Tháng 5/1993, Công ty TNHH HT&NT (tiền thân của Tập đoàn CMC) được thành lập bởi hai nhà sáng lập tài năng và tâm huyết với ngành CNTT là ông Hà Thế Minh (cố Chủ tịch CMC) và ông Nguyễn Trung Chính. Những kỹ sư trẻ với tình yêu cuồng nhiệt dành cho công nghệ, trải qua lớp đào tạo kỹ năng ở nước ngoài, cùng với ước mơ ấp ủ mang những công nghệ tiên tiến nhất về Việt Nam, hy vọng đưa ngành ICT Việt Nam lên một tầm cao mới chính là những gì tạo nên CMC ngày nay.
![tap-doan-cong-nghe-cmc-1682953569.jpeg](https://vietnambusinessinsider.vn/uploads/images/2023/05/01/tap-doan-cong-nghe-cmc-1682953569.jpeg)
Ông Nguyễn Trung Chính sinh năm 1963 tại Nam Định, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Năm 1987, ông tốt nghiệp kỹ sư điện tử viễn thông trường Đại học Bách khoa Hà Nội và được nhận về làm việc tại Viện Công nghệ Quốc gia. Ông Nguyễn Trung Chính hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn CMC - CMC Corp.
Định hướng về ICT mà CMC đã luôn kiên định ngay từ những ngày đầu thành lập, đó là năng lực cốt lõi, nghiên cứu và phát triển, tập trung đầu tư các sản phẩm công nghệ. Ra đời trong bối cảnh Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, đất nước bắt đầu hội nhập vào nền công nghệ thông tin toàn cầu, CMC đã nhanh chóng bắt kịp thời cơ làm thương mại và khắc phục tình trạng thiếu thiết bị IT tại Việt Nam.
Năm 1995, công ty đổi tên lần đầu thành Công ty TNHH Máy tính truyền thông CMC, đến năm 1996 thành lập trung tâm tích hợp hệ thống - công ty CMC SI sau này và trung tâm giải pháp phần mềm - công ty CMC Soft sau này. Năm 1999, máy tính mang thương hiệu Việt do CMC sản xuất đầu tiên được công bố, Công ty Máy tính CMC - CMS cũng được ra đời từ đây.
Trong nhiều năm qua, CMS giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường CNTT Việt Nam và vinh dự được gắn logo thương hiệu quốc gia. Công ty CMC tiếp tục tăng trưởng ổn định cho đến “bước ngoặt” năm 2007 khi công ty chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, sau đó niêm yết hơn 63,5 triệu cổ phiếu với mã HoSE: CMG vào năm 2010.
![tap-doan-cong-nghe-cmc-2-1682953764.png](https://vietnambusinessinsider.vn/uploads/images/2023/05/01/tap-doan-cong-nghe-cmc-2-1682953764.png)
Sau đó, vào năm 2005 Tập đoàn Công nghệ CMC đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; vào năm 2010 nhận được hạng Nhì; năm 2018 nhận được hạng Ba. Từ năm 2009 đến nay đứng thứ 100/500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (Top 500 VNR) và năm 2018 là Top 5 Công ty CNTT - VT uy tín nhất Việt Nam.
Ngoài ra, CMC còn trở thành nhà cung cấp cũng như đối tác chuyên về các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng trong nước và ngoài nước, với mạng lưới khách hàng phát triển rộng khắp các châu lục lên tới 25 quốc gia như: Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tháng 3/2017, Tập đoàn CMC quyết định thành lập CMC Global làm đơn vị chiến lược với mục tiêu xuất khẩu phần mềm, dịch vụ và sản phẩm công nghệ thông tin của CMC ra thị trường toàn cầu, trong đó ưu tiên thị trường Nhật Bản với sự ra đời của CMC Japan, tháng 11/2017 khai trương tại Yokohama - Nhật Bản.
