Giữa rất nhiều thú vui xa xỉ, tại sao doanh nhân Minh Nhựa lại chọn gắn liền với siêu xe?

Đại đa số người Việt Nam đều gắn bó với chiếc xe. Hồi bé chúng ta biết đến chiếc xe đạp, lớn lên là xe máy. Những người có điều kiện hơn sẽ dùng những chiếc xe đắt tiền hơn. Gia đình tôi may mắn có điều kiện hơn một chút, nên tôi có dịp tiếp xúc với những chiếc xe ôtô từ rất sớm. Hồi bé, cha mẹ thường cho tôi trải nghiệm xe ôtô để đi xa. Từ niềm ham thích ban đầu, nó dần trở thành đam mê. Tôi nâng dần “level” của mình lên, tìm đến những dòng xe cao cấp hơn. Đó là cái duyên đưa tôi đến những món đồ xa xỉ, nhất là siêu xe.

Anh có còn nhớ chiếc siêu xe đầu tiên mà mình sở hữu, và vì sao lại là chính chiếc đó mà không phải bất cứ chiếc nào khác?

Nếu gọi là siêu xe đầu tiên thì đó chính là chiếc Bentley City hai cửa. Đây là món quà khá đắt tiền để bắt đầu cuộc chơi siêu xe của tôi. Trước đó, tôi cũng chỉ đi những chiếc xe bình thường như Mercedes, BMW thôi. Sau Bentley City, tôi chuyển qua Lamborghini và kể từ đó gắn liền với cái tên này, cũng như Ferrari, Bugatti, Pagani.

Về Bently City, đây là cơ duyên đến từ một người bạn của tôi, cũng là người làm trong một showroom bán xe. Ở thời điểm đó, tôi thích Lamborghini nhưng những người bạn của tôi đều đang sở hữu xe này, và tôi muốn thứ gì đó khác biệt một chút. Người bạn đó mới gợi ý tôi chiếc Bently, cũng là chiếc đang được Paris Hilton sở hữu. Với việc sở hữu cùng chiếc xe, tôi cảm giác mình có thể đốt cháy giai đoạn để trở nên giống với những người giàu có, nổi tiếng, có tầm nhìn và kiến thức hơn mình, thế là tôi chọn nó. Có thể nói, tôi đến với chiếc xe này chỉ vì một cô gái tôi không hề quen biết (cười).

Vậy có thể xem “tiêu chí” chọn siêu xe đầu tiên của anh chính là một cô gái. Nhưng với chiếc siêu xe thứ hai và thứ ba thì sao, anh chọn lựa chúng vì những lý do gì?

Sau chiếc Bently City, chiếc xe để lại nhiều dấu ấn nhất trong cuộc đời của tôi chính là Lamborghini Murcielago SV 4646, là hàng giới hạn trên toàn thế giới, mà chiếc xe của tôi là chiếc thứ 46. Tôi tìm đến chiếc này sau một câu chuyện khá buồn cười, khi chiếc Bentley bị “thủy kích”. Hôm đó, tôi đang chạy trên đường thì thấy một vũng nước, nhưng thay vì tránh đi thì tôi lại nhào vào. Xui rủi là khi chỉ còn vài chục mét cuối cùng, chiếc xe trước xe tôi bị tắt máy. Một chiếc xe tải đi ngược chiều ngay lúc đó đã hất trọn vũng nước vào xe tôi, vô tình người ngồi bên cạnh mở cửa ra, tạo một trận “thủy triều” đúng nghĩa ngay trong xe. Tôi rất buồn sau sự cố đó, nhưng cũng phấn đấu làm việc nhiều hơn nữa, để đến cuối cùng, tôi đổi lấy một chiếc xe Lamborghini.

Trước đó, bạn tôi cũng đi một chiếc Lamborghini Murcielago nhưng là phiên bản bình thường, tôi mong muốn có một phiên bản đặc biệt hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với sự chênh lệch lớn về giá cả, nghĩa là hơn gấp đôi. Nếu nhìn lại thông tin trên báo chí, chiếc xe đó của tôi đã một thời “làm mưa làm gió” rất khủng khiếp tại Việt Nam, vượt sức tưởng tượng của chính tôi.

