Ông Diệp Dũng – Chủ tịch Hội đồng thành viên của Saigon Co.op vừa bị đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, các vai trò Ban chấp hành, Ban thường vụ và Bí thư Đảng ủy tại Đảng bộ Saigon Co.op.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xác định ông Diệp Dũng đã tổ chức chỉ đạo huy động tăng vốn trái pháp luật; tổ chức Đại hội Thường niên trái pháp luật; thực hiện công tác cán bộ trái quy định của Đảng và không trung thực với tổ chức khi có yêu cầu báo cáo.

Việc ông Diệp Dũng chỉ đạo tăng vốn trái pháp luật tại Saigon Co.op đặt ra câu hỏi lớn: Ai là người muốn thâu tóm SaiGon Co.op từ hoạt động tăng vốn trái luật này?

Trước khi trả lời câu hỏi, cần nhìn lại kết luận của thanh tra. Theo đó, trong năm 2020, Hội đồng quản trị Saigon Co.op chưa xây dựng phương án huy động vốn trình Đại hội thành viên thông qua nhưng việc huy động vốn đã thực hiện trước khi diễn ra Đại hội thành viên bất thường lần 1 ngày 30/1/2020.


Đại hội thành viên bất thường này đã đưa ra nghị quyết thống nhất tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên hơn 6.797 tỷ đồng, theo phương án huy động vốn từ các thành viên.
20/26 Hợp tác xã thành viên góp vốn với tổng số tiền hơn 3.597 tỷ đồng. Đơn vị góp nhiều nhất hơn 952 tỷ đồng và đơn vị ít nhất là 50 triệu đồng.

Qua kiểm tra kết quả hoạt động sản xuất, năm 2018-2019 có hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op đạt lợi nhuận 5-6 tỷ đồng nhưng không góp vốn, trong khi phần lớn các hợp tác xã chỉ đạt lợi nhuận sau thuế từ 24 đến 500 triệu đồng một năm lại góp hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí một số đơn vị kinh doanh lỗ nhưng vẫn góp 247 tỷ đồng.

Các hợp tác xã lợi nhuận ít nhưng góp vốn lớn cho biết đã huy động vốn từ các thành viên bên ngoài và có trường hợp ký hợp đồng hợp tác với các cá nhân bên ngoài hợp tác xã. Điều này cho thấy đã có các cá nhân, tổ chức thông qua hợp tác xã thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op.

Theo nguồn tin của chúng tôi, một số HTX hoạt động với mức lợi nhuận đạt sau thuế cao dưới 6 tỉ đồng như HTX thương mại Q.3, HTX thương mại dịch vụ Tân Bình thì không tham gia góp vốn. Trong khi đó, các HTX có lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ, lại góp vốn với số tiền hàng trăm tỉ đồng.

Trong 20 Hợp tác xã thành viên góp vốn vào Saigon Co.op nhằm tăng vốn điều lệ, có 09 đơn vị góp trên 200 tỷ đồng (dưới 300 tỷ đồng), 01 đơn vị góp 306 tỷ đồng và 01 đơn vị góp hơn 952,5 tỷ đồng (Nguồn: Thanh tra TP.HCM).

Cụ thể, HTX thương mại dịch vụ Linh Tây lỗ gần 49 triệu đồng nhưng góp vốn hơn 925 tỉ đồng; HTX thương mại Thị Nghè lỗ 163 triệu đồng nhưng góp vốn hơn 244 tỉ đồng; HTX thương mại Đô Thành lỗ hơn 721 triệu đồng nhưng góp vốn hơn 247 tỉ đồng.

HTX TM Đô Thành có người đại diện pháp luật là Hàng Thanh Dân. Ông Dân cũng là người đại diện pháp luật của HTX Q3 – đơn vị có lãi nhưng không tham gia góp vốn.

Theo kết luận của thanh tra, các HTX thành viên không cung cấp hồ sơ liên quan việc góp vốn, việc huy động vốn. Đáng chú ý, có 13 HTX thành viên ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân Bính (ngụ P.Dương Nội, Q.Hà Đông, Hà Nội) làm việc với đoàn thanh tra, nhưng người này cũng không cung cấp được các hồ sơ tài liệu theo yêu cầu của đoàn thanh tra để làm rõ nguồn vốn góp.

Theo cơ quan thanh tra, do tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt được 26-39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở. Việc này cũng cho thấy nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động.

Từ danh sách góp vốn nói trên có thể thấy, nguồn vốn từ bên ngoài đã "chọn" 13 HTX trong đó có Linh Tây, Thị Nghè, Đô Thành để sở hữu cổ phần tại Saigon Co.op. Và cá nhân Nguyễn Xuân Bính là một cái tên nhiều dấu hỏi.

Văn phòng của HTX Linh Tây
Ngày 24/7, Thanh tra thành phố gửi văn bản đề nghị Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op tạm đình chỉ đại hội thành viên cho đến khi có kết luận chính thức và ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền.

Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn tiến hành đại hội và đã thông qua nhiều nội dung ngoài chương trình dự kiến về vốn, bãi nhiệm ủy viên Hội động Quản trị và đề nghị cách chức Tổng giám đốc vì lý do được đưa ra là đã không thực hiện Nghị quyết của Đại hội thành viên về việc huy động vốn. Điều này cho thấy việc góp vốn cần hoàn thành thủ tục rất gấp.

Saigon Co.op thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TP HCM với tên gọi Liên hiệp Hợp tác xã Mua bán thành phố. Đến năm 1998, đơn vị này đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM với 20 hợp tác xã thành viên.

Từ khi thành lập đến nay, Saigon Co.op 34 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, 14 lần điều chỉnh, bổ sung điều lệ qua các thời kỳ và 8 lần bổ sung tăng vốn điều lệ.

Năm 2019, doanh thu của Saigon Co.op  đạt mức hơn 35.000 tỉ đồng, tăng hơn 3.000 tỉ đồng so với năm trước. Mặc dù số điểm bán lẻ của Saigon Co.op đứng sau Vincomerce nhưng doanh thu của chuỗi này cao áp đảo so với các đối thủ bán lẻ khác.

Tính đến tháng 4/2019, Saigon Co.op đã phát triển gần 700 điểm bán, trong đó có 112 siêu thị Co.op mart, 4 đại siêu thị Co.op Xtra cùng hơn 300 cửa hàng Co.op Food. Cũng trong năm này, Saigon Co.op tiếp quản hệ thống siêu thị Auchan Việt Nam sau khi nhà bán lẻ Pháp này quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam.

Báo cáo cuối năm 2019, Saigon Co.op cho biết đã phát triển thêm hơn 200 siêu thị, trung tâm thương mại mới gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, 26 Cheers, Sense City và mô hình bán lẻ hiện đại cao cấp mới là Finelife

Bên cạnh công ty mẹ trực tiếp vận hành phần lớn các siêu thị, Saigon Co.op còn đầu tư vào hàng chục công ty công ty thành viên gồm cả các công ty kinh doanh siêu thị, kinh doanh cửa hàng tiện lợi (Co.op Food, Cheers), kinh doanh trung tâm thương mại (SCID, SC Vivo City, Sense City), nước chấm Nam Dương...

Đáng chú ý là trong khi hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ lớn vẫn lỗ triền miên thì công ty mẹ Saigon Co.op vẫn duy trì được mức lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng mỗi năm trong nhiều năm trở lại đây.