Thấy tâm đắc quá, sâu sắc quá, hông kềm được sung sướng tui lấy tay vỗ bàn cái chát, như thế tìm được kho báu. Kiểu "từ ấy trong tôi bừng nắng hạ", tui liền lôi phím ra viết gấp bài này chia sẻ cho mấy anh chị em là phụ, còn viết ra để điêu khắc những tri thức này vào đầu là chính (haha).
Nói giỡn á, anh chị nào đang kinh doanh nhỏ, kinh doanh ăn uống thì bỏ ra chục phút đọc bài này. Tui mất cả mấy tiếng đồng hồ để đọc, để phân tích và để viết mà mấy anh chị em có việc đọc thôi còn ngại. Ngại thấy nhiều chữ quá, thì không thắng được đâu. Làm gì cũng không thắng chứ không phải chỉ kinh doanh thôi. (Cái này là ông tiến sĩ cùng Họ của tui nói, hông phải tui nói à nha, tui mượn lời thôi)
Đừng có thấy chữ nhiều quá, rồi mình sợ mình bỏ qua, mình chạy trốn nó. Vậy thì thành công nó cũng tham gia cùng, nó cũng trốn mình luôn. Rồi trốn hoài, trốn hoài. Tới cuối đời cứ mãi loanh quanh, lùng bùng không thấy lối thoát.
Tui đã từng vậy rồi, đừng như tui nghen.
Kiếm tiền
Nói nghe nè, ở ngoài kia á. Ai ai bán quán cũng toàn chăm chăm vào việc kiếm tiền thôi. Thì ủa, đúng rồi. Bán quán là để kiếm tiền mà, không chăm chăm vô kiếm tiền thì chăm vô cái chi?
Kiếm tiền là đúng rồi, nhưng mà cái đó chỉ là cái kết quả chắc chắn tới thôi, chứ không phải là cứ ngày 24 giờ dán mắt vô trong nó. Làm cái gì cũng nghĩ đến lãi lỗ, thiệt hơn, được mất trước tiên.
Nhất là mấy bạn trẻ kinh doanh sau này, càng trẻ tui thấy càng tập trung vô mấy con số. Kinh doanh đối với mấy bạn giống như là làm toán ấy. Một khách kiếm 10 đồng thì 10 ông khách kiếm được 100 đồng. Cờ tỉ phú hồi nhỏ chơi sao thì giờ lớn lên mấy bạn chơi y chang vậy, có điều giờ chơi tiền thiệt hồi xưa chơi bằng lá mít, lá đa thôi.
Nhưng mà đó cũng không hoàn toàn lỗi của mấy bạn, tại vì xã hội giờ là xã hội vật chất mà. Con gà hơn nhau tiếng gáy còn người ta bây giờ thì đua nhau nhà nào nhiều tầng, đi mẹc hay đi audi, đất đai ao hồ thằng nào nhiều hơn. Bởi vậy việc chạy theo cái thước đo chung của xã hội đó không trách được. Nhưng mà chạy theo lâu quá, nên nhiều khi mình quên mất gốc rễ của việc kinh doanh là gì.
Cũng như nhiều khi mình chỉ định vào shop để hưởng ké máy lạnh thôi, rồi hứa với lòng 10 phút sau đi ra vậy đó. Vậy mà hông hiểu sao hồi cầm cái hóa đơn triệu mấy với mấy túi xách ra. Ừ, lâu lâu mình hay quên lý do chính, mục tiêu chính là vậy đó. Ai mà chẳng thế. Tui cũng hay thế mà.
Nhưng mà tiền lãi, lợi nhuận. Nó chỉ là quả, là trái ngọt trên cành thôi. Cái gốc, cái rễ cây nó nằm chỗ khác. Sự khác nhau giữa những ông chủ lớn, doanh nhân cỡ bự với lại dân con buôn, tư duy manh mún, ngắn hạn nó nằm ở chính chỗ gốc rễ đó. Ngày hôm nay có thể người ta nhỏ, nhưng nếu sở hữu tư duy gốc rễ vững vàng, kiểu gì tiền cũng đổ ụp lên đầu họ. Có chạy cũng không khỏi, tại vì đó là quy luật rồi.
