530aab93-c650-4cc7-823a-f7060b-7651-2550-1688383343-1694766409.jpg
 

Vào ngày 14/9, PG Bank đưa ra thông báo về việc bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Thắng làm tân Tổng giám đốc của ngân hàng với kỳ hạn 5 năm và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày hôm nay (15/9)

Được biết, ông Thắng sinh năm 1962, có trình độ chuyên môn tiến sĩ kinh tế - Học viện Ngân hàng; kỹ sư toán ứng dụng - Đại học Bách khoa Hà Nội; cử nhân kinh tế - Đại học Kinh tế quốc dân.

Trước khi làm việc tại PG Bank, ông Thắng đã có hơn 30 năm công tác tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ông đã giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ tháng 3/2014 cho đến khi nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/5/2023.

Ở tuổi 61, ông Phạm Mạnh Thắng kết thúc sự nghiệp viên chức nhà nước bởi giới hạn của tuổi hưu, nhưng chắc hẳn đó chưa phải là giới hạn cho khả năng cống hiến. Như đã biết, cựu lãnh đạo Vietcombank đảm nhiệm chức vụ quyền Tổng giám đốc PG Bank từ đầu tháng 7/2023.

Kinh nghiệm dạn dày trong lĩnh vực tài chính và sự am hiểu sâu sắc về ngành ngân hàng của ông Phạm Mạnh Thắng hẳn sẽ hữu ích với ông chủ tư nhân đã mời ông cộng tác, đặc biệt là trong hoạt động phát triển và định hình chiến lược tài chính của PG Bank hậu Petrolimex thoái vốn.

Ngoài việc PG Bank có tân Tổng Giám đốc, ngân hàng này cũng liên tục có sự biến động về nhân sự cấp cao trong thời gian gần đây.

Cụ thể, vào cuối tháng 8/2023, ngân hàng này cũng đã công bố đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Oliver Schwarzhaupt, ông Nilesh Ratila và bà Dương Ánh Tuyết (trưởng Ban kiểm soát). Cả ba vị trên từ nhiệm các chức vụ tại PG Bank vì lý do cá nhân.

Vào đầu tháng 5/2023, ông Schwarzhaupt được bầu làm Chủ tịch HĐQT PG Bank, tuy nhiên sớm có đơn từ nhiệm vị trí này và được thay thế bởi ông Nguyễn Phi Hùng kể từ ngày 2/7/2023.

Những biến động thượng tầng tại PG Bank diễn ra sau khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thoái toàn bộ 40% vốn góp tại PG Bank từ hồi tháng 4/2023. Cụ thể, Petrolimex đã thoái vốn thành công toàn bộ 120 triệu cổ phần sở hữu tại PG Bank với giá trung bình 21.400 đồng/cổ phần. 

3 tổ chức mua thành công cổ phiếu PG Bank bao gồm: Công ty Quốc tế Cường Phát mua 40,62 triệu cổ phiếu (13,54%), Công ty Thương mại Vũ Anh Đức mua 40,08 triệu cổ phiếu (13,36%) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh mua 39,3 triệu cổ phiếu (13,1%).

Cũng ngày hôm qua PG Bank cũng vừa công bố báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh (Gia Linh), CTCP Quốc tế Cường Phát (Cường Phát) và CTCP Thương mại Vũ Anh Đức (Vũ Anh Đức).

Theo đó, các công ty này đã đã hoàn tất việc nhận chuyển nhượng và ngày thực hiện giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu và trở thành cổ đông lớn tại PG Bank của 3 pháp nhân trên là 31/8/2023.

Theo các nguồn tin, được biết 2 trong 3 tổ chức này có mối liên quan tới liên quan mật thiết với đế chế Thành Công Group của đại gia Nguyễn Anh Tuấn.

Cụ thể, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cường Phát là ông Nguyễn Văn Mạnh (1981), là cổ đông sáng lập của PL Iro, một thành viên trong hệ sinh thái doanh nghiệp của gia đình chủ tịch Thành Công Group Nguyễn Văn Tuấn. Vợ chồng ông Nguyễn Toàn Thắng, em trai ông Tuấn sáng lập và sở hữu vốn PL Iro. Ông Toàn Thắng sở hữu 40%; bà Nguyễn Hồng Hạnh sở hữu 50% vốn tại doanh nghiệp này. Cũng mới đây, ngày 20/4 vừa qua, Cường Phát tăng vốn từ 10 tỷ đồng lên 822 tỷ đồng - xấp xỉ số tiền doanh nghiệp này chi ra để trúng đấu giá 40,6 triệu cổ phiếu PGB.

Chủ tịch tại công ty Vũ Anh Đức là ông Vũ Văn Nhuân (1973), một nhân sự của Thành Công Group. Ông Nhuân từng được biết trong vai trò giám đốc CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng. Công ty với cơ cấu cổ đông gồm CTCP Tập đoàn Thành Công (60%), CTCP Hyundai Thành Công Việt Nam (25%) và Công ty TNHH TCG Land (15%).

Tại Việt Nam, Thành Công Group nổi bật với vai trò nhà lắp ráp và phân phối độc quyền xe Hyundai tại Việt Nam. Gần đây, tập đoàn này cũng bắt đầu thể hiện tầm ảnh hưởng sang lĩnh vực bất động sản và tài chính - ngân hàng.

Liên quan đến hoạt động ngân hàng, Thành Công Group từng sở hữu lượng đáng kể cổ phần ngân hàng Eximbank (khoảng 30%). Tập đoàn từng đưa bà Lê Hồng Anh, vợ chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn vào hội đồng quản trị nhà băng; ngoài ra còn có thêm ông Đào Phong Trúc Đại, là Tổng giám đốc Khu công nghiệp Việt Hưng. Tuy nhiên, đến đầu năm nay, hai đại diện từ Thành Công Group rút khỏi HĐQT Eximbank.

Còn tại mảng công nghiệp ô tô, trong năm 2022, các đơn vị thuộc khối ô tô tập đoàn bán gần 81.600 xe, tăng gần 16% so với năm trước. Doanh thu Thành Công Group đạt 118.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD), nộp ngân sách Nhà nước 22.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). 

Đáng chú ý, thay vì tổ chức tại Hà Nội như trước đó, ĐHĐCĐ bất thường lần này của PG Bank dự kiến diễn ra tại The Five Villas & Resort Ninh Bình. Đây là một resort thuộc thương hiệu The Five Hospitaility của Tập đoàn Thành Công.

về kết quả kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần tại PG Bank ghi nhận đạt hơn 680,6 tỷ đồng, tăng 25,4% so với 6 tháng đầu năm trước. PG Bank trích gần 87 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm, giảm tới 39% nên lợi nhuận trước và sau thuế đạt hơn 303,5 tỷ và hơn 242,8 tỷ đồng; đều tăng gần 29%.

So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 dự kiến đạt 530 tỷ đồng thì PG Bank đã thực hiện 57% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính đến ngày 30/6/2023, số dư nợ xấu của Ngân hàng này tăng từ 744,4 tỷ đồng lên 839,9 tỷ đồng kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,56% lên 2,77%.

Về PG Bank, tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, được thành lập ngày 13/11/1993 với số vốn điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng. Hiện nay, PG Bank có tổng số 17 chi nhánh, 63 phòng giao dịch hoạt động tại các tỉnh và thành phố trên cả nước với 1.700 nhân viên. Hội sở chính của Ngân hàng đặt tại Hà Nội.