Sự việc chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán chui hơn 10% số cổ phiếu của mình là một sự việc nghiêm trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến những nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu FLC, mà còn làm méo mó thị trường. Nếu có nhiều chủ tịch doanh nghiệp niêm yết làm như ông Quyết thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bị méo mó, và khó mà phát triển bền vững.
Dưới đây là những lỗi mà ông Trịnh Văn Quyết đã phạm phải trong phi vụ bán chui lượng lớn cổ phiếu FLC.
** Ông Quyết phạm lỗi “Không công bố” thông tin.
Là chủ tịch công ty, là cổ đông lớn nằm giữ đến 30% cổ phiếu của công ty, khi muốn bán cổ phiếu, thì theo khoản 1, Điều 33, Thông tư 96/2020/TT-BTC, ông Quyết cần phải công bố thông tin trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 03 ngày làm việc về việc dự kiến giao dịch theo mẫu quy định…cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán.
Quy định này nhằm minh bạch thông tin, bảo vệ các cổ đông khác, đặc biệt là cổ đông công chúng, cổ đông nhỏ lẻ. “Người nội bộ”, như Chủ tịch Quyết, cần phải công bố thông tin rõ ràng để cổ đông nhận định tình hình. Nếu “người nội bộ” bán cổ phiếu vì lý do cá nhân, giá trị doanh nghiệp vẫn tốt thì họ yên tâm nắm giữ, mua thếm. Nếu “người nội bộ” bán cố phiếu để tối đa hóa lợi nhuận, để thoát hàng thì họ có thể cũng thoát hàng theo.
“Người nội bộ” bán số lượng nhiều cổ phiếu, hơn 10% số cổ phiếu lưu hành của công ty, mà âm thầm, thì không khác gì “đánh úp” cổ đông, nhà đầu tư nhỏ lẻ.
** Ông Quyết có thể phạm lỗi “thao túng giá chứng khoán”
Xem xét quá trình lên giá của FLC, và thời gian bán cổ phiếu của ông Quyết, theo tôi, ông Trịnh Văn Quyết có thể vi phạm vào hành vi “thao túng giá chứng khoán” theo khoản 3 Điều 12 Luật chứng khoán năm 2019. Luật này quy định hành vi thao túng giá chứng khoán là một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, cụ thể như sau: “Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.”
Tôi nói “có thể” vì điều này chỉ mới là “dự đoán” và nghi án, cần được kết luận bởi cơ quan chức năng.
** Ông Quyết phạm lỗi bỏ vị trí thuyền trưởng của doanh nghiệp.
Vai trò của Chủ tịch Hội đồng Quản trị, thường là sáng lập doanh nghiệp, người nắm giữ số cổ phiếu lớn của doanh nghiệp là rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Có thể nói họ là linh hồn của doanh nghiệp. Cổ đông ra quyết định đầu tư vì tin vào giá trị của doanh nghiệp, tin vào sự “lái thuyền” của Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Thỉnh thoảng vẫn có những trường hợp, người chủ doanh nghiệp/ Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định ngừng lái con thuyền của mình. Khi đó họ sẽ thương thảo để nhường quyền sở hữu cho cá nhân/tổ chức khác để tiếp tục lái thuyền, tiếp tục tạo giá trị cho cổ đông, tiếp tục phục vụ khách hàng. Tức là họ chọn thuyền trường mới, và có quá trình chuyển giao để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, khách hàng, và nhân viên.
Ông Quyết đã không chọn và bàn giao cho thuyền trưởng mới. Bùm một cái, ông Quyết bán ra phần lớn cổ phần thuộc quyền sở hữu của mình cho công chúng. Nghĩa là ông giao lại cho công chúng, nghĩa vụ lái thuyền/ quản trị một doanh nghiệp đang rất khó khăn (ROE – tỷ suất lợi nhuận quá thấp, mức hơn lãi suất ngân hàng), giá cổ phiếu đang quá cao so với giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Ông Quyết làm như vậy, chẳng khác gì ông đem con bỏ chợ. Chẳng khác gì ông công bố với thị trường, tôi thoát trước, các bạn nhanh chóng thoát sau nhé! Giá FLC sẽ còn chìm sâu trong 1 thời gian nữa.
** Đối với sự việc nghiêm trọng này, Bộ Tài Chính/ Ủy Ban Chứng Khoán đã có biện pháp chưa có tiền lệ, đó là ra quyết định huỷ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết và sẽ ban hành ban hành quyết định xử phạt hành chính theo đúng quy định, đúng thẩm quyền, nhằm đảm bảo sự minh bạch và lành mạnh của thị trường.
Thông qua đó, chúng ta có thể thấy luật Việt Nam vẫn chưa đầy đủ các điều khoản, quy định để xử lý các tình huống có thể xảy ra trên thị trường. Theo tôi, Ủy Ban Chứng Khoán có thể xem xét đóng băng Tài khoán, hoặc tất cả cổ phiếu của những “người nội bộ”. Khi nào họ công bố thông tin, thì Úy Ban Chứng Khoán/ Sở Chứng khoán mở/ unlock tài khoản, số cổ phiếu liên quan để họ giao dịch theo đúng thông tin đã công bố.
Ngoài ra Ủy Ban Chứng Khoán nên có luật chặt chẽ nhằm ngăn chặn những chủ doanh nghiệp/ Chủ tịch HĐQT “lướt sóng” trên chính cố phiếu của mình. Có như vậy thì mới góp phần minh bạch, lành mạnh thị trường Chứng khoán Việt Nam.