(Tôi lược dịch, lựa chọn các ý thấy quan trọng sắp xếp chủ quan theo chủ đề do tôi đặt. Hay phết!).

1. SỨ MỆNH CỦA NGOẠI GIAO MỸ

Sứ mệnh của chính sách đối ngoại Mỹ đã bị lãng quên. Sứ mệnh của chính sách đối ngoại Mỹ phải là thúc đẩy lợi ích quốc gia của Mỹ.

…..

Cách thế giới vẫn luôn vận hành là người Trung Quốc sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Trung Quốc, người Nga sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Nga, người Chile sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Chile, và người Mỹ cần phải làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Mỹ.

Nơi nào lợi ích của chúng ta phù hợp, đó là nơi ta có quan hệ đối tác và liên minh; nơi nào sự khác biệt của chúng ta không phù hợp, việc ngoại giao cần phải làm là ngăn chặn xung đột trong khi vẫn thúc đẩy lợi ích quốc gia của chúng ta và hiểu rằng nước khác sẽ thúc đẩy lợi ích của họ. Và điều đó đã bị lãng quên.

Điều đó đã bị lãng quên vào cuối Chiến tranh Lạnh, khi chúng ta trở thành cường quốc duy nhất trên thế giới, chúng ta đã đảm nhận trách nhiệm này và trở thành chính quyền toàn cầu trong nhiều trường hợp, cố gắng giải quyết mọi vấn đề. Và nhiều điều khủng khiếp đã xảy ra trên thế giới. Sau đó xảy ra những điều kinh khủng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia của chúng ta, nên chúng ta lại phải xét ưu tiên (xử lý) những vấn đề ấy một lần nữa.

maxresdefault-1738746262.jpg
 

2. THẾ GIỚI LUÔN ĐA CỰC

Không bình thường khi thế giới chỉ đơn giản có một cường quốc đơn cực. Điều đó không ổn - đó là một sự bất thường. Đó là sản phẩm của hậu Chiến tranh Lạnh, bởi rồi cuối cùng chúng ta cũng sẽ quay trở lại điểm thế giới đa cực, với nhiều cường quốc ở các khu vực khác nhau trên hành tinh. Chúng ta hiện phải đối mặt với điều đó với Trung Quốc và ở một mức độ nào đó là Nga, và sau đó là các quốc gia bất hảo như Iran và Bắc Triều Tiên mà chúng ta phải đối phó.

3. TRÁNH XUNG ĐỘT VŨ TRANG

Chúng ta cần nhớ rằng chính sách đối ngoại phải luôn hướng đến việc thúc đẩy lợi ích quốc gia của Mỹ và làm như vậy, trong phạm vi có thể, phải tránh chiến tranh và xung đột vũ trang, điều mà chúng ta đã thấy hai lần trong thế kỷ qua rất tốn kém.

Năm nay sẽ kỷ niệm 80 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Nếu bạn nhìn vào quy mô và phạm vi của sự tàn phá và mất mát sinh mạng đã xảy ra, sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu chúng ta có một cuộc xung đột toàn cầu bây giờ. Nó có thể chấm dứt sự sống trên hành tinh này. Hiện có nhiều quốc gia có khả năng chấm dứt sự sống trên Trái đất. Vì vậy, chúng ta thực sự cần phải nỗ lực hết sức để tránh xung đột vũ trang càng nhiều càng tốt, nhưng không bao giờ đánh đổi lợi ích quốc gia của chúng ta. Đó là sự cân bằng khó khăn.

4. CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG

Quay trở lại với điều đó, bây giờ ta đã có một khuôn khổ để mà phân tích không chỉ ngoại giao mà còn cả viện trợ nước ngoài, chúng ta sẽ đứng chung đội hình với ai và sự trở lại của chủ nghĩa thực dụng. Đó không phải là sự từ bỏ các nguyên tắc của chúng ta. Tôi không phải là người hâm mộ hay người ủng hộ cuồng nhiệt một số kẻ vi phạm nhân quyền kinh hoàng ở đâu đó trên thế giới. Tương tự vậy, ngoại giao và chính sách đối ngoại luôn đòi hỏi chúng ta phải làm việc vì lợi ích quốc gia, đôi khi hợp tác với những người mà chúng ta không muốn mời ăn tối cùng hoặc những người mà chúng ta không hề muốn để họ lãnh đạo. Đó là sự cân bằng, nhưng đó là loại cân bằng thực dụng và chín chắn mà chúng ta phải có trong chính sách đối ngoại.

(Comment: Các cường quốc khu vực đang cạnh tranh lợi ích với các cường quốc toàn cầu! Xu thế này khá rõ.)

5. ĐỐI THỦ ĐANG MẠNH LÊN

HỎI: Jake Sullivan, cựu cố vấn an ninh quốc gia thời Joe Biden nói: “Các đồng minh của chúng ta [hiện] mạnh hơn” khi họ rời nhiệm sở. “Các đối thủ cạnh tranh của chúng ta [hiện] yếu hơn… Nga yếu hơn, Iran yếu hơn, Trung Quốc yếu hơn, trong khi đó chúng ta đã giữ cho nước Mỹ tránh xa các cuộc chiến tranh.” Ông bình luận thế nào về điều đó?

RUBIO:

Nếu nhìn khắp thế giới, tôi cho rằng trong nhiều trường hợp, đối thủ của chúng ta mạnh hơn bao giờ hết và đã trở nên mạnh hơn trong bốn năm qua. Chắc chắn Nga không coi mình yếu hơn so với bốn năm trước. Hiện họ kiểm soát lãnh thổ mà họ không có khi Donald Trump rời nhiệm sở.

Nếu nhìn vào Trung Đông, chúng ta thấy sự bùng nổ một cuộc chiến tranh có thể vô cùng tốn kém và gây chia rẽ. Nó bắt đầu vào ngày 7 tháng 10 khi những kẻ man rợ [ý nói Hamas] tràn qua [biên giới Israel] và thực hiện những hành động tàn bạo.

Chúng ta cũng chứng kiến một cuộc chiến tranh ở châu Âu, ở Ucraina, như tôi đã đề cập trước đó.

Tôi nghĩ rằng thật ra một trong những chốt đã kích hoạt tất cả những điều đó chính là cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan. Điều đó đã gửi một tín hiệu rất rõ ràng đến một người như Vladimir Putin rằng nước Mỹ thực sự đang suy yếu hoặc mất tập trung, có thể hành động - và ông ta đã hành động.

Tôi nghĩ bạn thấy điều đó ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi mà mỗi ngày - không chỉ Đài Loan mà cả Philippines - đang bị Trung Quốc thách thức mạnh mẽ về mặt quân sự, và sự thách thức ấy đang lan rộng khắp thế giới.

Vì vậy, tôi không đồng ý với đánh giá đó.

