Trung Quốc không theo kịp nhu cầu container

Việc thiếu container rỗng từ đầu năm 2021 đã và đang khiến không ít doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nhu cầu hàng hoá của thế giới tăng cao, không có container thì hàng hoá không thể xuất đi, nếu có thì chi phí cũng bị độn lên gấp 3-4 lần.

Doanh nghiệp khi đứng trước tình huống này buộc phải đưa là hai lựa chọn. Một là chấp nhận vận chuyển bằng đường hàng không, hai là chấp nhận đền bù hợp đồng cũng như rủi ro mất khách hàng.

Trước tình trạng hàng hoá bị ùn tắc không thể cập bến do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như xu hướng mua sắm ngày càng tăng ở các nước phương Tây, Trung Quốc vốn đang chiếm đến 80% thị phần trong lĩnh vực này gần như không thể sản xuất thêm container để đáp ứng nhu cầu thị trường.

thue-container-cu-1-1638330684.jpeg

Ngành sản xuất container hiện đang chịu sự chi phối của 3 ông lớn Trung Quốc gồm CIMC, DIC, và CXIC Group. Drewy dự báo các hãng này sẽ tung ra thị trường 5,2 triệu container 20 feet (TEU) trong năm nay, tăng đến 2/3 so với năm ngoái. Dù vậy, số lượng này vẫn không theo kịp nhu cầu mua sắm khổng lồ khắp nơi trên thế giới.

Chính vì vậy, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Việt Nam – một quốc gia lân cận và có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mảng container.

Tiềm năng to lớn ở Việt Nam

Nhìn thấy cơ hội, tập đoàn kỹ thuật Hàn Quốc Seojin Systems và nhà sản xuất công nghệ container Ace Engineering đã quyết định sẽ thành lập nhà máy sản xuất container tại Việt Nam vào giữa năm 2022, với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Kinh doanh Hàng hải Hàn Quốc (KOBC) - do Nhà nước hỗ trợ tài chính. 

Theo Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam, số lượng doanh nghiệp logistics Việt Nam trong nước hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng lên tới 20%/năm nên nhu cầu mở rộng kinh doanh, tăng cường cơ sở vật chất chắc chắn cũng sẽ tăng mạnh, và thị trường container sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp.

Dù tiềm năng là vậy, nhưng số lượng doanh nghiệp Việt tham gia vào lĩnh vực này rất hạn chế, chỉ có khoảng vài chục trong số 4.000 doanh nghiệp trên, nhưng hầu hết chưa phải là doanh nghiệp sản xuất đúng nghĩa. Có doanh nghiệp đã từng sản xuất container, nhưng do điều kiện khách quan nên phải thu hẹp sản xuất. Còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo.

Hiện tại, Hoà Phát là doanh nghiệp nổi bật nhất trong lĩnh vực này với kế hoạch sản xuất 500.000 TEU/năm. Theo đó, dự án án Nhà máy Sản xuất Container Hòa Phát tại KCN Phú Mỹ II mở rộng, Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt đầu khởi công xây dựng vào ngày 25/11, dự kiến sẽ bắt đầu đi vào sản xuất vào năm 2022.

Tuy vậy, số lượng này vẫn rất hạn chế so với hàng triệu container được sản xuất mỗi năm bởi CIMC hay CXIC Group.

Tại hội nghị Tổng kết ngành thép 2020, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, tại Việt Nam, hiện có vài chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container, nhưng hầu hết chưa phải là doanh nghiệp sản xuất đúng nghĩa. Có doanh nghiệp đã từng sản xuất container, nhưng do điều kiện khách quan nên phải thu hẹp sản xuất. Còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo.

Ông cho biết, việc đóng mới container hoàn toàn nằm trong khả năng của Việt Nam nhưng có nhiều lý do để các đơn vị không mặn mà tham gia sản xuất.

Cụ thể, container là mặt hàng tương đối đặc thù, muốn làm phải có đơn hàng cam kết số lượng nhất định và đều đặn trong khi số khách hàng lại không nhiều. Sản xuất container cần số vốn lớn để đầu tư cho nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu và nhân công.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này hiện đều là quy mô nhỏ, không có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nên họ phải chấp nhận việc cải tạo, sửa chữa container và sản xuất thêm những mặt hàng cơ khí khác như rơ-mooc, sơ-mi rơ-mooc để tồn tại.