(Thật khó tưởng tượng được người Tàu có thể cử 1000 công nhân sang tháo hoàn toàn một nhà máy thép của Đức, chở bằng 50 chuyến tàu về TQ và lắp lại thành một nhà máy hoàn chỉnh ở TQ- NTN)
Năm 2004, một làn sóng tội phạm bất thường quét qua các thành phố thế giới. Có người gọi nó là “Cuộc cướp nắp cống vĩ đại.” Bọn trộm đã lợi dụng màn đêm, lấy đi những nắp cống bằng sắt để lại trên đường phố những lỗ hổng bất ngờ. Trong 1 tuần, thành phố Newham gần London mất 93 nắp, thành phố Aberdeen ở Scotland mất 130 nắp. Chicago bị cướp 150 nắp trong một tháng. Còn ở thành phố Kolkata của Ấn độ, bọn trộm đã lấy đi 10,000 (mười ngàn) nắp cống trong 2 tháng.
Lũ trộm này là hệ quả của một hiện tượng mà dân kinh doanh “commodity” gọi là “supercycle - vòng xoay lớn”, ngụ ý là một giai đoạn kéo dài khi giá nguyên liệu thô được đẩy lên cao. Từ thời cách mạng công nghiệp đến này, thế giới đã trải qua 5 supercycle, trùng với những giai đoạn bùng nổ kinh tế hoặc chiến tranh. Những nắp cống này có giá vì giá sắt, được sử dụng để luyện thép tăng vọt. Và gần như tất cả nhu cầu đều xuất phát từ một nước. Trung quốc đang trên đường trở thành một người khổng lồ công nghệ.
Quặng sắt trở thành dấu hiệu cho sự tăng trưởng của Trung quốc. Giá quặng năm 2024 cao gấp 10 lần so với năm 1995. Không chỉ có sắt, rất nhiều nguyên liệu khác bị cuốn vào “cái cối xay” đó: dầu, than, nickel, đồng, đậu tương, cao su, len. Vài tháng gần đây, các nhà phân tích công bố 2 thập kỷ supercycle của TQ đang kết thúc. Tiêu thụ quặng sắt bắt đầu giảm, cùng với sản xuất thép. Nhu cầu về dầu cũng thế. Không phải do TQ không phát triển nữa mà vì thời thế đã thay đổi.
Trong bối cảnh trò chơi thuế quan của Trump đang leo thang thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện, cũng đáng để chúng ta nhìn lại xem những thay đổi thời đại nào đã đưa ta đến đây. Supercycle – Vòng xoay lớn lần này là một chương kỳ vĩ của lịch sử nhân loại. Trong vòng một thế hệ, nó đã biến TQ từ một xã hội nông nghiệp nghèo nàn thành một cường quốc cạnh tranh trên những lĩnh vực công nghệ tiên phong, kiểm soát những nguồn tài nguyên quan trọng của tương lai. Nó đã biến đổi thế giới thứ ba đang phát triển. Tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của Trump và bằng nhiều cách tác động đến sự xuống dốc của châu Âu.
“Bạn không có quốc gia, nếu bạn không có thép,” Trump đã tuyên bố như vậy năm 2018. Chính phủ Anh có vẻ cũng nhất trí như thế khi tranh cãi với công ty Trung quốc Jingye để giữ lại hai lò luyện quặng cuối cùng. Xu hướng lịch sử có vẻ như bắt đầu từ đầu thế kỷ này với “vụ cướp nắp cống lớn” chúng ta mới nhắc đến ở trên. Tất cả chúng đều được chở đến và nấu chảy tại TQ để sản xuất thép.
