Chia sẻ tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 15/9, ông Phan Đình Tuệ - Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), cho biết Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) đang xúc tiến các thủ tục và xin cơ quan quản lý chấp thuận việc đầu tư vào hãng bay.
Ông Tuệ cho biết, Sacombank đang là tổ chức tín dụng tham gia tài trợ lớn vào Bamboo Airways. Vì vậy, Sacombank thực sự quan tâm đến quá trình tái cấu trúc Bamboo Airways và kỳ vọng vào sự phát triển của doanh nghiệp này.
Nhà đầu tư hoang mang về quyết định "giải cứu"
Được biết, Ngân hàng Sacombank hiện là chủ nợ lớn nhất của Bamboo Airways với dư nợ hiện là 3.000 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng mức tín dụng của Ngân hàng Sacombank. Mặc dù đây là khoản vay có tài sản bảo đảm và Bamboo Airways vẫn thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn nhưng một số tổ chức tài chính, chứng khoán hiện vẫn đưa ra một số lưu ý về triển vọng hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways khi hãng hàng không này ghi nhận mức lỗ cao kỷ lục.
Bước đi này của Sacombank khiến không ít nhà đầu tư hoang mang khi năm 2022, Bamboo Airways báo lỗ kỷ lục 17.600 tỷ đồng. Trong trường hợp Bamboo Airways gặp khó khăn về tài chính và không thể trả được nợ, Sacombank sẽ phải ghi nhận các khoản vay trở thành nợ xấu.
Tính tới cuối tháng 6/2023, tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 1,8% so với mức gần 1% thời điểm đầu năm. Trong trường hợp các khoản nợ của Bamboo Airways thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank có thể sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, cổ phiếu STB của Sacombank lại đang “bay cao” khi ghi nhận mức tăng gấp rưỡi trong 1 năm qua và tăng trên 14% trong 3 tháng qua, tích cực hơn hẳn các cổ phiếu ngân hàng khác.
Đà tăng của Sacombank được thúc đẩy bởi 2 yếu tố. Thứ nhất là thương vụ bán 32,5% vốn do VAMC sở hữu, dự kiến diễn ra trong quý 4/2023 với giá bán tối thiểu khoảng 32.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu, theo cập nhật từ Công ty Chứng khoán DSC.
Thứ hai là triển vọng lợi nhuận lên một tầm cao mới. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Sacombank có thể đạt 10.512 tỷ đồng, tăng 67,4% so với năm ngoái. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế năm 2024 dự báo sẽ tăng mạnh lên mức 20.006 tỷ đồng, tương đương mức tăng 88,5%, sau khi không còn áp lực trích lập dự phòng cho các tài sản tồn đọng.
Trong bối cảnh đẹp như vậy, việc đầu tư vào một doanh nghiệp lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng khiến các nhà đầu tư lo lắng cũng là điều dễ hiểu.
Chia sẽ trên trang cá nhân khi có thông tin Sacombank muốn đầu tư vào Bamboo Airway, giám đốc một quỹ đầu tư viết: 'Tưởng chừng đã thoát khỏi Phương Nam Bank và Trầm Bê sau 7 năm tái cơ cấu đầy gian nan và cực khổ, thì Sacombank sẽ quay trở lại mạnh mẽ và bứt phá trong khi các NH khác đang ngập ngụa trong khó khăn. Việc rước lấy Bamboo có thể kìm hãm ngay lập tức con đường bứt phá đó. Những ảnh hưởng của lợi ích riêng có thể nhấn chìm cơ hội trở thành NH tư nhân hàng đầu của Sacombank. Thật đáng tiếc, đáng tiếc thay! Là một cổ đông của Sacombank, tôi thật sự thất vọng'
Sacombank có thể "cứu vớt" được Bamboo Airways?
Theo Luật tổ chức tín dụng, mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại vào một doanh nghiệp không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.
Trước đó, hồi tháng 5, một ngân hàng cấp khoản vay cho Bamboo Airways là NCB đã quyết định bán nhanh 203 triệu cổ phần của hãng hàng không này đang thế chấp tại nhà băng để sớm thu hồi vốn.
Số cổ phần này khi đó tương đương với 11% vốn của Bamboo Airways. Có thể thấy, NCB đã tính toán để cho vay tối đa theo quy định, trong trường hợp phải thu giữ tài sản đảm bảo thì tỷ lệ sở hữu không vượt quá tỷ lệ cho phép.
Trong quá khứ, một ngân hàng đã đề xuất đầu tư thành lập hãng hàng không với tỷ lệ nắm giữ 49%. Năm 2016, Techcombank và Vietnam Airlines đề xuất lên Bộ Giao thông vận tải xin góp vốn thành lập hãng hàng không mới mang tên SkyViet.
Hãng hàng không mới này dự kiến có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, Vietnam Airlines góp 51% vốn điều lệ là các máy bay sẵn có. Techcombank thông qua công ty con góp 49% vốn điều lệ. Mặc dù vậy, phương án này sau đó không được thực hiện.
Với Sacombank, khoản đầu tư sẽ phức tạp hơn khi ngân hàng muốn tiến sâu vào quá trình tái cơ cấu của Bamboo Airways. Để làm được điều đó, ngân hàng có thể phải xin cơ quan quản lý một cơ chế đặc biệt.
Nhận định về việc Sacombank đầu tư vào Bamboo Airways, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá đây là trường hợp phức tạp và tiềm ẩn rủi ro tín dụng đối với Sacombank nếu Bamboo Airways thất bại trong việc tái cơ cấu.
“Do đó, nếu Sacombank được các cơ quan chức năng chấp thuận cho phép tham gia tái cơ cấu Bamboo Airways với tư cách cổ đông chiến lược sẽ là giải pháp “trọn vẹn” nhất với cả hai bên”, báo cáo phân tích của SSI Research đánh giá.
Mặc dù vậy, điểm tích cực là quá trình tái cơ cấu của Bamboo Airways đang nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ. Hồi tháng 8, trong văn bản chỉ đạo hỗ trợ Bamboo Airways, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bamboo Airways để tháo gỡ khó khăn về vấn đề vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện. Đây sẽ là cơ sở để đề xuất của Sacombank tham gia góp vốn vào Bamboo Airways thành hiện thực.
Trước đó, hồi tháng 8/2022, Bamboo Airways công bố ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank sẽ làm cố vấn cấp cao cho HĐQT Bamboo Airways. Ông Minh là một doanh nhân có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bất động sản. Việc ông Minh trở thành cố vấn cao cấp HĐQT Bamboo Airways được kỳ vọng có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cải tổ, kiện toàn bộ máy quản trị và lãnh đạo cấp cao của hãng.