Có rất nhiều người hướng nội tuy là rất giỏi nhưng do tính cách có phần khép mình nên gặp rất nhiều trở ngại và khó khăn khi trở thành lãnh đạo. Đó cũng là nỗi trăn trở, băn khoăn khi các bạn ấy vẫn đang loay hoay không biết làm cách nào để khắc phục những hạn chế của bản thân mình.
Bản thân mỗi nhóm người – hướng nội hay hướng ngoại – đều có những điểm mạnh và điểm yếu rất riêng. Có nhiều người nói rằng, người hướng nội thường có khá nhiều điểm khó khăn để trở thành lãnh đạo. Tuy nhiên, người hướng nội cũng có không ít tố chất để thành công. Tuy nhiên, các bạn cần phải khắc phục một số những hạn chế và rèn luyện để trở thành một người sếp, một người leader giỏi.
1. Rèn luyện khả năng nói trước đám đông
Người ta thường nghĩ người hướng nội không biết cách giao tiếp, không dám nói chuyện trước đám đông. Điều này là hoàn toàn sai. Có những người khi gặp họ ngoài đời, họ rất rụt rè và ít nói. Tuy nhiên, khi lên sân khấu thuyết trình trước đám đông, thì họ lại làm rất tốt. Ví dụ như anh Nguyễn Quang Khải - CEO 168Edu Việt Nam.
Người hướng nội cực kì thông minh. Họ tinh tế và có kết cấu suy nghĩ cực kì logic. Tuy nhiên, họ thường ít chia sẻ, ngại bày tỏ quan điểm và cảm xúc của mình. Cho nên họ sẽ có suy nghĩ mình bị hạn chế về giao tiếp. Nhưng chỉ cần họ chịu mở lòng và rèn luyện, kết hợp với khả năng thuyết trình, thì người hướng nội sẽ sâu sắc hơn rất nhiều và chiếm được thiện cảm của người khác rất tốt.
2. Phát huy thế mạnh làm việc độc lập
Cách các bạn hướng nội tư duy về vấn đề, kéo toàn bộ team làm việc rất tốt, làm công việc một mình đâu ra đấy hết sức hoàn thiện, tạo sự yên tâm. Tuy nhiên, điểm yếu của các bạn ấy là không thích thể hiện bản thân, không muốn mình trở thành người nổi trội và sợ mất lòng người khác.
Điều này có thể ảnh hưởng đến các bạn khá nhiều khi có một cơ hội nào đó đến, các bạn sẽ dễ vụt mất cơ hội ấy. Cơ hội bị vụt mất này có thể ảnh hưởng đến cá nhân và cả tập thể. Các bạn nên mở lòng, thả lỏng bản thân nhiều hơn để có thể phát huy tối đa năng lực của mình. Chúng ta làm tốt thì chúng ta phải cho nhiều người biết tới và mạnh dạn hơn nữa để chớp lấy cơ hội.
Ví dụ như các bạn thấy một dự án mới phù hợp, đừng chờ đến khi người khác nhìn vào mắt mình, đừng chờ người khác đặt cơ hội vào tay mình. Hãy chủ động lựa chọn cơ hội đó, hãy nói với mọi người rằng: “Em có thể làm được điều này/em có thể làm rất tốt việc này. Anh/chị có thể cho em cơ hội ấy được không?”.
Chị Hoàng Kim Ngọc chia sẻ, bản thân chị là người hướng ngoại. Ngày xưa chị thích làm phim nhưng hồi đấy không có nhiều cơ hội đến với chị ấy vì chị không có được một nhan sắc vượt trội. Nên chị Ngọc hay chủ động đến tham gia casting diễn viên của một bộ phim nào đấy.
Khi thử vai, chị đọc kĩ kịch bản, hiểu rõ tuyến nhân vật. Khi thấy nhân vật này khá phù hợp với mình, chị sẽ không chờ người khác lựa chọn, chị Ngọc sẽ nói thẳng với nhà sản xuất hay đạo diễn rằng: “Vai diễn này thật sự rất hay. Đây là bộ phim mà em đọc toàn bộ kịch bản và em cảm thấy rất tâm huyết với kịch bản này. Em thấy vai diễn này em có thể làm được rất tốt. Và em sẽ đầu tư cho vai diễn tâm huyết đó. Thì anh có thể cho em một cơ hội để em thử vai diễn đó được không?”.
