David Dương – người được báo chí gọi là “Vua rác” hay “tỷ phú rác” là một người Mỹ gốc Việt với tên tiếng Việt là Dương Tử Trung. Cha ông là Dương Tài Thu, ông chủ của hãng giấy nổi tiếng Sài Gòn một thời, Cogido.

Trên FB cá nhân, ông David Dương vừa chia sẻ: “Công ty (Tàu) Malaysia này thông qua nhóm PMH (Phú Mỹ Hưng) đánh phá công ty VWS, và từng muốn nuốt trọn công ty VWS với giá rẻ nhưng không thành.

Muốn thâu tóm giá rẻ cho rằng VWS gây ra mùi hôi và bị một số dân PMH phản ảnh (Trò chơi ném đá dấu tay). ..."

Công ty Malaysia mà ông David Dương nhắc đến được cho là công ty Berjaya Việt Nam, do ông Nguyễn Hoài Nam làm CEO. Bởi phía dưới dòng status mà ông chia sẻ là bài viết của một facebooker đang nói về vợ chông ông Nguyễn Hoài Nam.

Vậy David Dương và VWS là công ty như thế nào mà người đứng đầu lại lên FB “vạch mặt” đối tượng muốn “nuốt trọn với giá rẻ”?



 

Đế chế rác tại Mỹ: California Waste Solutions (CWS)

Sau khi định cư ở bang California cuối những năm 1970, gia đình David thành lập một công ty tái chế rác mang tên California Waste Solutions (CWS) vào năm 1991, gần như độc chiếm trong quá trình bỏ thầu để thu thập rác tái chế ở Oakland và San Jose.

Trước CWS, gia đình ông sở hữu một công ty sản xuất giấy tái chế. Nhưng công ty của nhà ông Dương mở ra được vài năm thì tới đầu những năm 1990, công ty nợ hơn 1 triệu USD. Gia đình ông bán công ty đó lại cho Norcal Waste Systems, một trong những công ty rác lớn nhất nước Mỹ lúc bấy giờ.

Năm 1992, ngay sau khi CWS ra đời, gia đình ông Dương gặp cơ hội lớn khi thành phố Oakland thúc đẩy chiến dịch tái chế rác mới. Khi đó, tái chế rác ở gia đình vẫn còn quá mới nên khi thành phố mời thầu, chỉ có ba công ty nộp thầu, trong đó có công ty nhà ông Dương là CWS.

Không có nhà thầu nào có đủ tài chính để làm cho cả TP nên hội đồng quyết định chia một phần ba gói thầu cho mỗi công ty. CWS khi đó quá nghèo nên phải cần khoản tiền vay 350.000 USD từ TP để mua xe tải rác.

Ông Dương sau khi thành đạt đã trở thành một trong những nhà đóng góp tài chính tranh cử lớn nhất ở Oakland. Ông Dương khi đó giải thích rằng “sẽ phải luôn làm việc với giới chính trị gia để mọi thứ đi đúng hướng”.
Tới năm 1998, gia đình ông Dương và các nhân viên của mình ở CWS đã đóng góp hơn 25.000 USD cho các chiến dịch tranh cử khác nhau ở hội đồng thành phố Oakland. Trong số những người nhận được tiền có những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định các hợp đồng xử lý rác.

Cuối những năm 1990, cựu thị trưởng Elihu Harris và ông hội đồng Larry Reid giúp ông Dương trong cuộc đàm phán với nghiệp đoàn Longshoremen khi nghiệp đoàn này biểu tình chống CWS.

Năm 1994, khi đoàn công tác của một Phó chủ tịch UBND TP.HCM lần đầu tới San Francisco (Mỹ), David Dương là một trong những thương nhân Việt kiều đầu tiên tới gặp đoàn.

Trong thời điểm chưa bình thường hoá, việc gặp đoàn cán bộ từ Việt Nam qua có thể coi là hành động mạnh dạn ở California (Mỹ), nơi có đông người di cư. Với ông David Dương, xây dựng các mối quan hệ chính trị là điều luôn được doanh nhân này quan tâm tới.

Theo số liệu của Center for Responsive Politics (chuyên theo dõi các hoạt động đóng góp bầu cử), riêng trong năm 2015, ông David Dương đã góp 65.000 USD cho phe Dân chủ và một loạt các cuộc chạy đua chính trị khác nhau. Tương tự, từ 2008 tới đầu 2013, David Dương đóng góp khoảng 150.000 USD cho Obama và đảng Dân chủ.
Ở các thành phố thuộc bang California, David Dương đặc biệt nổi tiếng với khả năng gây quỹ cho các chính trị gia nhờ mối quan hệ sâu với cộng đồng người Hoa.

