Công Ty Cổ Phần Cho Thuê Máy Bay Việt Nam (VALC) là công ty duy nhất cho thuê máy bay tại Việt Nam. Bên cạnh việc cho thuê, công ty này còn bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng cho máy bay. VALC chỉ thực hiện mua lại các máy bay sau đó cho các hãng hàng không quốc gia thuê lại và đưa vào sử dụng, bản thân công ty VALC không thực hiện các chuyến bay.

Năm 2007, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV cùng Vietnam Airlines - Tổng công ty Hàng không Việt Nam quyết định lập nên công ty cho thuê máy bay tại Việt Nam mang tên VALC.

Tại thời điểm thành lập, đại diện cổ đông sáng lập, ông Trần Bắc Hà - nguyên Giám đốc điều hành BIDV cho biết, ý tưởng thành lập công ty cho thuê máy bay đã được BIDV báo cáo Chính phủ vào tháng 4/2007 và được nhanh chóng được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những dự án trọng điểm cần tập trung triển khai. BIDV và Vietnam Airlines cùng các cổ đông khác trong công ty mất gần 6 tháng để hoàn thành công tác chuẩn bị, đến tháng 9/2007, với số vốn điều lệ là 640 tỷ đồng, Chính phủ phê duyệt cho thành lập công ty. 

cong-ty-cho-thue-may-bay-valc-dua-con-tinh-than-cua-bidv-va-vietnam-airlines-hoat-dong-nhu-the-nao-16-nam-qua-1681149793.jpeg

VALC ra đời dựa trên sự góp vốn của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước như Vietnam Airlines (30%); BIDV (20%); PVN (17%); Vinashin (11%); Tổng công ty Phong Phú chiếm 8% và các cổ đông phổ thông còn lại chiếm 14%. Trong đó, Vietnam Airlines cũng là khách hàng lớn nhất của VALC khi mà hãng này chiếm thị trường hàng không nội địa lớn nhất.

Tính đến tháng 12/2016, vốn cổ phần của VALC là 1.318,7 tỷ đồng. Mặc dù dự án thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị chậm lại trong năm 2017 nhưng cơ cấu cổ đông của VALC có sự biến động mạnh khi các cổ đông sáng lập của BIDV chuyển dần sang các ngân hàng và công ty khác.

Tính đến tháng 9/2017, tỷ lệ sở hữu cổ đông sáng lập của VALC bao gồm: Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVComBank) sở hữu 12,37%; BIDV (27,6%); Hàng không Việt Nam (32,05%). Tổng công ty Phong Phú và Vinashin đều chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nắm giữ cho VALC. Đến tháng 1/2018, tỷ lệ sở hữu của BIDV giảm xuống 18,52%. VALC bắt đầu với sự tham gia của một tập đoàn kinh tế tư nhân. Hiện nhóm cổ đông liên kết này đang nắm giữ tổng cộng 34,56% vốn công ty.

Năm 2014, VALC công bố doanh thu đạt hơn 76,8 triệu USD, lợi nhuận sau thuế đạt 19,78 triệu USD. Năm 2015, VALC đạt lợi nhuận ròng 19,5 triệu USD, giảm gần 300.000 USD so với thực hiện năm 2014. Năm 2016, VALC báo cáo tổng doanh thu đạt 82,7 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt 25,9 triệu USD. Tuy nhiên, tổng doanh thu của VALC cuối năm 2017 chỉ đạt gần 60% so với kế hoạch đề ra đầu năm, đạt 85,5 triệu USD, nguyên nhân chủ yếu là do máy bay thanh lý chậm hơn so với kế hoạch.

Nhờ kiểm soát chặt chẽ chi phí quản trị doanh nghiệp và biến động tỷ giá hối đoái thấp hơn dự kiến, lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch 16% đạt 26,6 triệu USD. VALC thông báo đã cho được 2 công ty là Vietnam Airlines (3 chiếc) và Vietjet (8 chiếc) tham gia nghiệp vụ bán và thuê lại nhưng đa số lại gặp thất bại vì tỷ lệ bỏ thầu cao và không mấy cạnh tranh với các bên cho thuê xa lạ.

Năm 2018, VALC đặt ra chỉ tiêu doanh thu phải đạt 91,7 triệu USD, tăng 7% so với năm trước nhờ doanh thu liên quan đến thanh lý máy bay. Trong đó gần 15 triệu USD là tiền bồi thường thiệt hại của Vietnam Airlines liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Chiếc máy bay ATR 72-500 mang số hiệu sản xuất 925 (MSN 925) thuộc sở hữu của VALC đã được Bộ Tư pháp Hà Nội - Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, thực hiện bán đấu giá với giá khởi điểm là 136,6 tỷ đồng. Cùng với đó là 2 chiếc ATR 72-500 giá khởi điểm 189 tỷ đồng, cho đến nay VALC vẫn chưa bán được sau 8 lần đấu giá.

Hiện nay, VALC đang là công ty duy nhất cho thuê máy bay tại Việt Nam, ngoài việc cho thuê công ty này còn thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, cung cấp những sản phẩm phụ tùng chuyên dụng cho máy bay.