6. COLUMBIA

Cuối tuần này chúng ta đã xử lý một bất đồng không phải với đất nước Colombia, mà là với ông tổng thống của Colombia. Ông ta đã định không cho tiếp nhận các chuyến bay mà ông ta đã đồng ý [tiếp nhận] vào lúc 4 giờ sáng. Chúng tôi có văn bản trong tay. Họ đã đồng ý. Đó là những công dân Colombia đang ở Mỹ bất hợp pháp và họ phải để công dân của mình trở về và họ đã đồng ý. Vào lúc 4:30 sáng, chả hiểu vì lý do gì, chắc do còn ngái ngủ hoặc là buồn ngủ quá, đã quyết định vào X và viết rằng ông ấy đã ra lệnh cho máy bay quay trở lại - khi một chiếc máy bay đã đi được nửa đường và chiếc còn lại vừa cất cánh.

Trong một chính quyền truyền thống, sẽ mất khoảng 2-2,5 năm để xử lý vấn đề. Với TT Trump là vài giờ.

HỎI: Tờ New York Times nói rằng các anh đã thành công với Colombia, nhưng các anh sẽ không thể làm trò đó với Nga, với Trung Quốc, với Iran. Nếu các anh cố gắng bắt nạt những quốc gia mạnh hơn theo cách này, mọi chuyện sẽ không ổn. Đó có phải là một quan điểm hợp lý không?

RUBIO: Chúng tôi không bắt nạt bất kỳ ai và chúng tôi không bắt nạt Colombia. Chúng tôi đã có một thỏa thuận. Colombia đã ký thỏa thuận. Họ đã ký một tờ giấy ghi rằng: đồng ý, hãy gửi những chiếc máy bay này, và sau đó giữa chừng chuyến bay, họ phá vỡ nó. Và vì vậy, câu trả lời của chúng tôi là: bây giờ chúng tôi đã cho những chiếc máy bay này cất cánh, nay chúng tôi phải đưa chúng trở lại Mỹ. Tại sao chúng tôi phải trả tiền cho những chuyến bay đó vì các anh đã hủy chúng? Đó không phải là bắt nạt. Đó là họ phá vỡ hợp đồng chúng tôi đã ký với họ.

Tôi nghĩ cách tiếp cận một quốc gia phải dựa trên sự cân bằng chiến lược. Tôi không cho rằng chúng ta bắt nạt Colombia, tôi cũng cho rằng những bài báo lập luận kiểu: oh, họ sẽ chuyển hướng sang Trung Quốc – thật ngớ ngẩn. Đó là một lập luận ngớ ngẩn.

(PS. Quan điểm cân bằng chiến lược của Kissinger được nhắc lại).

7. TRUNG QUỐC

Nhận thức của Trung Quốc về thế giới là họ chắc chắn sẽ trở thành cường quốc lớn nhất thế giới vào năm 2035, 2050. Bất kể họ định ngày nào trong đầu, họ tin rằng họ đang trên đà trỗi dậy không thể đảo ngược và chúng ta đang trong giai đoạn suy tàn không thể tránh khỏi. Rằng phương Tây nói chung, cụ thể là Mỹ, là một cường quốc cũ kỹ, mệt mỏi, kiệt sức, đang trong đà suy tàn không thể tránh khỏi. Và họ tin rằng chính sách đối ngoại là nhằm quản lý sự suy tàn của chúng ta và sự trỗi dậy của họ, và họ không muốn bất cứ điều gì làm gián đoạn nó. Đó là cách họ nhìn nhận phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng.

Trung Quốc có vũ khí hạt nhân. Họ rất rắn. Không nghi ngờ gì nữa. Họ là những người cứng rắn, họ có vũ khí hạt nhân, họ là một cường quốc với nền kinh tế lớn – họ sẽ trở thành một cường quốc toàn cầu. Nhưng điều đó không thể xảy ra với chi phí do chúng ta trả.

Trung Quốc muốn trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và họ muốn làm như vậy bằng kinh phí của chúng ta. Điều đó không nằm trong lợi ích quốc gia của chúng ta. Nên chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề đó. Chúng ta không muốn chiến tranh vì điều ấy, nhưng chúng ta sẽ giải quyết vấn đề đó.

HỎI: Trung Quốc… điều mà ông đã liên tục nói đến trong một thời gian và cảnh báo rằng mọi người có thể không nhận ra mối đe dọa nghiêm trọng đến mức nào. Và ông đã nói rằng nếu Trung Quốc có được những gì họ muốn, trong khoảng 10 năm nữa, cuộc sống có thể sẽ rất khác. Kiểu như nó có thể rất kịch tính…

RUBIO: Có thể thậm chí còn nhanh hơn

HỎI: Đối với chúng ta, đối với nước Mỹ.

RUBIO: Chúng ta yêu công nghệ của mình và chúng ta cần nó cho sự tiến bộ. Tất cả những điều đó phụ thuộc vào các khoáng sản quan trọng - nhôm, cobalt. Họ đi khắp thế giới để mua quyền khai thác và họ không chỉ kiểm soát việc khai thác mà còn cả việc tinh chế và sản xuất, và cả việc sử dụng nó cho mục đích công nghiệp. Trong thời kỳ COVID, mọi người đều hoảng loạn vì không thể mua được khẩu trang do tất cả đều được sản xuất tại Trung Quốc. Chúng ta đã mất và từ bỏ năng lực công nghiệp của mình. Điều này thậm chí còn nghiêm trọng hơn: đó là đất hiếm, nguyên liệu thô cần thiết cho một số thứ tạo nên công nghệ tiên tiến nhất của chúng ta trong lĩnh vực quốc phòng, trong y học. Hơn 80% thành phần hoạt tính trong dược phẩm gốc tại Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc. Chúng ta không thể sản xuất chúng.

Vì vậy, nếu họ quyết định cắt đứt chúng ta khỏi những thứ này, chúng ta sẽ gặp rất nhiều rắc rối vì chúng ta đã từ bỏ năng lực công nghiệp của mình đối với những thứ đó. Điều đó không thể tiếp tục. Đó là một điểm yếu mà chúng ta phải đối mặt. Và họ sẽ sử dụng nó làm đòn bẩy. Trên thực tế, họ đã sử dụng nó làm đòn bẩy. Lần đầu tiên, họ thực sự áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các khoáng sản quan trọng để gây tổn hại đến an ninh quốc gia của chúng ta, và cuối cùng là cả năng lực công nghệ của chúng ta nữa.

Vì vậy, nó có nhiều chủ đề, nhưng cuối cùng nếu Trung Quốc kiểm soát phương tiện sản xuất cho cả nguyên liệu thô và công nghiệp, thì họ có toàn quyền kiểm soát chúng ta về mặt kinh tế. Và đó là thế giới mà chúng ta đang hướng tới. Và tôi đã sai: có thể không phải trong 10 năm, có thể là trong 5 năm.

