Mới đây, SpaceX đã nhận giấy phép triển khai thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hệ thống này sẽ không thay thế mạng lưới truyền thống đã phát triển mạnh mẽ ở nước ta, mà chỉ đóng vai trò bổ sung cho sự kết nối hiện có.
Theo Affandy Johan - nhà phân tích tại Ookla - đơn vị đứng sau ứng dụng Speedtest, việc đưa Starlink vào thị trường Việt Nam mang lại giá trị nhưng không thể thay thế các dịch vụ Internet hiện tại. "Starlink có thể cung cấp nhiều giá trị tại Việt Nam, nhưng nó sẽ chỉ là một lựa chọn bổ sung".
Việc SpaceX thí điểm triển khai dịch vụ Starlink diễn ra sau khi Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc mở rộng mạng cáp quang và di động. Hiện tại có hơn 70 triệu người dân tiếp cận Internet, trong đó cả ba nhà mạng lớn nhất là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã triển khai mạng 5G.

Theo báo cáo mới nhất từ Ookla Speedtest, tốc độ Internet cố định tại Việt Nam đạt 164,77 Mbps, xếp hạng 35 toàn cầu. Tương tự, tốc độ Internet di động đạt 144,5 Mbps, đứng thứ 19 trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, chi phí sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh vẫn được xem là rào cản lớn đối với nhiều hộ gia đình, đặc biệt ở khu vực nông thôn. "Dù giá của Starlink đang giảm, nó vẫn có thể ngoài tầm với của nhiều hộ gia đình nếu không có trợ cấp. Các gói cước 4G và 5G hiện tại từ nhà cung cấp trong nước cũng rất cạnh tranh", ông Johan nhấn mạnh.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho biết, vùng phủ sóng 4G hiện đạt 99,8% dân số, và mục tiêu là đạt 99% dân số vào năm 2030 cho mạng 5G.
Ông Đoàn Quang Hoan Phó chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam cho rằng triển khai Starlink sẽ tạo ra nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc phủ sóng nhanh chóng đến những vùng còn khó khăn về kết nối. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng dịch vụ này sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến thị trường viễn thông hiện tại, do tỷ lệ vùng lõm sóng rất thấp và chủ yếu tập trung ở các khu vực miền núi, hải đảo.
Trong cuộc họp đầu tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã giao nhiệm vụ cho Cục Viễn thông thúc đẩy hạ tầng số tại Việt Nam, bao gồm cả Internet vệ tinh, nhằm mở rộng kết nối đến các vùng sâu, vùng xa.
-----------------------------------
Công nghệ vệ tinh như Starlink được kỳ vọng sẽ mang lại giải pháp kết nối cho những khu vực khó tiếp cận với mạng truyền thống, đặc biệt trong các tình huống thiên tai khi các mạng mặt đất bị gián đoạn. Ông Johan chia sẻ: "Giá trị cốt lõi của Starlink là khả năng vượt qua hạn chế địa lý. Nhiều khu vực khó khăn trong việc triển khai mạng truyền thống do địa hình hoặc dân cư phân tán. Starlink cung cấp giải pháp tốc độ cao tại những nơi phương án thay thế còn hạn chế."
Ông cũng nhấn mạnh rằng công nghệ này hỗ trợ cho mục tiêu chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và phát triển nông thôn. Đây chính là những ứng dụng quan trọng cho các khu vực miền núi và ven biển.
Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia khác như Indonesia và Nhật Bản đã sử dụng Internet vệ tinh để giải quyết vấn đề kết nối. Tại Indonesia, Internet vệ tinh rất hữu ích cho các đảo nơi mà mạng truyền thống khó tiếp cận. Trong khi đó, tại Nhật Bản Starlink đã cung cấp kết nối Internet cho các mạng riêng 5G tại các công trình xây dựng trong khu vực núi hiểm trở.
Vào ngày 23/3, Chính phủ Việt Nam đã ban hành quyết định cho SpaceX, công ty do Elon Musk sáng lập, thí điểm triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp Starlink. Dịch vụ này sẽ được thử nghiệm trong tối đa 5 năm, với số lượng thuê bao không vượt quá 600.000 và sẽ phải đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng an ninh.
Các loại hình dịch vụ viễn thông bao gồm dịch vụ cố định vệ tinh như truy cập Internet, kênh thuê riêng cho các trạm thu phát sóng di động, và dịch vụ di động vệ tinh phục vụ cho các hoạt động trên biển, máy bay.