Tập đoàn FLC vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022. Theo đó, kết thúc quý 3, tiền và các khoản tương đương tiền của FLC đạt hơn 249 tỷ đồng, tăng hơn 41% so với 1/1/2022. Quy mô tổng tài sản là 36.216 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 19.390 tỷ (tương ứng 53,5% tổng tài sản), tài sản dài hạn là 16.825 tỷ (tương ứng 46,5%).

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của FLC đạt gần 431 tỷ đồng, giảm 70% so với mức 1.455 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng là 525 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ là -96 tỷ đồng, giảm 167% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Giải trình về chênh lệch lợi nhuận sau thuế này, phía FLC cho biết, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, giá vốn hàng bán kỳ này giảm 60 - 70% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng bởi tình hình chung của thị trường kinh doanh Bất động sản; chính sách tín dụng dành cho khách hàng đầu tư Bất động sản; do sự thay đổi các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Công ty và Công ty trong quá trình cấu trúc lại bộ máy, các mảng kinh doanh cốt lõi. 

Doanh thu hoạt động tài chính giảm 93%, từ mức 271 tỷ đồng xuống còn 17,8 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 58% do ảnh hưởng của quá trình cơ cấu lại các khoản vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng do tăng trích lập dự phòng cho các khoản phải thu quá hạn. 

Bên cạnh đó ảnh hưởng của khoản tăng lỗ từ mảng đầu tư hàng không, dịch vụ Khách sạn nên làm cho Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh và đảo chiều từ lãi kỳ trước thành lỗ 785,3 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 3 của FLC, là mức lỗ nặng nhất trong 2 năm trở lại đây. 

Liên quan đến khoản lỗ mà FLC nhắc đến, tại thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, FLC hiện đầu tư vào 2 công tuy liên doanh liên kết.

Tại ngày 30/9/2022, FLC nắm giứ 47% vốn tại Công ty TNHH TM và Nhân lực Quốc tế FLC - doanh nghiệp có hoạt động chính là xuất khẩu lao động. Giá gốc của khoản đầu tư này là 47 tỷ đồng, trong khi giá trị hợp lý chỉ là 43,4 tỷ đồng. Phần chia lãi/lỗ trong công ty liên doanh, liên kết này là -3,6 tỷ đồng.

FLC hiện cũng nắm 21,7% vốn của  CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) - doanh nghiệp kinhd oanh vận chuyển hành khách và hàng khóa trong lĩnh vực hàng không. FLC đã đầu tư 4.015 tỷ đồng vào Bamboo Airways. Tuy nhiên, hiện tại, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này chỉ là 2.746 tỷ đồng. Như vậy, khoản lỗ đầu tư đến hết quý 3/2022 đã lên mức 1.269 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng 2022, Bamboo Airways ước lỗ 3.537 tỷ đồng. Mức lỗ này lớn hơn nhiều so với khoản lỗ gần 2.300 tỷ đồng của cả năm 2021.

Lũy kế từ đầu năm đến hết quý 3/2022, FLC đã bán dịch vụ, hàng hóa cho Bamboo Airways là 24 tỷ đồng, mua dịch vụ, hàng hóa của doanh nghiệp này là 75,6 tỷ đồng, tiền quảng cáo trả hộ là gần 16 tỷ đồng.

Bamboo Airways là hãng hàng không được thành lập năm 2017 và chính thức đi vào hoạt động tháng 1/2019. 

Bamboo Airways hiện vận hành đội tàu đa chủng loại, bao gồm các dòng máy bay thân rộng, máy bay thân hẹp và phản lực khu vực. Với nhiều tầm bay và tải trọng, đội tàu bay này cho phép Bamboo Airways khai thác linh hoạt và hiệu quả từ các đường bay nội địa chặng ngắn, cho đến các đường bay quốc tế trung và dài kết nối các nước châu Á, châu Âu, châu Úc, châu Mỹ…

Từ đầu năm đến nay, hãng hàng không này có nhiều biến động. Đầu tiên không thể không nhắc đến việc ông Đặng Tất Thắng được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC và Công ty CP hàng không Tre Việt thay cho ông Trịnh Văn Quyết. Trước đó, ông từng là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways. Đến tháng 8/2022, ông Thắng từ nhiệm mọi chức vụ tại FLC và Bamboo Airways. 

Không lâu sau đó, Bamboo Airways đã có Đại hội cổ đông bất thường, "thay máu" dàn lãnh đạo công ty. Đến tháng 10/2022, Bamboo Airways chi nhánh TP.HCM chuyển văn phòng về tầng 4 tòa nhà Nova College trên đường Hồng Hà (quận Phú Nhuận).
Gần đây nhất, tòa nhà Bamboo Airways 265 Cầu Giấy sau khi được FLC chuộc lại từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã bị bán lại cho Công ty CP Gateway Hà Nội với giá khoảng 2.000 tỷ đồng.