mình không follow HAG nhưng mình tin HAG đã dùng nát bét cả 2 cách này. Để phục vụ tốt nhất cho bài viết này mình sẽ chỉ tập trung vào các thứ 2, tức là dùng skill với trích lập.

Về nguyên tắc trích lập dự phòng là một khoản chi phí không bằng tiền (tiền đã mất từ lúc bạn cho người ta vay nợ rồi). Khi công ty trích lập thì trên bảng cân đối kế toán: Tài sản trích lập giảm -> Tổng tài sản giảm, Tổng nguồn vốn giảm tương ứng. Trên báo cáo thu nhập sẽ ghi nhận tăng ghi phí trích lập tương ứng và làm giảm lợi nhuận. Ngược lại, hoàn nhập sẽ làm tăng tài sản - nguồn vốn và tăng lợi nhuận. Ở tình huống của HAG thì liên quan đến khoản phải thu nên sẽ được ghi nhận tăng/giảm chi phí quản lý trên báo cáo thu nhập.

Tất nhiên là việc trích lập hay hoàn nhập sẽ phải theo những chuẩn mực, tuy nhiên chuẩn gì thì cũng phụ thuộc vào con người và có kẽ hở để để lách hết, đó cũng chính là lý do mà EY nêu ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp với HAG về các khoản phải thu, nhưng HAG quyết không nghe. Giờ nghe EY thì lỗ 3 năm liên tiếp cầm trịch án huỷ niêm yết rồi.

Vậy nên chiến lược lúc này của HAG là gì? Ban đầu không nghe EY, nhất định không trích lập, né án huỷ niêm yết năm 2020. Sau đó đến 2021 đồng ý với EY, nhiệt liệt hồi tố lỗ vào 3 năm từ 2017-2019, bám vào kẽ hở trong quy định niêm yết. Để kế hoạch này thành công thì bắt buộc năm 2021 phải có lời. Mũi tên này trúng 3 đích, một là thoát án huỷ niêm yết năm 2020, hai là gột rửa được ý kiến của kiểm toán trên BCTC và ba là có sẵn "của để dành" cho 2021-2022.

Vậy đối với HAG thì năm 2021 có lời thật không? Mình khẳng định là hoạt động kinh doanh có cải thiện nhưng không có lời "thực", tất cả chỉ là thiết kế sổ sách. Cái cứu cánh cho khoản lợi nhuận của HAG chính là các khoản hoàn nhập dự phòng phải thu lên tới gần 1k tỷ, lôi dần của để dành ra xài. Nếu trừ đi con số lợi nhuận năm 2021 khoảng 120 tỷ thì tính nhanh gọn lợi nhuận phải là âm 700-800 tỷ là ít, huỷ niêm yết cấm cãi. Ngoài ra đây không phải con số đã kiểm toán, mình nghĩ kiểm toán vào thì con số này sẽ còn nhảy kha khá nữa.

Như vậy chỉ cần bắn 1 mũi tên và chấp nhận bị ăn chửi thì HAG đã giải quyết được hàng loạt bài toán cực lớn. Phải khẳng định HAG hội tụ toàn những anh tài rất am hiểu về tài chính và luật pháp. Chúng ta giờ ngồi bóc tách thì dễ thấy, chứ bảo ngồi mà nghĩ ra được như các sếp thì đúng là còn khuya thật. Nhưng các sếp cứ thông minh về tài chính quá thì ai thông mình về kinh doanh và sản xuất :(

Quay trở lại với thời điểm hiện tại, Sở yêu cầu huỷ niêm yết bắt buộc với HAG, chắc chắn là về quy định của pháp luật là sai. Vì HAG không vi phạm bất cứ điều gì, thứ họ vi phạm chỉ là "đạo đức kinh doanh", nhưng đạo đức thì làm gì có quy chuẩn niêm yết.

Theo mình cơ quan quản lý nên "cắn răng" huỷ yêu cầu và nhân cơ hội này xem lại chính các quy định pháp luật, nhanh chóng lấp kẽ hở về hồi tố. Kiểu như ông nào hồi tố BCTC quá 2 năm hoặc quá 2 lần/ 10 năm thì huỷ niêm yết bắt buộc luôn. Đây là ông niêm yết, BCTC public với công chúng và là kim chỉ nam quyết định của nhà đầu tư, đâu phải BCTC gửi Thuế đâu mà ông đảo như rang lạc vậy được, thiệt hại ông có gánh giúp nhà đầu tư không????

Còn 1 câu hỏi nữa đó là niêm yết và Upcom chỉ khác nhau ở Margin và Công bố thông tin. Nếu xét về công bố thông tin thì HAG có khi còn khao khát được về Upcom. Còn xét về Margin thì HAG vốn dĩ không được vào danh sách margin vì trong diện kiểm soát, vậy tại sao HAG sợ huỷ niêm yết thế nhỉ? Có phải chăng là có một số ngân hàng đang cầm giúp các anh ấy cơ số thứ ??? Vậy nếu những SPEs đó mà được đập vào thì hậu quả sẽ ra sao với HAG???

"Là cổ đông phải nhớ.... Không nghe cave kể chuyện, không nghe lãnh đạo trình bày"

Thằng nghiện dữ liệu - Trần Ngọc Báu