Hiện nay trên một số phương tiện thông tin đại chúng có nêu về việc “thiếu 1 triệu tấn than cho nhiệt điện”. Để tránh sự hiểu lầm của dư luận về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp than, chiều ngày 14/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ra thông cáo báo chí để làm rõ.

Cụ thể, theo thông cáo của EVN, trong các tháng đầu năm 2023, sự phối hợp hiệu quả và nỗ lực cung cấp than của Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc đã góp phần quan trọng để EVN sản xuất, cung ứng điện cho phát triển kinh tế và phục vụ đời sống dân sinh. 

Đặc biệt, từ sau cuộc họp ngày 9/5/2023 giữa EVN và TKV và TCT Đông Bắc, tất cả các tổ máy sử dụng antraxit đã vận hành tối đa theo yêu cầu của hệ thống, không có tổ máy nào ngừng/giảm công suất do thiếu than.

Theo kế hoạch cập nhật, sản lượng huy động các tháng 6, 7/2023 của các nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt là các nhà máy điện khu vực miền Bắc sẽ được huy động ở mức công suất và sản lượng tối đa. 

Cụ thể tổng sản lượng dự kiến huy động các nhà máy điện sử dụng than antracite của EVN trong 2 tháng 6,7 là 12,33 tỷ kWh tương ứng với nhu cầu than cần sử dụng là 6,03 triệu tấn than. 

Do đó, vào đầu tháng 6 vừa qua, EVN đã tổ chức buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc để đề xuất 2 đơn vị này cấp bổ sung thêm 1 triệu tấn ngoài khối lượng hợp đồng đã ký kết để đảm bảo đủ than cho nhu cầu sản xuất điện trong tháng 6,7/2023 và tăng khối lượng than dự trữ trong kho lên mức phù hợp trước mùa mưa. 

"EVN sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với TKV và TCT Đông Bắc tìm giải pháp cấp đủ than phục vụ sản xuất điện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", thông cáo báo chí của EVN nhấn mạnh.

Trước đó, thong báo cáo ngày 14/6, EVN cho hay, nguồn nhiên liệu than đủ để đáp ứng cho sản xuất điện. Tuy nhiên, do phải huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy vẫn gặp sự cố; trong đó, tổng sự cố dài ngày 2.100MW; tổng sự cố ngắn ngày 910MW. Các nhà máy sẽ khắc phục xong sự cố và đưa vào dự phòng, phát điện gồm: Tổ máy S1 của Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long 1 (ngày 14/6); Tổ máy S2 của Nhiệt điện Thái Bình 1 (ngày 15/6)…

Trong một diễn biến khác, tình trạng nắng nóng kéo dài đã khiến cho các hồ thủy điện tại Việt Nam khô hạn nghiêm trọng, nhiều hồ thủy điện đang phải hoạt động dưới mực nước chết.

Tuy nhiên, cơn mưa ngày 13/6 đã giúp lưu lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục được cải thiện nhưng chưa nhiều. 

Cụ thể, lưu lượng nước về hồ Lai Châu là 359 m3/s, hồ Sơn La là 335 m3/s, hồ Hòa Bình là 162 m3/s, hồ Bản Chát là 163,6 m3/s, hồ Tuyên Quang là 577 m3/s.

Hiện đa số thủy điện miền Bắc tiếp tục tích thêm nước (tổng công suất các hồ Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Bản Vẽ... khoảng 5.000MW). Riêng thủy điện Hòa Bình vẫn vận hành ở chế độ linh hoạt theo lệnh của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.

Về các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp (NLTT) tính đến hết ngày 13/6, đã có 51 dự án với tổng công suất 2.852MW đã trình Bộ Công Thương phê duyệt giá điện tạm; 43 dự án đã ký PPA bổ sung; có 10 nhà máy/phần nhà máy, với tổng công suất 536,52MW đã phát điện thương mại.

Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), ngày 13/6, công suất đỉnh hệ thống là 39.627,7MW. Tuy nhiên công suất đỉnh của các miền Bắc - Trung - Nam xảy ra ở các thời điểm khác nhau. Cụ thể, công suất đỉnh ở miền Nam đạt 17.597,5MW vào lúc 14h; công suất đỉnh ở miền Bắc đạt 18.470,6 MW vào lúc 14h và miền Trung đạt 4.064,28MW vào lúc 18h30.

Phụ tải toàn hệ thống điện ngày 13/6 đạt 822 triệu kWh; trong đó miền Bắc ước khoảng 389,8 triệu kWh, miền Trung khoảng 82,4 triệu kWh, miền Nam khoảng 349 triệu kWh.

Các chuyên gia cũng đề nghị người dân, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện nhằm tránh áp lực cho hệ thống điện quốc gia, nhất là ở miền Bắc.