Vào cuối tuần qua, ông Trần Bá Dương Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã công bố mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2026: Mở 20 đại siêu thị Emart, doanh số 1 tỷ USD và dẫn đầu thị trường đại siêu thị tại Việt Nam. Theo thông tin tại Hội nghị này, riêng trong năm 2022, Emart sẽ khai trương thêm hai đại siêu thị gồm Emart Sala Thủ Thiêm (tháng 10/2022) và Emart Phan Huy Ích (tháng 12/2022). Doanh số theo kế hoạch là 1.760 tỷ đồng/đại siêu thị.

"Năm 2021, Emart Gò Vấp dẫn đầu về cả doanh thu lẫn lượng khách hàng bình quân trên một siêu thị tại Việt Nam, đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng. Như vậy, với 20 cửa hàng, con số doanh thu 1 tỷ USD không phải mục tiêu quá tham vọng", Chủ tịch Thaco nói.

Dẫu vậy, khi nhìn vào một thị trường với những cái tên sừng sỏ như AEON, Go (BigC), Winmart… và chuỗi siêu thị mới nổi Nova Market của Tập đoàn Nova Group thì không nhiều người dám tin vào lời tuyên bố của ông Trần Bá Dương. Một đại siêu thị Emart Gò Vấp có thể đạt 1.600 tỷ doanh thu nhưng đại siêu thị thứ 2, thứ 3... và thứ 20 liệu có duy trì được phong độ đó? Nhất là khi AEON và Central Retail cũng đang quyết liệt tấn công thị trường Việt Nam.

Cụ thể, Central Retail Việt Nam đã công bố chiến lược 5 năm (2022-2026) với kế hoạch đầu tư hơn 30 tỷ baht (tương đương 20.000 tỷ đồng) hướng đến 4 mục tiêu, bao gồm (i) Trở thành nền tảng đa kênh số 1 trong lĩnh vực Thực phẩm và kinh doanh Trung tâm thương mại tại Việt Nam; (ii) Thúc đẩy kết quả kinh doanh đạt 100 tỷ baht (tương đương 65.000 tỷ đồng); (iii) Tăng gấp đôi tỷ lệ doanh thu từ các nền tảng bán hàng đa kênh đạt mức 15% và (iv) Phát triển mở rộng trên 55 tỉnh thành Việt Nam (trên tổng số 63 tỉnh thành).

AEON cũng xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm bên cạnh nước sở tại Nhật Bản, mục tiêu đến năm 2030 AEON sẽ có 30 Trung tâm mua sắm tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng cùng các tỉnh lân cận những thành phố này.

Emart sẽ cạnh tranh như thế nào với AEON, Go, Winmart... là câu chuyện mà thị trường dõi theo từng ngày.

emart-sai-gon-mytour-1-171555243-1659852497.jpg
 

Hồi cuối năm 2021, THISO - Tổng Công ty thành viên thuộc THACO đã chính thức ký kết thỏa thuận chuyển nhượng vốn và nhượng quyền độc quyền hoạt động kinh doanh với Emart Inc. Hàn Quốc. Ông Trần Bá Dương cho biết, với chiến lược nhượng quyền để tăng tốc độ mở chuỗi, Emart Việt Nam sẽ là mảnh ghép quan trọng, hoàn thiện mô hình đa ngành "một điểm dừng, nhiều tiện ích" mà Tập đoàn đang theo đuổi. "Một điểm dừng, nhiều tiện ích" hay "all in one" vốn là mô hình kinh doanh quen thuộc của các Tập đoàn lớn.

Nếu Thaco chỉ đang ở thì tương lai, thì Masan đã biến mô hình này thành thực tế. Hệ thống phân phối khổng lồ mang tên WinMart/Winmart+ là nơi để Masan bán những sản phẩm mà tập đoàn này đang sản xuất và đầu tư, đơn cử như thịt lợn và thịt gà Meat Deli, bia, cà phê, nước tăng lực... Vào giữa năm 2021, Masan Group chi 15 triệu USD để mua 20% vốn Phúc Long, triển khai kiot Phúc Long ngay tại các cửa hàng WinMart/Winmart+. Từ thành công của sự kết hợp này, Masan tiếp tục xây dựng và thí điểm mô hình mini-mall, nơi phục vụ đa dạng sản phẩm và dịch vụ thiết yếu như nhu yếu phẩm, dược phẩm, tài chính, giải trí, viễn thông, v.v..

Tương tự, với Thaco, ông Bá Dương mong muốn tích hợp đại siêu thị cùng với showroom ô tô và các dịch vụ thương mại khác. Chắc chắn, trong đại siêu thị của Thaco sẽ không thể thiếu những sản phẩm từ HAGL Agrico khi ông Dương đã đổ cả núi tiền vào đây nhằm vực dậy doanh nghiệp nuôi bò - trồng chuối này từ tay bầu Đức.

thaco-2b-5089-1568088085-2455-1569918497-1659852365.jpg

Ông Dương và ông Đức trong một buổi gặp gỡ chia sẻ đầy hy vọng vào tương lai của HAGL Agrico.

Trong quý 2 vừa qua, HAGL Agrico tiếp tục thua lỗ. Doanh thu của công ty giảm mạnh còn 148 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Tất cả các mảng kinh doanhh đều lỗ và cuối cùng, HAGL Agrico báo lỗ trước thuế 564 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, HAGL Agrico đạt doanh thu 362 tỷ đồng, giảm 29% và lỗ ròng 670 tỷ đồng, lỗ gấp 5,5 lần cùng kỳ. Liên tục thua lỗ, khoản lỗ luỹ kế của HNG tính đến thời điểm 30/6/2022 là 4.097 tỷ đồng, VCSH giảm hơn 1 nửa còn 2.852 tỷ đồng.

Tham vọng tỷ đô từ siêu thị sẽ khiến ông Dương phải cố giữ HAGL Agrico nhằm hiện thực "Một điểm dừng, nhiều tiện ích" hay sẽ "cắt" cục nợ này để có tiền chạy đua cùng AEON và Central Retail?