Trong trường hợp Trung Quốc, có hai điều. Tôi mới mô tả một điều, đó là mối đe dọa nghiêm trọng mà họ gây ra cho lợi ích quốc gia của chúng ta. Điểu còn lại là nhận thức nghiêm túc rằng dù bất kể điều gì xảy ra, Trung Quốc vẫn sẽ là một quốc gia giàu có và hùng mạnh. Chúng ta sẽ phải đối mặt với họ. Trên thực tế, tôi đã nói điều này trong cuộc điện đàm với bộ trưởng ngoại giao của họ, và tôi đã nói điều này trước công chúng: tương lai, lịch sử của thế kỷ 21 phần lớn sẽ xoay quanh những gì diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, việc chúng ta giả vờ rằng bằng cách nào đó chúng ta sẽ không cần kết giao với họ là điều vô lý.

Bây giờ, chúng ta nên kết giao với họ vì lợi ích quốc gia của mình. Nhưng kết giao và nhượng bộ là hai điều khác nhau. Điều kinh hoàng là trong 25 hoặc 30 năm, chúng ta đã đối xử với Trung Quốc như một quốc gia đang phát triển và chúng ta cho phép họ tiếp tục làm những điều bất công. Chúng ta đã nói: cứ tiếp tục, hãy để họ gian lận trong thương mại, hãy để họ đánh cắp công nghệ của chúng ta, bởi vì khi họ giàu có, họ sẽ trở nên giống hệt chúng ta. Họ trở nên giàu có, nhưng họ không trở nên giống chúng ta, và giờ họ muốn tiếp tục hưởng những lợi ích bất công này. Điều đó phải chấm dứt.

HỎI: Và họ đã xây dựng quân đội của mình.

RUBIO: Quân đội của họ, năng lực công nghiệp của họ, trên toàn thế giới, họ kiểm soát các khoáng sản quan trọng. Một lần nữa, tôi quay lại với họ vì mọi người không nghĩ về điều đó.

HỎI: Mua đất ở Mỹ.

RUBIO: Mua đất nông nghiệp ở Mỹ vì họ cần sản xuất lương thực, và họ muốn có thể kiểm soát điều đó. Họ làm như vậy vì lợi ích quốc gia của họ. Họ đang làm, thành thật mà nói, là những gì tôi sẽ làm - uhm… có thể không gồm việc vi phạm nhân quyền, nhưng họ đang làm những gì bất kỳ ai cũng sẽ làm, nếu là nhà lãnh đạo của Trung Quốc. Họ đang hành động vì lợi ích tốt nhất của Trung Quốc. Điều còn thiếu là các chính sách của Mỹ hành động vì lợi ích tốt nhất của chúng ta. Và điều đó cần phải quay trở lại.

* VỤ ĐIỆN ĐÀM VỚI VƯƠNG NGHỊ

Cuộc gọi rất thẳng thắn, và về cơ bản tôi nói rằng: các ông đang hành động vì lợi ích tốt nhất của Trung Quốc, chúng tôi sẽ hành động vì lợi ích tốt nhất của Mỹ. Chúng ta là hai cường quốc. Và trong những lĩnh vực mà chúng ta có thể hợp tác, có lẽ không có vấn đề nào của thế giới mà chúng ta không thể giải quyết; trong những lĩnh vực mà chúng ta có bất đồng, chúng ta có trách nhiệm phải giám sát để nó không leo thang thành thảm họa. Và hãy nói rõ rằng chúng ta sẽ làm những điều này.

Tôi không nghe thấy – ít nhất là người phiên dịch trong cuộc gọi không nói với tôi bất cứ điều gì mà tôi cảm thấy là quá đáng. Nhưng sau đó họ [Trung Quốc] chơi chiêu trò. Họ đưa ra những phiên bản dịch khác nhau, trong đó nói một điều bằng tiếng Anh và sau đó được dịch sang tiếng Trung thành điều khác – họ sử dụng một thuật ngữ khác trong tiếng Quan Thoại – vì vậy nghe giống như anh ta [Rubio] đã nhận lời cảnh báo là không được vượt quá giới hạn của mình – họ không bao giờ nói như vậy. Và nếu họ có nói như vậy, tôi cũng sẽ nói với họ tương tự – đừng vượt quá giới hạn. Và điều đó đã không xảy ra, ít nhất là không phải trong cuộc gọi, hoặc ít nhất có thể là người phiên dịch của họ không muốn diễn giải theo cách đó.

(Comment: Truyền thông Trung Quốc, dẫn nội dung cuộc điện đàm, trích lời Vương Nghị nói với Rubio như sau:

“Vương Nghị cho biết một nước lớn phải hành động như một nước lớn, gánh vác trách nhiệm quốc tế của mình, bảo vệ hòa bình thế giới và giúp tất cả các nước đạt được sự phát triển chung. Tôi hy vọng các ngài sẽ chăm sóc bản thân thật tốt và đóng vai trò xây dựng cho tương lai của nhân dân Trung Quốc và Mỹ cũng như cho hòa bình và ổn định thế giới - Google Translate. Và nguyên văn tiếng Hoa cho người biết đọc:

王毅表示,大国要有大国的样子,应当承担应尽国际责任,应当维护世界和平,应当帮助各国实现共同发展。希望你好自为之,为中美两国人民的未来,为世界的和平与稳定发挥建设性作用”

và tự sướng rằng Trung Quốc đang nói chuyện với Mỹ từ vị thế đàn anh, dạy bảo và như một lời cảnh báo).

8. PANAMA

Vài năm trước, Panama đã quyết định không công nhận Đài Loan và bắt tay với Bắc Kinh. Cùng với đó là hàng đống tiền được đổ vào chính quyền tổng thống lúc bấy giờ cho các dự án đầu tư của Trung Quốc. Và một trong những khoản đầu tư chính của họ là vào hai cơ sở cảng nằm hai đầu, hai bên kênh đào [Panama]. Và các loại cơ sở hạ tầng khác.

Mọi người có thể phản bác: đó không phải là Trung Quốc, đó là những công ty có trụ sở tại Hồng Kông. Vâng, mỗi công ty có trụ sở tại Hồng Kông là của Chính phủ Trung Quốc. Mọi công ty hoạt động từ Trung Quốc hoặc Hồng Kông, đều do Trung Quốc kiểm soát, họ không tự chủ – họ phải làm bất cứ điều gì chính phủ bảo họ làm. Và nếu chính phủ Trung Quốc, khi xảy ra xung đột, yêu cầu họ đóng Kênh đào Panama, họ sẽ phải làm như vậy. Và trên thực tế, tôi không nghi ngờ gì rằng họ có kế hoạch để làm vậy. Đó là một mối đe dọa trực tiếp rồi.

Đó là vấn đề kỹ thuật, nhưng trên thực tế nếu Trung Quốc muốn cản trở giao thông ở Kênh đào Panama, họ có thể làm được. Đó là sự thật. Và theo quan điểm của tôi, đó là hành vi vi phạm hiệp ước thỏa thuận, đó là điều mà TT Trump đang nêu ra, và chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề đó. Diễn biến đó không thể tiếp tục - không chỉ vì chúng ta đã xây dựng nó với cái giá rất đắt về sinh mạng và của cải, mà còn vì nó trái ngược với lợi ích quốc gia của chúng ta. Nó không nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ khi một kênh đào mà chúng ta đã trả tiền và xây dựng lại được sử dụng như một đòn bẩy và vũ khí chống lại chúng ta. Không thể để điều đó xảy ra.