Và đó, đó chính là lý do tui phải đập bàn tán thành khi đọc được câu này trong Talmud của người Do Thái đó (Talmud là bộ kinh nổi tiếng người Do Thái, được dịch sang tiếng Việt và diễn giải ra dưới nhiều lĩnh vực trong đó có làm giàu và kinh doanh)
"Tin rằng qua mỗi sản phẩm của mình, ta sẽ có thêm một người bạn mới"
Ở Việt Nam, trong hầu hết những người tui được gặp và nói chuyện. Gần như không ai có niềm tin triết lý này (phần vì mình nhỏ bé quá, ít gặp được người vĩ đại).
Người Do Thái họ áp dụng cái này cả mấy trăm nay nay, trở thành "thương nhân hàng đầu" trên toàn thế giới, đóng góp biết bao thành tựu cho nhân loại ở mọi lĩnh vực. Mà mình không tích cực góp nhặt mấy cái hay của họ, của giới tinh hoa thì thiệt sự là phí quá. Đi ăn tui còn húp hết sạch sành sanh nước trong tô phở thì mấy cái này sao mà bỏ qua được.
Sản phẩm
Trước tiên, triết lý này sẽ hướng mình về sản phẩm, là cốt lõi của mọi mô hình kinh doanh trước khi nghĩ về bất kể vấn đề gì khác.
Bởi vì mình tin rằng mỗi một sản phẩm, hay anh chị em mình bán quán nè. Thì mỗi một món ăn là một cơ hội để mình có thêm một người bạn mới. Vậy có phải rõ ràng mình cần chăm chút, tạo ra những gì tốt đẹp nhất của mình để dành tặng cho bạn mình không?
Anh chị để ý thử coi đúng không, hễ mà bạn mình tới quán, hoặc là dân quê tui "xởi lời trời cho". Nhiều khi bạn của bạn cũng hào phóng, thả ga chọn những cái ngon nhất, tươi nhất, đắt nhất dành cho họ. Bán bánh mì cho khách thì là bánh mì kẹp thịt, còn bán cho bạn mình thì là thịt kẹp bánh mì. Bạn càng thân thì thịt càng nhiều, thân dữ nữa thì dzô quầy bốc ăn thoải mái luôn.
Nói chơi cho vui, chứ vậy thiệt đó. Nếu mà khách hàng mình bán, ai ai cũng là bạn, là người thân, là người nhà của mình thì chắc sản phẩm của mình sẽ luôn luôn tốt, luôn luôn sang xịn mịn chứ hông phải như bây giờ đúng hông. Khách là người lạ thoáng qua thôi, sản phẩm "sao cũng được". Nên cái người ta thoáng qua thiệt luôn, thành người lạ thiệt luôn. Cái khi đó ngồi khóc huhu, than sao quán vắng quá. Lên mạng tìm mấy khóa học dạy các kiểu rồi làm theo, không hiệu quả lại quay ra chửi tiếp. Nào là không hiệu quả, không thực chiến, các kiểu con đà điểu.
Trong khi gốc rễ, nền móng của mình đã vững đâu. Xây nhà trên đất lún, hôm nay không nghiêng thì mai cũng sập thôi. Ai đi biển xây lâu đài cát rồi chắc chắn biết nè.
Phục vụ
Rồi thêm nữa là cái tật coi khách hàng như cái ATM di động, biết đi đứng, nói chuyện, gọi món và nhả tiền ra mà không cần nhập mật khẩu nữa chớ. Ta nói bán hàng gì mà chán ơi là chán, còn thua bà Hai đầu hẻm bán bún bò nữa. Khách đến thì chỉ hỏi được "ăn gì", khách đi thì chả được câu "nhớ ghé lại nha". Cứ xì tiền ra là xong, dọn bàn cho lẹ để còn đi bấm điện thoại, chat chít nốt cái story đang thả tim. Mấy anh chị không làm, nhưng mà để nhân viên mình nó làm thế thì cũng như nhau cả. Người của quán mình, thì là trách nhiệm của quán mình, tiền lương thì nhận đầy đủ mà làm việc vậy là đâu có được được. Đúng hông?
Bởi vậy phải chỉnh lại, chỉnh từ trong suy nghĩ cho đến lời nói, rồi hành động. Chỉnh không được thì cho nghỉ, kiếm đứa nào hợp văn hóa vô thì cho làm.
Mình làm chủ mà, mắc gì phải sợ. Tụi nó phải sợ mình chứ sao mình lại sợ tụi nó được đúng không?
Ừ, hông nha. Trong quán mà có khái niệm ai sợ ai thì không khá nổi đâu. Phải làm cho tụi nhỏ nó hiểu, rồi nó hành động. Việc lao động là vinh quang mà, tụi nó hiểu được ý nghĩa của việc bưng bê, của việc phục vụ nó lớn hơn nhiều cái nó hiểu, thì tự khắc cách nó làm việc sẽ khác. Nhưng mà muốn làm được cái đó, thì mình phải thấu hiểu sâu sắc việc kinh doanh của mình trước đã, thì mới truyện lại được cho người ta. Mà đa phần, có ai hiểu đâu. Rồi làm sao truyền.
Thôi chuyển qua chửi với mắng đi, đơn giản hơn, lẹ hơn, kết quả tức thì hơn.
Ừ, chuẩn rồi. Nhưng mà nó cũng tác hại ngầm nhiều hơn. Đi kiểu đó thì cả đời chạy theo tụi nó để chửi, để mắng, để chỉnh. Chừng nào già quá, thở không nổi, không chửi nổi nữa thì nghỉ. Cho đứa khác lên chửi tiếp.
Công việc kinh doanh xoay quanh việc mắng và chửi, vậy tâm hồn có an yên, tinh thần có hạnh phúc được không?
Bởi vậy, khách hàng là bạn, là tri kỷ, là tâm giao nghen. Đừng xem khách như những bông lục bình trôi trên dòng sông Tiền, sông Hậu, trôi mãi không biết đi về đâu, gọi mãi không thấy ai chăm sóc, tư vấn. Nhớ nghen. Mà chăm sóc cho bạn mình thì phải khác bọt, phải hết mình.
Mấy anh chị em mình cứ nhớ lại thực tế đi, có phải bạn mình tới là mình khác hẳn không?
Đang dở tay gì cũng vứt hết, ném dao dục thớt tung hết lên trời mà ra tiếp bạn, đon đả chào hỏi sao lâu rồi mới sang, sao dạo này da trắng thế, dạo này phát tướng thế chắc sắp phát tài rồi hả, có tiền không cho tao mượn chút đỉnh...(à không, cái này không phải, bỏ đi)
Tô phở bưng ra thì hào hứng kể cho nó nghe hành trình đi mua thịt bò sáng sớm người ta còn ngáy là tao phải đi lựa từng miếng thịt ngon nhất nha, tươi nhất nha, không bao giờ xài đồ đông lạnh nha. Thịt phải còn giật giật, ấm ấm tao mới lấy về đó. Nước lèo tao nấu là khỏi chê nha, hầm từ xương gì, bao lâu, hớt bọt vớt cặn sau. Nó nghe mà trố mắt, thấy kỳ công quá sức tưởng tượng của loài người mà bán tô này có 30 cành thiệt sự là quá rẻ rồi. Thật là bất công cho bạn quá huhu. (khúc này tui tự chế để anh chị em mình dễ hình dung hơn hihi)
Nghe xong hết chuyện, tô phở nở tè le phải làm lại tô khác. Không sao cả, tao làm cho mày tô khác. Nhà bán phở nó phải thế. Hào sảng mà, phóng khoáng mà.
"Dân chơi không sợ mưa rơi, huống hồ gì ba cái tô phở này"
Cái tự hỏi, khách nào cũng là bạn mình. Thì liệu quán có chỗ đủ để khách ngồi không? Lại lên mạng lui cui tìm bàn ghế giá rẻ về kê thêm để tiếp thêm "bạn mới".
Kết nối
Trong bán hàng có một cái nghệ thuật tâm lý, là "Fake it till you make it". Đại để là cứ làm như người ta là bạn rồi đi. Thì người ta sẽ là bạn thiệt luôn.
Thực tế chứng minh rồi, như lúc tán tỉnh yêu đương á. Cứ làm như người ta là bạn trai mình rồi, thì kiểu gì cũng thành bạn trai thiệt.
Đừng có chờ quen rồi mới nói "anh có đói không", "anh có mệt không", "em giúp gì được cho anh không" mà phải nói trước đi, quan tâm nó như thể nó là người yêu mình rồi. Thì kiểu gì nó chả rụng nụ. Một ngày còn chịu được chứ vài tuần, vài tháng. Nó thành thói quen rồi thì thành nào cũng phải đổ.
Nó mà không đổ thiệt thì chứng tỏ là nó có người yêu rồi hoặc nó là bê đê, còn không thì là do bạn xấu quá (theo nghiên cứu không khoa học nào chứng minh thì cái cuối cùng là lý do chính)
Cho nên phải chủ động kết bạn với khách hàng đi, đừng xem họ là người lạ nữa. Đó là bạn mình đó, nhiều khi vớ phải thằng "bạn mới" là food reviewer, hay là admin cộng đồng này nọ lọ kia thì thiệt không khác gì trúng số. Cái xong mấy người khác thấy tự nhiên mình được đăng bài, được review đông khách quá cứ thắc mắc sao ăn gì mà may mắn quá.