Điều gì đã kích hoạt Vòng xoáy lớn? Cho đến những năm 80 thế kỷ trước, một người TQ được coi là giàu có nếu có xe đạp, đồng hồ đeo tay, máy khâu và đài radio. Vậy mà đến cuối thế kỷ, đất nước đã chạm ngưỡng bùng nổ với GDP khoảng USD 4k, một mốc đánh dấu nhu cầu lớn về nguồn lực để thỏa mãn nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng và chính quyền xây dựng nhiều hơn các cơ sở hạ tầng. Nhu cầu này được xu hướng toàn cầu hóa từ sau chiến tranh lạnh bơm thổi thêm. Với một lực lượng lao động rẻ và đông, do một chính quyền toàn trị quản lý, cùng với việc gia nhập WTO, TQ chiếm vị trí lý tưởng để trở thành công xưởng của thế giới.
TQ bắt đầu hút nguồn lực của thế giới như miệng thoát nước trong bồn tắm, biến chúng thành các thành phố to tướng, những công trình hạ tầng và các sản phẩm được chế tạo để đưa lại cho thế giới. Hãy thử nhìn các con số. Năm 1995, tổng sản phẩm đầu ra của TQ = 1/10 của Mỹ. Đến năm 2021, đã là 3/4. So với cả thế giới thì từ 5% lên 30%. Đầu thế kỷ, chỉ có 20% dân số TQ sống ở thành phố, nay đã 60%. Năm 2003, TQ còn chưa có đường sắt cao tốc, đến 2011 đã có mạng lưới lớn nhất thế giới. Trong 2 năm, TQ sản xuất khối lượng thép bằng nước Anh sản xuất trong 2 thế kỷ. Từ năm 2018-2020, TQ đổ khối lượng bê tông bằng nước Mỹ suốt lịch sử của mình. TQ nấu và đúc 50% sản lượng đồng thế giới. Đốt than bằng 1.3 lần cả thế giới cộng lại và còn đang tăng lên.
Nếu thương mại toàn cầu khởi động cỗ máy sản xuất TQ thì Đảng CS TQ đã dấn hết ga. Thay vì hướng thặng dư từ tăng trưởng vào xây dựng mạng an sinh xã hội hay nâng sức mua nội địa, ĐCSTQ, cho đến gần đây, dồn hết sức cho sản xuất vật chất. Chiến lược đó giúp TQ chi phối các chuỗi cung ứng chủ chốt trong thế giới hiện đại, nhưng cũng tạo nên lãng phí rất lớn và cuối cùng là sự bất ổn. Lĩnh vực bất động sản đầy nợ nần lâm vào khủng hoảng năm 2021, đe dọa kéo theo cả nền kinh tế. Hàng chục thành phố “ma” tuyệt vọng đợi người đến ở, một số có chất lượng kém đến nỗi có lẽ sẽ sập trước khi có những cư dân đầu tiên. Dân chúng mệt mỏi vì làm việc quá sức, không muốn sinh đẻ. Những khu công nghiệp bị ô nhiễm, đầu độc người dân, đe dọa tạo nên những cuộc khủng hoảng khí hậu.
Nhưng sự phát triển kinh tế không chỉ xảy ra bên trong TQ. Một lượng lớn nguồn lực tiếp sức tăng trưởng cho TQ đến từ các nước nghèo, như quặng sắt và đậu tương của Braxin, đồng của Congo, cao su Malaysia hay nickel của Indonesia. Các nước này nhận những khoản đầu tư hạ tầng lớn của TQ và trở thành thị trường cho các công ty xây dựng và hàng hóa TQ.
Điều này rõ nét nhất ở lục địa nghèo châu Phi. TQ mua rất nhiều kim loại và nhiên liệu hóa thạch của châu Phi. Nhập khẩu thực phẩm, gỗ và thuốc lá (1/3 số người hút thuốc trên thế giới sống ở TQ). Các công ty TQ, thường do nhà nước chi phối, đã xây hàng trăm con đập, hơn 5 chục nhà máy điện, hàng ngàn km quốc lộ và đường sắt khắp châu Phi. Họ cũng xây dựng mạng lưới khổng lồ các đường ống và cơ sở chế biến để hút dầu của hàng chục nước châu Phi. Đó là chưa kể khách sạn, sân bay, sân vận động và các tòa nhà chính phủ.
