Các ông lớn để mắt đến Ấn Độ
Thị trường xe điện của Ấn Độ dự kiến sẽ đạt quy mô 17 tỷ USD vào năm 2026, tăng từ 5,47 tỷ USD vào năm 2020, theo công ty theo dõi thị trường Mordor Intelligence. Chính phủ Ấn Độ đã cam kết sẽ có 30% phương tiện giao thông cá nhân chạy bằng điện vào năm 2030. Với dân số lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ được coi là thị trường đầy hứa hẹn cho các nhà sản xuất xe điện trong dài hạn.
Các nhà sản xuất ô tô đang nhanh chóng tận dụng các cơ hội tại thị trường 1,3 tỷ dân. Theo báo cáo gần đây của Reuters, Hyundai Motor đã tham gia đấu thầu để nhận được các ưu đãi xây dựng một nhà máy sản xuất pin EV trị giá 2,4 tỷ USD cùng với các công ty địa phương tại đây.
Chính phủ Ấn Độ cũng đang tìm cách thành lập một cơ sở lưu trữ các loại pin dung lượng 50 gigawatt/giờ trong 5 năm tới. Báo cáo cho biết Ấn Độ cũng đang tìm kiếm sự tham gia đầu tư của các công ty Hàn Quốc như Samsung và LG Energy Solution.
Hyundai Motor cũng đang chuẩn bị kế hoạch tại thị trường xe điện của Ấn Độ. Tháng trước, hãng đã tiết lộ kế hoạch đầu tư 620 tỷ won vào R&D tại nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới để tung ra thị trường 6 mẫu xe điện vào năm 2028.
Mercedes-Benz cho biết hãng sẽ sản xuất dòng EQS - phiên bản EV của dòng sedan S-Class hàng đầu - tại Ấn Độ và bắt đầu bán xe vào quý 4 năm nay. Nhà sản xuất ô tô cao cấp của Đức sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô toàn cầu đầu tiên lắp ráp xe điện tại Ấn Độ. Mercedes cũng là nhà sản xuất ô tô toàn cầu đầu tiên ra mắt mẫu xe EV tại thị trường Ấn Độ, cùng với mẫu xe thể thao chạy điện EQC.
Tesla cũng đang tìm cách thâm nhập vào Ấn Độ, nhưng lại đang gặp khó khăn trong bối cảnh khác biệt với chính phủ ở đó. CEO Elon Musk đã tuyên bố trên Twitter vào tuần trước rằng công ty đang "vượt qua rất nhiều thử thách" với chính phủ Ấn Độ. Những thách thức này được biết đến là bao gồm sự khác biệt về thuế nhập khẩu cao, lên tới 100%.
Tesla được biết là đang tìm cách bắt đầu bằng việc bán xe nhập khẩu tại thị trường, và sau đó thiết lập một nhà máy sản xuất tại đó nếu thành công với việc nhập khẩu. Giảm thuế nhập khẩu là nhiệm vụ trọng tâm của Tesla nếu muốn cạnh tranh với các mẫu xe giá rẻ của các hãng xe trong nước. Chính phủ Ấn Độ muốn Tesla xây dựng một nhà máy ở đó.
Cơ sở hạ tầng sạc EV của Ấn Độ đang cần những cải tiến đáng kể để có thể đạt được mục tiêu là EV đạt 30% mức thâm nhập thị trường vào năm 2030. Giá pin EV cao cũng được coi là một trở ngại trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Giá vẫn cao do pin EV được nhập khẩu. Chính phủ Ấn Độ đang tìm cách thành lập các cơ sở sản xuất pin ở đó để đảm bảo pin có giá thành thấp hơn.
VinFast tiên phong khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn
Tờ báo Mỹ The Diplomat đưa tin, VinFast đang từng bước gia nhập vào thị trường xe điện để hiện thực hóa mục tiêu trở thành người chơi lớn trong ngành công nghiệp ô tô.
Được biết, trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan từ lâu đã thống trị lĩnh vực sản xuất ô tô bằng cách chuyên xuất khẩu, giúp quốc gia này trở nên hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài đang tìm kiếm một trung tâm sản xuất trong khu vực.
Gần đây hơn, nhờ tăng trưởng của nhu cầu trong nước mà Indonesia cũng đã bắt đầu đuổi kịp và thách thức vị trí thống trị của Thái Lan. Giờ đây, Việt Nam cũng đã tham gia cuộc đua bằng cách tập trung vào các dòng xe điện.
The Diplomat phân tích, chế tạo ô tô là một hoạt động sản xuất có giá trị gia tăng khá cao và các nước công nghiệp phát triển thường ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước. Và điều này phù hợp với quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam nói chung, cũng như mục tiêu phát triển ngành xuất khẩu nói riêng, lĩnh vực đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, trong năm 2020, đã có khoảng 283.983 ô tô đã được bán ra thị trường. Trong đó, khoảng 2/3 số lượng xe bán ra là xe lắp ráp trong nước và số còn lại là xe nhập khẩu nguyên chiếc. Cũng trong năm 2020, kim ngạch nhập khẩu ô tô vào Việt Nam đạt 2,35 tỷ USD, trong đó Indonesia và Thái Lan là các nhà cung cấp hàng đầu.
Thái Lan và Indonesia cũng đang đặt mục tiêu vào sự bùng nổ xe điện sắp tới. Cụ thể, Indonesia đã và đang tận dụng quyền kiểm soát quặng niken thô, một nguyên liệu đầu vào thiết yếu trong sản xuất pin lithium-ion, để khuyến khích đầu tư hạ nguồn vào sản xuất xe điện. Còn tại Thái Lan, nơi vốn dĩ đã có cơ sở hạ tầng sản xuất ô tô phát triển, tập đoàn dầu khí nhà nước PTT cũng đang hợp tác với một công ty xe điện của Trung Quốc để mở rộng quy mô sản xuất.
Tờ báo nhận định, để có thể biết được liệu VinFast có thể cạnh tranh được với các công ty Thái Lan và Indonesia hay không thì sẽ cần đợi thêm một thời gian nữa. Nhưng có một điều khá rõ ràng vào thời điểm này, đó là cuộc đua giành thị phần thống trị thị trường xe điện ở Đông Nam Á đang bắt đầu diễn ra.