Ra đời năm 2013, F88 - công ty được thành lập bởi 'ông trùm' hacker Phùng Anh Tuấn tạo nên sự quan tâm đông đảo trên thị trường khi tiên phong chuyên nghiệp hóa mô hình cho vay cầm đồ. F88 được rót vốn bởi Mekong Capital vào đầu năm 2017, và nhờ sự xuất hiện của quỹ đầu tư này, chuỗi cho vay cầm đồ này đang được kỳ vọng sẽ tăng trưởng thần kỳ như Thế giới di động.

Cuối năm 2018, khi nhận khoản đầu tư từ Quỹ đầu tư Granite Oak, ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty F88, cho biết giá trị công ty được định giá là 1.000 tỷ đồng.

“Khoản đầu tư mới sẽ được sử dụng cho việc mở rộng chuỗi các cửa hàng của F88 tại TPHCM cũng như tăng dư nợ cho vay trên 45 cửa hàng hiện có. F88 cũng vừa mới khai trương các cửa hàng đầu tiên tại TPHCM trong tuần vừa qua và theo đúng tiến độ tăng trưởng lên 300 cửa hàng vào năm 2021 trên toàn quốc”.

Mới đây, khi công bố thông tin tình hình tài chính tóm tắt năm 2019, F88 báo lãi sau thuế đạt 16,6 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 2018, nhưng chỉ tương đương với 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019 đã đề ra. 

Với quy mô vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm ngoái ở mức 251,6 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 6,6%.

Theo thông tin công bố trước đó, đến cuối năm 2018, F88 ghi nhận lỗ lũy kế 34,4 tỷ đồng. Như vậy, tính đến cuối năm 2019 mức lỗ luỹ kế Công ty được giảm về mức 18 tỷ đồng.

Tháng 8/2019, F88 huy động được 100 tỷ đồng trái phiếu từ 39 nhà đầu tư. Trong đó có 2 nhà đầu tư tổ chức, 36 nhà đầu tư cá nhân trong nước và 1 nhà đầu tư nước ngoài. Thương vụ có sự tham gia của hoa hậu Mai Phương Thúy với số tiền 10 tỷ đồng và CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).

Doanh nghiệp cho biết số tiền huy động được dùng để gia tăng nguồn vốn phát triển kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh phát triển hệ thống giao dịch trên toàn quốc.

Đến nay, F88 đã phát triển mạng lưới lên 165 phòng giao dịch ở 21 tỉnh thành trên cả nước. Công ty vẫn đặt kế hoạch đầy tham vọng, dự kiến tăng gấp đôi quy mô từ năm 2020 lên đạt 200 cửa hàng, sang năm 2021 đạt 300 cửa hàng. Doanh thu thuần cũng sẽ tăng theo cấp số nhân, đạt 284 tỷ năm 2019 và 1.619 tỷ năm 2021, tốc độ tăng trưởng doanh thu 189%/năm trong 5 năm từ 2017-2021.

Trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020 dự đạt 377 tỷ đồng – tức tăng gấp 22 lần con số thực hiện của năm 2019, tương đương tỷ suất ROE đạt 40%. Năm 2021, con số dự nhân hai lên 816 tỷ đồng.

Ông Phùng Anh Tuấn vốn được biết đến nhiều hơn ở lĩnh vực bảo mật. Năm 2003, ngay sau buổi hội thảo “hacker thiện chí”, 6 nhóm hacker nổi danh trên toàn quốc tuyên bố giải tán rút khỏi “giang hồ” để tập trung vào một “ngôi nhà chung” là địa chỉ www.security.com.vn. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, việc tan rã và hợp nhất mang tính “lịch sử” trong giới hacker đó xuất phát từ ý tưởng của Phùng Anh Tuấn – trưởng nhóm Viet hacker “khét tiếng” và một cá nhân khác là  Đỗ Ngọc Duy Trác – lập trình viên có tiếng của Công ty VASC.

Thời điểm ấy, dù chưa đầy 20 tuổi nhưng Phùng Anh Tuấn đã lãnh đạo nhóm Viet hacker với số lượng thành viên chiếm đến một nửa số lượng hacker tại Việt Nam.