Không nghi ngờ là người dân châu Phi cũng được hưởng một phần lợi ích, nhờ cơ sở hạ tầng mà trước đây không có, chính phủ thì có thêm nguồn thu. Nhưng tất nhiên mục đích chính của các khoản đầu tư là tìm cách khai thác tài nguyên chứ không phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân. Chưa kể một phần của các khoản đầu tư được thực hiện bằng hình thức cho vay này, lại chui vào túi của các chính trị gia. TQ đốn các cánh rừng để lấy gỗ, biến các đồng cỏ cho muông thú thành nơi trồng thảo dược, cung cấp cho chính phủ những công cụ để theo dõi và đàn áp dân chúng.
Năm 2002, ngay trước khi các nắp cống biến mất, 1000 công nhân TQ đã đến Dortmund, Đức. Họ đến để tháo dỡ những khung sắt thép nhà máy mà ThysenKrupp đã đồng ý bán cho một công ty TQ có tên là Shagang. Thành phố này đã nổi tiếng về luyện thép từ năm 1843 và thời điểm cực thịnh có đến 10 ngàn công nhân làm việc trong ngành.
Các công nhân TQ đã mất gần 1 năm, làm việc 12 tiếng mỗi ngày, 7 ngày một tuần, không quan tâm lắm đến an toàn lao động, để tháo dỡ một cách chi tiết đến từng cái đinh ốc, cả một khu công nghiệp khổng lồ và lò luyện thép 7 tầng, rồi chở về TQ trên 50 chuyến tàu container. Riêng tài liệu hướng dẫn việc lắp đặt lại đã nặng 40 tấn.
Nhà máy thép Shagang ở Handan, thêm các thiết bị từ Pháp và Luxembourg giờ là nhà máy lớn nhất thế giới. Nó giúp sản lượng thép của TQ vượt tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại.
Còn ở Dortmund, trên nền nhà máy cũ, người ta đã dựng lại một khu giải trí thể thao dưới nước, với hồ nước lớn có tên là Phoenix-See, bao quanh là các tòa biệt thự trắng. Nhưng khung cảnh trang nhã thời hậu công nghiệp không lấp được khoảng trống mà Than và Thép để lại. Một công nhân thép thất nghiệp hỏi phóng viên James Kynge khi anh này đến thăm Dortmund: “anh trông tôi có giống một tay chơi thuyền buồm không?” Giám mục địa phương thì thẳng thắn: “chúng tôi đã đánh mất danh tính.”
Hậu quả của câu chuyện này không hẳn là cái chúng ta đã chờ đợi. Từ năm 2015, khi tranh cử tổng thống, Trump đã nhắc đến “Cú shock Trung quốc”, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sản xuất của phương Tây. Theo Trump thì TQ đã ăn cắp công việc của các công nhân cổ xanh Mỹ và làm giàu nhờ vào việc bán cho họ những sản phẩm đáng ra phải được sản xuất ỏ Mỹ. Cuộc thương chiến mà ông ta mở màn trong nhiệm kỳ một đã dẫn đến chính sách thuế cực đoan mà chúng ta thấy hôm nay. Quan điểm này được chấp nhận rộng rãi ở châu Âu tuy không trở thành khuynh hướng chính trị. Chính vì TQ sản xuất hết mọi thứ, nên các vùng như Ruhr hoặc bắc Anh mới không làm nữa.
Nhưng quá trình phi công nghiệp hóa phương Tây không hẳn đơn giản như thế. Nó đã bắt đầu từ trước khi TQ xuất hiện, nhờ sự cạnh tranh của các nước như Nhật và Hàn. Và vẫn đang diễn ra. Trước khi công nhân TQ sang tháo dỡ các nhà máy thép thua lỗ triền miên, nước Đức đã chuyển sang làm máy móc, xe hơi và hóa chất, những lĩnh vực mà ban đầu TQ không có cửa cạnh tranh.
