Vừa tăng giá, EVN lại tiếp tục đề xuất tăng giá điện

Từ ngày 4/5/2023, giá bán lẻ điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 1.920,37 đồng/kWh so với mức hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương ứng mức tăng 3%...

Nguyên nhân tăng giá là do theo tính toán của EVN, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh; năm 2022 tăng 9,27% lên 2.032,26 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân của EVN là hơn 1.864 đồng/kWh.

Theo EVN, cứ 1 kWh điện bán ra thấp hơn 10,57% (tương đương 168 đồng) so với giá thành sản xuất kinh doanh điện. Chi phí đầu vào tăng vọt, chủ yếu từ khâu phát điện tăng gần 21,5% so với năm 2021 do giá nhiên liệu (than, khí, dầu) leo thang, vì vậy, năm 2022, EVN lỗ hơn 36.294 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Sau khi trừ đi thu nhập tài chính khác, số lỗ của EVN còn 26.235,78 tỷ đồng.

Khoản lỗ này của EVN là còn chưa tính 14.700 tỷ đồng khoản tiền chênh lệch tỷ giá hiện vẫn chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022.

Theo đánh giá của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, "với việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tăng 3%, mỗi tháng EVN thu thêm được 1.000 tỷ đồng, đến hết năm 2023 sẽ thu thêm khoảng 8.000 tỷ đồng, giảm sức ép về kết quả lỗ trong kinh doanh năm 2023.

Như vậy, việc tăng giá điện như hiện nay về kỹ thuật cũng chỉ giúp EVN giảm bớt khó khăn, còn liệu có thoát lỗ hay không, xử lý thế nào với khoản lỗ đang có vẫn là bài toán cần xem xét".

Chuyện tăng giá điện trong giai đoạn nắng nóng, tình trạng thiếu điện kéo dài, cắt điện luân phiên xảy ra liên tục chưa có cách khắc phục thì mới đây, "nhà đèn" này lại tiếp tục kiến nghị tăng giá bán điện từ tháng 9/2023.

EVN cho rằng việc điều chỉnh giá bán lẻ bình quân tăng 3% từ ngày 4/5/2023, Mức tăng này chưa thể cân đối được khoản chi phí mua điện năm 2023 và EVN vẫn khả năng còn lỗ, cộng với khoản lỗ năm 2022 chuyển sang 26.463 tỷ đồng, dự kiến ước thực hiện cả năm 2023, EVN lỗ 40.884 tỷ đồng.

Vì vậy, EVN kiến nghị cho phép công điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo các thông số đầu vào cơ bản trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện trong giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời, cho phép EVN tiếp tục được điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 1/9/2023 để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo qui định, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN.

EVN lỗ nặng nhưng "hệ sinh thái EVN" có hàng vạn tỷ đồng gửi ngân hàng

EVN hiện có 3 tổng công ty phát điện (GENCO 1, 2, 3) và 9 công ty thủy điện/nhiệt điện thuộc lĩnh vực sản xuất điện năng, 5 tổng công ty điện lực kinh doanh điện năng đến khách hàng là Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC),Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI), Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC). Phụ trách lĩnh vực truyền tải điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện nay là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).

Trong khi EVN thua lỗ nặng trong năm 2022 thì theo báo cáo, kết quả kinh doanh của 5 tổng công ty điện lực thuộc EVN lại đang có hàng nghìn tỷ đồng tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng.

Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc có hơn 10.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Tổng Công ty Điện lực miền Trung có khoảng 5.000 tỷ đồng. Số tiền gửi ngân hàng của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam là gần 5.500 tỷ đồng. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội có gần 5.000 tỷ đồng và Tổng Công ty Điện lực TPHCM có gần 4.000 tỷ đồng gửi ngân hàng.Với số tiền nhàn rỗi này, các đơn vị của EVN đã đem về hàng trăm tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay. 

Thuyết minh báo cáo tài chính của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc cho thấy, kết thúc năm 2022, lãi tiền gửi, tiền cho vay tại công ty gần 371 tỷ đồng. Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đạt gần 178 tỷ đồng; lãi tiền gửi năm 2022 của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam hơn 170 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội 166 tỷ đồng và Tổng Công ty Điện lực TPHCM là 155 tỷ đồng.

Lý giải về chuyện này, sau cuộc họp của Bộ Công Thương về tình hình cung ứng điện và huy động các nguồn năng lượng chuyển tiếp diễn ra ngày 26/5 vừa qua, ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Việt Nam đã vận hành thị trường điện cạnh tranh 3 cấp độ nên EVN sẽ mua nguồn điện cả giá thấp lẫn giá cao.  

Hầu hết các nguồn điện như thủy điện, than, khí, dầu và năng lượng tái tạo đều được bán cho EVN. Tập đoàn này chỉ là đơn vị  mua điện để bán lại cho khách hàng. Vì vậy, nếu huy động các nguồn năng lượng giá cao dẫn đến tăng chi phí thì EVN sẽ phải gồng gánh.  

"Nếu EVN không phải là người mua duy nhất, khách hàng sẽ phải gánh giá điện cao từ nhà sản xuất. Vì là người mua duy nhất nên mọi chi phí mua đắt cũng phải dồn về EVN, trong khi giá bán điện  do EVN thì nhà nước điều tiết”, ông An nói. 

Như vậy, thị trường vận hành theo nguyên tắc "single buyer", tức chỉ có một người mua duy nhất là EVN và EVN chỉ đóng vai trò là “mua dùm” và phải gánh chi phí ngày càng tăng khi giá mua điện tăng trong khi giá bán chỉ có thể được điều chỉnh bởi Nhà nước. Đây là nguyên nhân khiến EVN thua lỗ.