Samsung cam kết tăng thêm đầu tư mỗi năm 1 tỉ đô la vào sản xuất tại Việt Nam. Nhưng trên thực tế từ năm 2023 sản xuất tại Việt Nam chỉ còn 40% tổng quy mô sản xuất toàn cầu của Samsung, giảm dần từ con số 60% trong năm 2021 và 50% trong năm 2022.

fb-img-1715520147911-1715520392.jpg
 

Vì sao, lại có sự "bất nhất" trong tuyên bố và hành động của gã khổng lồ?

Samsung khai trương nhà máy đầu tiên tại Noida, bang Uttar Pradesh của Ấn Độ năm 1996. Đến năm 2007, nhà máy thứ hai gần với nhà máy Noida được xây ở Sriperumbudur, bang Tamil Nadu. Hai nhà máy này đều hình thành sớm hơn nhà máy Samsung xây ở Bắc Ninh năm 2009 và Thái Nguyên năm 2013. Khoảng cách hơn 70km giữa Bắc Ninh và Thái Nguyên giúp Samsung rất nhiều thuận lợi về logistics, vì thế là giảm giá thành. Trong khi đó khoảng cách giữa hai nhà máy smartphone tại Ấn Độ là trên 2.100km.

Có thể thấy đó là bước tiến song song tại Ấn Độ và Việt Nam, nhưng nhịp ở Việt Nam chậm hơn 6-7 năm, nhưng lại bật tăng mạnh mẽ. Các lý do được đưa ra là giữa thập niên 1990, cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghiệp và nguồn nhân lực Ấn Độ hơn hẳn Việt Nam. Hơn nữa Samsung muốn tập trung khai thác thị trường trên tỉ dân với những chiếc điện thoại giá rẻ hay tầm trung dưới 200 đô la mỗi máy.

Được hưởng nhiều ưu đãi từ chương trình PLI (sáng kiến ưu tiên có các ngành sản xuất trong nước) của Ấn Độ, năm 2018 Samsung rót thêm gần 720 triệu đô la cho nhà máy Noida, giúp đạt năng lực 120 triệu smartphone, chiếm gần 40% năng lực của hãng. Năm 2019, Samsung tuyên bố rằng sẽ ngừng sản xuất smartphone tại Trung Quốc, và chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ.

Tháng 8-2020, tờ The Economic Times và nhiều báo khác của Ấn Độ đã gây xôn xao khi đưa tin Samsung sẽ chuyển bớt một phần công suất của hai nhà máy tại Việt Nam sang Ấn Độ. Đại diện Samsung tại Việt Nam sau đó khẳng định lần nữa cam kết của mình tại Việt Nam. Nhưng sau đó, Samsung đã âm thầm cắt giảm năng lực sản xuất tại Việt Nam.

Hai cơ sở của Samsung ở Việt Nam hiện có thể sản xuất hơn 150 -170 triệu smartphone, chiếm hơn 50% năng lực toàn cầu của Samsung, tập trung phân khúc giá trị cao cho thị trường Âu - Mỹ. Theo kế hoạch sản xuất 300 triệu chiếc điện thoại của năm 2023, theo trang Korea IT News, sản lượng của hai nhà máy Việt Nam sẽ được duy trì ở mức trên 40% từ năm 2023, giảm từ con số 50% của năm 2022 và 60% của năm 2021. Samsung lý giải “do tình hình sức mua toàn cầu suy giảm và kế hoạch phân bố sản xuất mới”.

Kế hoạch sắp của tới của Samsung là phát triển nhà máy ở Gumi, Hàn Quốc thành “nhà máy cái”, chịu trách nhiệm chính về nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất dòng cao cấp Galaxy 23 và các loại điện thoại gập. Theo Korea IT News, kế hoạch phân bổ sản lượng còn lại trong dài hạn của Samsung tại Việt Nam là 46% sản lượng smartphone (Thái Nguyên 32% và Bắc Ninh 14%, chủ yếu cho xuất khẩu) và Ấn Độ 21% (tiêu thụ nội địa và xuất khẩu).

Các nhà máy ở các nơi khác sẽ dành cho tiêu dùng nội địa là chính như Brazil 7%, Indonesia 3% và Thổ Nhĩ Kỳ 1%. Samsung sẽ thuê các công ty Trung Quốc sản lượng các smartphone giá rẻ theo mô hình JDM (nhà phát triển chung) chiếm 18% sản lượng. Phần còn lại 4% của nhà máy Gumi.

Tổng cộng Samsung có 2 nhà máy smartphone, 5 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và 1 trung tâm thiết kế ở Ấn Độ. Xung quanh cụm nhà máy smartphone ở Noida, Samsung còn có nhà máy sản xuất màn hình, tivi, các bộ phận của tủ lạnh thông minh, đồ điện tử gia dụng.

Năm 2022, doanh số tại bốn nhà máy chính của Samsung tại Việt Nam là 71 tỉ đô la, xuất khẩu chiếm hơn 65 tỉ đô la. Trong khi đó, theo dữ liệu của S&P Global Market Intelliegence, trong năm tài chính kết thúc tháng 3-2023, Samsung chỉ xuất hơn 4 tỉ đô la smartphone từ Ấn Độ, tăng hơn 42% từ con số 2,8 tỉ đô la của năm 2021. Samsung chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu smartphone của Ấn Độ.

Trong năm 2023, tổng doanh thu của Samsung tại Việt Nam đạt 61,4 tỉ đôla, giảm gần 10 tỉ đô la (-14%) và lợi nhuận ở mức 4 tỉ đô la, giảm gần 15% so với năm trước đó. Trong số này, nhà máy ở Thái Nguyên là đơn vị mang lại lợi nhuận lớn nhất của Samsung tại Việt Nam với doanh thu là 13,5 tỉ đô la và lợi nhuận là là 1,72 tỉ đô la. Các nhà máy ở Việt Nam đã đóng góp hơn 1/3 tổng lợi nhuận của Samsung trên toàn cầu, từ con số 11% của những năm trước.

Dĩ nhiên thì thị phần của Samsung tại Việt Nam vẫn có một tầm quan trọng rất lớn. Nhưng cho đến giờ thì vẫn chưa có gì bảo đảm chắc chắn 100% Samsung sẽ duy trì thị phần này ở mức độ cao như vậy khi mà Samsung và các chaebol Hàn Quốc nhận ra cần phải khai phá các thị trường mới ở Trung Đông và Bắc Phi.

-------------------------------

Nguồn: Korean Herald, The Economic Times, Business Today, Samsung Newsroom, PTI, BSA