340642400-2802224806575134-5665063397678497327-n-1681272330.jpg
 

Tuần qua tôi nhận được 3 lời đề nghị của hai nông dân (sản xuất) và một thương lái, nhờ giúp làm mã số vùng trồng (MSVT). Làn sóng làm MSVT đang “hot”?

Đó là điều kiện để xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Cục bảo vệ thực vật Việt Nam cấp (theo đề nghị các địa phương) rồi Hải Quan TQ chấp nhận và có MSVT mới có thể xuất khẩu.

MÃ SỐ VÙNG TRỒNG LÊN NGÔI ?

Trời thì nóng mà không khí chạy đua làm MSVT còn nóng hơn? Suốt tuần qua, tôi cũng theo đuổi cuộc "chinh phục" MSVT này. Thiên hạ đổ xô đi làm MSVT, và lạy trời, tôi cứ tự hỏi, ủa, sao không thấy ai lo cho chất lượng trái sầu?. Qui định của thị trường lớn là Trung Quốc là phải có diện tích tối thiểu đủ 10 ha mới làm được một MSVT (để đảm bảo tính đồng bộ của sản phẩm), do đó thường thì phải mấy hộ nông dân hợp nhau lại mới làm được 1 mã số. Có khi họ giao cho doanh nghiệp (DN) đứng tên, sau đó DN sẽ ra vốn và hướng dẫn qui trình cho nông dân. Và sau đó, lại xảy ra “lật kèo” hay “ép giá”. Về nguyên tắc, muốn làm MSVT phải biết qui trình sản xuất và thêm tới 16 yếu tố nữa như nhật ký canh tác, lượng vật tư phân thuốc…đọc danh mục (hồ sơ có tới 17 loại giấy tờ) thấy bắt ngán nhưng nghĩ lại, toàn trích từ các tiêu chí của Vietgap nên ai đã thạo áp dụng Vietgap rồi thì hiểu hết.

Tuy vậy, thực tế nhiều nông dân chỉ lấy Vietgap làm lá bùa đối phó. Hiện giờ có một hiểu lầm to lớn: có MSVT là xuất khẩu được. Thậm chí có thể bán giá đắt hơn. Hiểu vậy là sai. MSVT chỉ là một thủ tục. Khách hàng mua sản phẩm là họ mua (xem xét) chất lượng chứ không mua MSVT. Vậy mà thay vì tập trung giữ vững chất lượng để cạnh tranh thực sự thì ta dồn sức cho MSVT. Có cả những hộ nông dân sau khi lấy MSVT thì ngưng trồng tỉa mà chỉ bán MS kiếm tiền. Tôi có nghe thương lái kể, mức giá lên tới 4000 đồng mỗi kg sầu riêng xuất đi, cứ tính trọng lượng xuất mà nhân lên, lượm tiền.

Và vì chất lượng không đều, không tốt, hàng đến TQ không bán được hay được định giá lại, đưa ra chợ bán xá thay vì vào siêu thị. Rớt giá. Lại đối phó tiếp, thương lái thổi giá lên, tung giá, hét giá hi vọng tạo giá trị ảo để bán mức trên trời.

CHUYỆN NGÁO GIÁ LÀ CÓ THẬT.

Không biết ai là thủ phạm thổi giá. Có vẻ chỉ là một ai đó, động cơ trục lợi là rõ, cũng có thể “đồn đải” là “tới công chiện”. Lại có thể do cán bộ quản lý Việt Nam thích nói thành tích hay phóng viên Việt Nam vốn quen tô hồng cường điệu. Thương lái nói với tôi một hình tượng, tự nhiên mà giá nhảy lên cao chót vót, kiếm sào kéo xuống không kịp. Người kinh doanh sầu riêng gọi hiện tượng này là NGÁO GIÁ, tức là giá bị điên không ai cản nổi như kiểu…ngáo đá. Một ví dụ. Mới đây, giá sầu Việt nâng lên tới 170 ngàn, trong khi giá sầu Thái cứ vững ở mức 106 ngàn, mà chất lượng, sau khi nâng độ khô cho cơm sầu riêng lên tới 35% thì càng tốt hơn chất lượng không đều, không ổn định của sầu Việt.

Cuộc cạnh tranh về giá hiện đang hồi gây cấn. Một anh thương lái sẵn dịp kể, đừng tưởng chỉ cạnh tranh chất lượng với Thái, ta đang phải đấu về giá trên mọi mặt trận. Anh nói, anh suýt lấy được hợp đồng 10 tấn đậu xanh (để làm giá đổ) với giá 40 ngàn/kg vậy mà cuối cùng mất về tay Myanmar khi họ chào giá 35 ngàn. Cả hành lá, tỏi, hành tím củng đang đấu mệt mỏi về giá với các nước Đông Nam Á.

Và còn phải cập nhật thông tin thị trường. Như Hàn Quốc ký hợp đồng mua ớt với một ban thương lái nói chuyện với tôi tối qua, ban đầu họ ra điều kiện phải loại 4 chất cấm, bỗng cuối tháng 3, họ “add” thêm 3 chất cấm nữa. Chạy theo kiểm tra xấc bấc xang bang…

Chỉ riêng chuyên cạnh tranh về giá với Thái, Việt Nam ta rõ ràng yếu thế hơn: họ có hợp tác xã và hội ngành hàng mạnh để đảm bảo không có những “con nhạn lạc bầy” thổi giá hay tung tin tào lao. Nông dân của họ được Bộ Nông Nghiệp và Hợp tác xã của họ giao chuyên tâm một thứ: chất lượng ổn định, hiên là thứ mà nông dân Việt Nam còn…thả nổi, lại là yếu tố cạnh tranh chính.

Cả một hệ sinh thái đồng điệu với người nông dân Thái: chính quyền, doanh nghiệp, đôi ngũ Hội và xúc tiến. Thử đối chiếu, Việt Nam có khuyến khích lập Hội ngành hàng chưa. Kêu rát cổ mà chưa thấy gì, thì cạnh tranh còn…lao đạo.

Tôi thử kết luận và các bạn thương lái cùng các nhà sản xuất tôi gặp mấy hôm nay đồng tinh. Nông dân mình xưa giờ chỉ làm theo kinh nghiệm. Tiêu chuẩn họ chưa biết, nay bắt đầu làm quen. Mà…khó quá, họ cứ nằn nì, chỉ chỗ để họ..đi mua. Bây giờ cũng có nhiều nông dân và hợp tác xã chuyển mình làm ăn đúng cách thì đã thành công.

Tôi tự nghĩ mà không đành nói ra: đợi nông dân hiểu yêu cầu sống còn của qui trình, tiêu chuẩn thì chắc phải thất bại ít lâu nữa, khi đó biết đâu đã được lập Hội, Hiệp hội ngành hàng? Sự “vô minh” vì không có hiểu biết hay kinh nghiệm thị trường sẽ dần thay đổi. Tham lam và tính toán lợi ích của nông dân mình trên cơ sở không có am hiểu, kinh nghiệm và bản lĩnh thị trường chắc sẽ còn trả giá. Mong sẽ không quá lâu?

Nguồn: Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao