Khánh thành nhà máy gạo lớn nhất châu Á
Ngày 18/1/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã khánh thành nhà máy gạo Hạnh Phúc có quy mô diện tích lớn nhất châu Á. Lễ khánh thành trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Lãnh đạo chính quyền tỉnh An Giang và các đối tác trong, ngoài nước.
Nhà máy gạo Hạnh Phúc được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhất châu Á có diện tích 161.000m2 tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống 80 silo chứa lúa (bảo ôn) 240.000 tấn, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày (lúa khô), nâng tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày.
Nhà máy vận hành 100% giải pháp công nghệ được nhập khẩu từ châu Âu như: hệ thống tiếp nhận, làm sạch, sấy và silo chứa lúa của Tập đoàn SKIOLD (Đan Mạch); hệ thống xay xát lúa gạo từ Buhler (Thụy Sỹ); các trang thiết bị đi kèm đều nhập khẩu và đồng bộ theo tiêu chuẩn EU từ Ý, Đức, Ba Lan…Đây đều là những đối tác công nghệ hàng đầu châu Âu với kinh nghiệm hoạt động từ hàng chục đến hàng trăm năm; đáp ứng chuẩn mực các yêu cầu khắt khe nhất của thế giới về an toàn thực phẩm, an toàn vận hành và thân thiện với môi trường.
Đại diện Tập đoàn Tân Long, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT cho biết, lễ khánh thành nhà máy gạo Hạnh Phúc là khởi đầu thuận lợi cho kế hoạch đầu tư và phát triển chuỗi sản xuất lúa gạo dài hạn của Tập đoàn Tân Long, đặc biệt là đối với thương hiệu gạo A An.
Dự án Nhà máy gạo Hạnh Phúc được đầu tư rất lớn về công nghệ. Xây dựng bài bản vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn thế giới là điều kiện rất quan trọng để tạo nên những hạt gạo tốt nhất, đồng đều nhất về chất lượng xuyên suốt cả năm; ít bị ảnh hưởng bởi vụ mùa. Thực hành sản xuất lúa gạo “tốt từ đầu” nhờ tối ưu công nghệ vì thế sẽ giúp giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm và cạnh tranh về giá thành”.
Đáng chú ý, nhà máy được lựa chọn xây dựng tại vị trí chiến lược là đặt trên cánh đồng thuộc huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), được bao quanh bởi 4 huyện trồng lúa khác gồm: Thoại Sơn (An Giang), Giang Thành, Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang). Lợi thế về vị trí xây dựng nhà máy sẽ góp phần đáng kể vào việc rút giảm khoảng cách, thời gian, chi phí vận chuyển lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy cho nông dân; đảm bảo điều kiện lý tưởng để lúa tươi được sấy và lưu trữ ngay sau thu hoạch dưới 10 tiếng với chất lượng hoàn hảo; giữ được mùi thơm, hương vị của các giống lúa, trong đó có các loại gạo danh tiếng của các tác giả như Thạc Sỹ - Kỹ Sư Hồ Quang Cua và Viện giống đồng bằng sông Cửu Long.
Theo số liệu thống kê, diện tích trồng lúa tại 5 huyện gần kề Nhà máy gạo Hạnh Phúc kể trên đạt gần 300.000 hecta. Sau khi chính thức đi vào hoạt động, nhà máy gạo Hạnh Phúc sẽ khai thác hiệu quả lợi thế của đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn và phì nhiêu nhất Đông Nam Á, góp phần nâng cao giá trị lúa gạo và thu nhập cho nông dân.
Tập đoàn Tân Long của ông Trương Sỹ Bá khủng cỡ nào?
Người sáng lập, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Tân Long là ông Trương Sỹ Bá. Tập đoàn này còn "nổi danh" khi là nhà tài trợ cho đội tuyển bóng đá Sông Lam Nghệ An (SLNA). Theo đó, kể từ ngày 1/6/2021, Tập đoàn Tân Long đã chính thức tiếp nhận CLB bóng đá SLNA.
Tập đoàn Tân Long sẽ giữ lại tên Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An, đồng thời chính thức giới thiệu bộ máy ban lãnh đạo và điều hành mới với Chủ tịch Câu lạc bộ là ông Trương Sỹ Bá. Còn con trai ông, ông Trương Mạnh Linh giữ vị trí Giám đốc Điều hành.
Ông Trương Sỹ Bá cho biết “Chúng tôi mong muốn được đóng góp vào sự phát triển chung của bóng đá xứ Nghệ nói chung và SLNA nói riêng với môi trường bóng đá Việt Nam. Với tư cách của nhà đồng hành, tài trợ và quản lý mới, chúng tôi cam kết đảm bảo và tạo mọi điều kiện để CLB SLNA có sự chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt, vững tâm thi đấu và đạt kết quả tốt nhất trong những trận đấu sẽ gian nan nhưng cũng rất nhiều hy vọng phía trước”.
Về Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, được thành lập từ năm 2000 đây là một trong những tập đoàn sản xuất kinh doanh đa ngành nghề. Lĩnh vực hoạt động của công ty bao gồm: Tân Long Grain (nguyên liệu thức ăn chăn nuôi), Tân Long Rice (chế biến - xuất khẩu gạo), Tân Long Farm (Feed - Farm - Food) và Tân Long Mineral (khoáng sản).
Theo tìm hiểu, tập đoàn Tân Long hiện đăng ký vốn điều lệ lên 2.200 tỷ đồng, trong đó ông Trương Sỹ Bá nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 88% vốn. Về tình hình doanh thu, vào năm 2016 Tân Long đạt 21.524 tỷ đồng và đến năm 2017 doanh thu đạt 23.288 tỷ đồng. Năm 2018 – 2019, con số này tăng lên trên 38.000 tỷ đồng và đến năm 2020 đã vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng, theo Etime.
Mặc dù là tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực nhưng Tân Long và ông Trương Sỹ Bá lại nổi tiếng nhất trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu gạo. Đặc biệt, vào năm 2011 sau khi Tân Long được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, tập đoàn này liên tiếp trúng các gói thầu xuất khẩu gạo đi Hàn Quốc.
Cuối năm 2016, Tân Long là đơn vị thắng gói thầu cung cấp gạo chất lượng cao cho chính phủ Hàn Quốc. Hợp đồng đầu tiên mang tính thăm dò thị trường chỉ ở mức 3.000 tấn gạo Japonica, với giá xuất khẩu dao động từ 700-1.000 USD/tấn. Đầu năm 2017, Tân Long tiếp tục xuất khẩu gạo Japonica đi Hàn Quốc, quy mô gấp 10 lần đợt đầu tiên. Đợt hàng lần này mang về cho Tân Long lợi nhuận khoảng ba triệu đô la Mỹ.
Năm 2018, Tân Long trở thành doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo Japonica lớn nhất Việt Nam và châu Á. Sản phẩm gạo Japonica của tập đoàn này đã đạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe với quy trình kiểm tra hơn 380 loại hóa chất để cung ứng gần 130.000 tấn, tương đương hơn 75% gạo giống Nhật nhập khẩu cho chính phủ Hàn Quốc.
Năm 2019, cùng với mục tiêu tăng trưởng, cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, tập đoàn Tân Long sản xuất và phân phối thêm sản phẩm gạo chất lượng cao với thương hiệu gạo A An. Tân Long hiện có hệ thống 5 nhà máy gạo, đều đặt ở các vùng nguyên liệu Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang.
Đến nay, Tân Long hợp tác với nhiều công ty, tổ chức như: tập đoàn SKIOLD, công ty Nông Thủy sản Hàn Quốc, Hội đồng Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) để xuất khẩu gạo sang các nước này. Hiện nay các sản phẩm của Tân Long chính thức có mặt tại nhiều quốc gia như: Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc…