Create the Future
Bạn đã bao giờ khái niệm Tư duy “Create the Future” chưa? Đây là một dạng Tư duy chiến lược cạnh tranh tuyệt vời mà Howard Schultrz đã vận dụng để giúp Starbucks chiến đấu để sinh tồn mà không đánh mất Bản sắc thương hiệu, nhờ đó mà Gã khổng lồ này đã thành công vượt bậc cho đến ngày nay, đồng thời nó cũng là đặc trưng của những doanh nhân nổi tiếng nhất thế giới. Những nhà lãnh đạo “Create the Future” có thể nắm bắt, định hướng xu hướng phát triển của ngành dịch vụ và nhu cầu của khách hàng sẽ ở đâu trong tương lai. Rồi sau đó điều chỉnh, nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, phương thức vận hành mới nhằm khiến khách hàng nhận thức được những giá trị vô hình có giá trị hơn hẳn so với những gì quen thuộc từ các đối thủ quanh mình. Cách thể hiện tư duy này theo cách bền vững – bởi vì công ty không phải xoay quanh ông chủ, mà xoay quanh cộng sự. Tư duy trên đã giúp Starbucks tạo ra yếu tố văn hóa dịch vụ mang tính đột phá, Howard Schultz luôn tự hào về việc có thể trao phần lớn quyền ra quyết định và thực hiện cho những cấp dưới tài năng của mình.
Ở Việt nam, trước giờ thật hiếm thấy doanh nghiệp FnB nào làm được điều này, bởi các nhà đầu tư họ thích lãnh đạo doanh nghiệp mình dựa vào tư duy dạng “Head in the Sand” họ thường không chú ý đến việc môi trường cạnh tranh của ngành FnB vốn liên tục thay đổi . Bởi rất ít nhà đầu tư có chuyên môn lẫn hiểu biết sâu sắc về cái ngành này, trong khi đội ngũ cấp dưới - những người đi làm thuê, dù có chuyên môn, tầm nhìn... có đề xuất, kiến nghị, thúc giục đến đâu đi nữa, thì với lối tư duy “Head in the Sand” của người chủ - họ không dễ gì nhận được sự đồng thuận lẫn thích ứng với nhu cầu thay đổi của thị trường cạnh tranh bởi những đối thủ mới nổi, sự chuyển dich của ngành nghề, những mô hình kinh doanh lỗi thời hoặc đổi mới lẫn đầu tư cho công nghệ...
Những nhà lãnh đạo như vậy thường bị che mờ bởi quan điểm cá nhân của mình– họ thường thích áp đặt các tiêu chuẩn, giá trị đến từ những lĩnh vực khác mà họ đã thành công trước đây, hoặc mớ cảm xúc, thói quen, tư duy cũ kỹ, họ thường giữ chặt niềm tin vào những gì đã từng làm nên thành công của họ. Họ tán thưởng, khen ngợi những cấp dưới biết adua, tuân theo mệnh lệnh, họ thường bám chặt vào những niềm tin mù quáng và sẵn sàng rũ bỏ những ai nói ngược ý họ.
Rất nhiều trường hợp như vậy mà tôi đã chứng kiến, gặp phải trong các chương trình đào tạo lẫn tư vấn của mình. Ví dụ như: " Tôi đã quản lý công ty của tôi có đến hàng ngàn nhân viên, nên một cái nhà hàng chỉ có vài chục nhân viên chẳng là gì khó khăn với tôi cả", " hơn 20 năm về trước tôi đã mở cả chục cái quán bia hơi, nên việc anh tư vấn cho tôi về tư duy quản trị là thừa", hoặc khi thế hệ F1 của họ mong muốn thay đổi cho phù hợp với xu hướng mới, thì nhận ngay gáo nước lạnh vô mặt: " cái quán này bao nhiêu năm nay đã nuôi lớn tụi mày, không cần phải dạy tao sự thay đổi"...
Những ví dụ trên đều đến từ cái lối tư duy bảo thủ, gia trưởng này.
Nên nếu thấy bản thân mình đang mang trong đầu cái tư duy “Head in the Sand” và bạn không hề muốn thay đổi, thì tốt nhất bạn cần phải cân nhắc kỹ, bởi trước sau gì thì doanh nghiệp của bạn cũng có thể đang gặp nguy hiểm chết người. Kết cục thường thấy nhất của những nhà lãnh đạo như vậy là họ phải gặp cái cảnh " Tưng bừng khai trương - Âm thầm đóng cửa"
Câu hỏi đặt ra là tại sao hoạt động của ngành FnB nay luôn đòi hỏi sự đổi mới mang tính đột phá lại trở nên khó khăn đến vậy đối với các doanh nghiệp đã có thâm niên trong ngành lẫn các doanh nghiệp mới toanh? Sự thật là rất ít doanh nghiệp FnB có hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) mặt dù đây là yêu cầu rất quan trọng nhằm giúp thích ứng khi nhu cầu khách hàng thay đổi. Hoặc khó lòng tuyển dụng lẫn giữ một đội ngũ chuyên gia giỏi bởi những lối tư duy lỗi thời. Việc thiếu cả 2 yếu tố trên, khiến cho sự thích ứng với một môi trường kinh doanh cạnh tranh luôn đòi hỏi sự thay đổi vô cùng khó khăn.
Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường, thì sự thay đổi càng chậm chạp bởi sự bảo thủ và thiếu năng động. Đa số, họ chỉ tập trung vào việc duy trì những thành quả đang có hơn là tập trung vào những sáng tạo mang tính đột phá nhằm thỏa mãn đòi hỏi sự thay đổi của thị trường.
Nên đã qua cái thời kinh doanh bằng sự thụ động, sống với hào quang của quá khứ rồi. Nên nếu xét thấy tư duy của mình chưa đủ cho sự năng động, cởi mở lẫn dám mạo hiểm thì hãy tạm biệt giấc mơ FnB đi nhé.