Người tiêu dùng tức giận vì giá bán cao nhưng lại nhận về sản phẩm hết hạn sử dụng
Vụ việc bắt đầu từ sau khi tờ Beijing News đưa tin về hai cửa hàng Starbucks ở thành phố Vô Tích vi phạm các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, trong một video đăng tải vào ngày 13/12, nhân viên Starbucks đã gỡ bỏ nhãn dán ngày hết hạn khỏi một chai socola và thay thế bằng nhãn in hạn sử dụng mới. Ngoài ra, trong một cửa hàng khác, những chiếc bánh ngọt và ca cao đã hết hạn sử dụng vẫn được bày bán.
Sau khi tờ Beijing News đưa tin, Starbucks cho biết họ luôn coi trọng những thông tin mà truyền thông địa phương đăng tải và sẽ xử lý nghiêm các vấn đề liên quan.
Starbucks cũng hoan nghênh truyền thông và công chúng tiếp tục giám sát, thông báo về các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, họ cũng tiến hành kiểm tra tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trên tất cả cửa hàng ở Trung Quốc.
Thông tin về vụ việc này đã trở thành chủ đề nóng hổi trên mạng xã hội Weibo. Nhiều người bày tỏ thất vọng và quan ngại về chất lượng sản phẩm. "Làm ơn phục vụ cà phê có chất lượng xứng đáng với mức giá 30-40 nhân dân tệ (tương đương 111.000 -148.000 đồng)", một người dùng để lại bình luận.

Cứ mỗi 15 giờ đồng hồ, Starbucks lại mở một cửa hàng mới tại Trung Quốc
Starbucks đổ bộ vào thị trường Trung Quốc vào tháng 1/1999 với việc mở của hàng đầu tiên tại tầng 1 của Trung tâm Thương mại thế giới ở Bắc Kinh. Chiến lược của thương hiệu này là mở quán cà phê tại những nơi nhộn nhịp và sang trọng nhất ở các đô thị lớn.
Theo ước tính, cứ sau 15 tiếng đồng hồ, lại có một cửa hàng mới được khai trương tại Trung Quốc. Trong vòng 5 năm qua hàng nghìn cửa hàng cà phê đã được mở ở Quảng Châu và Thâm Quyến, theo dữ liệu từ Meituan.
Starbucks hiện đang điều hành khoảng 5.400 cửa hàng tại Trung Quốc và họ đặt mục tiêu đạt tới số lượng 6.000 tiệm vào năm 2022. Hiện Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất bên ngoài nước Mỹ của Starbucks.
Theo số liệu của Euromonitor, Starbucks là doanh nghiệp đứng đầu thị trường trà và cà phê tại Trung Quốc trong năm 2020, chiếm 36,4% thị phần. Đồng thời, Trung Quốc cũng là thị trường đóng góp lớn cho tổng doanh thu và lợi nhuận của Starbucks.
Báo cáo quý I/2021 của Starbucks cũng cho thấy trong khi doanh số cửa hàng toàn cầu giảm 5%, thì doanh số bán hàng tại Trung Quốc của Starbucks lại tăng 5%. Trong quý II vừa qua, doanh số bán hàng tại các cửa hàng Starbucks ở Trung Quốc cũng tăng trưởng bình quân 19%.

Trong thời gian gần đây, doanh số bán hàng của hãng tại Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ do các lệnh hạn chế mở cửa phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, giám đốc điều hành Kevin Johnson cho biết hoạt động kinh doanh của Starbucks ở Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng mạnh và hoàn toàn tin tưởng vào cơ hội tăng trưởng trong dài hạn.
Theo Forbes, Starbucks thành công tại thị trường Trung Quốc là bởi chiến lược của thương hiệu này đã xoay quanh 3 trụ cột quan trọng trong xã hội Trung Quốc là gia đình, cộng đồng và địa vị xã hội.
Yếu tố đầu tiên được thể hiện qua sự quan tâm của công ty tới người thân trong gia đình các nhân viên. Điển hình như, kể từ năm 2012 Starbucks đã tổ chức “Diễn đàn Gia đình Đối tác” để nhân viên và bố mẹ có thể cùng nhau tìm hiểu về Starbucks.
Thứ hai, để phù hợp với văn hóa cộng đồng, thích tụ tập đông người tại Trung Quốc, Starbucks thiết kế cửa hàng với không gian lớn, khu vực chỗ ngồi thường mở và không có vách ngăn.
Cuối cùng, Starbucks đã tự định vị mình là thương hiệu cà phê cao cấp ở Trung Quốc. Họ chọn những địa điểm rất sang trọng cho những cửa tiệm của mình và đã thành công trong việc lôi kéo tầng lớp trung lưu và giới trẻ, những người luôn khao khát thể hiện đẳng cấp và sự hiện đại của bản thân.