Nội dung vụ kiện

Liên quan đến vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng thi công” đối với công trình xây dựng Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Văn Lang (địa chỉ: 55 đường 37, KĐT Vạn Phúc, phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) và bị đơn là Công ty TNHH Anh Quốc SG (địa chỉ 600 Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TPHCM), ngày 16/7/2024, TAND TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 16/2024/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với nội dung: Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt tại thửa đất số 01, tờ bản đồ số 17, vị trí khu vực giáp đường Đinh Tiên Hoàng (Sân Golf - lỗ golf số 8), Phường 1, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho đến khi có quyết định khác của cơ quan có thẩm quyền.

doi-cu-da-lat-1721440586.webp

Ngày 12/7/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản 5805/UBND-LN về việc thu hồi, hủy bỏ văn bản số 4134/UBND-LN ngày 20/7/2016 về việc đưa 29,59 ha đất trồng cây thông trên Đồi Cù Đà Lạt trở thành diện tích rừng phòng hộ nội đô. Như vậy, toàn bộ Dự án sân golf Đồi Cù không có diện tích đất rừng phòng hộ.

Đây là vụ án kinh doanh thương mại giữa các nhà thầu thi công trình Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt. Theo đó, Công ty TNHH Văn Lang đã khởi kiện ra TAND Tp. Thủ Đức để yêu cầu bị đơn là Công ty TNHH Anh Quốc SG (tổng thầu) phải thanh toán số tiền đã thi công công trình với trị giá tạm tính là 8.190.811.478 đồng (Tám tỷ một trăm chín mươi triệu tám trăm mười một nghìn bốn trăm bảy mươi tám đồng).

Nguyên nhân của việc khởi kiện là do bị đơn không tiến hành nghiệm thu khối lượng công trình để tiến hành thanh quyết toán. Bị đơn và người có nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL cho rằng sở dĩ không tiến hành nghiệm thu được công trình là do khi đang thi công thì công trình bị tạm ngưng theo quyết định của UBND Tp. Đà Lạt, công trình bị niêm phong nên không thể tổ chức nghiệm thu để thanh toán cho các bên.

 

Do không thể nghiệm thu quyết toán khối lượng nên nguyên đơn buộc phải khởi kiện ra TAND Tp. Thủ Đức để yêu cầu tòa án giải quyết. Vụ án được TAND TP. Thủ Đức thụ lý số 236/2024/TLST-KDTM ngày 07/6/2024, đến ngày 16/7/2024, nguyên đơn biết được UBND Tp. Đà Lạt chuẩn bị cưỡng chế tháo dỡ công trình nên nguyên đơn có đơn yêu cầu TAND TP.Thủ Đức ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản tranh chấp” đối với công trình xây dựng Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt do đang có tranh chấp hợp đồng thi công.

Khi UBND Tp. Đà Lạt chuẩn bị cưỡng chế tháo dỡ thì nhận được Quyết định số 16/2024/QĐ-BPKCTT của TAND Tp. Thủ Đức về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với nội dung: Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt tại thửa đất số 01, tờ bản đồ số 17, vị trí khu vực giáp đường Đinh Tiên Hoàng (Sân Golf - lỗ golf số 8), Phường 1, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho đến khi có quyết định khác của cơ quan có thẩm quyền.

Sau khi nhận được quyết định trên thì UBND TP. Đà Lạt đã tạm ngưng cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm.

Chuyên gia nói việc TAND Tp. Thủ Đức áp dụng là chính xác

Liên quan đến Quyết định số 16/2024/QĐ-BPKCTT ngày 16/7/2024 của TAND TP.Thủ Đức về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu,  Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý đã tiến hành ghi nhận ý kiến một vài chuyên gia am hiểu pháp luật nhằm rộng đường dư luận.

Luật sư Nguyễn Châu Hoan (Nguyên là Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao) cho rằng: theo quy định tại khoản 2 Điều 111 Bộ luật TTDS năm 2015 về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và Điều 3 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật TTDS thì trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện.

luat-su-nguyen-chau-hoan-1721441288.jpg

Luật sư Nguyễn Châu Hoan, nguyên Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao

Theo Luật sư Nguyễn Châu Hoan, trong vụ án này Công ty Cổ phần Văn Lang (Nguyên đơn) nhận thấy nếu thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt vào ngày 17/7/2024 là tình thế cấp thiết, không bảo vệ được tài sản tranh chấp chưa được thẩm định giá để Tòa án làm căn cứ giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng và không thể khắc phục được hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra do việc tháo dỡ công trình. Do vậy, Công ty Cổ phần Văn Lang đã có đơn đề nghị Tòa án áp dụng BPKKTT là phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo phân tích của Luật sư Nguyễn Châu Hoan thì sau khi nhận được Đơn đề nghị Tòa án áp dụng BPKCTT của Công ty TNHH Văn Lang (Nguyên đơn), Tòa án nhân dân TP Thủ Đức đã thấy rằng: Việc đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tranh chấp” của Nguyên đơn là cần thiết để bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có của tài sản liên quan đến vụ án (là Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt tại thửa đất số 01, tờ bản đồ số 17, vị trí khu vực giáp đường Đinh Tiên Hoàng (Sân Golf - lỗ golf số 8), Phường 1, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho Tòa án tiến hành thu thâp tài liệu chứng cứ, thực hiện các thủ tục tố tụng như xem xét thẩm định tại chỗ, kiểm định chất lượng, định giá…là căn cứ giải quyết vụ án.

"Việc TAND TP.Thủ Đức, ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 16/2024/QĐ- BPKCTT ngày 16/7/2024 là có căn cứ, đúng quy định tại khoản 1 Điều 112 và khoản 8 Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2020)", Luật sư Nguyễn Châu Hoan cho biết.

Đồng tình với ý kiến nêu trên, Luật sư Nguyễn Văn Sĩ, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Việc TAND Tp. Thủ Đức áp dụng biện pháp khẩn cấp nêu trên theo tôi là hoàn toàn hợp tình và hợp lý. Về hợp lý, theo tôi thì quyết định trên của TAND Tp. Thủ Đức là đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, tóa án cần ban hành quyết định kịp thời để tránh trường hợp chứng cứ bị tiêu hủy dẫn đến không thể giải quyết vụ án”.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Sĩ, trường hợp nếu đương sự yêu cầu có căn cứ rõ ràng mà tòa án không áp dụng dẫn đến thiệt hại thì tòa án cũng có thể bị đương sự khởi kiện.

Về hợp tình, qua các thông tin được cung cấp, Luật sư Nguyễn Văn Sĩ cho rằng Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL đã thực hiện thi công công trình có một phần giấy phép, có giấy chứng nhận đầu tư, tuy vào thời điểm thi công công trình thì có dính một phần đất rừng nhưng nay theo quyết định của UBND Tp. Đà Lạt thì toàn bộ diện tích rừng đều bị thu hồi và không còn vi phạm khi xây trên đất rừng nữa, do đó thiết nghĩ UBND Tp. Đà Lạt nên xem xét lại toàn bộ quy trình, xem việc cưỡng chế có còn đúng hay không khi mà các quyết định này hiện đang bị Công ty CP Hoàng Gia ĐL khởi kiện bằng vụ án hành chính để yêu cầu hủy bỏ.

Trong trường hợp theo quy định buộc Công ty CP Hoàng Gia ĐL phải thực hiện các thủ tục để hoàn thiện giấy phép xây dựng thì việc đập bỏ này sẽ có thể dẫn đến sai sót, gây lãng phí tiền của cho nhà đầu tư và cả khả năng Nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư, trách nhiệm lúc này sẽ rất nặng nề. Ngược lại nếu qua rà soát và theo các bản án của tòa các quyết định này là đúng thì khi đó việc tháo dỡ cũng chưa muộn.    

“Hiện tại, theo tôi được biết TAND TP.Thủ Đức đã có Thông báo vào ngày 19/7/2024 sẽ tiến hành việc thẩm định tại chỗ đối với Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt. Đây là việc làm rất khẩn trương, kịp thời, có trách nhiệm và đúng quy định của pháp luật của TAND TP.Thủ Đức. Sau khi tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, TAND Tp. Thủ Đức cần tiếp tục thực hiện thủ tục thuê đơn vị có chuyên môn để thẩm định khối lượng công trình đã thi công nhằm cũng cố chứng cứ để giải quyết vụ án theo quy định” – Luật sư Nguyễn Văn Sĩ chia sẻ