Trước hết, hãy xem một giai thoại ly kỳ về việc ra đời của ngôi trường này. Nếu đúng như vậy, có thể nói Stanford ra đời là nhờ Harvard.

Theo tài liệu của Stanford, quả thật Harvard đã góp phần giúp cho Stanford ra đời.

anh-bai-stanford-1-a-hallway-in-stanford-1636297296.jpg
Hành lang dẫn tới một số lớp học trong khuôn viên hơn 3.300 héc ta của Stanford.

Ít thế thì mình xây

Một ngày nọ, có hai vợ chồng lớn tuổi đến Harvard xin gặp ông hiệu trưởng. Cô thư ký của ông hiệu trưởng, khi nhìn trang phục của hai người này – vợ, váy vải bông kẻ sọc phai màu; chồng, đồ vét vải bông thô cũ – đã không muốn cho họ tiếp xúc với người đứng đầu nhà trường rồi.

Cô liền kiếm cách từ chối. Tuy nhiên hai vợ chồng kia cứ nằng nặc xin gặp ông hiệu trưởng cho bằng được. Cuối cùng, sau vài tiếng đồng hồ, cô thư ký xiêu lòng, gọi điện cho sếp đề nghị tiếp hai vị khách cứng đầu.

Trong buổi tiếp, người vợ lên tiếng cho biết co trai của họ từng học ở Harvard một năm và rất thích nhà trường. Nhưng rồi nó lại gặp chuyện không may, đã qua đời. Bà khẩn khoản nói vợ chồng bà muốn xin làm một cái gì đó kỷ niệm con mình trong khuôn viên của trường.

Đương nhiên, ông hiệu trưởng của ngôi trường nổi tiếng từ chối liền, nói rõ: “Chúng tôi không thể vì cứ mỗi sinh viên từng học Harvard qua đời thì cho dựng tượng người đó trong trường được! Đây không phải nghĩa địa!”.

Người phụ nữ lớn tuổi cũng bèn nói lại cho rõ: “Ôi! Không phải thế! Chúng tôi đâu có đề nghị nhà trường dựng tượng cháu, mà chỉ muốn quyên góp xây một tòa nhà ở trong trường, có thể mang tên cháu”.

Ông hiệu trưởng đại học lâu đời nhất nước Mỹ, cái nhìn sắc lạnh, nói với vẻ coi thường: “Vậy ông bà có biết để xây dựng cả cái trường này thì chúng tôi đã phải bỏ ra bao nhiêu tiền không? Không ít đâu nghe, phải tới bảy triệu rưỡi đô la đó. Mà trường thì có mười tòa nhà…”.

Khi nghe như vậy, người phụ nữ lớn tuổi bèn xoay người qua nói với chồng: “Ít thế thì… mình về gọi người xây luôn một trường đại học để kỷ niệm con trai mình đi cho rồi!”.

Vậy là ý tưởng về Đại học Stanford ra đời. Đó là năm 1885, thời tiền Mỹ giá trị hơn ngày nay nhiều. Hai vợ chồng trên – bà Jane và ông Leland Stanford – thuộc số bốn gia đình giàu có nhất nước Mỹ trong thế kỷ 19. Trên thực tế, Charles William Eliot, một hiệu trưởng tài ba của Harvard, đã góp ý, giúp cho ông bà tỉ phú thành lập Đại học Stanford, mở cửa đón những sinh viên đầu tiên vào năm 1891, theo tài liệu của Stanford.

Một đoạn trích dịch tài liệu này: “Việc cho rằng Leland và Jane Stanford, hồi đó đã rất giàu có, mà đến Harvard trong bộ vét vải sợi thường chỉ mặc trong nhà và chiếc váy bạc màu thật thú vị, nhưng rất không chính xác. Không chắc ông Leland Stanford, cựu thống đốc California và nhà tư bản đường sắt nổi tiếng, cùng vợ là bà Jane, đã phải đợi bên ngoài văn phòng hiệu trưởng Eliot. Ông bà Stanford cũng đến các trường Cornell, MIT và Johns Hopkins để tìm hiểu nữa”.

Ngày nay, sau 130 năm thành lập, Stanford nằm trong thung lũng Silicon, trung tâm công nghệ cao và sáng tạo của Mỹ, đã trở thành một trong những đại học hàng đầu nước Mỹ. Trường cao học Quản trị kinh doanh của nó, nơi có chương trình MBA, được đánh giá cao nhất nước Mỹ, và có lẽ cả thế giới.

anh-bai-stanford-2-le-penseur-rodin-1636297296.jpg
Tượng “Người suy tư” một tay chống cằm của Auguste¹ Rodin.

Số 1 quản trị kinh doanh

Trong thành phần ban giảng huấn, theo trang mạng trường cao học nói trên cho đến năm 2021 này, có sáu người đoạt giải Nobel; năm người, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia; 19 người, thành viên Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ. Ngoài ra, còn có năm người đã nhận Huy chương John Bates Clark, một phần thưởng danh giá về Kinh tế học.

Bởi vậy nên tờ U.S. News and World Report mới sắp trường cao học Quản trị kinh doanh Stanford ở vị trí đầu trong hai năm liền 2020 và 2021 trên bảng sắp hạng những trường quản trị kinh doanh của Mỹ. U.S. News and World Report là một trong số ít tạp chí mỗi năm đều điều tra, sắp hạng các đại học Mỹ.

Về thi tuyển đầu vào, chẳng gì ngạc nhiên khi đây là trường gắt nhất thế giới đối với chương trình MBA. Mỗi năm, chương trình chỉ nhận 6% trên tổng số hơn 7.000 người ứng thí. Để so sánh: hàng năm chương trình MBA của Harvard nhận đến 10% trên tổng số khoảng 10.000 ứng viên.

Huyền Chíp, cây bút nổi đình nổi đám một thời với tập du ký “Xách ba lô lên và đi”, từng tốt nghiệp thạc sĩ khoa học máy tính, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo của Stanford. Cô viết về những ngày tháng dưới mái giảng đường trong “Đường đến Stanford” với lời lẽ như từ tận đáy lòng.

“Họ giúp tôi hiểu về giới hạn của bản thân, sự ích kỷ tưởng chừng vô hại, và trách nhiệm của mình với thế giới mình đang sống. Họ biến tôi từ con bé chán ghét một cuộc sống gò bó thành một đứa lên lịch đến từng giây, từng phút cho cuộc sống của mình.

Họ biến tôi từ một người luôn chỉ nghĩ đến chuyện đi đây đi đó cho đỡ cuồng chân trở thành người không còn để ý gì đến việc mình sẽ ở đâu, trong bao lâu nữa, miễn là xung quanh tôi luôn có những người giỏi hơn tôi và có thể dạy tôi nhiều điều cả về học thuật và cuộc sống”.

Người viết bài này từng đến Stanford cách nay bảy năm. Ấn tượng còn đọng lại từ buổi chiều hoang nắng tắt đó là vườn tượng và cả bảo tàng hơn 200 phiên bản người đồng đã ngã màu thời gian – nhiều nhất thế giới, ngoại trừ Pháp – của nhà điêu khắc Auguste Rodin.

Người xem có thể sẽ ngẩn ngơ hàng giờ vì vẻ đẹp suy tưởng của “họ”. Rodin đã dựa vào phần đầu “Cổng Hỏa ngục” trong trường ca “Thần khúc” của Dante Alighieri, nhà thơ Ý kiệt xuất thời Trung cổ, để sáng tác những bức tượng này. Trong đó không thiếu những con người biết cúi đầu.

Nổi tiếng nhất là phiên bản “Người suy tư” – cũng không ngẩng đầu. Đây là bức tượng đã đẩy nhà điêu khắc Pháp Rodin lên đài danh vọng. Nó được đặt trước một viện bảo tàng trong Stanford, một đại học sở hữu đến ba viện bảo tàng.

Tượng làm liên tưởng đến lời nhắc nhở của René Descartes, một triết gia đồng hương với Rodin: “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”. Nó cũng từng khiến tâm trí người viết bài này như chiếc lá trôi bồng bềnh, lang thang vào chốn bất định, rời khỏi khung cảnh xung quanh…

Chức cao khi học trường Mỹ

Ở Mỹ, muốn lên chức cao hoặc ứng tuyển vào chức vụ ngon lành ở những công ty lớn, phải học thêm. Thường là học và tốt nghiệp MBA trường hàng đầu của Mỹ; trường của những nước khác – tuy số 1 – cũng khó lòng lọt mắt xanh các nhà tuyển dụng Mỹ.

Mà chương trình MBA ở những trường sáng giá như Harvard, Stanford thì học phí cực kỳ cao, thường gấp đôi những trường hàng đầu của Anh hoặc Canada. Không dưới 200.000 đô la Mỹ cho hai năm học; đương nhiên, bao gồm cả những chi phí như ăn ở, sách vở, tiền tiêu vặt…

Tuy nhiên, những trường Mỹ đều trao nhiều học bổng. Hơn nữa, họ còn tạo điều kiện cho sinh viên vay tiền ăn học. Vào những trường này rồi thì chỉ có việc cắm cúi lo chuyện sách đèn, không thể nghĩ tới chuyện làm thêm, trừ một số công việc lặt vặt để… kiếm tiền lặt vặt gọi là như phụ việc cho các giáo sư, sắp xếp sách vở của thư viện… Ở lại lớp đồng nghĩa với tốn nhiều tiền vì mất học bổng, phải vay thêm đô la, và tương lai cũng sẽ xám màu.

Như đã nói, về thi tuyển, chương trình MBA của Stanford là gắt nhất thế giới. Ở vòng cuối, trường nhờ một sinh viên đã tốt nghiệp, sự nghiệp vững vàng phỏng vấn thí sinh, rồi đánh giá. Cuộc phỏng vấn kéo dài tối thiểu 45 phút (không biết hỏi chi mà dữ vậy!).

Trước đó, người ứng thí đã phải vượt qua vòng nộp đơn với điểm thi GMAT cao ngất ngưởng – trung bình 733 điểm trong khi số điểm tối đa là 800 chưa ai đạt được trước giờ – và bảng điểm tốt nghiệp đại học cũng cao, cùng một bài luận làm cho ban tuyển sinh nhà trường hài lòng. Và lý lịch làm việc nổi bật. Bởi chỉ những người đã đi làm tối thiểu hai năm mới được quyền nộp đơn thi vào chương trình này.

GMAT là cuộc kiểm tra độc lập kéo dài đến bốn tiếng nhằm đánh giá trình độ ngôn ngữ chung (tiếng Anh), toán học và viết lách (tiếng Anh) của người muốn học chương trình MBA. Thường những đại học lớn đều đòi hỏi thí sinh chương trình MBA phải nộp điểm GMAT để xét duyệt trước.

Theo trang mạng mbacrystalball.com, trường Quản trị kinh doanh Harvard đòi điểm chừng 725; trong khi trường nhận điểm thấp nhất ở Mỹ là trường cao học Quản trị kinh doanh Katz của Đại học Pittsburgh. Chỉ cần GMAT 607 điểm là vào được chương trình MBA ở đây rồi…

Hai năm nữa, không chừng vợ chồng tôi sẽ bay sang San Francisco, thuê xe chạy đến Stanford, cách đó chừng 55 cây số, để dự lễ tốt nghiệp của con gái.

Đầu tháng chín năm nay, cháu đã vào Stanford theo học chương trình MBA. Cháu cho biết là không dễ. Phải trải qua những lần thi “toát mồ hôi hột”, nhất là trong những phút phỏng vấn căng thẳng qua điện thoại.

Hồi năm 2005, Steve Jobs, người phát minh ra MacBook, iPhone, từng đọc diễn văn tại một buổi lễ tốt nghiệp của Đại học Stanford. Trong đó có đoạn: “Điều quan trọng nhất là bạn hãy dũng cảm đi theo sự mách bảo của trái tim và trực giác của mình. Bằng cách nào đó, chúng biết rõ bạn thực sự muốn trở thành cái gì. Những điều khác chỉ là thứ yếu”.

Chẳng biết con gái tôi có từng xem bài diễn văn nổi tiếng này hay không – cháu không cho biết – mà đã “dám” từ bỏ một công việc tốt, chốn chăn êm nệm ấm để quay lại giảng đường?

Nguồn: Ngọc Trân/TBKTSG

https://thesaigontimes.vn/dai-hoc-stanford-tri-tue-o-dinh-cao/