Đợt về SG vừa rồi tôi có kế hoạch đi Xanh taxi để trải nghiệm xe Vinfast. Sau lần đầu đặt xe thất bại tôi đã đi 25 chuyến Xanh SM, thử tất cả các loại xe Vinfast mà hãng taxi này sử dụng (kể cả xe máy). Ngoài ra tôi còn có 3 chuyến Grab tình cờ cũng bằng xe Vinfast. Có thể nói sau 25 chuyến xe này tôi bớt bi quan hơn với tương lai của VFS và cho rằng chuyển hướng vào taxi là quyết định đúng đắn của VinGroup. Dưới đây là tóm tắt một vài trải nghiệm của tôi với Xanh SM và xe Vinfast.

Tất cả các xe Xanh SM tôi đi đều mới (tất nhiên) và khá sạch. Tài xế, bất kể lái cho hãng hay hợp đồng với hãng, rất lịch sự/lễ phép. Tất cả các bạn ấy đều khen xe điện, đều nói không gặp bất cứ trục trặc gì với xe trong 3-6 tháng vận hành trước đó. Nhưng người khen xe điện Vinfast nhiều nhất là một bạn tài xế Grab lái một chiếc VF5. Bạn ấy nói quyết định đổi xe xăng sang VF5 ba tháng trước đó vô cùng sáng suốt, đã khuyên nhiều tài xế Grab khác đổi xe như mình. Lý do bạn ấy không chuyển hẳn sang Xanh SM chỉ vì phải đảm bảo doanh số tối thiểu, không tự do bằng Grab.

Nhược điểm lớn nhất của Xanh SM với tôi là App đặt xe của họ. Như đã kể về lần đầu đặt xe thất bại, App của Xanh SM có nhiều lỗi mà quan trọng nhất là nó không được giữ trên foreground điện thoại của tôi. Không hiểu sao tôi không thể chọn Time Sensitive Notification trên iPhone như Uber hay Grab. Bản đồ của App update rất chậm và không chính xác, nhiều tài xế của Xanh nói họ phải sử dụng Google Map thay vì dùng map của App. Có lần tôi bật App lên định đặt xe nhưng chuyến đi từ tối hôm trước vẫn chưa hoàn thành, dường như App bị treo dù tôi đã đóng rồi khởi động lại.

Xanh SM chưa có xe 7 chỗ, VF9 quá đắt để có thể dùng chạy taxi. Dù các trạm sạc phủ khắp SG, Xanh SM chưa/khó đi tỉnh xa (>300km) tới những vùng sâu/hẻo lánh. Hiện tại tỷ lệ xe Xanh SM trên đường ở một số quận của SG chắc đã vượt taxi truyền thống, có lẽ chỉ còn thua Grab (thời gian chờ xe Xanh SM thường lâu hơn Grab). Tuy nhiên một bạn tài xế nói với tôi có thể số lượng xe Xanh SM sẽ bị hiệp hội taxi giới hạn. Một bạn khác nói với tỷ lệ ăn chia hiện tại (tốt hơn Grab để thu hút tài xế) nhiều khả năng Xanh SM đang bị lỗ. Có ai có BCTC riêng rẽ của Xanh (chứ không phải consolidated với VinGroup) cho tôi xin tham khảo.

Chỉ từ quan sát, trải nghiệm cá nhân và nhất là nói chuyện với các bạn tài xế (cả Xanh và Grab) tôi nghĩ Xanh SM bước đầu đã thành công. Định hình là một hãng taxi truyền thống họ được đón khách ở khu vực đợi của taxi ở sân bay TSN chứ không bị dồn vào bãi đậu xe công nghệ như Grab. Ngược lại có App đặt chuyến tương tự như Grab (dù còn lỗi) giúp họ phá được thế độc quyền bến bãi của Vinasun/Mai Linh/Saigon Taxi ở các khách sạn, siêu thị. Vấn đề còn lại là tăng trưởng và lợi nhuận.

Sẽ không khó để đánh bật các hãng taxi truyền thống và chiếm thị phần của họ (nếu họ không đổi mới), đội xe của Xanh SM ở SG có thể tăng thêm vài nghìn chiếc. Nhưng đối đầu với Grab sẽ khó hơn, nhiều tài xế Grab vay tiền ngân hàng mua xe xăng sẽ khó có thể chuyển sang xe điện ngay trừ khi có trợ giúp tài chính. Grab đã khá phổ biến, đã trở thành danh từ chung cho xe công nghệ. Họ cũng có tiềm lực tài chính lớn, có thể sẽ tung ra một chương trình khuyến mãi lớn như đã làm để đẩy Uber ra khỏi thị trường VN.

Dẫu sao tôi vẫn ủng hộ Xanh SM, không chỉ vì đó là hãng của VN mà còn vì cần phải có cạnh tranh trên thị trường taxi. Lần tới về VN tôi sẽ tiếp tục sử dụng hãng taxi này. Trong phần tới tôi sẽ nói về xe điện Vinfast, liệu Xanh SM có phải là giải pháp để cứu VFS không.

(Còn tiếp)

-----------------------

Nguồn: Giang Lê

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0WFLwGoJHQ1PWvYRXBpZQEAKAqHKrx4kbQCB8TVNUuaTseGNWQ8WS1F2KUsJ52qQdl&id=100007542552795

-----------------------------

Tiến sĩ Lê Hồng Giang là Giám đốc chiến lược đầu tư tại  Tactical Global Management (Australia).

Ông được biết đến tại Việt Nam như là một blogger nổi tiếng về kinh tế tài chính và tiền tệ (http://kinhtetaichinh.blogspot.com/).

Ông từng là nghiên cứu viên tại Centre for Applied Macroeconomic Analysis thuộc Australian National University.

Ông Lê Hồng Giang nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ kinh tế tại Australian National University lần lượt vào các năm 2000 và 2006. Ông nhận bằng cử nhân kỹ thuật điện tại trường Đại học kỹ thuật Saint Petersburg (Nga) năm 1993.

Ông cũng đã có chứng chỉ CFA vào năm 2013 và là thành viên của CFA Institute.