Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - TCB) với hội sở chính đặt tại Hà Nội, Techcombank là một trong những ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam và một trong những ngân hàng hàng đầu ở Châu Á.
Kết quả kinh doanh quý 1/2023 có thể thấy, đây là một quý đầy khó khăn của ngân hàng này. Lợi nhuận ròng quý 1 của TCB giảm 18% so với cùng kỳ xuống 4.497 tỷ đồng (hoàn thành 20% dự phóng năm 2023) do NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) thu hẹp và chi phí dự phòng tăng mạnh. NIM trong quý 1/2023 giảm 60 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 4,7%. Nguyên nhân sự sụt giảm này là do lãi suất tăng cao, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gặp khó khăn.
Chi phí dự phòng trong quý 1/2023 tăng 1,5 lần so với cùng kỳ, nhưng vẫn chưa đáng lo ngại khi tỷ lệ trích lập dự phòng/lợi nhuận trước dự phòng của TCB vẫn ở mức 8,7% - tương đương với các quý trước. Chất lượng tài sản vẫn trong tầm kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu là 0,85% (cuối năm 2022 là 0,9%) và tỷ lệ bao nợ xấu là 134% (cuối năm 2022 là 125%).
Tính đến cuối quý 1, tài sản sinh lời của TCB tăng 4,5% so với đầu năm, trong đó dư nợ TPDN giảm 10% so với đầu năm và cho vay liên ngân hàng giảm 20% so với đầu năm; tuy vậy cho vay khách hàng tăng 11% - đóng góp 72% trong cơ cấu tài sản sinh lời (năm 2022 chiếm 68%). TCB vẫn đang giữ vị thế vay ròng trong thị trường liên ngân hàng.
Dư nợ tín dụng tăng 9% so với đầu năm vào cuối quý 1/2023, chủ yếu nhờ cho vay doanh nghiệp (chiếm 34% cơ cấu tín dụng).
Tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, dẫn đầu với mức tăng 38% so với đầu năm do nhóm này rất cần vốn để đảo nợ/vận hành kinh doanh sau khi đối mặt với hiện tượng thiếu hụt thanh khoản trong các quý vừa qua. Cho vay bán lẻ không tăng trưởng so với đầu năm (chiếm 44% cơ cấu tín dụng) trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu.
Nợ xấu của TCB tăng 3,4% so với đầu năm; trong đó nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng 11% so với mức cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu đạt 0,85% (tại cuối năm 2022 là 0,9%). Theo quan điểm của công ty chứng khoán VnDirect, chất lượng tài sản của ngân hàng đang có sự suy yếu nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Phí từ dịch vụ Ngân Hàng đầu tư giảm 73% so với cùng kỳ do thị trường TPDN và thị trường chứng khoán kém sôi động. Phí từ banca giảm 11% so với cùng kỳ, phản ánh tình trạng kinh tế suy giảm khi so với thời kì phục hồi hậu Covid-19 trong quý 1/2022. Thư tín dụng, tiền mặt và thanh toán vẫn là điểm sáng (tăng 177% so với cùng kỳ). Phí dịch vụ thẻ tăng 303% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi mức nền thấp của quý 1/2022 do có khoản chi phí đột biến.
Tiền gửi của TCB tăng 8,1% sv đầu năm (trong khi tổng nguồn vốn tăng 4,5% so với đầu năm). Thay vì chỉ phụ thuộc vào kênh tiền gửi khách hàng, TCB cũng tích cực huy động vốn từ thị trường liên ngân hàng và giấy tờ có giá.
Tăng trưởng huy động vốn chậm hơn so với tăng trưởng cho vay, đẩy hệ số LDR lên 81% vào cuối quý 1/2023 so với mức 77% vào cuối năm 2022 (ngưỡng quy định là 85%).
CASA giảm đáng kể xuống còn 32% do các khách hàng cá nhân tiếp tục rút tiền gửi để đáp ứng nhu cầu tài chính và/hoặc chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn trong bối cảnh lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế suy yếu.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VNDirect, do những khó khăn của ngành và việc giám sát chặt chẽ thị trường TPDN cũng như bất động sản, tăng trưởng lợi nhuận ròng của TCB sẽ chậm lại trong giai đoạn 2023 - 2024. Trong đó, tăng trưởng tín dụng sẽ giảm xuống 14 - 17% trong giai đoạn 2023 - 2024 (so với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2020 - 2022 là 20%), NIM sẽ giảm 37 điểm cơ bản trong năm 2023 tuy nhiên sẽ hồi phục từ đáy kể từ nửa sau năm 2023, TCB sẽ phải tăng cường trích lập dự phòng để phòng ngừa rủi ro nợ xấu có thể tăng đột biến, dẫn đến chi phí dự phòng tăng 36% so với cùng kỳ.
"Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận ròng của TCB sẽ tăng trung bình 9 - 16% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2023 - 2024 (CAGR 20 - 22 là 28%)", báo cáo của VnDirect khẳng định.