Tui có một người em, cùng chơi bóng rổ sau đó phụ giúp tui khá nhiều khi làm quán. Cầm tiền tui đi chợ, chợ đắt lên. Sau này tui phát hiện ra nó ăn chênh lệch. Nó nghỉ.
Nhân viên của tui, làm từ quán nhỏ rồi mở lên quán to. Gặp tui luôn dễ thương, dạ vâng lễ phép, dặn gì làm ngay, rất được việc. Nhưng lại cùng mấy đứa khác phối hợp để đá bill, ngày bỏ tui vài trăm đến tiền triệu có lẻ.
Bếp của tui, đề xuất gì duyệt cái đó. Đi lại khó khăn, bán khuya nghỉ trễ, tui không đặt nặng việc đi làm giờ giấc miễn là phục vụ khách hàng chu đáo là được. Nghỉ việc cùng nhân viên cứng, về quê mở quán sao chép toàn bộ những thứ “góp nhặt” được ở Hoa Sơn Tửu Lầu. Kết quả tất nhiên là thua.
Càng về sau này, tui càng nhận ra được những thực tế lạnh lùng (và rất khó chấp nhận vì nó cũng tồn tại trong chính bản thân mình).
Bản chất con người rất ích kỷ và vô ơn. Không phải tui nói, mà một triết gia nổi tiếng người Anh thế kỷ 17, Thomas Hobbes, tác giả “Leviathan” đã nhận định như thế.
Và càng trải nghiệm, tui càng thấy đúng như thế thật.
Nhưng tui nghĩ rằng, sự vô ơn này chưa hẳn là bản chất, mà cơ bản là họ…hay quên.
Bản thân tui cũng hay quên, ngày trẻ khi đứng trước những cơ hội nghề nghiệp, cơ hội kiếm tiền hấp dẫn, tui có xu hướng nắm bắt cơ hội ngay lập tức. Mà không nhận ra rằng mình cũng đã rơi vào trạng thái “quên”, rồi sau đó trở thành vô ơn lúc nào không hay.
Anh em rời quê lên phố lớn, được anh chị đỡ đầu, lo cho chỗ làm việc, cái ăn miếng ở lúc khó khăn, chơi vơi không nơi nương tựa. Nhưng rồi vì bộ não mình được thiết kế để tồn tại mà không phải đốt năng lượng quá nhiều mỗi ngày, nó âm thầm xếp những điều đó vào góc, tập trung cho những thứ trước mắt hơn, thực tế hơn.
Khi có những cơ hội khác tốt hơn, anh em dễ so sánh được mất với hiện tại, mà quên đi những cái đã xảy ra ở quá khứ. Như người ta hay nói, chỉ có người cho là nhớ, chứ người nhận thì rất mau quên.
Những quyết định mình đưa ra mang đậm giá trị hơn thua, được mất tại hiện tại. Nó xóa nhòa đi những giá trị không đo đếm được bằng tiền trong quá khứ. Vậy là mình thành kẻ ích kỷ, đề cao lợi ích cá nhân và vô ơn.
Đi làm, có chỗ khác trả lương cao hơn, việc nhẹ nhàng hơn, môi trường thuận lợi hơn, sếp thân thiện đẹp trai xinh gái. Mình nghỉ luôn. Bất kể là mình đã từng hứa và cam kết gì ở nơi hiện tại.
Mình chọn theo đuổi giá trị, là tiền lương mà quên mất rằng việc ra đi đột ngột như thế, thứ mình mất không chỉ là tiền. Mà đó còn là
một mối quan hệ giá trị đã được xây dựng theo thời gian, một niềm tin vào chính bản thân mình là người chính nghĩa, người tốt, một loạt các cơ hội ở tương lai chưa xảy đến (những cơ hội chỉ dành cho những ai tồn tại đủ lâu).
Chọn vô ơn, theo đuổi giá trị. Chúng ta chiến thắng trong ngắn hạn, nhưng lại là con đường dẫn đến đau khổ trong dài hạn.
Nhưng không mấy ai hiểu được việc này, nên người thấu suốt, trung thành cực kỳ ít là vậy.
Người trung thành, là người có niềm tin về giá trị sống cực kỳ mạnh mẽ. Và rất khó gặp.
Anh em
Tui có những người em, chơi cùng và làm cùng ngót chục năm. Có sóng gió, có cãi nhau, nhưng rồi lại về cùng nhau, gắn kết hơn trước rất nhiều.
Tui nhận ra điều này tồn tại được vì tụi tui sẽ rất rõ ràng trong chuyện tiền bạc, và nói chuyện với nhau rất thẳng thắn.
Càng là anh em, càng thân thiết thì làm cùng càng phải rõ ràng, minh bạch. Không chỉ rõ ràng về tiền, mà phải rõ ràng luôn về nhiệm vụ, những thứ sẽ làm, những thứ sẽ không làm của mỗi người.
Duy trì cái đó đủ lâu, niềm tin sẽ lớn dần. Trải qua biến cố, niềm tin lại càng vững mạnh. Có vậy, mối quan hệ đó mới tồn tại được chục năm.
Cách nhanh nhất để tạo ra thảm kịch cho một người, đó là giao cho họ thật nhiều tiền và tin tưởng tuyệt đối họ.
Càng thân, phải càng khắt khe tiền bạc,
Có thể bỏ tiền mời nhau vài chai chivas bạc triệu,
Nhưng đi chợ thiếu 10 nghìn phải tính,
Kết ca thu ngân thiếu 5 ngàn phải làm đến cùng,
Mua đồ đắt hơn 20 nghìn phải hỏi rõ mua ở đâu, chỗ nào, sao mua ở đó.
