Quan Vũ tự Vân Trường là nhân vật nổi tiếng bậc nhất của Trung Quốc và Việt Nam, người đời còn gọi ông là “Quan Công” hay “Quan Thánh” để bày tỏ sự kính trọng. Hình tượng của ông với chòm râu dài, cưỡi ngựa Xích Thố, tay cầm Thanh Long yển nguyệt đao cũng xuất hiện trong tín ngưỡng thờ cúng của dân gian, và nhiều gia đình. 

Quan Vũ còn là nhân vật được yêu quý hàng đầu trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa. Tương truyền có người đọc Tam Quốc chỉ đến khi Quan Vũ chết thì dừng và đọc lại từ đầu. Cái chết của Quan Vũ được La Quán Trung thần thánh hóa.

Đấy là một cái chết ít người dám nhìn thẳng vì sự thần thánh hóa ấy.

fb-img-1620021942863-1620022055.jpg
 

Nhưng đấy là một cái chết xứng đáng để lại bài học lớn cho muôn đời sau. Về một con người tài cao chí lớn, anh hùng bản sắc, nhưng kiêu ngạo tự phụ, đã chết trong hệ thống âm mưu của hai thế lực khác. Đấy cũng là câu chuyện xứng đáng với câu nói “Tam Quốc Diễn Nghĩa kể chuyện trăm năm, nói chuyện nghìn năm” trong hệ thống thế giới đa cực như hiện tại.

***

Hôm nay, tôi xin kể hầu cho các bạn:

Sau trận Xích Bích, Kinh Châu bị chia 3. Nhưng Lưu Bị coi như đã có vốn liếng đầu tiên để thực hiện giấc mộng của mình theo “Long Trung sách” mà Gia Cát Lượng đã vạch ra cho ông. Kế hoạch tiếp theo chính là vào Xuyên để chinh phục Ích Châu. Việc Lưu Chương ươn hèn đối lập với Lưu Bị anh hùng, cùng sự trợ giúp của Bàng Thống bên cạnh, Pháp Chính, Trương Tùng tay trong đã giúp cho Lưu Bị thực hiện được công việc khó khăn đó. Nhờ vậy mà chia 3 thiên hạ.

Lưu Bị quả thật là anh hùng, là con rồng bị giam lâu ngày giờ đã vén mây bay lên. Chỉ 4 năm sau khi đoạt được Ích Châu, ông cũng đoạt được Hán Trung từ tay Tào Tháo. Trận đánh ấy, Pháp Chính là quân sư, Hoàng Trung còn lấy được đầu của Hạ Hầu Uyên. Sau đó, Lưu Bị tự xưng là Hán Trung Vương. Coi như lấy được một dải Hán Trung-Thục quận-Cùng 1/3 đất Kinh Châu. Giai đoạn ấy, có thể nói là giai đoạn huy hoàng nhất của tập đoàn Lưu Bị, cũng là những ngày danh tiếng của Lưu Bị rực rỡ như mặt trời chính ngọ, và đương nhiên không chỉ có hư danh, mà có thực quyền, thực quân, thực lãnh địa.    

Sự rực rỡ ấy của Lưu Bị cổ vũ cho một người đang ở Kinh Châu cảm thấy phải có trách nhiệm để làm một điều gì đó, người ấy có lẽ bạn đã đoán ra, chính là Quan Vũ. Từ địa bàn Giang Lăng, Quan Vũ tấn công Phàn Thành, Tương Dương nơi có Tào Nhân trấn giữ. Mục đích của ông quá rõ ràng, chiếm toàn bộ Kinh Châu, lấy bàn đạp đánh thẳng vào trung ương đầu não của Tào Ngụy, qua đó phối hợp cùng Lưu Bị từ Ích Châu để trung hưng Hán thất. Tào Tháo nghe tin Tương Phàn bị vây đã đưa Vu Cấm, Bàng Đức tới cứu viện. Quan Vũ liền lợi dụng trời mưa, nước sông Hán Thủy dâng cao, đánh bại quân cứu viện. Tên tuổi của Quan Vũ sau trận chiến ấy chỉ có thể nói là vô địch thiên hạ.

Nhưng, đấy chỉ là sự rực rỡ cuối cùng của Quan Vũ trước khi đi đến sự diệt vong.

Đừng quên thế thiên hạ khi ấy là chia 3.

Hành động của Quan Vũ, sự lớn mạnh của tập đoàn Lưu Bị đã động chạm đến lợi ích của hai tập đoàn còn lại. Điều gì xảy ra tiếp theo đây? Tôn Quyền chuyển sang liên minh với Tào Tháo.

Quan Vũ chết chính là cái chết cô độc không cân sức trước sự gian trá của Tào Tháo, sự xảo quyệt của Tôn Quyền, cái anh hùng của Từ Hoảng, và cái “đại trí giả ngu” của Lữ Mông. Trận chiến không cân sức đó, tập đoàn Lưu Bị đã không kịp cứu Quan Vũ.

Vậy Quan Vũ đã chết như thế nào?

Liên minh Tôn – Lưu do hai kiến trúc sư Khổng Minh và Lỗ Túc xây đắp nên, cùng tạo ra chiến công hiển hách ở trận Xích Bích, nhưng đấy là một liên minh “bằng mặt mà không bằng lòng”. Hành động “mượn” không trả Kinh Châu của Lưu Bị đã khiến cho phe Chu Du (sau này được Lữ Mông kế thừa hệ tư tưởng) luôn nuôi ý định diệt trừ và giành lại. Đấy chính là vết rạn quan trọng nhất của liên minh này.

 Khi Quan Vũ được giao vai trò trấn giữ Kinh Châu, hành động của ông thay vì làm ấm nồng mối quan hệ này thì ngược lại, ông tự phụ, khinh người, coi thường quân Giang Đông, cự tuyệt thông gia với Tôn Quyền. Đấy là vết rạn thứ 2.

Vết rạn cuối cùng để Tôn Quyền trong âm thầm đã “đổi phe” trong bóng tối mà cả Lưu Bị, Quan Vũ, Khổng Minh đều không hay biết chính là lúc Quan Vũ vây Phàn Thành. Thời điểm đó, Tôn Quyền phải hành động. Nếu Quan Vũ lấy được Phàn Thành, cũng đồng nghĩa với việc chính Giang Đông cũng không còn được yên ổn. Nhưng nếu giúp Tào Tháo chặn được Quan Vũ, tức giúp mình vừa có cơ hội lấy lại đất, lại không còn lo lắng về sự lớn mạnh như vũ bão của tập đoàn Lưu Bị.

Và Tôn Quyền chính thức “đổi phe”. 

Tôn Quyền chính là bằng chứng rõ ràng nhất của câu nói “Không có đồng minh vĩnh viễn,  không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu” mà thủ tướng Anh Winston Churchill đã nói trong thế kỷ 20. 

Vâng, Tam Quốc Diễn Nghĩa như tôi đã nói ở phần nhập đề: “kể chuyện trăm năm, nói chuyện nghìn năm”.

Nhưng trong cái liên minh Tôn Tào ấy cũng có nhiều cái để nói.
Đầu tiên, Tào Tháo gửi thư cho Tôn Quyền bảo đánh lén Quan Vũ, sẽ phong cho đất Giang Nam. Tôn Quyền đợi bức thư này đã lâu, nhanh chóng đồng ý, gửi lại thư, tuy vậy bảo đừng có để lộ ra ngoài. Tào Tháo đồng ý kế hoạch nhưng lại bô bô cái bức thư này ra cho thiên hạ biết. Đơn giản thôi, làm lộ ra thì quân Tào được lợi hơn, vì nó sẽ khiến Quan Vũ vây hay rút đều dở. Nếu vây thì cũng không được tập trung, nếu rút thì coi như Phàn Thành được giải thoát.

Tôn Quyền và Tào Tháo sẽ còn đấu nhau tiếp nữa trong chiến dịch này. Nhưng chúng ta tạm quay lại chuyện Quan Vũ.

Thời điểm Quan Vũ vây Phàn Thành, Tôn Quyền biết cơ hội của mình để đòi lại Kinh Châu đã tới. Binh lực mà Quan Vũ có trong tay không đủ mạnh để vây Tào Nhân, Từ Hoảng lâu ngày. Trong khi hậu phương rõ ràng cũng cần phải để lại quân hòng đề phòng bên Ngô tập hậu. Bài toán đặt ra vì thế rất rõ ràng: đẩy hết quân hậu phương của Vũ ở Nam Quận về phía tiền phương tại Phàn Thành. 

Bên Giang Đông sau cái chết của Chu Du, Lỗ Túc đã sinh ra hai kẻ khác rất lợi hại, đấy là Lữ Mông và Lục Tốn. Một gã luôn giả vờ đau ốm, một gã thì là thư sinh vô danh (đương nhiên sau này chúng ta đều biết đấy chỉ là khổ nhục kế). Cả hai người này đều gửi thư về cho Quan Vũ với giọng điệu mà theo ngôn ngữ hiện đại gọi là “giả trân”, họ nịnh bợ Quan Vũ lên tận mây, họ khuyến khích Quan Vũ nên cẩn thận với Tào Tháo, họ ôn nghèo kể khổ. Quả nhiên, Quan Vũ mắc mưu, từng bước, từng bước điều quân ra tiền tuyến. Trong mắt kẻ tự phụ là Quan Vũ khi đó coi những Lục Tốn, Lữ Mông như dê chó không đáng để ý. Kỳ thực, đấy là hai nhân tài, kế hoạch “áo trắng qua sông” thành công đã lấy hoàn toàn Nam Quận, Giang Lăng khi Quan Vũ còn đang bận vây Phàn Thành và cứ nghĩ hai kẻ ốm chết ấy không để vào mắt. Từ Hoảng phản kích, Quan Vũ chạy về Mạch Thành, khởi đầu cho cái chết của mình.

Tôi tin Quan Vũ đến tận khi mất Kinh Châu mới nhận ra đối thủ của mình lợi hại thế nào, mới nhận ra cái liên minh Tôn Lưu mà mình tin tưởng hóa ra đã thành liên minh Tôn Tào từ rất lâu rồi.

Nhưng như đã nói, trong cái liên minh Tôn Tào ấy cũng có nhiều cái thú vị.

Quan Vũ bị Từ Hoảng đánh mà chạy, nhưng Tào Tháo lại không truy kích. Lý do? Tào Tháo để phần đấy cho Tôn Quyền. Để Tôn Quyền diệt Quan Vũ, Lưu Bị ắt không để yên, nên họ Tào sẽ được “ngư ông đắc lợi”.

Tôn Quyền cũng ngửi thấy điều đó, nhưng không kịp cản bộ hạ/hay nghe bộ hạ khuyên thì không biết? Đến khi thấy Quan Vũ đã rơi đầu mất rồi mới giật mình. Tôn Quyền làm gì? Gửi luôn cái đầu Quan Vũ về cho Tào Tháo, chuyển hết công lao về cho Tào Tháo. Lần thứ hai:“kẻ tiểu tử ấy muốn nướng lão phu lên lò than đỏ đây mà”. Nhưng Tào Tháo là ai cơ chứ? Tào Tháo rất tinh minh, tổ chức tang lễ trọng thể thay cho lời biện minh: “tôi không liên quan gì vụ này nhé anh Lưu Bị!” Sau đó, như đã biết Lưu Bị cất quân đánh Tôn Quyền.

Chỉ có thể nói là lợi hại!

Vậy đấy, Quan Vũ hữu dũng, nhưng mưu mô hạn chế mà lại tự phụ, mộng tuy cao mà quân lại ít, há sao có thể là đối thủ của 2 kẻ gian hùng này cơ chứ? Và nói như đúc kết ở trên, Quan Vũ chết chính là cái chết của kẻ anh hùng cô độc trước sự gian trá của Tào Tháo, sự xảo quyệt của Tôn Quyền, cái anh hùng của Từ Hoảng, và cái “đại trí giả ngu” của Lữ Mông. Trận chiến không cân sức đó, tập đoàn Lưu Bị đã không kịp cứu Quan Vũ.

Trận chiến này không phải là trận chiến nổi danh trong Tam Quốc, lại là một trận chiến buồn đối với nhiều người say mê “Tam Quốc Diễn Nghĩa” và hình tượng Quan Vân Trường. Nhưng khi bạn đọc hết bài viết này, có lẽ bạn đã hiểu được đây mới là trận chiến sâu sắc về chính trị, về cái gọi là: “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cữu” nó tường tận như thế nào.

(02.5.2021)

Tác giả: Dũng Phan