Trang Little Saigon Inside từng miêu tả một cuộc vận động gây quỹ cho dân biểu Van Tran hồi năm 2010. Trong 2 giờ, anh em David Dương đã gây quỹ hơn 42.000 USD cho ông Van Tran, người chạy đua chiếc ghế Hạ viện với nữ nghị sĩ Loretta Sanchez.

CWS là một tâm điểm trong vụ cựu thị trưởng San Jose Ron Gonzales hồi đầu những năm 2000. Thị trưởng Gonzales khi đó bị cáo buộc là đẩy cao giá hợp đồng mua bán rác để đổi lại nhận tiền ủng hộ tranh cử từ công ty xử lý rác Norcal (đối tác của ông Dương) và CWS.

Khi vụ bê bối được đưa ra năm 2004, hồ sơ truy tố cáo buộc thị trưởng Gonzales che giấu việc ông biết nghiệp đoàn Teamster sẽ tốn nhiều chi phí hơn khiến thành phố phải trả thêm 11,25 triệu USD. Ông bị cáo buộc là lừa dối dân chúng khi phê chuẩn việc này (có lợi cho Norcal và CWS). Toà án hạt Santa Clara cũng truy tố Norcal và một trợ lý của ông thị trưởng.

Ông Dương được gọi ra là nhân chứng chống lại ông Gonzales và công ty Norcal – hành động bị nhiều báo chí địa phương chỉ trích vì ông Dương có “mâu thuẫn lợi ích” trong vụ việc.

Năm 2016, trên Mercury News, cây bút Scott Herohold nhắc lại vụ bê bối này và chỉ trích hoạt động tái chế rác của CWS ở San Jose là “thiếu hiệu quả” và cho rằng người dân TP không nên tiếp tục dùng dịch vụ của CWS.

Tư vấn của chính quyền thành phố San Jose cũng kết luận thiết bị của CWS đã cũ kỹ và thiếu công nhân. Sản phẩm tái chế mà CWS làm ra cũng bị coi là bẩn và chất lượng không cao. Đồng thời, vị này chỉ trích CWS đã không đầu tư đủ cho nhà máy Timothy Drive của mình.

CWS thì phản bác lại cho rằng vấn đề nằm ở rác của người dân không được phân loại chuẩn xác.

Năm 2019 là năm đáo hạn hợp đồng thu gom rác của CWS với thành phố San Jose. CWS đã yêu cầu thành phố này tăng giá gần 60% cho dịch vụ xử lý rác, theo ông Dương thì việc tăng giá là điều bình thường và đó cũng là mức giá cạnh tranh trên thị trường. Với mức tăng giá này, phí cho việc thu gom rác của của mỗi hộ gia đình sẽ tăng từ 9,47 đô la lên 15,10 đô la. Chính quyền thành phố không chấp nhận mức phí đó, đồng thời đưa ra nhiều lý do khác nhau để không tiếp tục tái ký hợp đồng thu gom rác với CWS.

Vào tháng 1.2018, các nhân viên của CWS tập trung tại Tòa thị chính San Jose để phản đối việc chính quyền không chấp thuận gia hạn hợp đồng thu gom rác thải của công ty.

“Cộng đồng người Mỹ gốc Việt không chấp nhận bất cứ một đối xử nào không công bằng. Con cháu của chúng ta sau này sẽ được đối xử công bằng nếu chúng ta tranh đấu và đòi hỏi được đối xử công bằng từ thế hệ này” - David Dương nhấn mạnh.

Một cuộc điều trần giữa CWS với Sở Tài nguyên - Môi trường (ESD) tại San Jose có mặt đông đảo người Mỹ gốc Việt đã diễn ra.

Cuối cùng, chính quyền San Jose buộc phải đồng ý cho CWS tiếp tục hợp đồng thu gom và xử lý rác cho 166.000 ngôi nhà tại thành phố này trong vòng 1 năm. Sau 1 năm, chính quyền sẽ cân nhắc tiếp để tiến tới ký hợp đồng 15 năm với công ty. Về phía chính quyền thành phố cũng có trách nhiệm giáo dục người dân về ý thức bảo vệ môi trường theo chương trình mà CWS đề ra. Mức phí cuối cùng mà hai bên đồng thuận là 13,15 đô la phí thu gom rác cho mỗi hộ gia đình mỗi tháng.

