
Từ một trang web nhỏ trở thành đế chế tỷ đô la
Năm 1994, hai chàng sinh viên tên là Jerry Yang và David Filo cùng học Đại học Stanford đã gặp nhau và tạo ra website "Hướng dẫn của Jerry và David về World Wide Web". Đây là nơi liệt kê các danh sách website theo nhóm, nhằm giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm các trang web khác nhau theo chủ đề được phân loại. Tháng 3/1995, hai nhà sáng lập quyết định thành lập công ty và đổi tên thành Yahoo (viết tắt của từ “Yet Another Hierarchically Organized Oracle”). Đến năm 1996, Yahoo tiến hành IPO và trở thành một trong những thương vụ thành công nhất trên thế giới vào lúc đó. Chỉ trong vòng 5 tiếng giao dịch, giá cổ phiếu có khi đạt đến 43 USD/cổ phiếu và đóng cửa ở mức 33 USD, tăng 154% so với giá IPO là 13 USD, đứng top 2 về mức tăng giá trong ngày đầu tiên. Năm 2000, giá cổ phiếu của Yahoo đã đạt đỉnh kỷ lục 475 USD (giá chưa chia tách) và đưa mức vốn hóa thị trường đạt 125 tỷ USD, là công ty giá trị nhất vào thời điểm đó. Tại Nhật Bản, công ty internet này cũng đã lập kỷ lục khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên có mã cổ phiếu giao dịch với mức giá trên 100 triệu yên (101,4 triệu yên).

Giao diện Yahoo khi mới thành lập vào năm 1994 với tên gọi "A guide to World Wide Web"
Sau khi sở hữu số lượng tiền mặt khổng lồ từ thương vụ IPO và giá cổ phiếu, CEO của Yahoo lúc này là Tim Koogle tiến hành các thương vụ mua lại những doanh nghiệp khác. Năm 1997, công ty chi 94 triệu đô la mua lại Four11 - nền tảng xây dựng dịch vụ thư điện tử Yahoo Mail. Năm 1999, Yahoo chi 4,58 tỷ USD để mua lại Geocities - nơi giúp người dùng tạo ra các trang web miễn phí, là web có lượng truy cập nhiều thứ ba trên thế giới lúc ấy. Tiếp đến là bỏ ra 5,7 tỷ đô cho thương vụ sở hữu Broadcast.com - dịch vụ phát sóng radio và TV trên internet, giúp cho ông Mark Cuban trở thành tỷ phú. Nhưng các quyết định mua lại của Yahoo đều trở thành thương vụ tồi tệ nhất, vì các công ty trên đều phải ngừng hoạt động chỉ trong vòng vài năm. Tuy nhiên, công ty internet này đã từng có cơ hội sở hữu Google với giá chỉ vỏn vẹn 1 triệu USD vào năm 1997, khi mà hai nhà sáng lập của công cụ tìm kiếm này muốn bán lại công ty để tập trung việc học. Nhưng Yahoo đã từ chối vì điều mà ban lãnh đạo này muốn là giữ người dùng ở lại trang chủ của mình càng lâu càng tốt, chứ không phải chỉ là một cánh cổng dẫn đến trang web khác tương tự như Google.
Năm 2001, Tim Koogle từ chức và CEO mới được bổ nhiệm là ông Terry Semel - người vừa có nhiệm kỳ thành công tại studio phim Warner Bros. Kể từ đó công ty ngày càng phát triển mạnh mẽ khi thu được hàng tỷ đô la từ những hợp đồng quảng cáo của mình. Chính vì con số thu lại quá lớn nên dần dần họ quên mất rằng công nghệ mới là nền tảng cốt lõi của thế giới internet. Theo chia sẻ của Paul Graham - nhà đồng sáng lập của công ty đầu tư công nghệ Y-Combinator từng hợp tác với Yahoo, thì ban lãnh đạo chỉ xem lập trình là một thứ tầm thường, không như Google, Facebook hay Microsoft xây dựng văn hóa theo kiểu hacker. Ngay cả người từng là giám đốc sản phẩm cao cấp của công ty - ông Greg Cohn phải thừa nhận rằng: “Việc tìm được cả sự đồng thuận lẫn vốn đầu tư cho các dự án sản phẩm mới là cực kỳ khó khăn. Nếu bạn muốn tạo ra một sản phẩm mới và bộ phận quản lý trang chủ không muốn hỗ trợ sản phẩm này, bạn coi như đã thất bại".

Chân dung hai nhà sáng lập của Yahoo - ông Jerry Jang và David Filo (Nguồn ảnh: AP)
Bán mình vì những sai lầm cứ lặp đi lặp lại
Ít ai biết được rằng, Yahoo chính là một trong những cái tên giúp cho Google phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Năm 2000, công ty đã ký hợp đồng với công cụ này để họ cung cấp kết quả tìm kiếm cho mình trong vòng 4 năm, và cung cấp lượng lớn tiền mặt để Google phát triển. Cũng vì bản hợp đồng này mà Yahoo đã không tập trung vào việc xây dựng riêng cho mình một công cụ tìm kiếm mạnh mẽ ngay từ ban đầu. Đến năm 2002, ban lãnh đạo nhận thấy tốc độ tăng trưởng của Google quá nhanh nên mong muốn mua lại công này, nhưng Google đã từ chối số tiền 3 tỷ USD mà Yahoo đề xuất. Lúc bấy giờ, ông Terry Semel mới nỗ lực chi 1,63 tỷ USD mua lại Overture - công ty phát minh ra công nghệ quảng cáo theo từ khóa tìm kiếm đã giúp Google trở nên giàu có. Sau đó, Yahoo tiếp tục xây dựng dự án Panama - mô hình quảng cáo pay-per-click của riêng mình để cạnh tranh với đối thủ. Kết quả cuối cùng là Google đã phát triển quá nhanh và bỏ xa công ty ở lĩnh vực này.
Google không phải là cái tên duy nhất khiến cho Yahoo tiếc nuối vì bỏ lỡ. Năm 2006, công ty đã nhìn thấy tiềm năng của Facebook khi mạng xã hội này mới chỉ có 7 triệu người dùng. Lúc đầu ban lãnh đạo đưa ra giá 1 tỷ USD và là lời đề nghị giá trị nhất trong số hàng chục lời mời chào khác dành cho những người sở hữu Facebook. Nhưng cuối cùng CEO Facebook Mark Zuckerberg đã từ chối vì không cần tiền, thêm một phần do Yahoo không nỗ lực theo đuổi thương vụ. Trước đó vào năm 2005, CEO Terry Semel đã bắt đầu quan tâm đến mô hình mạng xã hội khi mua lại Flickr - nền tảng chia sẻ ảnh lớn nhất internet trước khi bị Facebook thay thế. Vào thời gian này còn có sự ra đời của Yahoo! 360 - dịch vụ blog và mạng xã hội do chính Yahoo tạo ra. Thay vì tập trung phát triển Flickr như một mạng xã hội độc lập, thì công ty chỉ tập trung vào việc thương mại hóa các hình ảnh tải lên trang này. Dần dần nền tảng này mất vị thế vào tay các đối thủ, đặc biệt là Facebook. Kết quả là Flickr đã được bán lại cho SmugMug tạo ra cộng đồng nhiếp ảnh lớn nhất thế giới. Còn Yahoo! 360 thì bị khai tử. Ngoài ra, còn có Yahoo Messenger là một trong những dịch vụ thành công nhất của công ty khi có hàng trăm triệu người dùng trên khắp thế giới sử dụng công cụ này để liên lạc với nhau. Tại Việt Nam, Yahoo Messenger đã trở thành huyền thoại đối với thanh niên thế hệ 8x và 9x đời đầu, tiếng Buzz báo tin nhắn cùng với những chiếc webcam nhỏ đã kết nối hàng triệu đôi trai gái yêu nhau. Nhưng kể từ khi Facebook Messenger xuất hiện, mọi người dần dần lãng quên công cụ này và chính thức đóng cửa vào năm 2018.

Hình ảnh chứa nhiều kỷ niệm của Yahoo Messenger tại Việt Nam
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận của công ty vẫn tăng trưởng, nhưng việc chi hàng đống tiền cho các thương vụ mua lại mà không đạt được kết quả gì đã báo hiệu điềm xấu. Nguyên nhân của những thất bại là do đế chế internet này không thể xác định mình có vai trò gì trong thế giới internet ngày càng thay đổi nhanh chóng. Điều đó thể hiện rõ qua một buổi họp mặt giữa các nhà lãnh đạo của công ty, trong bối cảnh đạt được doanh thu 5,3 tỷ USD và 1,9 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2005. Họ tổ chức trò chơi cùng nhau nói từ đầu tiên mỗi khi nhắc đến một doanh nghiệp nào đó, ví dụ: eBay là đấu giá, Google là tìm kiếm, Facebook là mạng xã hội,...Còn đến Yahoo thì mỗi người trả lời một kiểu, người thì trả lời mail, người thì nói tin tức, người còn lại thì nói tìm kiếm,...Đến cuối cùng vẫn không ai xác định được thực sự Yahoo có vai trò gì trong thời điểm đó. Kết quả này có thể là do công ty liên tục thay đổi lãnh đạo cấp cao và thiếu đi tầm nhìn dài hạn để định hướng chiến lược lâu dài của mình.
Năm 2007, Terry Semel từ nhiệm, để lại chiếc ghế CEO cho nhà sáng lập Jerry Yang. Việc làm đáng nhớ nhất của ông chính là từ chối bán công ty cho Microsoft với giá 44,6 tỷ USD, vì cho rằng mức định giá quá thấp so với giá trị thật của Yahoo. Đến năm 2009, ông Yang đã rời đi và bà Carol Bartz thế chỗ. Nhưng vì chẳng thể giúp công ty internet này tăng trưởng, mà ngược lại còn làm cho doanh thu sụt giảm, vốn hóa thị trường năm 2011 chỉ còn lại 22,24 tỷ USD (chỉ bằng một nửa so với con số của Microsoft đề xuất 3 năm trước) nên bà Carol Bartz bị sa thải. Đầu năm 2012, Yahoo có CEO mới là ông Scott Thompson, nhưng chỉ làm việc được 4 tháng, sau khi kiện Facebook và sa thải 2.000 nhân viên thì rời công ty vì những lùm xùm liên quan tới bằng cấp. Lúc này chủ tịch Roy Bostock cũng từ nhiệm. Ban điều hành mới bao gồm Fred Amoroso là chủ tịch và Ross Levinsohn làm CEO tạm thời. Chỉ hai tháng cầm quyền, nhưng ông Ross và ban lãnh đạo đã kịp thời bán một nửa cổ phần tại Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma để thu về 7,1 tỷ USD. Sau đó vị CEO này đã phải rời Yahoo vì công ty đã chọn được người “đúng ý” là bà Marissa Mayer - cựu Phó chủ tịch Phát triển sản phẩm và Chăm sóc khách hàng của Google.

Chân dung bà Marissa Mayer - CEO cuối cùng của Yahoo trước khi bán mình
Thời điểm bà Marissa Mayer nắm quyền, Yahoo vẫn nắm giữ số lượng tiền mặt khổng lồ nhưng không có lĩnh vực nào cốt lõi để làm nền tảng cạnh tranh với đối thủ. Bà là người dẫn đầu trong thương vụ mua lại Tumblr - mạng xã hội dưới dạng blog mini, với giá 1,1 tỷ USD. Năm đầu tiên bà đã giúp công ty đạt mức doanh thu 1,13 tỷ USD và lợi nhuận tăng trưởng 150% so với cùng kỳ ở mức 137 triệu USD. Đặc biệt, giá cổ phiếu tăng lên đến 35 USD, mức giá cao nhất của công ty kể từ năm 2008. Vì mục đích cố gắng thương mại hóa Tumblr, Yahoo đã chạy quảng cáo trên nền tảng này và khiến người dùng phản đối vì những thay đổi, dần dần mạng xã hội này cũng ngã ngũ trước các đối thủ khác. Kế hoạch vực dậy đế chế internet một thời của CEO Marissa Mayer gần như thất bại, Yahoo phải bán mình cho Verizon với giá 4,8 tỷ USD vào năm 2016. Đến năm 2017, bà Marissa Mayer cũng thông báo từ nhiệm trên chính tài khoản Tumblr của mình. Trước khi mọi thứ dần dần kết thúc, Yahoo đã bị “lật tẩy” vụ vi phạm dữ liệu ảnh hưởng đến 1 tỷ tài khoản người dùng trong suốt giai đoạn 2013 - 2014, trở thành vụ vi phạm lớn nhất từng được phát hiện trong lịch sử internet vào thời điểm đó. Năm 2021, Yahoo lại bị Verizon bán cho Apollo Global Management chỉ sau 5 năm sở hữu.