Ảnh hưởng của “Cú sốc TQ” ở Mỹ là lớn nhất. Theo ước tính được công nhận rộng rãi, Mỹ mất khoảng 2.4 triệu công việc sản xuất trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này. Nhưng chiến thắng của Trump không dựa vào những gia đình mất việc này. Trum chiến thắng nhờ sự ủng hộ từ các bang thuộc Vành đai Rust, nơi đã chịu ảnh hưởng của suy thoái công nghiệp do đồng đô la tăng giá với euro. Không liên quan gì đến TQ cả.
Nếu chúng ta muốn hiểu cách mà Vòng xoay lớn, làm xói mòn và định hình lại kinh tế chính trị của các nước phương Tây, chúng ta không chỉ quan tâm đến bên thiệt hại, mà còn phải nghiên cứu những người chiến thắng. Sự tăng trưởng của TQ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và giai cấp quản trị phương Tây và vì thế làm họ mất cảnh giác. Đặc biệt ở Châu Âu, giới tinh hoa đã quen với việc dựa vào TQ để giúp họ khỏi phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Họ không chịu thừa nhận lợi thế chỉ là tạm thời, và các vấn đề đang tích lũy.
TQ trỗi dậy trong một hệ thống thương mại do Mỹ áp đặt và các doanh nghiệp lớn của Mỹ được hái quả. Những công ty đa quốc gia như Apple và Walmart hưởng lợi từ việc sản xuất ở TQ, không chỉ rẻ mà nhân công sáng tạo và tay nghề cao, giúp họ có thể tạo ra những sản phẩm mới bán khắp thế giới. Năm 2018, Forbes đã ước tính là nếu iPhone được sản xuất ở Mỹ, sẽ có giá từ 30-100k usd, có thể là hơi thổi phồng, nhưng đúng xu hướng. Cũng vì thế, các lợi ích tài chính và kinh doanh kéo dòng vốn đổ vào TQ để chiếm lợi thế trên thị trường đang tăng nhanh.
Tài sản do hệ thống đó tạo ra kích thích niềm tin là sự tăng trưởng của TQ không thể nào đe dọa sức mạnh của Mỹ. Bất chấp thực tế là từ những năm 2010s, TQ đã nhanh chóng tiến lên trên bậc thang công nghệ, tận dụng lợi thế của mình về nguồn lực, năng lực sản xuất và thương mại để chiếm lĩnh những vị trị chủ chốt trong kinh tế toàn cầu.
Nước Đức cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ngành công nghiệp ô-tô nước này, từng đóng vai trò định vị chính trị châu Âu trong nhiều năm, giờ đang bị TQ lấn át. Năm 2019, 3 hãng xe hàng đầu là BMW, Mercesdes và Volkswagen chiếm 25% thị phần TQ, nhưng họ đã không ngờ được TQ tự xây dựng ngành công nghiệp ô-tô của mình dựa trên xe điện và phần mềm và trở thành đối thủ trực tiếp. Sự chủ quan đã làm nước Đức không đầu tư đầy đủ cho ngành.
Ngay cả những khát vọng đạo đức của châu Âu như bảo vệ môi trường và an sinh xã hội cho công dân, cũng chỉ là những ảo ảnh tự mãn nếu tính cả TQ vào. Năm 2007, tờ NY Times đăng bài báo vạch rõ bầu trời xanh ở Dortmund có được nhờ những thành phố TQ như Haidan trở thành những đám mây khói bụi đầu độc dân chúng. Các nhà máy TQ thải CO2 gấp 3 các nhà máy Đức để bảo đảm sự thịnh vượn cho dân châu Âu bằng những hàng hóa giá thấp.
Tháng 10 năm ngoái, chính phủ Anh rùm beng về sự kiện ngày đầu tiên cả nước không dùng điện than. Mà thực ra điều đó chẳng có ý nghĩa gì, vì các tấm pin mặt trời, xe điện hay thép mà công nghệ xanh sử dụng đều được TQ sản xuất nhờ đốt than. Các cánh đồng pin mặt trời trải dài vùng quê nước Anh còn phải biết ơn các lao động khổ sai ở Tân Cương vì đa số các silicon đa tinh thể được khai thác và xử lý ở đây. Các hạm đội TQ miệt mài đánh cá khắp thế giới, các nhà máy hóa dầu chế plastic cho đồ may mặc của Shein, đều phục vụ lợi ích của người tiêu dùng châu Âu.
Từ tháng Giêng, thế giới bắt đầu rung lắc, vì cuộc cách mạng đang diễn ra ở nước Mỹ. Chính quyền Trump sỉ nhục đồng minh, vuốt ve kẻ thù cũ, tống tiền các đối tác thương mại, đe dọa cướp tài nguyên của các nước khác. Bây giờ họ đang cố gắng phô diễn một hệ thống kinh tế mới những công cụ thô lỗ nhất mà họ có thể nghĩ ra. Nhưng ngay cả khi Mỹ là tác nhân chính cho những gì đang diễn ra, chúng ta cũng không nên quên những động lực ngầm, do Vòng xoay lớn tạo ra dưới bề mặt.
Mỹ đã bắt đầu hướng sức mạnh quân sự của họ từ châu Âu sang châu Á từ thời Obama. Sự coi thường Ukraine và NATO của chính quyền Trump chỉ là một biểu hiện cực đoan của cùng một logic, với mục tiêu tối thượng là khống chế sức mạnh của Trung Quốc. Joe Biden cũng đã tiến hành cuộc thương chiến của ông ta, tăng thuế lên thép, nhôm, tấm năng lượng mặt trời, áp thuế 100% lên xe điện và hạn chế tiếp cận của TQ đến các chip máy tính hiện đại. Biden còn điều phối những khoản đầu tư hợp tác của phương Tây vào châu Phi để ngăn chặn TQ kiểm soát các nguồn tài nguyên trên châu lục này.
Tương tự vậy, những nỗ lực cuống quít của châu Âu để tự lực, không chỉ là phản ứng trước sự phản bội của Trump, mà còn là cố gắng muộn màng để liên kết châu lục chống lại sức mạnh kinh tế của TQ. Đức chấm dứt 2 thập kỷ thắt chặt tài khóa, để thông qua khoản đầu tư khổng lồ nhằm chấn hưng công nghiệp và quốc phòng. Các nước châu Âu cũng đang xem xét lại những đòi hỏi môi trường đe dọa an ninh và tính cạnh tranh. Các yêu sách về chất thải ô tô được nới lỏng, trong khi việc miễn giảm thuế carbon và “thỏa thiaanj công nghiệp xanh” thực tế lại bảo vệ những ngành gây ô nhiễm. Nếu châu Âu muốn tự bảo vệ mình, chắc chắn họ cũng sẽ phải chống lưng cho những ngành công nghiệp rất carbon như thép.
Ngay cả cảm giác hỗn loạn mà chúng ta bắt đầu cảm nhận, cũng không phải hoàn toàn tại Trump. Sự ổn định của mấy thập kỷ gần đây không chỉ nhờ sự thống trị của Mỹ, mà còn do sắp xếp của Vòng xoay lớn, neo chuỗi cung ứng của thế giới vào TQ. Từ lâu, các lái buôn tài nguyên đã chuẩn bị cho một chu kỳ mới của Vòng xoay lớn mà giờ mới bắt đầu. Lần này là các khoáng chất được dùng trong công nghệ năng lượng tái tạo và tính toán thế hệ mới. Quan hệ TQ - Mỹ sẽ mang màu sắc một cuộc tranh chấp tài nguyên thay vì một sự hợp tác ổn định. Nhiều nước muốn tiếp cận lithium, cobalt, nickel và đất hiếm như gallium, palladium, neodymium và nhiều nữa… những tài nguyên rất quan trọng cho trí tuệ nhân tạo. Họ cũng vẫn cần dầu mỏ để chế tạo plastic cho các tua bin gió và xe điện.