Là một người chơi xe chân chính, bên cạnh những yếu tố về thương hiệu, lịch sử, câu chuyện và những yếu tố liên quan, được biết, anh Minh còn khá am hiểu về những yếu tố kỹ thuật cũng như vận hành và bảo dưỡng xe. Anh có thể chia sẻ đôi chút về điều này không, anh đã nắm những kiến thức đó như thế nào, và anh có lời khuyên gì liên quan đến kỹ thuật dành cho người chơi xe Việt Nam?

Tôi đã trải qua một chặng đường khá dài cùng khá nhiều sự cố với xe. Theo kinh nghiệm của tôi, ai cũng mong muốn “chơi” với những thương hiệu top của thế giới, nhưng những thương hiệu này lại không có mặt ở Việt Nam, buộc người chơi phải kết nối với những nơi ngoài Việt Nam. Chưa cần kể đến việc bắt tay vào sửa chữa hay bảo dưỡng, chỉ riêng việc trao đổi, xếp lịch để họ đến Việt Nam kiểm tra tình trạng xe, lên danh sách công việc, đặt mua phụ tùng, và làm nhiều thứ khác đã tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền của. Trong thời gian chờ đợi đó, chiếc xe cũng cần một garage xứng tầm. Tới thời điểm hiện tại, tôi đã sở hữu từ Lamborghini, Pagani cho đến Bugatti, nhưng dịch vụ chính hãng đều bằng không.

Một số nhà sưu tầm xe sẽ chơi theo số, ví dụ số thứ tự và biển số xe là một con số nào đó có ý nghĩa đối với chủ sở hữu. Một số khác sẽ chơi theo màu, ví dụ như một màu hợp mạng. Số khác nữa lại yêu thích một vài kiểu dáng hoặc thương hiệu nhất định. Đối với doanh nhân Minh Nhựa, anh có một sơ sở hay tiêu chí xuyên suốt nào đó cho mẫu xe mà mình muốn sưu tầm hay không?

Trong thế giới chơi xe, có hai trường phái rất rõ ràng: một là muốn trải nghiệm chiếc xe, một là sưu tầm xe để ngắm. Tôi đã đi qua trường phái thứ nhất, nghĩa là muốn sở hữu chiếc xe để sử dụng, trải nghiệm từ tốc độ đến các tính năng trong xe. Tuy nhiên, cảm giác đó trôi qua rất nhanh, kể từ sau chiếc Lamborghini Murcielago SV tham gia vào hành trình Car Passion của anh Cường.

Đó là khoảng thời điểm năm 2015, tôi cùng lúc sở hữu hai chiếc hypercar là Bugatti và Pagani. Chính chúng đã đẩy tôi lên một “level” khác, tức ngắm xe là chính, chứ không còn cảm giác muốn chạy nó quá nhiều nữa. Nhiều người nghĩ chắc do tôi không có tiền đổ xăng, hay sợ xe bị trầy, sợ bán ra bị… lỗ, tôi nói thật là ở Việt Nam, nếu mua một chiếc siêu xe và gắn biển Việt Nam là đã chắc chắn lỗ, vì chỉ riêng tiền thuế thôi đã lên đến 200-300% giá trị thật của xe rồi. Ví dụ một chiếc Pagani ở thị trường thế giới có giá tầm 3 triệu USD, thì hiện tại ở Việt Nam có giá hơn 10 triệu USD, chưa tính thuế trước bạ. Tôi đã sở hữu Pagani của bao nhiêu năm về trước, thì giá trị xe tôi đang giảm hay tăng dần?

Bên cạnh sự thiếu hụt trong dịch vụ chính hãng, thì quy trình nhập khẩu, thuế phí và cơ sở hạ tầng ở Việt Nam cũng là những trở ngại khiến Việt Nam tuy có tỷ lệ người giàu đang gia tăng rất nhanh nhưng lại không có nhiều người sử dụng siêu xe. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

Tôi nghĩ để số lượng người sở hữu siêu xe tại Việt Nam tăng lên, đầu tiên phải giảm thuế. Đó là điều tôi không tác động được, nhưng đối với tôi, cách tốt nhất để sở hữu siêu xe là tự lực cánh sinh. Chúng ta ngồi đây đợi thuế giảm thì biết đến bao giờ, thay vì vậy hãy cố gắng kiếm tiền để sở hữu nó thôi.

