photo1530022089294-15300220892952000715322-1564541510718927680784-1627699129.png
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL. 

Ông Đoàn Nguyên Đức ("bầu" Đức), Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa gửi tâm thư chia sẻ về các kế hoạch kinh doanh khi vẫn chưa thể tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên do dịch COVID-19.

Trong mảng chăn nuôi, "bầu" Đức dự kiến cuối năm 2021, tập đoàn sẽ hoàn thiện toàn bộ hệ thống chuồng trại để sẵn sàng cho năm 2022 triển khai nuôi 15.000 heo nái sinh sản và 300.000 heo thịt xuất chuồng mỗi năm.

Ở ngành cây ăn trái, HAGL sẽ đầu tư duy trì khoảng 10.000 ha trồng các loại cây gồm chuối và loại cây ăn trái khác. Riêng chuối, tại thời điểm này "bầu" Đức cho hay HAGL đã cơ bản đầu tư trồng hoàn thiện được 5.000 ha tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Dự kiến, năng suất thu hoạch chuối bình quân từ năm 2022 sẽ đạt 50 tấn/ha.

Định hướng của công ty được "bầu" Đức đưa ra là sẽ tập trung hai ngành chủ lực nêu trên, đồng thời cũng duy trì một số ngành nghề phụ trợ khác để tận dụng lợi thế về nguyên vật liệu sản xuất.

Bầu "Đức'' cũng cho biết đến nay việc tái cơ cấu tài chính của HAGL đã cơ bản hoàn thành, theo đó tình hình nợ của tập đoàn đã giảm đáng kể. Hiện, HAGL chỉ còn chủ yếu khoản nợ trái phiếu tại BIDV và HAGL đã có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ sản xuất kinh doanh để hoàn tất trả nợ trái phiếu này trước cuối năm 2025.

Trước đó, HAGL đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 69 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 1.327 tỷ. Đây là quý đầu tiên HAGL có lãi sau 8 quý lỗ liên tiếp. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HAGL lỗ trước thuế hơn 179 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lỗ gần 1.400 tỷ đồng của cùng kỳ 2020.

Trong quý II, các nguồn thu của HAGL đều sụt giảm với doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 16% xuống còn 535 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu trái cây giảm mạnh từ 517 tỷ (quý II/2020) xuống mức 189 tỷ đồng, nguyên nhân do không còn hợp nhất với nhóm HAGL Agrico (HNG). Tập đoàn cũng không còn doanh thu bán mủ cao su do không còn hợp nhất với HNG.

Còn mảng chăn nuôi heo sau 1 năm tuyên bố đầu tư chính thức ghi nhận doanh thu với 190 tỷ đồng, thậm chí cao hơn doanh thu cốt lõi là mảng trái cây. Cùng với đó, doanh thu bán hàng hoá đóng góp 77 tỷ và các dịch vụ khác mang về 78 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn, công ty lãi gộp 181 tỷ đồng

HAGL tránh được tình trạng lỗ trong quý II là nhờ được hoàn nhập chi phí dự phòng 261 tỷ đồng tại cấu phần chi phí quản lý doanh nghiệp thay vì phải trích lập hơn 1.243 tỷ đồng như cùng kỳ năm trước.

Tại cuối tháng 6, tổng tài sản của tập đoàn này giảm phân nửa so với đầu năm về 18.150 tỷ đồng. Mức giảm này chủ yếu xảy ra trong quý I khi công ty không còn hợp nhất báo cáo tài chính với HAGL Agrico kể từ ngày 8/1 và tiếp tục giảm 266 tỷ trong quý II.

Cơ cấu tài sản phân bổ chủ yếu ở khoản mục phải thu về ngắn hạn 5.332 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn 3.356 tỷ đồng, tài sản cố định hơn 2.900 tỷ đồng và đầu tư tài chính 1.779 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn cũng có thay đổi tương ứng khi tổng nợ phải trả hiện còn 13.000 tỷ đồng, tức giảm hơn 14.260 tỷ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vay ngân hàng và vay trái phiếu gần 8.280 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 9.800 tỷ so với đầu năm. 

Đễn cuối tháng 6, dư nợ trái phiếu của HAGL là hơn 6.481 tỷ đồng với 6.114 tỷ nợ dài hạn. Riêng nợ trái phiếu của BIDV là 5.876 tỷ đồng được phát hành ngày 31/3/2017 và đáo hạn vào ngày cuối của năm 2026.

Theo thuyết minh trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020, khoản nợ vay với BIDV này nhằm bổ sung vốn cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ vay.

Lãi suất của khoản vay này bằng trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kì hạn 12 tháng bằng VND của 4 ngân hàng (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cộng với biên độ 3%. HAGL cho biết lãi suất của khoản vay này năm 2020 rơi vào khoảng 9,5 - 9,8%.

Tài sản đảm bảo cho số trái phiếu của BIDV gồm các quyền thuê đất tại Campuchia, Lào và gần 45 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu của "bầu" Đức.