Vấn đề đau đầu với phương Tây, là nhờ Vòng xoay lớn trước, TQ đang có lợi thế lớn trong cuộc đua mới. Họ đang kiểm soát 2/3 năng lực chế biến lithium và cobalt, 70% đất hiếm, và 80% sản lượng pin. Và không chỉ thế. Một số nhà bình luận phương Tây đôi khi tưởng tượng chỉ cần bỏ tiền và sửa luật là phục hồi được năng lực công nghiệp. Một nền sản xuất tiên tiến còn đòi hỏi nguồn lực lớn về kinh nghiệm và kỹ năng, mà TQ đã phát triển và tích lũy còn châu Âu đã làm ngơ trong thời gian qua. Như CEO của Apple Tim Cook nói mấy năm trước: “Nếu bạn muốn tìm các tooling engineers – kỹ sư khâu công dụng, ở Mỹ chắc không đủ 1 phòng, còn ở TQ bạn có thể lấp đầy mấy sân vận động.”
Hay xem cách châu Âu đang vật lộn để sản xuất pin. Năm ngoái, hai thập kỷ sau khi công nhân TQ sang Dortmund tháo nhà máy thép mang về, một đoàn người TQ khác đã đến thành phố Thụy điển có tên là Skelleftea. Nhưng lần này họ đến với tư cách chuyên gia, lắp đặt máy móc cho Northvolt, công ty được coi là vô địch pin của châu Âu, nhưng đang ngắc ngoải. Một kỹ sư đã thú nhận với tờ Financial Times về kỹ năng của người TQ: “Họ đã thực hiện và rất tự tin. Họ đơn giản là giỏi hơn. Chúng tôi đã chậm chân.”
TQ bị chê là chưa nắm được những bí kíp của ngành bán dẫn, nhưng người Mỹ cũng chẳng hơn gì. Nhà máy của TSMC ở Arizona khởi động chậm chạp, cũng vì thiếu nhân công lành nghề.
Cho đến giờ, mặc dù kế hoạch kinh tế của Trump trông có vẻ lộn xộn, nhưng khá nhất quán là ông ta muốn Mỹ được giống như TQ: thêm công nghiệp nặng, thêm nhiều công việc trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nhiều và tự lực. Nhưng chính sách thuế của ông có thể là tự bắn vào chân mình trong việc đạt được những mục tiêu đó. Như Michael Strain chỉ ra, mỗi một công việc sản xuất thép trong nước, đòi hỏi 80 công việc sử dụng thép để làm gì đó. Và mang các nhà máy về Mỹ chưa chắc đã tăng số lượng công nhân vì các hãng sẽ có xu thế sử dụng robot để kiểm soát chi phí.
Nếu Vòng xoay lớn của TQ có thể dạy chúng ta điều gì, đó là khả năng sản xuất từ nguyên liệu thô và xây dựng chuỗi cung ứng bên ngoài biên giới quốc gia. Bất chất sức mạnh công nghiệp của mình, TQ vẫn dễ bị tổn thương, bởi thế họ đã đầu tư rất nhiều để xây dựng mạng lưới cung ứng toàn cầu thông qua kế hoạch “Một vành đai, một con đường”. Trump, ngược lại, thích đe dọa và biểu diễn nghệ thuật “chốt deal.” Để cạnh tranh trong Vòng xoay lớn mới, nước Mỹ cần những lãnh đạo có những cảm nhận tinh tế hơn trong việc điều hành một đế chế.
(NTN dịch từ https://unherd.com/2025/04/why-china-will-beat-the-west/ By Wessie du Toit)