Mới đây, vào ngày 11/9/2023, Vietnam Airlines và tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX với giá trị 10 tỷ USD. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, đánh giá, sớm báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, làm cơ sở thúc đẩy quá trình đàm phán, hoàn thiện các thủ tục đầu tư của Vietnam Airlines.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết: “Vietnam Airlines đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển đội máy bay giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2035, trong đó đầu tư máy bay là dự án trọng điểm để Hãng hàng không Quốc gia đảm bảo đạt được mục tiêu, tầm nhìn chiến lược đã đặt ra trong giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững. Dự án đầu tư đội máy bay thân hẹp nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines trên các đường bay nội địa và khu vực châu Á, đồng thời giúp chúng tôi hoàn thiện đội máy bay hiện đại, tiện nghi và tiết kiệm nhiên liệu”.

can-kiet-tai-chinh-tho-lo-keo-dai-vietnam-airlines-lay-tien-lay-dau-10-ty-usd-de-mua-50-may-bay-boeing-737-max-1-1694503195.jpg
Ảnh: Vietnam Airlines

Được biết, đội máy bay của Vietnam Airlines hiện tại có 100 chiếc, trong đó gồm 65 máy bay thân hẹp, khai thác hơn 97 đường bay tới 21 điểm nội địa và 29 điểm đến quốc tế.

Nguồn vốn ở đâu để thực hiện dự án?

Đáng chú ý, tại buổi ký kết, chia sẻ về nguồn vốn thực hiện dự án, ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết hiện nay các hãng hàng không và Vietnam Airlines đang bị cạn kiệt tài chính do đại dịch. Tuy nhiên, đây là dự án quy mô rất lớn và việc đảm bảo nguồn vốn luôn được quan tâm đặc biệt.

“Để triển khai dự án, Vietnam Airlines chắc chắn phải đảm bảo và có khả năng tự chủ một phần nguồn vốn sau quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu phục hồi, phát triển sau đại dịch. Bên cạnh nguồn vốn chủ động của Vietnam Airlines, chúng tôi cũng kỳ vọng và tin tưởng vào sự hỗ trợ thu xếp tài chính của Boeing, cũng như Chính phủ Mỹ”, ông Trần Thanh Hiền cho biết.

Đồng thời, Vietnam Airlines đã và tiếp tục làm việc với các định chế tài chính để tìm kiếm các cơ hội và giải pháp thu xếp vốn cho dự án phù hợp nhất, bao gồm cả các giải pháp ngắn, trung hạn cho khoản tiền trả trước (PDP Financing) và giải pháp bán và cho thuê lại.

Cũng theo ông Hiền, theo lịch bàn giao từ Boeing, Vietnam Airlines dự kiến sẽ nhận lô tàu bay này trong giai đoạn từ năm 2027 đến 2030. Vì thế, Vietnam Airlines có 3-4 năm nữa để chuẩn bị các thủ tục cho thương vụ này, trong đó có huy động vốn.

can-kiet-tai-chinh-tho-lo-keo-dai-vietnam-airlines-lay-tien-lay-dau-10-ty-usd-de-mua-50-may-bay-boeing-737-max-1694502539.jpg

Cập nhật tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2023 chưa soát xét, doanh thu thuần của hãng đạt 20.565 tỷ đồng, cao hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, quý II/2023, hãng ghi nhận mức lãi gộp đạt 929 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp 368 tỷ đồng.

Trong kỳ, hãng hàng không quốc gia ghi nhận chi phí bán hàng tăng 45%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 7% và doanh thu đến từ hoạt động tài chính giảm 33%. Kết quả, hãng báo lỗ 1.295 tỷ đồng trong quý II/2023 và đánh dấu quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của hãng hàng không này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt doanh thu 44.058 tỷ đồng và lỗ sau thuế 1.331 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2022 âm 5.237 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2023, Vietnam Airlines lỗ lũy kế 35.667 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.598 tỷ đồng, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 59.158 tỷ đồng.