Bài viết được đăng trên tờ Tuổi trẻ cách đây 10 năm, người bạn từng làm việc chung với Phùng Anh Tuấn miêu tả về anh rằng: “Ẩn sau một Phùng Anh Tuấn trông rất hiền lành là một cái đầu “dị”, một người từng là “ông trùm” nổi tiếng một thời của Việt hacker, nhóm hacker số một tại Việt Nam. Một người trẻ có chí, có quyết tâm cao và đặc biệt là có cái dũng khí làm bằng được những gì mình cho là đúng”.
Phùng Anh Tuấn thừa nhận, cá nhân luôn thích làm những thứ mới mẻ, đột phá và có đóng góp cho xã hội. Năm 2003, khi thành lập Công ty An ninh mạng VSEC thì đây một startup trong lĩnh vực bảo mật hoàn toàn mới mẻ. Lúc đó, trung tâm là đơn vị đào tạo đầu tiên về An toàn thông tin ở Việt Nam. Tương tự, khi ông quyết định thành lập cầm đồ F88, cũng chưa có bất kì đơn vị nào làm chuyên nghiệp và giải quyết tốt bài toán này ở Việt Nam

“Khi tôi thành lập F88, cũng chưa có bất kì đơn vị nào làm chuyên nghiệp và giải quyết tốt bài toán này ở Việt Nam” – Ông Tuấn trả lời phỏng vấn trên báo chí.

Về nguyên nhân khởi nghiệp dự án cầm đồ, ông Tuấn cho biết, do những năm đầu thời sinh viên, ông đã khởi nghiệp mở công ty, cuối tháng sau khi trả chi phí lương cho nhân viên xong thì hết tiền hay doanh thu chưa bù được chi phí nên có những lúc phải mang đồ đi cầm đồ.

Ngay từ lúc đó, ông Tuấn nhận thấy cầm đồ là một kênh có thể huy động được tiền nhanh chóng để xử lý công việc trước mắt. 10 năm sau đó, khi khởi nghiệp với dự án F88, ông Tuấn vẫn thấy đây là một dịch vụ rất tiềm năng khi nhiều người cũng có nhu cầu cần vốn gấp như mìnhngày trước. Từ đó, CEO của F88 thấy rằng đây là một cơ hội rất lớn, vì nếu có thể làm được thì sẽ tạo ra một kênh tiếp cận tài chính nhanh chóng, tiện lợi mà an toàn cho người sử dụng.

“Hiện nay nhiều người vẫn còn định kiến, nghĩ rằng cầm đồ là xấu. Quan điểm của tôi cũng như các anh em sáng lập, nhân viên F88 là chúng tôi đều hiểu sứ mệnh của mình là tạo ra một mô hình cầm đồ kiểu mới, mô hình này nó sẽ đóng góp được nhiều lợi ích cho xã hội. Chính vì thế, khi tạo ra một mô hình đem lại giá trị cho cả xã hội cũng như về kinh doanh thì tại sao lại không thực hiện nó.” – ông Tuấn trả lời phỏng vấn.

Ở Việt Nam, số lượng cửa hàng cầm đồ theo thống kê của cơ quan quản lý là khoảng hơn 30.000 cửa hàng cầm đồ có giấy phép, còn nếu tính cả không có giấy phép thì khoảng hơn 40.000 cửa hàng.

Nhu cầu của người dân vay qua hình thức này cũng rất lớn nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng, không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Do đó, nều F88 giải quyết được những bất cập của dịch vụ cầm đồ thì cơ hội kinh doanh là rất lớn.

Công ty chỉ cho vay thế chấp tài sản và không cho vay tín chấp. Các sản phẩm bao gồm: vay thế chấp xe máy, ô tô, đăng kí xe máy, đăng kí xe ô tô, điện thoại, laptop, trang sức,... Doanh thu của F88 chủ yếu đến từ tiền lãi gửi đồ của khách hàng. 

 

Nhận định sự phát triển của F88, ông Chris Freund – CEO Mekong Capital chia sẻ: “F88 tăng trưởng rất nhanh, họ đều vượt các mục tiêu mà chúng tôi đặt ra về số cửa hàng mở mới, giá trị trung bình mỗi khoản vay. Thời gian qua họ mở rộng rất nhanh tại TP.HCM, tốc độ tăng trưởng năm qua đạt 300%”.