bay-gioi-han-trong-giai-quyet-van-de-1703378737.jpeg
 

Mình hay gặp trường hợp vầy: Khi hỏi các bạn trẻ tại sao em lại đưa ra giải pháp như vậy, bạn trả lời dạ tại em thấy mình đang có giới hạn chỗ này…. Ví dụ phần mềm của mình không auto ghi nhận được dữ liệu, phải đánh tay vô dễ bị sai nên em cho đánh đồng tỷ lệ xa cạ là 1 con số thôi cho dễ kiểm soát. Ví dụ em thấy nhân sự mình không đủ nên thôi không nên tăng doanh thu vì không đủ người phục vụ. Cách suy nghĩ giải pháp dựa trên giới hạn hiện có này là cách suy nghĩ dễ hiểu, thường tình, A suy ra B một cách tuyến tính mà không hề nghĩ đến mục tiêu mình muốn đạt được. 

Nếu mục tiêu của bạn là hạch toán đúng nhằm đảm bảo lợi nhuận, có lẽ điều bạn cần làm là xem lại phần mềm của mình tại sao không ghi nhận dữ liệu auto được mà phải nhập tay mỗi lần, và nếu vậy thì có cần thay đổ phần mềm đang sử dụng hay không. Nếu mục tiêu của bạn là tăng doanh thu cho business là chuyện mà ai cũng muốn thì có lẽ giải pháp là mình nên điều phối sao cho đủ nhân sự phục vụ khi có nhiều đơn hàng hơn. Giải quyết vấn đề xử lý nhiều đơn hàng có lẽ nó vui hơn việc giữ doanh thu thấp cho nó phù hợp với số lượng nhân sự hiện tại. 

Hai ví dụ trên cho thấy, nếu chúng ta không nghĩ từ góc nhìn mục tiêu cần đạt được, ai cũng rất dễ bị rơi vào cái bẫy giới hạn. Vì tôi giới hạn nên tôi thiết kế giải pháp dựa trên sự giới hạn đó. Nhưng đó là cách nghĩ của người thiếu tư duy hướng về kết quả. Nếu lấy kết quả làm đích đến, bạn sẽ nghĩ vượt ra khỏi giới hạn hiện có, đặt ngược lại vấn đề và tìm ra một vấn đề rất khác để giải quyết. Vấn đề khác dẫn đến giải pháp khác. Logic rất đơn giản là như thế. Người giỏi, người xuất sắc là như vậy. Họ không bao giờ cho phép cái gọi là “giới hạn” hiện có theo góc nhìn của bản thân trở thành rào cản để đạt được mục tiêu. Vì vậy, khi tư duy để giải quyết vấn đề, ta cần tránh cái bẫy giới hạn này bằng cách tự mình hỏi mình những câu hỏi sau:

  • Vấn đề tôi đang đối diện có phải là giới hạn để tôi đạt được mục tiêu?

  • Nếu có, mục tiêu thật sự của tôi là gì?

  • Để đạt được mục tiêu đó tôi cần làm gì?

  • Đâu là những rào cản khiến tôi không làm được điều tôi cần làm để đạt được mục tiêu?

  • Đâu là giải pháp cho từng rào cản?

Khi bạn lật lại vấn đề từ gốc, từ nền tảng, nghĩa là từ mục tiêu bạn muốn đạt được để tư duy, rào cản sẽ hiện ra rất khác, vấn đề sẽ được nhận diện rất khác. Vấn đề khác thì giải pháp cũng hoàn toàn khác, không giống gì với vấn đề bạn nghĩ mình đang đối diện và giải pháp tương ứng mà bạn vừa mới nghĩ ra. Tuy nhiên, thói quen này không đến một cách tự nhiên. Ai cũng phải học cách nhận diện vấn đề khác đi từ góc nhìn mục tiêu và kết quả. Để có được thói quen lật vấn đề này, trước hết bạn cần phải nhận ra có một thứ gọi là cái bẫy giới hạn trong giải quyết vấn đề. Sau đó, bạn cần tập thói quen đặt câu hỏi như trên để kiểm tra lại cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề của mình để tránh bẫy giới hạn. Bạn càng rèn luyện cách tư duy này như một thói quen, bạn sẽ càng nhìn rõ bản chất vấn đề hơn khi đối diện nó sau này. 

Không cần phải là người thông minh, có IQ cao đồ mới làm được chuyện này. Chỉ cần chúng ta nhận thức về bẫy giới hạn và biết cách xử lý cách nó thao túng tư duy là đủ. Nói thì dễ, rèn luyện mới khó. Giờ, bạn nên viết ra những vấn đề bạn đang cần tư duy và giải quyết, rồi thử lật nó như lật bánh tráng xem sao. Lật riết, có khi bạn sẽ trở thành người nướng vấn đề chuyên nghiệp. Vậy, có nghĩa là bạn đang trở thành người giỏi rồi đó, chớ có gì ghê gớm lắm đâu. Vậy ha. Đây là một loại kỹ năng thôi. Ai chịu học và rèn luyện thì sẽ có. 

www.nguyenphivan.com/post/