Đầu năm 2020, cả THACO và Hùng Vương đã hồ hởi kéo nhau lên bàn đám phán, bắt tay thành lập liên doanh, mục tiêu là kéo Hùng Vương thoát khỏi vũng lầy kinh doanh thua lỗ và nợ nần. Nhưng chỉ hơn 1,5 năm, THACO đã quyết định dứt áo ra đi.

Nguyên nhân khiến ‘cuộc tình’ THACO và Hùng Vương nhanh chóng đứt gánh giữa đường có lẽ đến từ ‘người đến trước’ HAGL Agrico. Càng đi sâu tìm hiểu, THACO càng thấy HAGL Agrico giống như một cái động không đáy, ném bao nhiêu tiền vào cũng không đủ. Và cuối cùng, họ dứt khoát mang HAGL Agrico về tự ‘nuôi nấng’. Sau khi soát xét, THACO cảm thấy họ chỉ đủ tâm lực để ‘giải cứu’ 1 người, nên đành từ bỏ Hùng Vương.

Đầu năm 2021, trong buổi sự kiện thông báo về việc chính thức tiếp nhận HAGL Agrico từ Hoàng Anh Gia Lai, Chủ tịch THACO – Trần Bá Dương cũng khẳng định: “HAGL Agrico sẽ là thử thách cuối cùng của cuộc đời tôi!”.

Những tháng ngày trăng mật hạnh phúc

 

Tháng 1/2020, THACO và Hùng Vương đã tổ chức họp báo để thông cáo về lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa hai bên.

"Có phóng viên gặp tôi và hỏi: hai anh gặp nhau 1 ngày hay 24 tiếng là đã quyết định hợp tác? Thật ra không phải, chúng tôi gặp nhau có 60 phút thôi là đã quyết định hợp tác, vì cả tôi và anh Dương đều không có thời gian.

Nhìn bề ngoài vậy thôi, chứ anh Trần Bá Dương rất cẩn thận, nói đi đôi với làm. Tôi cho đây là phong cách của nhà doanh nghiệp lớn, làm việc lớn, tư tưởng lớn. Đánh giá của cá nhân tôi là hoàn toàn chính xác chứ không phải tâng bốc", ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch thủy sản Hùng Vương kể về cuộc gặp gỡ định mệnh với đồng sự Trần Bá Dương.

hung-vuong-1626542916.png
Lễ ký kết hợp tác giữa THACO - Hùng Vương đầu năm 2020.

Ông Trần Bá Dương nêu những điều khoản hợp tác cụ thể: “Trong thời gian qua, Hùng Vương đã gặp khó khăn nhất định và đã chủ động mời gọi THACO chúng tôi chia sẻ, hợp tác. Qua quá trình trao đổi và đàm phán, THACO và Hùng Vương đã đi đến những thỏa thuận hợp tác chiến lược sau đây.

Thadi đầu tư vào Hùng Vương với tỷ lệ 35% cổ phần và tham gia quản trị, cử đại diện giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Tài chính, chuyên gia kỹ thuật và hỗ trợ bán hàng đồng thời hỗ trợ tài chính.

Thadi sẽ đầu tư 65% vào liên doanh Thadi – Hùng Vương trong mảng sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con trong năm 2020, với tổng giá trị đầu tư là 2.000 tỷ đồng, được triển khai tại An Giang, Bình Đình. Đợt đầu vào tháng 3/2020 là 150.000 con. Thadi đầu tư chăn nuôi heo thịt theo tiêu chuẩn thực hành của cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) với quy mô 1,2 triệu con/năm”.

Theo THACO, sở dĩ họ đồng ý đồng hành cùng Hùng Vương là bởi đối tác này phù hợp với chiến lược phát triển của họ. THACO muốn trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành hàng đầu khu vực ASEAN, trong đó ngành cơ khí ô tô là chủ lực, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp quy mô lớn với chuỗi giá trị khép kín theo loại sản phẩm cây trồng – vật nuôi.

Ngoài ra, THACO còn muốn ứng dụng công nghệ cao và áp dụng phương pháp quản trị công nghiệp trên nền tảng số hóa, với lộ trình phù hợp hướng đến trở thành doanh nghiệp dẫn đầu và đóng góp cho công cuộc nâng tầm ngành nông nghiệp Việt Nam. Qua đó giúp THACO tự cân bằng ngoại tệ và góp phần cân bằng cán cân thương mại cho đất nước.

Với động thái mới này, THACO ngày càng dấn sâu vào mảng nông nghiệp, sau khi có mảng trồng trọt với cây ăn trái – bò thịt hợp tác cùng HAGL, họ hoàn thiện thêm mảng chăn nuôi khi kết hợp cùng Hùng Vương để nuôi heo – cá tra – tôm…

Trong năm 2020, kế hoạch doanh thu xuất khẩu của liên minh THACO – Nông nghiệp HAGL – Hùng Vương sẽ vào khoảng 1,5 tỷ USD: Thadi là 600 triệu USD, HAGL Agrico là 500 triệu USD và Hùng Vương khoảng 550 triệu USD; chiếm gần 4% doanh thu xuất khẩu của ngành nông nghiệp của cả nước.

2-1626542848.jpg
Chủ tịch THACO - Trần Bá Dương

Đến cuối tháng 3/2020, sau 4 giao dịch thoả thuận, nhóm THACO đã nắm giữ 35,01% vốn HVG; gồm: THACO (26,26% vốn), Sản xuất và Thương mại Trân Oanh (3,79% vốn - tương đương 8,6 triệu cổ phiếu) và ông Trần Bá Dương (4,96% vốn).

Ngoài ra, Hùng Vương cũng đã thông qua kế hoạch huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ với khối lượng 20 triệu cổ phiếu, đối tượng mua là THACO và các bên liên quan. Giá chào bán 10.000 đồng/cp, tương ứng số tiền thu về 200 tỷ đồng, được dùng để bổ sung vốn lưu động cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020.

Chỉ trong 7 tháng, THACO và những người có liên quan thoái hết vốn tại Hùng Vương

 

Tuy nhiên, đến 11/2020, THACO và những người liên quan bắt đầu thoái hết vốn khỏi Hùng Vương, bằng cách âm thầm bán ra lượng lớn cổ phiếu HVG.

Vào tháng 11, THACO đã bán gần 28,3 triệu cổ phiếu HVG trong số 56,5 triệu đơn vị đăng ký trong phiên 20/11. Phía mua vào là ông Nguyễn Phúc Thịnh, Uỷ viên HĐQT của THACO và được đề cử vào chức danh tương tự ở Hùng Vương. Lúc đó, ông Thịnh nắm giữ thêm 12,45% vốn điều lệ và là cổ đông lớn thứ hai của công ty.

Vào giữa tháng 12/2020, THACO công bố thông tin đã hoàn tất bán toàn bộ 31,36 triệu cổ phiếu HVG sở hữu, tương đương 13,81% vốn điều lệ của  Hùng Vương, thu về 113 tỷ đồng. Theo đó, THACO đã hoàn tất việc thoái vốn tại Hùng Vương.

Tháng 4/2021, ông Nguyễn Phúc Thịnh, thành viên HĐQT cũng đã thoái hơn 36,6 triệu cổ phần, tương đương 17,01% vốn điều lệ tại Hùng Vương. Theo đó, ông Thịnh hạ sở hữu từ 38.6 triệu cổ phần (17.01% vốn) xuống còn 2 triệu cp (0.88% vốn).

Đầu tháng 7/2021, Sản xuất và Thương mại Trân Oanh và ông Trần Bá Dương đồng loạt bán sạch hơn 19,8 triệu cổ phiếu HVG tại Hùng Vương. Trên thị trường, cổ phiếu HVG ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận phiên 2/7 gần 20 triệu cổ phần, giá trị thương vụ đạt gần 46 tỷ đồng.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, dường như THACO không còn liên quan gì đến Hùng Vương; chiến lược kinh doanh dựa vào trồng trọt và chăn nuôi mà THACO đề ra trong đầu năm 2020 cũng phải điều chỉnh.

Vậy tại sao THACO lại nhanh đến nhanh đi như thế?

 

Nguyên do quan trọng nhất, như chúng ta nói ở đầu bài, có thể bởi THACO không thể 1 lần ‘giải cứu’ 2 con bệnh siêu nặng là HAGL và Hùng Vương. Họ đã chọn HAGL vì là ‘người đến trước’ và vì họ đã ném vào đây quá nhiều tiền, không thể bỏ cuộc. Ngay từ cuối năm 2020, khi bắt đầu có ý định mua đứt HAGL là THACO cũng bắt đầu dần buông tay tại Hùng Vương.

Trong năm 2018, THACO đã sở hữu 35% cổ phần của HAGL Agrico, tương đương 3.890 tỷ đồng và tiến hành thực hiện tái cơ cấu tài chính với các giải pháp là THACO thông qua công ty Đại Quang Minh mua lại và trả 1 số nợ thay cho HAGL Myamar 6.000 tỷ đồng, qua đó HAGL đã có tiền để cho HNG vay 2.187 tỷ đồng và THACO cũng cho HAGL Agrico vay 1.703 tỷ đồng.

xuong-dong-chuoi-klh-nong-nghiep-tai-campuchia-1626542848.jpg
Một góc nhỏ vùng trồng rộng lớn của HAGL Agrico.

Đồng thời, THACO đã mua 3 công ty của HAGL Agrico là Công ty Cao su Đông Dương và Công ty Đông Pênh tại Campuchia, công ty Cao su Trung Nguyên tại Gia Lai, với tổng diện tích đất 22.462 ha, tổng giá chuyển nhượng là 7.623 tỷ đồng để giảm nợ tới hạn và tham gia khai thác quỹ đất đang để hoang hóa.

Mặc dù đã được bơm vào rất nhiều tiền, song HAGL Agrico tiếp tục kinh doanh bết bát trong năm 2019. Tổng doanh thu năm 2019 là 1.811 tỷ đồng, lỗ 2.444 tỷ đồng, nợ giảm  8.587 tỷ và tổng nợ còn lại là 13.542 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng 3.394 tỷ lên là 11.085 tỷ đồng.

Trong năm 2020, THACO tiếp tục hỗ trợ cho HAGL Agrico vay (không có tài sản đảm bảo, lãi suất bằng các ngân hàng thương mại) tổng số tiền 6.274 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư trồng mới, mà tập trung là chuối, với diện tích chuối 1.854 ha, các loại cây ăn trái khác (xoài, dứa) 1.312 ha.

Ngoài ra, để tiếp tục giúp HAGL Agrico có thêm vốn để đầu tư – sản xuất, THACO đề ra các phương án: THAGRICO mua tiếp 4 công ty sở hữu các phần đất tại Kounmun Campuchia và tại Đắk Lắk, Gia Lai với diện tích đất 20.744 ha và giá tiền là 9.095 tỷ; bán lại toàn bộ cổ phần cho HAGL Agrico và còn nợ lại THACO số tiền hơn 2.600 tỷ đồng (không trả lãi và hoàn trả từng phần trong 3 năm) và sở hữu phần đất còn lại với tổng diện tích 35.749 ha.

Tuy nhiên, kế hoạch nói trên đã thất bại, khi HAGL Agrico và HAGL không thỏa thuận được với ngân hàng về thanh toán nợ để lấy giấy tờ đất của 4 công ty trên giao cho THACO, bởi chúng đang là tài sản thế chấp nợ của HAGL và HAGL Agrico.

Thế nên, THACO bất đắc dĩ phải tiếp quản luôn HAGL Agrico từ HAGL thông qua việc tăng vốn cho HAGL Agrico để cấn trừ nợ và có vốn để HAGL Agrico tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2021-2023.

Theo miêu tả của THACO, thì hiện tại tình trạng của HAGL Agrico vẫn còn rất tệ. Các nông trường chưa có quy hoạch tổng thể, chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới và điện vào mùa nắng, ngập úng trong mùa mưa, hệ thống giao thông chưa đáp ứng sản xuất và logistics.

Năng suất, sản lượng và chất lượng chuối cùng các loại trái cây khác còn thấp do thiếu phân bón, thiếu nhân công và kỹ thuật, nhiều vườn cây bị dịch bệnh. Còn diện tích khai thác và sản lượng mủ cao su đạt thấp do các vườn cây không được chăm sóc trong thời gian dài. Thực trạng này hứa hẹn THACO sẽ phải tốn rất nhiều tiền nữa cho HAGL Agrico bây giờ và tương lai.

Ngoài ra, mặc dù có sự hỗ trợ toàn diện của THACO trong năm 2020, song mọi chuyện của Hùng Vương có vẻ cũng không khởi sắc hơn.

screen-shot-2021-07-18-at-120115-am-1626542848.png
 

Vào 5/8/2020, do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin nghiêm trọng, cổ phiếu HVG của Hùng Vương đã phải huỷ niêm yết bắt buộc trên HoSE; cổ phiếu HVG sau đó chuyển giao dịch sang Upcom.

Tuy nhiên, một tuần sau đó, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã ra quyết định đưa cổ phiếu HVG vào diện hạn chế giao dịch với lý do chậm công bố thông tin chậm quá 45 ngày so với thời hạn quy định chung đối với báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán và không có biện pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, Hùng Vương đã không công bố báo cáo tài chính 5 quý liên tiếp và chưa công bố báo cáo tài chính năm 2020.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất gần nhất đã công bố, quý I/2020 cho kỳ kế toán 1/10/2019-31/12/2019, Hùng Vương ghi nhận doanh thu 729 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lỗ ròng gần 251 tỷ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế đến cuối năm 2019 là 1.742 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 658 tỷ đồng trong khi nợ phải trả hơn  7.130 tỷ đồng, trong đó 2.846 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Với sự dứt tình của THACO, thời vàng son của 'vua cá tra' một thời không biết lúc nào mới quay lại?!