Giá các dự án bất động sản chào bán mới ở hai thị trường lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội tiếp tục ghi nhận các mức tăng 16% và 7% trong sáu tháng đầu năm 2021. Nhận định này được ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, giám đốc, CBRE Việt Nam chia sẻ trong hội thảo trực tuyến “Giá nhà có giảm do COVID-19?” do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức chiều 12.8.2021.

236442915-213970077333256-1037663659807873069-n-1628774370.jpg
Hội thảo trực tuyến “Giá nhà có giảm do COVID-19?” do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức


Theo công bố từ CBRE Việt Nam, số dự án mở bán mới tăng trên 28% tại TP.HCM và 20% tại Hà Nội. Dù số dự án mở bán mới nhiều hơn kèm theo giá tăng, nhưng tỉ lệ hấp thụ các dự án đều ở mức cao, có vẻ đi ngược lại với tình hình bi quan của dịch bệnh, đều đạt trên 70%.

Ông Kiệt chia sẻ, qua các khảo sát giá của các dự án bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội, công ty ghi nhận “giá vẫn không giảm”. Theo chuyên gia của CBRE, rất ít dự án nhà đầu tư chấp nhận giảm giá là do dự án thứ cấp nằm trong khu vực có nguồn cung rất lớn và giá nhà vốn đã được đẩy lên rất cao trong vài năm qua nên các nhà đầu tư chấp nhận bán thấp hơn một chút để tiêu thụ được. “Ví dụ như ở khu vực Thủ Đức (TP.HCM), nhà đầu tư mua dự án 5 tỉ đồng, trước đây họ bán 6,5 tỉ đồng, cao hơn 30% so với mức giá họ đầu tư thì bây giờ chấp nhận giảm 5% còn 6-6,2 tỉ đồng”.

Trái ngược với quan điểm thị trường bất động sản có thể giảm giá sau hơn một năm rưỡi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, ông Kiệt thẳng thắn: “Chúng tôi chưa nhìn thấy sự bán lỗ, bán tháo ở thị trường bất động sản”. Thậm chí, theo ông Kiệt, trong thời điểm khó khăn, vẫn xuất hiện dự án hạng sang tung ra thị trường với mức giá bán lên tới 30.000 USD/m2, hướng đến đối tượng có tiềm lực tài chính mạnh, có đủ trải nghiệm để hiểu các giá trị sản phẩm, dự án vẫn có thể tiêu thụ được.

Bất động sản sẽ phục hồi theo 3 giai đoạn

Chia sẽ về triển vọng hồi phục của thì trường bất động sản,  ông Trần Khánh Quang - tổng giám đốc CTCP Đầu tư BĐS Việt An Hoà  cho rằng, có thể hy vọng về thị trường bất động sản tương đối tốt sau dịch.

Ông Quang cho biết, nhìn sang các thị trường quốc tế, không riêng gì bất động sản mà cả nền kinh tế đều sẽ phục hồi vượt bậc sau dịch bệnh. Nếu Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine và kiểm soát được dịch bệnh trong tháng 10 năm nay, thị trường bất động sản sẽ chuyển sang một trạng thái mới so với giai đoạn trì trệ hiện nay.

Cụ thể, ông Quang dự báo sự thay đổi của thị trường thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 3 tháng. Đầu tiên, thị trường có thể sẽ đi ngang khi chủ đầu tư tái định vị lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư hậu dịch bệnh. Tiếp theo đó là giai đoạn sốt nhẹ khi giá bất động sản có thể tăng 10-15% do độ nén của thị trường giai đoạn dịch bệnh. 3 tháng tiếp theo giá điều chỉnh ở mức "vừa phải" để điều tiết theo nhu cầu của thị trường và phù hợp với nền kinh tế.

Ông Quang cũng đưa ra quan điểm về mối tương quan giữa thị trường chứng khoán với bất động sản, khi chứng khoán vẫn đang trong vùng xanh thì bất động sản sẽ tiếp tục phát triển.

Bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp là hai sản phẩm được đề cập sẽ có nhiều tiềm năng sau đại dịch. Ông Quang dẫn lại ví dụ ở thời điểm năm 2013, dù kinh tế đi xuống, toàn ngành bất động sản khó khăn nhưng doanh thu của một số công ty du lịch vẫn ghi nhận tăng trưởng vì "khoảng 80% người Việt Nam sẽ chọn biển là điểm đến khi đi du lịch".

Theo ông Quang, khi nhu cầu du lịch bị đè nén bởi đại dịch trong vòng hơn 1,5 năm qua, mọi người sẽ đi du lịch, đặc biệt là đi biển nhiều hơn khi dịch bệnh được kiểm soát. Đối với thị trường bất động sản công nghiệp, ông cho biết các khu bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục được chú trọng sau dịch bệnh, do được hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô đi kèm với tốc độ tăng trưởng kinh tế: Việt Nam đang có vị thế là trung tâm gia công của toàn thế giới, nhiều tập đoàn nước ngoài đang muốn đầu tư vào khu công nghiệp ở Việt Nam.