Thiệt ra may mắn là do các anh chị em mình tự tạo ra đó chứ, cứ mà ngồi không rảnh rỗi. Quán đã vắng thì khách ít càng phải nhiệt tình. Đằng này đã vắng khách rồi mà còn lười, còn thụ động nữa thì chỉ có đóng cửa thôi. Về đăng tin san nhượng sớm để bớt thương đau kéo dài còn hơn.
Chưa hết nha, cái tư duy xem khách hàng là bạn này nó còn khiến mình thay đổi cách chăm sóc mối quan hệ với khách hàng sau khi bán nữa. Nhìn ra bên ngoài thị trường hiện tại nha, 100 quán hết 99 quán bán xong bỏ kệ khách, không có một tí thông tin hay cách nào để liên hệ, để kết nối với người ta. Ăn xong một lần ra khỏi quán là hông biết cách nào để mời người ta quay lại lần sau luôn. Còn 1 quán sót lại, không phải là làm mà quán đó còn không có điện thoại hay phương tiện để làm. Chung lại là, chả ai quan tâm tới việc kết nối với khách cũ cả.
Trong khi kết bạn nó khác bọt ghê gớm, nhất là mấy đứa nào hợp mắt xinh xắn. Xin số điện thoại cho bằng được, rồi lại còn lâu lâu thả thính, thi thoảng rủ đi chơi, lai rai tặng quà.
Ôi mấy cha mấy mẹ ơi, làm được cái đó cho khách hàng 1 phần 10 thôi thì tui chắc cú là mở quán thứ hai ba năm anh có đánh rơi nhịp nào không là chắc chắn luôn.
Khách ăn rồi, làm bạn rồi thì lấy số người ta chứ, rồi lâu lâu nhắn tin hỏi thăm đồ chứ. Đừng có kiểu như cứ chào hàng, cứ chực chờ lấy tiền người ta.
Tình cảm thôi, cảm xúc thôi. "Em dạo này ổn không, còn đi làm ở côn ty cũ". Rồi người ta nhớ mình, người ta lại ghé qua ăn ủng hộ. Chứ có gì đâu mà phải phức tạp lên?
Bạn bè mà, đừng đối xứ với khách hàng như nước lã lavie 60k/bình gọi mãi không thấy ai chở sang khát muốn chết đây nè.
Phần chìm
Rồi có cho đi thì có trả lại, bạn bè nó còn rủ bạn bè nó tới nữa. Hên hên có người bạn phóng viên thì nó giúp mình kiểu phóng viên, admin hội nhóm thì giúp kiểu admin hội nhóm, bạn kiểu gì giúp kiểu đó. Nó không phải kiểu là nó chủ động giúp đâu mà nếu có dịp gì sẵn tiện thì nó sẽ bảo vệ mình, nghĩ cho mình. Như trong group ăn uống mà làm cái list các quán phở ngon thì nó sẽ la toáng lên "ủa sao không có quán Mèo Mập, chỗ đó ăn bá cháy bò chét, chưa ăn thì phí hết đời người"
Đơn giản thôi mà, kiểu kiểu vậy đó.
Cho nên, phải có niềm tin sắt son vô món ăn của mình, sản phẩm của mình. Nó là chìa khóa, là cánh cửa để mình tạo ra giá trị, kết thêm bạn mới.
Đầu óc tui giản đơn, nhỏ bé chỉ nghĩ được bấy nhiêu. Biết đâu nhiều anh chị em thấu hiểu được triết lý này, lại có thể áp dụng được nhiều việc sáng tạo hơn, hay ho hơn. Gầy dựng cơ đồ vĩ đại, từ cái post này của tui. Khi đó "xin đừng quên em" nha.
Nhiều người cứ rêu rao cái gì từ trái tim sẽ tới được trái tim, nhưng mà hình như hiểu nhầm nghĩa nó thì phải. Làm gì cũng tính toán được mất,hơn thua. Vậy mà trái tim gì? Làm mà không xuất phát từ cái tâm và sự tử tế, hết lòng thì trái tim gì?
A, hay là do tui hiểu lầm nhỉ? Nhiều khi họ bán phở gà, phở tim lòng mề. Nên ngày nào cũng làm mấy trăm quả tim (gà) thì sao?
Nguồn: Phan Thông