Các thiếu gia "đua nhau" đầu tư vào chuỗi phòng gym

Hôm qua 30/3, anh Đỗ Quang Vinh, con trai cả của Chủ tịch Tập đoàn T&T Group và ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển, chia sẻ  trên trang cá nhân: “Nửa năm trước, khi quyết định trở thành cổ đông của The Fox Group thực sự là điều mà tôi không nghĩ tới vì bản thân là người ít vận động, ít có thời gian chơi thể thao nhưng không gì là không thể! 

Tôi đầu tư vì người em CEO trẻ tài năng Thành Bảo Nam đã xây dựng được một chuỗi phòng tập với nhiều mô hình tập luyện chuyên nghiệp mà tôi vốn mê từ lâu. Huấn luyện viên có tâm và quan trọng nhất là để tôi có động lực thay đổi bản thân để biến mình trở thành một phiên bản hoàn hảo hơn. 

Chỉ sau 12 buổi tập, tôi chính thức đã trở thành 1 gymer với sự cải thiện đáng kể về ngoại hình và giờ mới tự hào khoe với mọi người.

165594308-2952623998346131-6034606620446877243-n-1617166798.jpg
Thiếu gia Đỗ Quang Vinh.

Trước đó, Đoàn Quốc Huy là con trai của ông chủ Tập đoàn BIM - Đoàn Quốc Việt cũng kinh doanh hệ thống phòng gym Elite.

Là một trong những thương hiệu năng động nhất thuộc BIM Group, Elite Fitness – hệ thống CLB thể thao cao cấp với hàng chục CLB trên toàn quốc được thành lập từ năm 2010. 

uploads-2018-bai-web-thang-8-mr-huy-2-1617167046.jpg
Thiếu gia Đoàn Quốc Huy.

Một trường hợp đại thiếu gia khác đầu tư vào phòng gym là Bùi Cao Nhật Quân - con trai ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Novaland. Dù gần như không xuất hiện trước công chúng nhưng một vài thông tin thân cận cho biết, thiếu gia của nhà Novaland là người đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác với CITYGYM qua dự án tổ hợp thể thao Aqua Sport Complex tại TPHCM năm 2020.

1-75057-1617167153.jpg
Thiếu gia Bùi Cao Nhật Quân.

Vì sao các đại thiếu gia bỏ tiền vào chuỗi phòng tập?

Vốn là một người đam mê tập thể thao, anh Đoàn Quốc Huy chia sẻ về lý do đầu tư vào chuỗi phòng gym.
“Khi tôi mới từ Mỹ về Việt Nam, để đa dạng hoá mô hình bất động sản, nhà ở, khách sạn, tôi đã có ý tưởng xây dựng CLB Fitness kết hợp với spa tại Khu căn hộ Fraser suite, Hà Nội. Mô hình này rất thành công và nhận được nhiều phản hồi tích cực của cư dân. 

Lúc đó, tôi nhìn thấy tiềm năng lớn của ngành công nghiệp tập luyện, sức khoẻ tại Việt Nam. Tôi cũng chứng kiến xã hội phương Tây với tỷ lệ người bị béo phì, tiểu đường do thói quen thiếu lành mạnh tăng lên chóng mặt. 

Để người Việt không đi vào vết xe đổ đó, tôi thành lập chuỗi CLB thể thao cao cấp Elite Fitness với mong muốn tạo động lực phát huy tinh thần yêu vận động của người Việt trong đời sống hiện đại. Thật tự hào vì sau 8 năm nỗ lực không ngừng, chúng tôi đã phát triển thành chuỗi CLB với quy mô và uy tín hàng đầu tại Việt Nam hiện nay”, ông Huy trả lời phỏng vấn.

phong-tap-gym-quan-long-bien-1911590256-1617167259.jpg
 

Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế đi cùng với sự gia tăng của các chuỗi thức ăn nhanh và suy giảm hoạt động thể chất khiến tỉ lệ dân số mắc bệnh béo phì tại Việt Nam tăng nhanh. Theo Ken Research, tỉ lệ béo phì tại Việt Nam đã tăng với tốc độ tăng trưởng kép (CARG) 8,4% trong giai đoạn 2013 - 2018 và dự báo đạt 3,6% vào năm 2023.

Thực tế cho thấy người dân đang ngày càng nâng cao nhận thức về thể dục, cùng với đó, thu nhập tăng và sự mở rộng của các trung tâm dịch vụ thể dục có tổ chức.

Những yếu tố này thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan đến thể dục thể thao nói chung và ngành fitness nói riêng.

Theo thống kê của Statista, cuối năm 2017, số lượng câu lạc bộ sức khỏe và thể hình ở Việt Nam đã đạt 640 câu lạc bộ, vượt qua Thái Lan, Indonesia, Singapore và Hồng Kông.

Statista đã tiến hành một cuộc khảo sát theo giới tính ở các công dân thành thị vào năm 2017, khoảng 80% nam và 73% nữ đi đến các phòng tập thể dục, chủ yếu là để tăng cơ và xả stress. Đồng thời, phí đăng kí phòng tập trung bình hàng tháng của mỗi người vào khoảng 300.000 đồng.

Theo Tổng cục Thống kê, dân số thành thị cả nước năm 2017 chiếm 35,1% tổng dân số, đạt 32,9 triệu người. Với cơ cấu dân số nam – nữ tương ứng 49,3% - 50,7%, ước tính qui mô doanh thu của ngành fitness từ năm 2017 đã đạt gần 7.550 tỉ đồng.

Ken Research dự kiến thị trường dịch vụ thể dục tại Việt Nam sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 19,5% về doanh thu trong giai đoạn 2018 - 2023.

Phía Statista cũng cho rằng thị trường fitness sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai kéo theo các thị trường liên quan. Đơn cử, giá trị thị trường dinh dưỡng thể thao đạt trên 1 tỉ USD vào năm 2020 trong khi giá trị sản xuất quần áo thể thao dự kiến đạt gần 3 tỉ USD vào năm 2021.