Báo cáo “Thu nhập của Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT và Thành viên độc lập HĐQT tại các Công ty Đại chúng ở Việt Nam năm 2023” được thực hiện bởi FiinGroup, FiinRatings và VNIDA vừa công bố cho thấy tại 200 công ty đại chúng có quy mô vốn hóa từ 500 tỷ đồng trở lên (tại thời điểm cuối năm 2023) cho thấy thu nhập của Chủ tịch HĐQT ở Ngân hàng (STB, TPB, HDB,…), Dịch vụ Tài chính (chủ yếu Chứng khoán) và một số doanh nghiệp (bao gồm PNJ, VHM, NLG, NTP, REE…) cao hơn so với phần đông còn lại.

Theo nhóm nghiên cứu, diễn biến trên có thể do ngoài việc các doanh nghiệp được thống kê đều là những doanh nghiệp lớn, đầu ngành thì vị trí Chủ tịch HĐQT cũng tham gia vào một số công tác điều hành và chia sẻ một số phạm vi công việc của vị trí điều hành như CEO.

Ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính dẫn đầu trong thống kê thu nhập bình quân của vị trí Chủ tịch HĐQT theo ngành năm 2022 – 2023. Trong đó, thu nhập bình quân trong năm 2023 của ngành ngân hàng là 4,1 tỷ đồng, ngành dịch vụ tài chính là 2,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong Top 15 Doanh nghiệp có Thu nhập của Chủ tịch HĐQT cao nhất năm 2023, Chủ tịch Sacombank có thu nhập dẫn đầu khối ngân hàng khi “bỏ túi” 8,6 tỷ đồng trong năm 2023, chỉ xếp sau Chủ tịch HĐQT của PNJ (8,8 tỷ đồng).

Thu nhập nói trên của Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh trong năm 2023 cao hơn đáng kể khi so sánh với thu nhập chủ tịch các ngân hàng có vốn nhà nước.

Cụ thể, theo thống kê dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, trong nhóm ngân hàng "Big 4", ông Phan Đức Tú - chủ tịch BIDV - nhận thù lao hơn 2,48 tỉ đồng năm 2023. Tương tự, thù lao của chủ tịch VietinBank cùng ở mức 2,48 tỉ đồng.

Còn ông Phạm Quang Dũng - cựu chủ tịch Vietcombank - chỉ nhận thù lao 1,63 tỉ đồng năm 2023.

Năm 2023, ông Ngô Chí Dũng - chủ tịch VPBank - nhận thù lao 3,36 tỉ đồng, không thay đổi so với năm trước đó.

Còn tại MBBank, ông Lưu Trung Thái được bổ nhiệm từ tháng 4-2023. Báo cáo tài chính tiết lộ ông Thái nhận thù lao hơn 1,98 tỉ đồng trong năm ngoái.

Sacombank có năm thứ 9 không chia cổ tức

Dù thu nhập của Chủ tịch HĐQT cao nhất ngành ngân hàng nhưng theo các cổ đông của Sacombank, đến nay, ngân hàng này đã có năm thứ 9 không chia cổ tức dù lợi nhuận giữ lại trong năm 2023 đạt hơn 18.000 tỷ đồng.

Cụ thể, theo tài liệu trước kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 do Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) công bố hồi tháng 4/2024, tại tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm tài chính 2023, lợi nhuận sau thuế hợp nhất sau khi trích lập các quỹ còn 5.716 tỉ đồng. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước là 12.670 tỉ đồng.

Như vậy, lũy kế lợi nhuận hợp nhất giữ lại của Sacombank lên tới 18.387 tỷ đồng. Dù vậy như rất nhiều năm trước, ngân hàng do ông Dương Công Minh làm chủ tịch HĐQT không đề cập đến kế hoạch chia cổ tức năm nay.

Trong kế hoạch phân phối lợi nhuận năm tài chính 2024, ngân hàng này chỉ đưa ra kế hoạch trích quỹ khen thưởng và phúc lợi.

Cụ thể với quỹ khen thưởng, Sacombank trình cổ đông phương án trích 7% lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và quỹ dự phòng tài chính. Tương tự quỹ phúc lợi 7%.

Trong khi đó việc không chia cổ tức là "tâm tư" của nhiều cổ đông Sacombank. Tại biên bản họp đại hội cổ đông năm 2023 (diễn ra ngày 26/4/2024), cổ đông từng chất vấn lãnh đạo Sacombank vì sao trích quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi trong khi không chia cổ tức.

Trả lời, lãnh đạo Sacombank cho biết giá trị cổ phiếu STB tăng đáng kể trong thời gian qua, kết quả kinh doanh tích cực. Tuy nhiên do Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu, nên chưa đáp ứng được các điều kiện để chia cổ tức.

"Sacombank là ngân hàng đặc thù, thuộc diện tái cơ cấu nên chưa thể chia cổ tức. Hiện NH còn vấn đề liên quan đến 32% cổ phần của ông Trầm Bê. Sau khi xử lý xong, hoàn tất tái cơ cấu, NH mới được chia cổ tức", ông Dương Công Minh cho biết.

Như vậy, đến nay Sacombank đã có năm thứ 9 liên tiếp không chia cổ tức, kể từ lần gần nhất vào năm 2015 với tỉ lệ chia 20% bằng cổ phiếu.