Hiện tại, người chơi siêu xe đang có xu hướng tìm tới siêu xe chạy bằng điện. Anh nghĩ gì về xu hướng này, và anh có dự định sở hữu cho mình chiếc siêu xe điện trong tương lai không?

Tại sao không chứ? Giống như việc mình cầm một chiếc điện thoại cục gạch trong khi ai cũng cầm iPhone vậy. Thế giới đã say Yes, mình không thể say No, vấn đề ở đây chỉ là model nào có thể thuyết phục mình, song song với giá cả. Ví dụ như một chiếc Pagani đang được bán với giá 3 triệu USD, nhưng xe điện lại có giá 30 triệu USD, thì tôi vẫn sẽ chọn đi xe chạy bằng xăng (cười lớn).

Anh đã có sẵn một tên xe hay tên thương hiệu nằm sẵn trong đầu không?

Có chứ, hơi nhiều đấy, nên hiện giờ tôi vẫn đang gom lúa (cười). Tôi có cảm giác mình sẽ thích xe điện của Rolls-Royce, còn những hãng siêu xe khác, tôi vẫn chưa đủ “phiêu” với nó. Từ đó đến giờ, tôi chỉ có hai chiếc Rolls-Royce là Ghost và Phantom. Hiện tại, tôi đang thay đổi một chút để để nó có thể đẹp và chỉn chu hơn. Đó là câu chuyện trong tương lai, khi trong hai năm nữa, mọi người sẽ thấy một cú hit, một sự chuyển mình của Minh Nhựa, lần nữa với những chiếc xe không chỉ gói gọn trong phạm vi chiếc xe mà là câu chuyện của một người Việt Nam ngồi lại với một hãng thế giới.

Và anh đã mất đến hai năm để làm điều này?

Hai năm, và để có hai năm đó, tôi phải tạo dựng trong suốt một thập kỷ. Hãng chọn mình chứ chưa chắc mình được chọn hãng. Mọi người có thể bỏ ra 3 hay 5 triệu USD để mua một chiếc xe, nhưng nếu chỉ bỏ ra 2 triệu USD mà có thể ngồi nói chuyện với hãng, thì câu chuyện còn tuyệt vời hơn nhiều. Có thể đó là phiên bản độc bản toàn cầu, và tại sao không nhỉ? Đâu phải là chúng ta không có tiền?

Chúng ta vừa nói đến câu chuyện của Rolls-Royce và những chiếc xe độc bản trên thế giới. Điều đó khiến tôi chợt nghĩ đến câu chuyện cá nhân hóa một chiếc siêu xe. Nếu như bây giờ anh có thể cá nhân hóa một chiếc xe để nó hoàn toàn mang phong cách của anh, chiếc siêu xe đó sẽ như thế nào?

 

Tôi rất thích câu hỏi này. Tôi có thể phân tầng để mọi người dễ định nghĩa hơn. Bình thường, mọi người sẽ cố gắng tìm một chiếc xe đỉnh cao của thế giới, bán công khai hoặc rất khó để mua, và thường phải mua với giá mắc hơn, đó là điều mọi người đang làm. Tôi đã hết làm điều đó rồi. Mọi người sẽ tiếp tục ở level kế tiếp, là thêm tiền để bespoke, cá nhân hóa để tạo ra một chiếc xe theo ý mình.

Nhưng khi tôi tìm hiểu, tôi nghĩ rằng còn có một level khác cao hơn thế nữa, đó chính là những yêu cầu và ý kiến của mình được đồng bộ hóa với suy nghĩ của hãng. Điều này có nghĩa là hãng thấy những ý kiến của mình hợp lý, rồi hiện thực hóa và toàn cầu hóa nó, dùng nó để tạo ra chiếc xe hoàn toàn mới. Do đó, tầng một đã khó, ở Việt Nam đã hiếm. Tầng hai, rất hay, là câu hỏi của bạn về việc cá nhân hóa. Nhưng tầng ba, còn cao hơn nữa, thì tôi đang chạm đến. Và hy vọng là tôi sẽ thành công.

Vâng, cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị này, và chúc anh sẽ sớm đạt được đỉnh cao ấy!

Bài: HẢI YẾN 
Ảnh: HARRY VŨ

The Gentleman Issue: Quý ông ấy là Minh Nhựa (luxuo.vn)

 

TAGS: