240590476-1477256392658521-614152048094170468-n-1634193118.jpg
Vì sao nhiều tỷ phú thường sinh ra trong cùng một thập kỷ?

Một thống kê thú vị trong cuốn “The Outlines” trong 75 nhân vật giàu có nhất lịch sử nhân loại thì có tới 14 người Mỹ sinh vào thập kỷ 1830 – 1840 như John D. Rockefeller (1939 ), Andrew Carnegie (1835 ), J P Morgan (1837 ), Geogre Pull man (1831), Hetty Green (1834 ) , …

Điều gì xảy ra trong giai đoạn này?

Đó là những năm 1860 và 1870 nền kinh tế Mỹ trải qua một cuộc chuyển đổi có lẽ là vĩ đại nhất trong lịch sử. Đây chính là thời điểm các tuyến đường sắt được xây dựng và thị trường Phố Wall nổi lên. Đó là thời điểm ngành sản xuất công nghiệp khởi đầu. Đó là thời điểm tất cả những quy luật chi phối nền kinh tế truyền thống bị phá vỡ và được sáng tạo lại.

Vậy những những tỷ phú về công nghệ thời nay thì họ sinh năm nào?

Bill Gates ( 28/11/1955 ), Steve Jobs ( 24/02/1955), Paul Allen ( 21/01/ 1953 ), Steve Ballmer (24/03/1956 ).

Nếu bạn trò chuyện với những người kỳ cựu ở Thung lũng Silicon, họ sẽ kể bạn nghe rằng giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử cuộc cách mạng máy tính cá nhân là vào tháng Giêng năm 1975. Đó là khi cổ máy tính đầu tiên mang tên là Altair 8800 ra đời.

Vậy thì năm 1975 những tỷ phú công nghệ của chúng ta ở độ tuổi nào? Câu trả lời là họ ở đang ở độ tuổi 20. Một độ tuổi mà với Bill Gates hay Steve Jobs họ đã có hàng ngàn giờ luyện tập về viết phần mềm nhưng vẫn đầy hoài bão để viết nên điều gì đó mới mẻ cho nhân loại.

Tất nhiên ta không ám chỉ mọi ông trùm phần mềm ở Thung lũng Silicon đều sinh năm 1955. Vài người không như thế, cũng giống như không phải tất cả những doanh nhân vĩ đại ở nước Mỹ đều sinh ra vào giữa thập niên 1830.

Nhưng có những hình mẫu rất rõ ràng ở đây, và điều đáng chú ý là việc dường như chúng ta ít muốn thừa nhận chúng. Chúng ta vờ rằng thành công chỉ riêng rẽ là chuyện của công trạng cá nhân.

Không biết các bạn có để ý hay không nhưng khi nhìn vào bảng xếp hạng Top 20 tỷ phú Việt Nam thì 80% những tỷ phú này đều sinh vào trong thập niên 1960 - 1970. Vậy có lý do về phong thủy hay tử vi gì không ?

Họ được sinh ra trong thời kỳ khi mà đất nước ở vào giai đoạn cuối của cuộc chiến giải phóng dân tộc (những năm 1960 – 1970). Đến khi họ đủ tuổi trưởng thành ( trên 18 tuổi) thì đất nước đã giải phóng (1975 ) và không còn lệnh tổng động viên như thời kỳ của cha anh.

Nếu như sinh ra sớm hơn thì họ có lẽ cũng đã chẳng thể nào có những Phạm Nhật Vượng hay Trần Đình Long ngày nay.

Họ có lẽ đã trở thành một người lính cầm súng chiến đấu trong một đơn vị nào đó. Và biết đâu đấy nếu không có chiến tranh và xung đột thì có lẽ Việt Nam đã sản sinh ra rất nhiều những tỷ phú khác nữa, những người tỷ phú tiềm năng đã nằm xuống vì hai cuộc chiến tranh giữ nước.

Một nhân tố quan trọng nữa đó là sau khi kết thúc chiến tranh thì chính sách của chính phủ Việt Nam cũng chú trọng cho việc đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước. Rất nhiều sinh viên tiềm năng đã được nhà nước cho đi du học ở những nước Đông Âu như Nga hay Ukraina. Trong số này có rất nhiều những tỷ phú nằm trong top 10 của Việt Nam hiện nay như Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Nguyễn Thị Phương Thảo, Hồ Xuân Năng, …

Việc được du học và tiếp xúc ở những nước phát triển giúp họ có một tầm nhìn vượt trội sau khi về nước. Họ có một tầm nhìn xa hơn rất nhiều so với mặt bằng chung dân trí của nước ta thời bấy giờ. Họ thấy được những ngành nghề có thể hái ra tiền trong tương lai như BĐS, Thép, Ngân hàng, Dầu khí, Bán lẻ,…

Sau khi họ về nước Việt Nam bắt đầu thực hiện đổi mới từ nửa cuối thập niên 1980, với mong muốn xóa bỏ dần cơ cấu bao cấp quan liêu của nền kinh tế kế hoạch hóa. Một chủ trương lớn của chính phủ Việt Nam là hướng đến tự do hóa thương mại và thúc đẩy kinh tế tư nhân.

Với nhiều biện pháp "xé rào", giải tỏa bớt các rào cản cho kinh tế tự do lưu thông, nền kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó chủ yếu là kinh tế cá thể tư nhân bắt đầu phát triển mạnh. Điều đó dẫn đến việc xóa bỏ thời kỳ bao cấp năm 1986 và ra đời luật doanh nghiệp và luật công ty năm 1990.

Năm 1990 các bạn biết các tỷ phú của chúng ta bao nhiêu tuổi không. Anh Vượng-VIC (22 tuổi ), anh Lam - SunGroup (21 tuổi), anh Dương - Thaco (30 tuổi ), anh Long - HPG ( 29 tuổi ), chị Thảo - VJC ( 20 tuổi ), anh Năng - VCS (26 tuổi , anh Tài – MWG ( 21 tuổi ), chị Khanh - VHC ( 29 tuổi ),… một độ tuổi vàng để “Khởi nghiệp“

Thêm vào đó sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2000 đã giúp các tỷ phú của chúng ta có thêm được một kênh huy động vốn tuyệt vời vào đúng giai đoạn tăng trưởng mạnh doanh nghiệp của họ.

Nếu những tỷ phú này sinh ra sớm hơn khoảng chục năm thì có lẽ họ cũng đã phải tham gia cuộc chiến chống Mỹ mà không biết điều gì sẽ xảy ra hoặc có chăng thì là tư tưởng của họ đã quá già để tiếp cận điều gì đó mới mẻ.

Còn nếu họ sinh ra muộn hơn khoảng chục năm thì họ lại quá trẻ để tận dụng khoảnh khắc chuyển mình kỳ diệu của đất nước. Nhưng lại có một khung cửa mười-năm đặc biệt, nhỏ hẹp vừa vặn hoàn hảo để quan sát thấy những tiềm năng mà tương lai mang tới.

Tất cả những tỷ phú này họ đều có tầm nhìn và tài năng xuất chúng – đó là điều không ai bàn cãi, nhưng họ lại được trao tặng một cơ hội phi thường đó là sinh ra và phát triển trong giai đoạn đầu đổi mới của đất nước.

Còn chúng ta thì sao?

Đừng trách chúng ta không sinh ra ở Mỹ, châu Âu hay những nước phát triển nào khác mà hãy nghĩ rằng chúng ta là những người may mắn khi được sinh ra trong một đất nước đang có tiềm năng phát triển mạnh. Được làm việc trong một nền kinh tế và thị trường chứng khoán mới ở giai đoạn đầu phát triển. Và chắc chắn thế hệ của chúng ta vẫn sẽ tiếp tục sản sinh ra rất nhiều những tỷ phú khác nữa.

Và mình tin rằng thế hệ tỷ phú tiếp theo sẽ là những tỷ phú về công nghệ và tài chính khi mà thế hệ tỷ phú đi lên từ BĐS đã qua đi khi mà tài nguyên của đất nước đã được “khai thác và chiếm đóng” hết.

Bài viết có tham khảo thống kê của cuốn: The Outliners

Tác giả: Lynch Phan - Founder Take Profit - Value Investing