Trong tác phẩm “Cướp biển ở bờ biển Hoa Nam 1790-1810”, nhà sử học người Anh Stanford Dian H. Murray đã viết rằng: “Trong gần một thập niên, Trịnh Thị hoặc chia sẻ quyền lực với triều đình nhà Thanh, hoặc kiểm soát hoàn toàn vùng biển ngoài khơi Trung Quốc đại lục và phía Nam, bất chấp mọi nỗ lực hay mong muốn của các vị hoàng đế Thanh triều. Ở đỉnh cao quyền lực, Trịnh Thị chỉ huy 400 tàu với quân số ước tính từ 40.000 đến 80.000 người và có khả năng đối đầu với bất kỳ lực lượng hàng hải nào trong khu vực.

san-tim-kho-bau-1713408433.jpg
 

Nữ ca kỹ sông nước

Trịnh Thị (1775-1844) xuất thân là ca kỹ chuyên mua vui cho giới thương nhân và quan rên những chiếc thuyền phục vụ thương nhân và giới quan lại nhà Thanh đầu thế kỷ 19. Trịnh Thị lấy tướng cướp Trịnh Nhất và nhanh chóng trở thành nhân vật quyền lực nhất trong lịch sử hải tặc, không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới.

Trong các tài liệu về cướp biển Đông Nam Á của phương Tây, Trịnh Thị được ghi bằng Ching Shih hay Cheng I Sao hay Zheng Yi Sao tức Trịnh Nhất Tẩu (鄭一嫂), vợ của Trịnh Nhất.

Trịnh Thị có tên thật là Thạch Dương, nhũ danh Hương Cô, sau khi gả cho Trịnh Nhất, Trịnh Thị được gọi là Trịnh Nhất Tẩu hoặc Trịnh Thạch Thị.

Năm 1801, sắc đẹp của Hương Cô lọt vào mắt tướng cướp Trịnh Nhất, khi đó cô ca kỹ tròn 26 tuổi – tuổi được người Hoa xem là già. Mọi việc thay đổi vào năm 1802, khi anh họ của Trịnh Nhất tử nạn trong cuộc đụng độ với các hải đội của nhà Nguyễn. Là thủ lĩnh, Trịnh Nhất phải củng cố quyền lực với đội tàu của người anh họ, nhưng mọi việc lại nhờ vào tài kinh doanh nhạy bén và khả năng tổ chức của Trịnh Nhất Tẩu. Với sự hỗ trợ của vợ, các cuộc đấu đá và tranh giành quyền lực nội bộ bị Trịnh Nhất dập tan trong thời gian ngắn. Nữ tướng cướp còn giúp chồng đàm phán một thỏa thuận đình chiến giữa các thủ lĩnh của hạm đội cướp biển thành một liên minh. Sáu đội tà đều treo một lá cờ riêng, gồm đỏ, đen, xanh, trắng vàng và tím. Đội chiến thuyền do hai vợ chồng Trịnh Nhất dẫn dắt treo cờ đỏ, nên cả băng đảng được gọi Hồng Kỳ Bang, hay Bang Cờ Đỏ.

Trong sáu năm đầu tiên chung sống, hai vợ chồng cướp biển đã cùng nhau gầy dựng đế chế hải tặc thao túng hoàn toàn vùng biển Hoa Nam kéo dài sang Malaysia. Đến năm 1806, mọi tàu biển đi lại trong khu vực đều khiếp sợ hạm đội Cờ Đỏ. Năm 1807, sử sách phương Tây ghi chép Trịnh Nhất tử nạn trong một cơn bão hoặc bị các hải đội nhà Nguyễn giết chết.

... Đến nữ hải tặc quyền lực

Quyền thừa kế được trao lại cho Trương Bảo, con nuôi của Trịnh Nhất. Nữ tướng cướp xem như không còn đường sống, an nguy có thể bị uy hiếp bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, Trịnh Thị đã lên tàu của Trương Bảo, trở thành người tình và phó thủ lĩnh của người con nuôi Trịnh Nhất. Quyền chỉ huy hạm đội Cờ Đỏ vào tay Trương Bảo, riêng Trịnh Thị tập trung vào kinh doanh, hoạch định chiến lược quân sự cho người tình.

Hạm đội Cờ Đỏ càng mở rộng thanh thế. Công việc kinh doanh của đội cướp biển cũng được mở rộng về quy mô và hình thức. Cướp bóc chỉ là một phần thứ yếu sau những hoạt động bắt có, tống tiền, bảo kê… Trịnh Thị còn “thò tay” can thiệp vào lãnh thổ Trung Hoa đại lục, lấn át các hoàng đế Thanh triều. “Nữ hoàng cướp biển” còn thiết hẳn một mạng lưới gián điệp rộng khắp và liên minh với địa chủ, chúa đất để đảm bảo nguồn cung thực phẩm.

Trịnh Thị đặt ra luật sắt, quy định rằng ăn cắp chiến lợi phẩm sẽ bị chém đầu, cắt tai. Hạm đội Cờ Đỏ còn có luật lệ riêng với nữ tù nhân. Người nào xấu xí thì được phóng thích, trả về đất liền. Ai xinh đẹp sẽ được đem ra đấu giá trước toàn thể hạm đội. Tay cướp mua được vợ sẽ tổ chức lễ cuối, có nhiệm vụ chu cấp cho vợ, nếu ngoại tình hay phản bội vợ thì sẽ bị Trịnh Thị xử theo luật.

Nhà sử học Wick Alison, Trịnh Thị có đến 200 chuyến thuyền viễn dương, mỗi chiếc có 20-30 súng thần công, 800 tàu chiến nhỏ hoạt động ven biển và nhiều thuyền trên sông. Có tài liệu nói hạm đội cướp biển của nữ tướng cướp lên đến 50.000, có tài liệu nói đến 80.000. Trong lúc đó, lực lượng hải quân của Mỹ chỉ có hơn 5.000 lính thủy chiến.

Tuy nhiên các con số trên thực ra là tính chung lực lượng của toàn Liên minh hải tặc Quảng Đông và cả các thân nhân còn nhỏ, già yếu hay không đủ sức chiến đấu của đám hải tạc. Năm 1810, khi đầu hàng triều đình, người ta thống kê Trịnh Thị chỉ huy 24 tàu với 1. 433 cướp biển.

Kỷ luật chặt chẽ và lực lượng đông đảo, khiến cướp biển dưới sự dẫn dắt của Trịnh Thị được mô tả là “bách chiến bách thắng”, các hải đội của hoàng đế nhà Thanh và các lực lượng trên bộ e ngại. Chiến hạm của nữ tướng cướp còn lớn gấp đôi tàu chiến Armada của hải quân Tây Ban Nha lúc đó. Đô hải quân Mãn Thanh năm 1809 đã nói về hải đội của Trịnh Thị: “Bọn hải tặc quá mạnh, chúng tôi không thể khống chế chúng bằng vũ lực".

Hoành hành và thao túng toàn bộ vùng biển lớn trên Thái Bình Dương, Trịnh Thị trở thành cái gai trong mắt nhà Thanh. Đội quân cướp biển chống trả quyết liệt, khiến nhà Thanh phải cầu quân tiếp viện do vua Bồ Đào Nha và vua Anh gửi đến liên tiếp. Tuy vậy, hải đội của Trịnh Thị vẫn toàn thắng.

Để tránh đổ máu, hoàng đế Gia Khánh đưa ra đề nghị ân xá cho Trịnh Thị và tay chân. "Nếu có trái tim của một người phụ nữ thì ngày nào đó ngươi sẽ muốn yên bình và nghĩ đến việc sinh con đẻ cái. Bây giờ đã đến lúc đó chưa", chiếu thư viết. Năm 1810, Trịnh Thị chấp nhận hòa nghị, chấp nhận một mình ngồi vào bàn đàm phán với Tổng đốc Quảng Đông. Trịnh Thị cùng 17.000 tay chân hạ vũ khí, rời tàu, nhưng được phép giữ lại của cải.

Các tay chân của Trịnh Thị được phép kinh doanh muối, nhưng với quy định mỗi tàu không có vũ khí và không quá 40 người. Trịnh Thị cùng chồng Trương Bảo hoàn lương, sống bằng nghề làm chủ sòng bạc và nhà chứa. Năm 1844, Trịnh Thị mất, hưởng thọ 69 tuổi. Cuộc đời lẫy lừng của nữ hoàng được viết sách và dựng thành phim ở cả Hollywood và Trung Quốc. Loạt phim điện ảnh nổi tiếng “Cướp biển vùng Caribbean” của Hollywood với tài tử gạo cội Johnny Depp và Orlando Bloom được cho là lấy cảm hứng một phần từ cuộc đời nữ tướng cướp Trịnh Thị. Siêu phẩm giải trí giúp hãng phim thu được 4 tỷ USD.

P.S.: Bài này mình sử dụng tư liệu của trang Military.com, TIME, tài liệu của hai nhà sử học Stanford Dian H. Murray và Wick Alison. Bài đã đăng trên báo in và báo điện tử CA TP.HCM.