Tổng thống đã nói rõ ràng rằng ông muốn quản lý kênh đào một lần nữa. Rõ ràng là người Panama không thích ý tưởng đó. Nhưng với chúng tôi - thông điệp đó đã được truyền tải rất rõ ràng. Và có rất nhiều lĩnh vực khác mà chúng tôi có thể làm việc rất chặt chẽ với Panama... Nhưng điều đó không thay thế được thực tế cốt lõi rằng chúng ta không thể cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào – đặc biệt là Trung Quốc – nắm giữ quyền kiểm soát tiềm tàng với Kênh đào Panama như họ đang làm. Điều đó không thể tiếp tục.

Bởi vì – và nếu có xung đột và Trung Quốc bảo họ, hãy làm mọi cách có thể để cản trở kênh đào để Mỹ không thể tham gia vào thương mại và giao thương, do đó quân đội và hạm đội hải quân Hoa Kỳ không thể đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đủ nhanh, họ sẽ phải làm điều đó. Họ sẽ phải làm điều đó, và họ sẽ làm điều đó. Đó là vấn đề số một.

Thứ hai, chúng ta phải nói về thực tế là chúng ta đã xây dựng kênh này. Chúng ta đã trả tiền. Hàng ngàn người đã chết khi xây dựng nó – người Mỹ. Và bằng cách nào đó, các tàu hải quân của chúng ta đi qua đó, và tàu của Mỹ đi qua đó, phải trả thuế một số trường hợp cao hơn các quốc gia khác đang trả – ví dụ, một tàu từ Trung Quốc. Điều đó cũng không thể chấp nhận được. Đó là một thỏa thuận được đàm phán tồi tệ, nó không bao giờ nên được phép triển khai. Họ sẽ nói với bạn rằng nó được thiết lập bởi một đơn vị hành chính độc lập chứ không phải chính phủ; đó là vấn đề nội bộ của họ. Họ sẽ phải tìm ra điều đó. Nhưng chúng ta không nên ở trong tình thế phải trả nhiều hơn các quốc gia khác. Trên thực tế, chúng ta nên được giảm giá hoặc có thể là miễn phí, vì chúng ta đã trả tiền cho thứ đó rồi.

HỎI: Cũng như ông đã đề cập đến Colombia, liệu có nguy cơ nếu chúng ta chơi quá cứng rắn thì sẽ đẩy họ vào vòng tay của Trung Quốc không?

RUBIO: Vâng, tôi cho rằng kênh đào đã nằm trong tay người Trung Quốc. Và chúng ta không thể hành động theo cách đó. Giống như nói rằng, chúng ta không thể bảo vệ lợi ích quốc gia của mình vì làm thế các quốc gia khác sẽ quay sang Trung Quốc chống lại chúng ta. Ý tôi là, chúng ta sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Nó sẽ chống lại lợi ích quốc gia của chúng ta.

Lợi ích cốt lõi của quốc gia [Mỹ] đang bị đe dọa, họ nên hiểu điều đó, và tôi nghĩ rằng họ sẽ hiểu điều đó, và nó cần phải được giải quyết. Và chúng ta sẽ làm điều đó; chúng ta sẽ làm điều đó trong diễn đàn phù hợp. Chúng ta sẽ làm nó một cách thích hợp. Chúng ta không ở đây để làm bẽ mặt bất kỳ ai hoặc gây ra sự căng thẳng nội bộ hoặc vấn đề cho họ. Nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn nếu ngược lại, nếu đó là một kênh đào mà người Trung Quốc đã xây dựng , họ sẽ rất mạnh tay về vấn đề này. Vì vậy, chúng ta không thể tiếp tục hoạt động trên thế giới với hai tay bị trói sau lưng.

9. GREENLAND

Bắc Cực có một số tuyến đường huyết mạch vận tải giá trị nhất trên thế giới. Khi băng tan, các tuyến đường này ngày càng dễ đi lại hơn. Chúng ta cần bảo vệ chúng.

[Trung Quốc] không phải là cường quốc Bắc Cực. Vì vậy họ cần có một nơi nào đó để họ có thể tập kết. Và hoàn toàn có thể người Trung Quốc sẽ làm ở Greenland những gì họ đã làm ở Kênh đào Panama và những nơi khác, đó là thiết lập các cơ sở cho phép họ tiếp cận Bắc Cực dưới vỏ bọc của một công ty Trung Quốc nhưng trên thực tế phục vụ cho mục đích kép: trong thời điểm xung đột, họ có thể gửi tàu hải quân đến cơ sở đó và hoạt động từ đó. Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia của thế giới và của Mỹ.

Vậy câu hỏi đặt ra là: Nếu Trung Quốc bắt đầu đe dọa Greenland, chúng ta có thực sự tin rằng đó không phải là nơi mà những ý đồ đó sẽ được thực hiện không? Chúng ta có thực sự tin rằng đó không phải là nơi mà họ sẽ không can thiệp, có thể bằng vũ lực?

HỎI: Ông không nghĩ Đan Mạch có thể ngăn cản họ sao?

RUBIO: Tôi nghĩ quan điểm của Tổng thống là Đan Mạch không thể ngăn cản; họ [Đan Mạch] sẽ dựa vào Mỹ để làm điều ấy. Và vì vậy quan điểm của ông là Mỹ có trách nhiệm cung cấp điều ấy như hiện tại: chúng ta có một thỏa thuận phòng thủ với họ – để bảo vệ Greenland nếu bị tấn công. Nếu chúng ta đã phải chịu trách nhiệm phải làm điều đó, thì chúng ta cũng có quyền kiểm soát nhiều hơn những gì xảy ra ở đó. Tôi biết đây là một chủ đề tế nhị đối với Đan Mạch, nhưng một lần nữa, đây lại là vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ.

HỎI: Đã có một cuộc điện đàm giữa TT Trump và TTg Đan Mạch. Rõ ràng là nó diễn ra không mấy tốt đẹp. Họ không muốn từ bỏ nó. Vậy thì điều đó có nghĩa là gì – điều đó để lại cho chúng ta những lựa chọn nào? Bởi vì Tổng thống Trump không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp kinh tế hoặc quân sự.

RUBIO: Tổng thống Trump đã nói công khai là ông ấy muốn mua nó. Ông ấy muốn trả tiền cho nó. Và cách chúng ta làm việc với thứ gì đó như thế, cách tiếp cận thứ gì đó như thế – có lẽ tốt hơn là nên thảo luận ở những diễn đàn thích hợp, vì rất nhiều việc được thực hiện công khai và không hiệu quả vì nó khiến phía bên kia rơi vào thế khó xử trong nước.

Những cuộc đàm phán kiểu đó sẽ diễn ra, đó không phải là trò đùa.

Đây không phải là về việc mua đất cho mục đích mua đất. Đây là lợi ích quốc gia của chúng ta và cần phải giải quyết. TT Trump đã đưa ra những gì ông ấy định làm, đó là mua nó.

Tôi không biết về cuộc gọi điện thoại đó, nhưng tôi hình dung cuộc gọi điện thoại đã đi theo cách mà rất nhiều cuộc gọi điện thoại kiểu này diễn ra, và ông ấy chỉ nói thẳng thắn. Tôi nghĩ rằng ngoại giao trong nhiều trường hợp sẽ hiệu quả hơn khi bạn thẳng thắn thay vì sử dụng những lời sáo rỗng và ngôn ngữ không có ý nghĩa .

HỎI: Ai có nhiều khả năng trở thành tiểu bang thứ 51? Canada hay Greenland?

RUBIO:(cười) tôi nghĩ rằng chúng ta còn lâu mới đến được thời điểm đó. Tôi nghĩ Tổng thống đã nêu rõ quan điểm của mình về vấn đề này, rằng lợi ích của chúng ta ở Greenland đang gặp nguy hiểm và cần phải giải quyết vấn đề đó, và ông ấy sẵn sàng mua nó.

HỎI: Vậy khi Tổng thống Trump nói rằng ông có thể sử dụng các sức ép về kinh tế hoặc quân sự, điều đó có nghĩa là gì? Cưỡng ép về quân sự là gì?

RUBIO: Tôi không nhớ ông ấy nói đến cưỡng ép quân sự.

HỎI: Ông ấy có nói.

RUBIO: Tôi nghĩ ông ấy được hỏi có loại trừ không.

HỎI: Ông có loại trừ khả năng đó không?

RUBIO: Đúng vậy... (ND: bắt đầu nói hơi lộn xộn…)

HỎI: Ông ấy nói không, tôi sẽ không loại trừ khả năng đó.

RUBIO: Bởi vì ông ấy nêu ra vấn đề này. Ông ấy là một doanh nhân tham gia vào chính trị, không phải là một chính trị gia tham gia vào chính trị. Vì vậy, ông ấy tiếp cận những vấn đề này từ quan điểm của một phi vụ đàm phán kinh doanh. Ông ấy sẽ không bắt đầu một cuộc đàm phán hoặc một cuộc trò chuyện bằng cách nêu những vấn đề mà…

HỎI: Bất cứ điều gì không thể bàn cãi?

RUBIO: Được hiểu là không thể bàn cãi…

Và đó là một chiến thuật được sử dụng mọi nơi mọi lúc trong kinh doanh. Và hiện đang được áp dụng vào chính sách đối ngoại, và tôi nghĩ là có hiệu quả lớn trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Hãy nhìn những gì diễn ra ở Trung Đông…

Ông đã đưa cách tiếp cận của một doanh nhân vào một thách thức chính sách đối ngoại rất tế nhị và khó giải quyết, và đã đạt được thoả thuận ngừng bắn. Rõ ràng là nó mong manh và có những thách thức lâu dài, nhưng những con tin đang được thả ra mỗi ngày. Điều đó đã không xảy ra trong hơn một năm rưỡi cho đến khi ông tham gia. Đặc phái viên của Tổng thống và là người bạn rất thân thiết của ông đã đã đưa ra cách tiếp cận kiểu kinh doanh tương tự để giải quyết một số thách thức kiểu này.

HỎI: Vậy hãy nhìn về phía trước bốn năm nữa: Liệu Mỹ có sở hữu Greenland không?

RUBIO: Chúng ta sẽ thấy. Rõ ràng, đó là ưu tiên của Tổng thống, và ông ấy đã nêu rõ quan điểm đó. Những gì tôi có thể nói với bạn về bốn năm mà không đi vào chi tiết, bởi vì chúng ta vẫn chưa ở thời điểm để thảo luận chính xác cách chúng ta sẽ tiến hành về mặt chiến thuật. Điều tôi nghĩ bạn có thể yên tâm là bốn năm kể từ bây giờ, lợi ích của chúng ta ở Bắc Cực sẽ an toàn hơn, lợi ích của chúng ta ở Kênh đào Panama sẽ an toàn hơn, quan hệ đối tác của chúng ta ở Tây Bán Cầu sẽ mạnh mẽ hơn.

(Comment: Ông Rubio đang gắng né và mềm hoá việc TT Trump nói không loại trừ dùng vũ lực để có Greenland. Đọc đến đoạn “vũ lực” này buồn cười ra phết 🤣)

10. MEXICO

Chủ đề đầu tiên là vấn đề di cư. Có những khu vực đường biên giới của Mexico chính phủ không kiểm soát mà do các băng đảng ma túy kiểm soát. Chúng tạo điều kiện cho việc di cư bất hợp pháp, đưa fentanyl và các loại thuốc gây chết người vào đất nước chúng ta. Đó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của chúng ta và cần phải chấm dứt.

Thứ hai Tổng thống thấy rằng giữa chúng ta có sự mất cân bằng thương mại và bán phá giá có cả hàng Trung Quốc. Những gì người Trung Quốc đang làm hiện nay là họ đang tạo ra những công ty bình phong sử dụng USMCA, hiệp định thương mại tự do, để đưa hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ.

Vì vậy, khi Tổng thống nói về thuế quan [với Mexico], ông ấy nói về nó trên hai mặt trận.

11. CANADA

Biên giới với Canada là một trong những biên giới đất liền lớn nhất trên thế giới. Chúng ta chia sẻ lợi ích chung ở đó. Tôi nghĩ họ cũng không muốn thấy đất nước của họ tràn ngập fentanyl. Không những vậy nếu là họ, tôi sẽ lo ngại rằng với cuộc trấn áp nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ, mọi người sẽ chạy trốn về phía bắc vào Canada. Vì vậy chúng ta có thể hợp tác chặt chẽ với họ về an ninh biên giới.

Tiếp theo Tổng thống cũng muốn giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại. Đây không phải là những động thái thù địch.

Tổng thống đã nói chuyện với Trudeau. Ông ấy hỏi Trudeau, điều gì sẽ xảy ra nếu tôi áp đặt những mức thuế quan này đối với ông? Trudeau đáp: chúng tôi sẽ xong đời với tư cách là một quốc gia. Chúng tôi sẽ tiêu tùng.

Và toàn bộ quan điểm [của Tổng thống Trump] là, nếu cách duy nhất họ có thể tồn tại như một quốc gia là duy trì tình trạng mất cân bằng [thặng dư] thương mại với Mỹ, thì có lẽ họ chỉ nên trở thành một bang của [Mỹ].

(Comment: Trudeau quá là thảm hại! Không thể nhược tiểu hơn)

12. CUỘC CHIẾN NGA-UCRAINA

Những gì Putin đã làm là khủng khiếp: xâm lược một quốc gia, những hành động tàn bạo mà ông ta đã gây ra. Ông ta đã làm những điều khủng khiếp. Nhưng tồn tại sự gian dối là bằng cách nào đó chúng ta đã khiến mọi người tin rằng Ucraina không chỉ có thể đánh bại Nga mà còn phá hủy họ, đẩy họ [Nga] trở lại bản đồ thế giới vào năm 2012 hoặc 2014, trước khi người Nga chiếm Crimea và những nơi tương tự. Tiếp theo đó hệ quả, điều họ yêu cầu suốt một năm rưỡi qua, là tài trợ cho sự bế tắc, một sự bế tắc kéo dài, trong lúc sự đau khổ của con người vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, Ucraina đang bị đẩy lùi phát triển 100 năm, hệ thống năng lượng của họ bị xóa sổ. Ai đó sẽ phải trả tiền cho công cuộc tái thiết này sau mọi việc. Hiện có bao nhiêu người Ucraina đã rời khỏi Ucraina để sống ở các quốc gia khác? Họ có thể không bao giờ quay trở lại. Đó là tương lai của họ, và tương lai đó đang bị đe dọa.

Vì vậy, quan điểm của Tổng thống là: cuộc xung đột kéo dài này cần phải chấm dứt. Bây giờ, cần phải chấm dứt thông qua đàm phán. Trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, cả hai bên đều phải chịu mất một điều gì đó. Và điều đó sẽ cần thời gian, nhưng ít nhất chúng ta đang có một Tổng thống thừa nhận rằng mục tiêu của chúng ta là cần phải chấm dứt cuộc xung đột này.

Số lượng ngày càng tăng trong đảng Dân chủ hiện nay cũng thừa nhận rằng những gì chúng ta đã tài trợ là một sự bế tắc, một cuộc xung đột kéo dài, và thậm chí có thể còn tệ hơn một sự bế tắc, một sự bế tắc mà trong đó Ucraina đang dần bị phá hủy và mất đi ngày càng nhiều lãnh thổ. Vì vậy, cuộc xung đột này cần phải chấm dứt.

Cả hai bên đều phải trả giá đắt cho cuộc chiến này. Cả hai bên đều có động lực để chấm dứt xung đột. Cả hai bên đều ở trong tình trạng không thể kết thúc xung đột với mục tiêu tối đa của cả hai bên, và sẽ cần có rất nhiều nỗ lực. Và tôi nghĩ chỉ có Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, mới có thể biến điều đó thành hiện thực. Nhưng điều đó sẽ không dễ dàng, và sẽ cần thời gian. Nhưng chắc chắn đó là điều mà tôi biết ông ấy cam kết mạnh mẽ sẽ làm để chứng kiến ​​nó xảy ra.

(Comment: TT Zelenskyi trước đây ký sắc lệnh không cho phép Ucraina đàm phán với Nga. Nga bảo: 1. Giờ muốn đám phán phải bỏ sắc lệnh ấy 2. Nhiệm kỳ của TT Zelenskyi chấm dứt vào cuối ngày 20/05/2024 3. Theo Hiến pháp Ucraina: Không có cơ chế kéo dài nhiệm kỳ TT, trong tình trạng chiến tranh chỉ hoãn bầu Quốc hội. Suy ra TT Zelenskyi không hợp hiến, không đủ tư cách đại diện Ucraina để đàm phán. TT Zelenskyi muốn huỷ sắc lệnh nêu trên cũng không được vì bây giờ ông không còn là Tổng thống hợp hiến. Nga sẽ không ký bất kỳ văn bản nào nếu pháp lý không đảm bảo. Ký tá chán, lỡ ông khác lên sổ toẹt vào bảo không giá trị pháp lý thì sao? Nga cũng sẽ không chấp nhận ngừng bắn vì đó là cơ hội để “phương Tây nhồi hàng đống vũ khí đạn dược cho Ucraina như đã từng làm giai đoạn Minsk 1-2-3 và Istanbul”.

TT Zelenskyi tuyên bố ông vẫn là Tổng thống hợp hiến vì tình trạng chiến tranh không thể bầu cử. Quyết chiến tới thắng thì thôi.

EU ủng hộ TT Zlelenskyi toàn diện.

Mỹ lúc đầu ủng hộ TT Zelenskyi nhưng bây giờ có vẻ như cũng nghĩ: hay tổ chức bầu TT Ucraina trong thời gian ngừng bắn cho chắc cối. Ít nhất đặc phái viên của ông Trump về Ucraina ông Keith Kellogg nói vậy (Reuters). Nhưng rủi ro không hề nhỏ: lỡ bầu người khác thì sao?

Tóm lại cãi nhau xong vụ này cũng mất hàng năm!)

13. NATO

Quan điểm của Tổng thống [Trump] về NATO: nhiều đồng minh của chúng ta trong NATO không đóng góp đủ để đảm bảo an ninh của chính họ. Các tổng thống khác cũng đưa ra lời phàn nàn tương tự, ông Trump chỉ thực sự nghiêm túc về vấn đề này. Ba Lan, Litva, Estonia, càng gần Nga thì họ càng chi nhiều hơn theo tỷ lệ phần trăm GDP của họ cho quốc phòng. Các quốc gia như Pháp, Đức - những nền kinh tế lớn, hùng mạnh - họ không chi nhiều cho an ninh quốc gia. Tại sao? Bởi vì họ dựa vào NATO. Họ nói: chúng ta không cần phải chi nhiều như vậy cho quốc phòng vì quân đội Mỹ đang ở đây và nếu bị tấn công, họ sẽ là lực lượng bảo vệ của chúng ta. Vì vậy, chúng ta có thể thay vì chi cho quân sự thì chi tất cả số tiền đó cho mạng lưới an sinh xã hội khổng lồ. Khi hỏi những quốc gia đó tại sao bạn không thể chi nhiều hơn cho an ninh quốc gia, lập luận của họ là vì điều đó sẽ yêu cầu phải cắt giảm các chương trình phúc lợi, trợ cấp thất nghiệp, khả năng nghỉ hưu ở tuổi 59 và tất cả những thứ khác. Đó là lựa chọn của họ. Nhưng chúng ta đang trợ cấp cho điều đó.

Vì vậy điều đầu tiên là họ cần phải đóng góp nhiều hơn nữa. Về lâu dài, cần thảo luận về việc liệu Mỹ có phải đứng ở tuyến đầu trong việc bảo vệ lục địa [châu Âu] hay chỉ là một biện pháp dự phòng để bảo vệ lục địa. Và nếu bạn nói chuyện với các quốc gia ở vùng ngoại vi phía đông, những quốc gia gần Nga nhất, tất cả họ đều đang xây dựng năng lực để trở thành nước đứng ở tuyến đầu - Ba Lan, Séc. Và nếu bạn di chuyển xa hơn về phía tây đến các nền kinh tế giàu có nhất - Đức, Pháp, Tây Ban Nha - họ không chi đủ cho an ninh quốc gia. Họ trông cậy vào việc chúng ta sẽ đứng ở tuyến đầu. Đó không phải là liên minh nữa rồi. Đó là sự phụ thuộc, và chúng ta không muốn điều đó.

Chúng ta muốn một NATO nơi chúng ta có những đồng minh mạnh mẽ và có tiềm lực. Phần Lan là một đồng minh rất có tiềm lực. Họ chế tạo vũ khí. Họ mang lại điều gì đó cho bàn đàm phán. Chúng ta cần nhiều quốc gia như vậy hơn, để hành xử theo cách đó trong Liên minh. Khi ấy đó sẽ là một Liên minh mạnh mẽ hơn. Và nó sẽ có thể phối hợp làm việc không chỉ ở Châu Âu mà còn với những thách thức khác mà chúng ta phải đối mặt trên toàn thế giới, hy vọng thậm chí là cả Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

(Comment: Ông Trump kiểu gì cũng nện thuế châu Âu già cỗi. Biết trước chuẩn bị được gì hay thảm hại như Trudeau!).

14. TRUNG ĐÔNG

Vấn đề cốt lõi ở đây vẫn còn, là chừng nào còn có một thực thể như Hamas với mục tiêu là phá hủy nhà nước Do Thái, sẵn sàng thực hiện những hành động tàn bạo khủng khiếp chống lại trẻ em, bắt con tin là trẻ sơ sinh và người già, giết người… chừng đó còn mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Israel.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng lệnh ngừng bắn là quan trọng, vì nó đã chấm dứt hoạt động tàn phá, và chắc chắn nó đã cho phép giải thoát các con tin với một cái giá cực kỳ đắt đỏ. Ý tôi là để có được một con tin tuổi teen phải đổi lấy 250 kẻ giết người, những kẻ giết người Hamas được thả khỏi tù. Hãy nhìn giao dịch đó bất công như thế nào, nhưng nó cho bạn biết chúng ta coi trọng cuộc sống như thế nào so với những gì đối phương, những con súc vật Hamas, đánh giá.

Thách thức thực sự ở đây sẽ là: điều gì sẽ xảy ra khi thời hạn ngừng bắn hết hạn. Ai sẽ cai quản Gaza? Ai sẽ tái thiết Gaza? Ai sẽ chịu trách nhiệm về Gaza? Bởi vì nếu những người chịu trách nhiệm về Gaza là những người đã tạo ra ngày 7/10, thì chúng ta vẫn gặp phải vấn đề tương tự ở đó.

Tin tốt lành trong khu vực là ở Lebanon, chúng ta có một chính phủ hy vọng sẽ trở nên mạnh hơn Hezbollah.

Ở Syria, một nhóm đã tiếp quản [Syria]. Đây không phải là những người nhất thiết sẽ vượt qua được cuộc kiểm tra lý lịch của FBI, theo nghĩa đen. Nhưng nếu có cơ hội ở Syria để tạo ra một nơi ổn định hơn những gì chúng ta từng có trong lịch sử, đặc biệt là dưới thời Assad, nơi Iran và Nga thống trị và nơi ISIS hoạt động mà không bị trừng phạt, chúng ta cần theo đuổi cơ hội đó và xem điều đó dẫn đến đâu.

Và nếu bạn có một khu vực mà bạn có một Syria ổn định hơn, một Lebanon ổn định hơn, nơi Hezbollah không thể làm những việc mà họ làm thay cho Iran, một Iran suy yếu hiện đã mất tất cả những người đại diện này, thì giờ đây cánh cửa cho một thỏa thuận giữa Ả Rập Xê Út và Israel đã mở ra, điều này sẽ thay đổi biến động của khu vực, làm dễ dàng hơn việc giải quyết một số thách thức mà chúng ta phải đối mặt với vấn đề Palestine và đặc biệt là vấn đề Gaza.

14. TT DONALD TRUMP

Tôi biết chắc chắn không có tổng thống nào trong lịch sử hiện đại của Mỹ rõ ràng hơn Donald Trump, và tôi không biết có ai có định hướng hành động hơn Tổng thống Trump. Và đó là những gì Bộ Ngoại giao sẽ phản ánh trong cách chúng ta làm việc.

Chúng ta sẽ theo dõi các nhà lãnh đạo nước ngoài về cách họ hành xử và đưa ra quyết định dựa trên điều đó. Và không còn nghi ngờ gì nữa, các đối thủ nước ngoài sẽ xem xét cách các nhà lãnh đạo của chúng ta - không chỉ các tổng thống mà bất kỳ ai khác - phản ứng và đưa ra giả định dựa trên sự theo dõi đó.

Vì vậy, bất cứ khi nào các nhà lãnh đạo của chúng ta thể hiện tầm nhìn của họ về các vấn đề của chúng ta, điều đó chỉ củng cố thêm niềm tin mà họ có, và thẳng thắn mà nói, họ mới làm những điều mà có lẽ họ sẽ không làm nếu họ có cách tính toán khác về chúng ta.

Hãy nhìn vào những gì đã xảy ra với Colombia. Nói chung, nếu một nhà lãnh đạo nước ngoài nói rằng tôi sẽ buộc những chiếc máy bay này quay lại và tôi sẽ không tiếp nhận chúng, chúng ta sẽ gửi một công hàm phàn nàn về điều đó. Sau đó sẽ có các cuộc tiếp cận cấp cao qua lại và sẽ mất sáu tuần hay hơn. Trong trường hợp cụ thể này, chúng tôi đã trình bày với Tổng thống Trump các lựa chọn. Ông ấy đã hành động ngay lập tức. Và… nó không mất sáu tuần hoặc sáu tháng. Chỉ mất sáu giờ.

Một trong những thuật ngữ mà Tổng thống Trump thích là “có đi có lại”. Và nó rất đơn giản tôi nghĩ mọi người sẽ hiểu. Nếu bạn đánh chúng tôi mức thuế 50% cho một sản phẩm của Mỹ vào nước bạn, chúng tôi sẽ đánh bạn mức thuế 50%, có thể là 55%.

Tổng thống Trump cũng thích có đòn bẩy. Và ai đó sẽ tranh luận rằng điều đó không công bằng. Nhưng đó là chính sách của chúng ta trong nhiều trường hợp. Ở từng quốc gia trên khắp thế giới, chúng tôi không được tiếp cận thị trường của họ, nhưng sản phẩm của họ lại được tiếp cận mở và miễn phí vào thị trường của chúng ta. Làm sao điều đó có thể tiếp tục? Thật vô lý. Tôi nghĩ bất kỳ ai có lý trí sẽ tranh luận như vậy.

(Comment: trên đời chỉ những ông thực quyền mới nể nhau!)

16. VIỆN TRỢ NƯỚC NGOÀI

Tất cả viện trợ nước ngoài đều bị tạm dừng trong 90 ngày ngoại trừ những thứ để cứu sống người, và những thứ như thực phẩm và những thứ tương tự.

Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nói về mục đích của việc tạm dừng này, được chứ? 60 tỷ USD một năm. Nếu tôi đến những nước này và nói, được rồi, hãy cho tôi xem các chương trình viện trợ nước ngoài của các bạn và những gì đã làm, thì chúng tôi nhận được rất ít sự hợp tác. Nhưng nếu bạn đến gặp họ và nói, được rồi, tiền của bạn sẽ bị dừng cho đến khi bạn cho chúng tôi biết bạn làm gì, thì giờ bạn sẽ nhận được nhiều sự hợp tác hơn.

Giờ đã có một quy trình, và quy trình đó là bạn nộp đơn xin miễn trừ. Hãy đứng lên và nói: đây là những gì chương trình của chúng tôi thực hiện và đây là lý do tại sao nó quan trọng; đây là lý do tại sao nó khiến nước Mỹ an toàn hơn, mạnh mẽ hơn hoặc thịnh vượng hơn; đây là lý do tại sao nó nằm trong lợi ích quốc gia của chúng ta. Và chúng tôi có thể nói: được rồi, chương trình sẽ được miễn trừ. Hoặc chúng tôi có thể nói: chương trình sẽ được miễn trừ một phần. Đó là những gì chúng ta cơ hội để thực hiện ngay bây giờ, coi đó gần như là một cuộc kiểm toán, nhưng không phải là một cuộc kiểm toán mà chúng ta tự nguyện yêu cầu hợp tác. Tôi nghĩ rằng giờ đây chúng ta đang nhận được nhiều sự hợp tác hơn, vì nếu không, bạn sẽ không nhận được tiền của mình.

17. USAID

Đối với USAID, khoảng 11%, ít hơn 12% – hãy công bằng mà nói, cứ cho là 12,5% của mỗi USD viện trợ đến tay người nhận cuối cùng. Điều đó có nghĩa là số tiền còn lại sẽ tài trợ cho một số tổ chức phi chính phủ ở đâu đó, tổ chức nào đó. Có lẽ có lý do chính đáng cho điều đó. Nhưng trước khi tôi đứng trước một ủy ban quốc hội hoặc người dân Mỹ và nói rằng chúng ta đã gửi một USD để giúp đỡ cho mục đích này nhưng chỉ có 12 cent trong số đó thực sự đến được với những người mà chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ; phần còn lại đã đến tay một tổ chức nào đó – làm sao chúng ta có thể biện minh cho điều đó? Tôi không thể biện minh cho điều đó. Tôi cần biết câu trả lời cho điều đó.

18. VIỆN TRỢ NƯỚC NGOÀI LÀ CÔNG CỤ PHỤC VỤ AN NINH QUỐC GIA

Chúng ta có thứ mà tôi gọi là tổ hợp công nghiệp viện trợ nước ngoài: tất cả các thực thể trên khắp thế giới đang nhận được hàng triệu, nhiều triệu USD từ Mỹ. Chúng ta phải đảm bảo rằng nó phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng ta.

Và cuối cùng, viện trợ nước ngoài của chúng ta phải là một công cụ mà chúng ta sử dụng để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Chính phủ Mỹ không phải là một tổ chức từ thiện. Họ chi tiền thay mặt cho lợi ích quốc gia của chúng ta. Có rất nhiều mục đích lớn trên thế giới và khu vực tư nhân có thể quyên góp nhiều tiền tùy thích cho những mục đích đó. Chúng ta - những người nộp thuế - sẽ đầu tư vào những thứ thúc đẩy lợi ích quốc gia của chúng ta, và đó là quá trình mà chúng ta đang trải qua ngay bây giờ, và việc tạm dừng đã giúp đẩy nhanh quá trình đó.

19. NĂNG LƯỢNG

RUBIO: … Chúng ta có những vấn đề cần giải quyết với Canada. Họ là những người bạn tốt. Ý tôi là, chúng ta làm việc với họ về nhiều vấn đề. Chúng ta có mối quan hệ đối tác sâu sắc với họ, nhưng có một số vấn đề chúng ta cần giải quyết.

HỎI: Nhưng điều gì - nhưng rủi ro đối với chúng ta là gì? Thủ hiến Ontario nói rằng: “Chúng ta không thể mang dao đến một cuộc đấu súng. Nếu họ định đánh chúng ta bằng những mức thuế quan này, chúng ta phải chống trả theo cách tương tự. Chúng ta [Canada] cung cấp cho họ [Mỹ] một lượng điện lớn; hãy sập cầu dao lại.”

Vậy Canada có thể tắt đèn của chúng ta không?

RUBIO: Vậy thì họ sẽ bán nó cho ai? Họ sẽ gửi điện đó đi đâu nữa? Ý tôi là, điều đó cũng sẽ gây tổn hại cho họ. Họ sẽ không có thị trường để bán nó. Và tôi cũng muốn nói rằng tôi không nghĩ Canada là mối đe dọa chiến lược đối với Mỹ. Tôi không so sánh họ với Trung Quốc hay những nước nào khác, nhưng điều đó gợi nhớ đến quan điểm về độc lập năng lượng và tầm quan trọng của nó. Chúng ta không muốn rơi vào tình huống - bạn đã đề cập đến Canada. Hãy tưởng tượng nếu trong tương lai, lập luận không phải là Canada đe dọa điều đó; là Trung Quốc đang đe dọa điều đó, là Nga đang đe dọa điều đó.

Ý tôi là, một trong những sai lầm lớn đã mắc phải là đơn phương buông bỏ khi nói đến sản xuất năng lượng, bằng cách không tận dụng hết các nguồn năng lượng của chúng ta ở quốc gia này - các quốc gia khác đã không làm như vậy. Họ - ví dụ, Trung Quốc hiện có năng lực [năng lượng] chưa sử dụng lớn nhất - họ có thể chế biến nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới hiện nay. Họ xây dựng nhiều nhà máy điện than hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới hiện nay. Họ sẽ nói về năng lượng xanh, pin và ô tô, nhưng họ đang sử dụng tất cả các chiến lược trên cho năng lượng của họ. Chúng ta đã đơn phương buông bỏ lĩnh vực năng lượng.

Tất cả những gì họ đã làm là tiếp tục tăng cường năng lực về năng lượng, bởi vì họ biết cần năng lượng để cung cấp nhiên liệu cho tất cả những thứ này. Chỉ riêng AI đã đòi hỏi một lượng năng lượng khổng lồ mà thế giới hiện không thể sản xuất để cung cấp nhiên liệu cho nó. Bất kỳ quốc gia nào có nguồn năng lượng hiệu quả về mặt chi phí sẽ thống trị AI, và AI sẽ thống trị rất nhiều lĩnh vực.

Vì vậy tôi nghĩ rằng, khi nói về Canada, đó là lời nhắc nhở về lý do tại sao năng lượng là vấn đề an ninh quốc gia và tại sao Mỹ phải có khả năng có nguồn năng lượng đáng tin cậy và nhất quán, nếu không chúng ta sẽ gặp rất nhiều rắc rối. Máy bay của chúng ta sẽ không thể bay, tàu thuyền của chúng ta sẽ không thể ra khơi và nền kinh tế của chúng ta sẽ không hoạt động nếu không có năng lượng.

(Comment: Phát triển năng lượng tái tạo sẽ chậm. O&G trở lại).

Toàn văn: link ở đây Secretary Marco Rubio with Megyn Kelly of The Megyn Kelly Show - United States Department of State. Đọc nguyên bản thú ra phết.