Vấn đề ở đây không phải là tiền, 10 ngàn nó không lớn, nhưng nó lại là đồng tiền bản lề. Chỉ cần khởi tâm (hoặc tạo điều kiện để anh em mình) lấy đồng tiền đó, mọi thứ thay đổi. Và đó là nơi niềm tin bắt đầu bị bào mòn, sớm muộn gì cũng tan nát.
Tính từng đồng, nhưng sống với anh em thì phải hết mình. Cà phê cũng được, ăn uống cũng được, nhưng nhất định phải chia sẻ với nhau niềm tin, lý do mình làm việc này (tính từng đồng), vì mình trân trọng người anh em này hơn cả tiền bạc, nên mình không thể để vì tiền mà mất nhau (như ngoài kia rất nhiều người đã từng mắc phải).
Tui gọi đó là quá trình đồng nhất tam quan với nhau. Chỉ khi các anh em mình có cùng niềm tin, lý tưởng thì suy nghĩ, hành động mới đồng nhất, mới tương thông được. Chữ hiểu nhau vốn nó là như thế.
Nhân viên, đồng sự
Ngành nhà hàng, quán nhậu, đồ ăn này, rất hiếm người coi công việc họ đang làm là công việc thật sự cả (trừ bếp và quản lý, những người có tuổi).
Vì người ta không xem nó là quan trọng, nên họ dễ vứt bỏ nó. Có giúp họ, có trao cơ hội họ cũng rất dễ (và nhanh) quên.
Nên đừng bao giờ để việc kinh doanh của mình phụ thuộc quá nhiều vào một cá nhân bất kỳ nào cả.
Với đồng sự, hãy tôn trọng và tạo cơ hội để họ được thể hiện chính mình, nhưng nhất định phải công bằng.
Công bằng không phải là mọi người đều được hưởng những quyền lợi, cơ hội, giá trị như nhau.
Công bằng là mọi người nhận lại được những giá trị tương xứng với thứ họ đã bỏ ra.
Nhân viên đứa nào làm tốt, đi sớm, năng nổ, thì phải khen thưởng. Đã khen thì phải khen luôn, không chờ cuối tháng cuối ngày gì cả.
Đứa nào chểnh mảng, nhác việc, thì phải nhắc nhở trước, phạt sau, nặng hơn nữa thì phải thay thế lập tức. Vì lười biếng là bệnh truyền nhiễm, nó lây lan cực kỳ nhanh.
Khen thì công khai, thưởng thì minh bạch nhưng góp ý, phê bình, khiển trách thì phải nói chuyện riêng. Muốn người ta làm việc cho mình, mình phải làm họ tin mình trước
Đừng bắt nhân viên phải mô tả món ngon nhất quán cho khách khi chính họ còn chưa bao giờ được nếm thử nó ngon như nào.
Muốn công bằng, thì phải để tâm, phải quan sát từng người
Muốn thuyết phục, muốn người ta tin mình thì phải có bằng chứng
Anh em nói nhân viên: “Anh thấy em phục vụ không tốt”, vậy bằng chứng đâu? Hay anh đang dùng cái quyền lực “làm chủ” để nói em?
Hình chụp đâu, camera có quay lại không? Lúc nào em làm không tốt đâu? Bao nhiêu lần em lặp lại việc đó rồi?
Có vậy, tâm mới phục. Chứ không phải chỉ dạ dạ xin lỗi cửa miệng rồi đâu lại vào đấy.
Đừng tiếc việc thưởng, việc ghi nhận cho nhân viên.
Không phải lúc nào cũng là tiền,
Anh em thấy ai làm tốt, vỗ vai họ bảo “Anh quan sát em thấy em làm rất tốt, cố gắng lên nhé”. Đó là ghi nhận rồi, là thưởng rồi.
Nhân viên ai tư vấn tốt, phải minh bạch kết quả ngay.
Hôm nay, tuần này bạn A đã bán được bao nhiêu con cá, con tôm hùm. Bạn được nhận một lần đặc quyền đi trễ và tràng pháo tay của anh em.
Đừng nghĩ chỉ có tiền mới mang lại giá trị. Ghi nhận, cơ hội, sự tự hào, cái tôi cũng là giá trị, đôi lúc còn mạnh hơn cả tiền bạc.
Con người luôn là biến số trong cuộc sống, kinh doanh hay bất kỳ lĩnh vực nào. Thậm chí, niềm tin và nhân sinh quan của họ cũng thay đổi theo thời gian.
Nhiều khi năm nay, tháng này họ còn cảm thấy việc làm bếp là nghề cả đời. Nhưng sau họ thấy nghiệp sát sinh, họ đổi sang làm bếp chay, họ nghỉ. Thì là hết duyên, không phải là lỗi anh em cũng không phải là lỗi của họ. Đơn giản là hết hành trình rồi, người ta rời đi. Thế thôi.
Vậy nên dù là anh em, hay nhân viên đồng sự, miễn là còn làm việc với nhau thì hãy hết lòng. Sự tôn trọng, chia sẻ liên tục là rất quan trọng. Hãy cố gắng duy trì nó thường xuyên.
Đó là những trải nghiệm của tui, còn với anh em thì sao? Đâu là những bài học mà anh em thấm thía nhất khi làm việc với những người mà mình “đã từng” tin tưởng?
Cảm ơn anh em đã đọc bài, chúc anh em bền tâm vững trí trên con đường kinh doanh chông gai.
Hẹn gặp anh em ở bài sau trong chuỗi bài: 8 nhà hàng, 10 năm và những bài học tui bị “dạy”. Bài tiếp theo: Thấu hiểu, thao túng và khách hàng.
"Nghi nhân dụng chi, dụng nhân nghi chi." - Tào Tháo
(Nghi ngờ nhưng vẫn dùng, dùng nhưng vẫn nghi ngờ)
Nguồn: Phan Thông