Kết luận thanh tra EVN chưa hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao trong việc thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các nhà máy điện theo Quy hoạch điện 7. Thông tin trước đó, EVN báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng trong khi các công ty con và các doanh nghiệp trong ngành vẫn có lãi đã trở thành chủ đề nóng trong ngày hôm nay.
Trong phiên trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã đề nghị thanh tra, kiểm toán đặc biệt, toàn diện mọi hoạt động của EVN. Theo đó, Thủ tướng Chính Phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương làm việc với đoàn thanh tra chuyên ngành điện về việc quản lý và cung ứng điện tại EVN. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên còn yêu cầu Đoàn thanh tra "cần tiến hành khẩn trương, quyết liệt trong thời gian 30 ngày kể cả ngày nghỉ”. Như vậy, Đoàn thanh tra sẽ làm việc từ ngày 10/6/2023.
Lý do EVN đưa ra khi thua lỗ hơn 26 nghìn tỷ
Theo thông tin kết quả kiểm tra chi tiết chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 từ website của EVN cho thấy, năm 2022, Tập đoàn này lỗ nặng 26.235 tỷ đồng, không tính thu nhập từ sản xuất khác. Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 trên website bao gồm phần còn lại của khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện vào năm 2019, 2020, 2021, với tổng số tiền vào khoảng 14.700 tỷ đồng. Nghĩa là nếu hạch toán thì số lỗ còn cao hơn.
Báo cáo cũng ghi nhận, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2022 tăng 7,73% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 242,72 tỷ kWh. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2022 tăng 9,31% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 456.971,15 tỷ đồng. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 tăng 1,46% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.882,73đ/kWh.
EVN đến nay vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2022, tuy vậy báo cáo tài chính công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận số lỗ 22.200 tỷ đồng bởi một số nguyên nhân đáng chú ý sau:
- Kinh doanh dưới giá vốn: Theo nội dung báo cáo, vì chi phí vốn lớn hơn doanh thu, nên công ty lỗ gộp gần 13.400 tỷ đồng. Chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố trong kỳ là 203.660 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong đó, có gần 7.400 tỷ đồng là chi phí cho nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, con số này chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Chi phí khấu hao tài sản hầu như giữ nguyên. Chi phí nhân công gần như đi ngang. Chi phí dịch vụ mua ngoài là khoản biến động nhiều nhất, tăng gần 149.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, ở mức 185.407 tỷ đồng.
- Chi phí tài chính tăng mạnh: Tổng chi phí tài chính trong năm hết 12.737 tỷ đồng, trong đó chỉ có hơn 2.700 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Lỗ tỷ giá cũng chưa đến 150 tỷ đồng. Còn lại 9.880 tỷ đồng là “chi phí tài chính khác”.
Câu chuyện EVN bị đề nghị thanh tra, kiểm toán đặc biệt, toàn diện đã một lần nữa khiến giới chuyên môn, nhà đầu tư không khỏi mất niềm tin. Lục lại kết quả thanh tra của EVN thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2014, có thể thấy kết quả thanh tra lúc đó không chỉ thể hiện sự điều hành yếu kém của lãnh đạo Tập đoàn, mà còn chỉ ra nhiều vấn đề bất cập khiến câu chuyện “EVN tăng giá điện” trở nên dậy sóng.
Kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ vào tháng 4/2023
Giải thích việc EVN thua lỗ trong khi các công ty con lãi cao, và vấn đề lãng phí điện mặt trời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương, chủ động đề nghị phối hợp với Bộ Công Thương để cùng xây dựng giá, để giảm thiểu nguồn vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng và bỏ vốn ra làm. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, vấn đề “không phải vướng về giá, mà vướng về công suất, tức là hiện nay chúng ta đủ tải rồi”.
“Tôi có hỏi lại, nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm. Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện mua của nước ngoài? Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời là đã ký hiệp định với nước ngoài rồi, bây giờ không thể đàm phán để cắt được. Đấy là nguyên nhân. Chúng ta phải đi tận gốc rễ của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và phải giải quyết như thế nào”, theo ông Phớc.
Quay trở lại với quy hoạch điện, vào tháng 4/2023, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách trong quản lý thực hiện các công trình điện theo quy hoạch điện 7 và quy hoạch điện 7 điều chỉnh (là những quy hoạch phát triển điện giai đoạn 2011 - 2020).
- EVN chưa hoàn thành kế hoạch đầu tư các dự án nguồn điện. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020 EVN được giao thực hiện đầu tư, đưa vào vận hành 13 dự án nhiệt điện, thủy điện với tổng công suất 7.185MW. Kết quả, EVN và các đơn vị thành viên chỉ đưa vào vận hành 19 tổ máy thuộc 11 dự án, tổng công suất chỉ đạt 5.908MW, tức hoàn thành 82,2%.
- EVN chưa hoàn thành chỉ tiêu đầu tư nguồn điện và lưới điện truyền tải. Kết luận nêu rõ, EVN phải thường xuyên cập nhật nhu cầu phụ tải, khả năng cung cấp nhiên liệu, tính toán cân đối cung - cầu điện. Tuy vậy, EVN đã không hoàn thành chỉ tiêu được giao.
EVN đầu tư đường dây truyền tải thấp, nhiều dự án chậm tiến độ, không đạt công suất truyền tải theo quy hoạch, nhất là giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời nối lưới trong khu vực Tây Nguyên, miền Trung. Việc không đấu nối vào lưới truyền tải cũng là một trong những nguyên nhân gây quá tải cục bộ làm giảm khả năng phát điện của nhà máy, ảnh hưởng đến hệ thống vận hành điện.