Chị ấy chủ động trong tất cả các cơ hội dù là nhỏ nhất đến với mình. Mọi người nên chủ động nắm lấy cơ hội dù cho nó có khẽ chạm lướt qua chúng ta.
3. Rèn luyện khả năng phát triển đội nhóm
Trong một nhóm, người hướng nội không tỏ ra mình là leader nhưng lại là một người rất sâu sắc, chịu lắng nghe và thấu hiểu. Điều này có thể đoàn kết được đội nhóm và vô cùng thuận lợi để phát huy được năng lực bản thân. Nghĩa là nội bộ đội nhóm có cơ hội để được bứt phá.
Tuy nhiên, với điểm yếu là ít chia sẻ với đội nhóm của mình, những thành viên trong nhóm sẽ khó có thể hiểu được mong muốn của bạn và kế hoạch của chúng ta, nên đôi khi chúng ta không nắm bắt được hết. Vì thế, bạn nên chia sẻ nhiều hơn, mở lòng nhiều hơn, trao nhiều cơ hội cho mọi người trong đội nhóm của mình.
4. Đặt ra mục tiêu và quản trị chúng
Các bạn hướng nội có rất nhiều ý tưởng nung nấu ở bên trong bản thân mình. Nếu như người hướng ngoại là bung toả hết ra ngoài, năng lượng phát tán ra xung quanh, người khác nhìn vào sẽ nhìn ra “À đây là người hướng ngoại”. Thì đối với người hướng nội, họ vẫn có một kho tàng, những năng lượng cao như thế nhưng nó được kiềm nén ở bên trong.
Do đó, họ cần phải san sẻ ra để cho mọi người có thể hiểu những gì mình nghĩ. Vì những ý tưởng nằm trong đầu sẽ mãi mãi là ý tưởng nếu như không được thực thi, không được chia sẻ ra cho mọi người cùng biết.
5. Rèn luyện và phát huy khả năng “nghĩ lớn làm lớn”
Người hướng nội thường là những người có những ý tưởng khá khác thường. Họ có thể biến nó trở thành một thứ cực kì thành công và đột phá. Họ có chiều sâu và thường đào sâu về suy nghĩ, dẫn đến việc họ có những thứ rất khác biệt. Nhưng họ lại rất hay giấu diếm nên chưa thể phát huy được hết khả năng của mình.
Người hướng nội thật sự rất giỏi, nhưng đừng tự ti và thu hẹp bản thân với những suy nghĩ là mình không thể thành công được vì sợ thua kém người này về cái này, thua kém người kia về cái kia. Họ rất hay nhìn vào điểm mạnh của người khác để thấy bản thân mình kém cỏi.
Các bạn hãy tập trung nhìn vào khả năng thực sự bên trong của mình, và hãy công nhận chính bản thân mình. Đó là điều rất quan trọng đối với người hướng nội.
Thường những người hướng nội có xu hướng, thói quen từ chối khả năng của bản thân. Cho nên các bạn hãy luôn luôn ghi nhận bản thân mình nhiều hơn, để người khác biết rằng mình cũng là một người rất tài giỏi và hoàn toàn có năng lực.
Kết luận
Dù là hướng nội hay hướng ngoại thì chúng ta cũng đều cần phải kết nối với người khác và đều phải làm việc. Cho nên bạn nên biết là mình ở nhóm tính cách nào để cải thiện bản thân.
Những người ở nhóm hướng ngoại cũng sẽ có những điểm yếu rất đặc trưng và những người trong nhóm hướng nội cũng thế. Điểm mạnh điểm yếu trong chúng ta đều có cả. Quan trọng nhất là chúng ta biết mình ở đâu, mình đang làm gì, mình là ai và mình cải thiện điều đó, mình sống tốt hơn mỗi ngày. Cải thiện bản thân mình tốt hơn mỗi ngày thì chúng ta hoàn toàn có thể thành công được hết.
---------------
Nguồn: CEO Hoàng Kim Ngọc