“Với thắng lợi bước đầu này chúng tôi rất tự tin sẽ làm tốt để giành được hợp đồng 15 năm cho công ty”, ông David Dương hào hứng chia sẻ.

Sự nghiệp kinh doanh rác tại Việt Nam


Tại Việt Nam, David Dương mở Công ty Vietnam Waste Solutions (VWS, 100% vốn từ CWS) để xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.

davidduong-1306189-1632813575.jpg
Ông David Dương


VWS chịu không ít tai tiếng về việc vận hành bãi xử lý rác có thể tích 3 triệu m3 này. Dự án này được cho là nguyên nhân chính khiến những người dân tại "khu nhà giàu" Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP HCM không dám về nhà do mùi khó chịu.


Cuối năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra VWS theo đơn tố cáo của các công dân.
Một lý do khiến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước bị phản ánh là do liên tục bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống của dân cư khu vực xung quanh.

Kết quả kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường bãi rác Đa Phước của Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, Dự án áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh truyền thống và sản xuất compost, không phải là dự án có công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại so với các nước phát triển, nhưng phù hợp với điều kiện, đặc điểm của thành phố 10 năm trước. Quá trình triển khai thực hiện công nghệ này đã bộc lộ những hạn chế như phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường.


Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ nhận thấy từ năm 2007 đến nay, dù Công ty VWS đã có những biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,... nhưng trong từng thời điểm vẫn còn để xảy ra phát tán mùi hôi, ảnh hưởng đến một số hộ dân sinh sống ở xung quanh. Một số chỉ tiêu về môi trường còn vượt mức cho phép.

Về nội dung tố cáo dự án bao gồm công nghệ làm phân compost, tái chế nhưng thời gian hơn 8 năm qua đều đem rác để chôn, Thanh tra Chính phủ khẳng định tố cáo này “là đúng”. Nguyên nhân là do khi thương thảo hợp đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM không lường trước được sự khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn của thành phố.

khi không thực hiện được nội dung này, trong một thời gian dài Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn không đề nghị thương thảo, rà soát lại hợp đồng đã ký kết. Công ty VWS đã xây dựng xong các hạng mục nhà xưởng để phân loại rác và sản xuất phân compost nhưng do thành phố không phân loại được rác tại nguồn nên không thể vận hành được nhà máy phân loại, tái chế.

Về tình hình kinh doanh, bãi rác Đa Phước mang về cho VWS hàng trăm tỷ lợi nhuận mỗi năm. Trong ba năm từ 2014 – 2016, doanh thu của VWS tăng từ 491 lên 822 tỷ đồng với lợi nhuận tăng hơn gấp đôi lên 281 tỷ.

Doanh thu của đơn vị này sẽ phụ thuộc vào lượng rác thải tiếp nhận và đơn giá xử lý tính trên mỗi tấn rác. Là đơn vị quản lý khu chôn lấp rác lớn nhất TP HCM, VWS cũng có ưu thế đáng kể trong việc đàm phán đơn giá xử lý. Mỗi ngày, bãi rác Đa Phước do VWS quản lý tiếp nhận khoảng 5.800 tấn rác, chiếm 66% tổng lượng rác tại TP HCM.
Trong kết luận của Thanh tra TP HCM đầu năm 2016, giá xử lý rác tại Đa Phước cũng cao hơn tất cả các đơn vị khác. Trong đó, cùng là công nghệ chôn lấp nhưng thành phố áp dụng giá xử lý một tấn rác với VWS cao hơn 67.384 đồng (tương đương 3 USD) so với Công ty TNHH Môi trường đô thị thành phố.

Cũng theo kết luận của đơn vị thanh tra, với đơn giá này, chỉ tính riêng việc chuyển 2.000 tấn rác mỗi ngày từ khu xử lý rác Phước Hiệp (đã được UBND TP HCM quyết định đóng cửa) về Đa Phước, mỗi năm ngân sách thành phố phải chi thêm khoảng 48 tỷ đồng.

Ngoài Đa Phước, vào năm 2015, Công ty CP Xử lý chất thải Việt Nam - Long An thuộc VWS được trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu công nghệ Môi trường xanh có diện tích 1.760 ha tại xã Tân Tập huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An với tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD.