Kinh doanh bết bát tại Việt Nam

Theo thông tin từ trang KoreaTimes, các gã khổng lồ bán lẻ của Hàn Quốc như Lotte Shopping, Shinsege, và GS Retail đã kinh doanh kém hiệu quả trong quý III 2021.

Thương hiệu Lotte Mart của Lotte Shopping đã ghi nhận mức lỗ lên đến gần 40 tỷ đồng (1,69 triệu đô la Mỹ) tại Việt Nam và khoảng 3,38 triệu đô la Mỹ tại Indonesia, tương đương gần 80 tỷ đồng. Lotte Mart hiện đang vận hành 14 siêu thị tại Việt Nam và 49 siêu thị tại Indonesia.

Ngoài ra, doanh thu luỹ kế của Lotte Mart trong 9 tháng đầu năm đạt 911 tỷ won (770 triệu đô la Mỹ), giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

lotte-can-tho-15266939729701633060614-1637257170.jpg
Chú thích ảnh

Tương tự, E-mart của Shinsegae, công ty bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc vài tháng trước đã ngậm ngùi bán lại cổ phần chi nhánh của mình cho THACO sau gần 6 năm hoạt động tại Việt Nam.

Theo Korea Times, mặc dù E-mart vào Việt Nam từ tháng 12/2015 nhưng vẫn không thể mở rộng quy mô được như các đối thủ cùng ngành.

GS Retail, ông chủ điều hành thương hiệu GS25 gia nhập thị trường nội địa vào năm 2018 nhưng đến nay vẫn không thu được lợi nhuận. Cùng với các khoản kinh doanh tại các thị trường trong khu vực, khoản lỗ ròng của công ty không ngừng tăng lên từ 2 tỷ won vào 3 năm trước lên 6 tỷ won hiện nay.

Sau khi rút ra bài học kinh nghiệm tại quốc gia Đông Nam Á, GS Retail chỉ đang tìm cách thành lập các doanh nghiệp nhượng quyền chính, bao gồm cả một hợp đồng mới tại Malaysia. Tuy nhiên họ vẫn chưa tìm được đối tác kinh doanh phù hợp.

Thị trường bán lẻ Việt Nam trước đó đã chứng kiến sự rút lui của nhiều tên tuổi lớn như Auchan của Pháp, Metro Group, Casino Group.

Sức ép từ thương mại điện tử và ông lớn nội địa

Trái ngược với tình hình kinh doanh đi xuống của những doanh nghiệp trên, thương mại điện tử lại cực kỳ phát triển tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ đô la Mỹ. Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt 52 tỷ đô la Mỹ.

Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa là các doanh nghiệp bán lẻ gặp nhiều trở ngại trong việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Chẳng hạn như E-mart, dù vào Việt Nam 6 năm, nhưng vẫn chưa tìm được mặt bằng diện tích đủ lớn để mở rộng kinh doanh.

lan-dau-co-lai-sau-2-nam-doi-chu-chuoi-vinmart-vinmart-dong-loat-doi-ten-anh-1-1635494150-108-width650height496-1637257289.jpg
 

Trên thực tế, phần lớn các mặt bằng kinh doanh bán lẻ phù hợp hiện đang nằm trong tay Masan với 132 siêu thị WinMart và 3.000 cửa hàng VinMart+ phủ rộng khắp Việt Nam. Các phần còn lại thuộc về tên tuổi lâu năm Big C, và các nhà bán lẻ khác.

Không những vậy, doanh thu bán lẻ trong suốt gần hai tháng giãn cách vẫn tăng, nhưng lại không vào túi mấy của các ông lớn bán lẻ Hàn Quốc.

Theo Trading Economics, doanh số bán lẻ tại Việt Nam dự báo tăng 11% trong năm 2021, vượt xa với các nước Đông Nam Á khác.

Fitch Solution cũng đánh giá Việt Nam là thị trường bán lẻ tiềm năng, xếp hạng 4 về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong những quốc gia Đông Nam Á, chi tiêu hộ gia đình Việt Nam trong năm 2021 dự kiến tăng 9,6% theo năm, tăng so với mức dự báo 0,5% năm 2020. 

Với lợi thế nhiều cửa hàng, Masan gần đây đã được thoả thuận bán 5,5% tỷ lệ sở hữu của CrownX (tương đương 400 triệu đô la Mỹ) cho Alibaba.

CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce. Sau giao dịch này, WinMart sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada, thuộc sở hữu Alibaba.