Hiện nay, với danh hiệu công ty công nghệ thông tin và viễn thông lớn nhất tại Việt Nam Tập đoàn Công nghệ CMC đang đứng vị trí Top 2. Các hoạt động kinh doanh chính của CMC được chia thành 4 khối: Khối công nghệ và giải pháp (Technology & Solution); Khối dịch vụ viễn thông (Telecommunications); Khối kinh doanh toàn cầu (Global Business); Khối Nghiên cứu & giáo dục (Research & Education) cùng với 8 công ty thành viên, liên doanh, viện nghiên cứu.
Trong giai đoạn 2021-2025, CMC đặt mục tiêu trở thành công ty số toàn cầu đẳng cấp quốc tế, nhà tư vấn và triển khai chuyển đổi số hàng đầu cho doanh nghiệp và tổ chức, với quy mô doanh thu 1 tỷ USD và hơn 10.000 nhân viên. CMC tiếp tục triển khai dự án Không gian sáng tạo CMC - Creative Space, đặt tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh với các trung tâm dữ liệu và tổ hợp văn phòng.
Đáng chú ý là trung tâm dữ liệu Data Center Tân Thuận, ra mắt vào tháng 6/2022 với quy mô 1.200 rack, đạt tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng Tier 3, được đánh giá là trung tâm dữ liệu đẳng cấp thế giới, an toàn và hiện đại nhất Việt Nam.
Năm 2022, Tập đoàn CMC đẩy mạnh phát triển lĩnh vực Nghiên cứu - Giáo dục với việc đầu tư Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu, đổi tên thành Đại học CMC vào ngày 26/7/2022 theo Quyết định số 895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với định vị là trường đại học số đầu tiên tại Việt Nam, cái nôi đào tạo thế hệ công dân số ưu tú cho đất nước, đồng thời trở thành bệ phóng quan trọng giúp CMC đạt được mục tiêu đề ra, quy mô tỷ đô với nguồn nhân lực từ 10.000 đến 15.000 người.
Doanh thu của Tập đoàn luôn hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra và đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Năm tài chính 2017, Tập đoàn CMC đạt doanh thu 5.335 tỷ đồng, tăng 12% và lợi nhuận trước thuế gần 253 tỷ đồng, tăng 20% lợi nhuận so với năm 2016, hướng tới mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2020, sẵn sàng cho đà tăng trưởng tiếp theo của CMC trong 25 năm, 50 năm và 100 năm tới.
Trong 9 tháng đầu năm 2022 (từ 01/04 đến 31/12), doanh thu thuần của công ty tăng 26% so với cùng kỳ, đạt 6.239 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt 416 tỷ đồng.
Các lĩnh vực kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật số; công nghệ và giải pháp; thương mại quốc tế; nghiên cứu & giáo dục đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, quan trọng nhất là thương mại quốc tế với doanh thu tăng trưởng 75% so với cùng kỳ.
![tap-doan-cong-nghe-cmc-1-1682953633.png](https://vietnambusinessinsider.vn/uploads/images/2023/05/01/tap-doan-cong-nghe-cmc-1-1682953633.png)
Theo dự kiến về tài chính đến cuối tháng 3/2023 mà Tập đoàn CMC đưa ra, doanh thu thuần của CMC tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 8.600 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, đạt 528 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2022, CMC không chỉ tăng trưởng kinh tế, mà còn có nhiều cột mốc quan trọng với những giải thưởng danh giá, danh hiệu góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm, dịch vụ và củng cố vị thế của Tập đoàn CMC.
Tháng 11/2022, CMC được vinh danh Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, Top 50 Công ty Việt Nam có Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn và Top 10 Công nghệ thông tin/Phần mềm & Ứng dụng/Thương mại điện tử 2022 theo khảo sát của Anphabe.
Tháng 12/2022, Tập đoàn Công nghệ CMC tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng “50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2022” (Top 50) do tạp chí Nhịp cầu đầu tư công bố trong hội thảo đầu tư với chủ đề “Kinh tế Việt Nam - Ngôi sao sáng nhất”.
Vào tháng 12/2022, Hiệp hội An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam (VNISA) đã trao danh hiệu “Chìa khóa vàng 2022” cho Công ty CMC Cyber Security.
Doanh nghiệp nền tảng số tiêu biểu năm 2022 đã được Liên đoàn thương mại và công nghiệp - VCCI trao cho CMC cùng với hàng loạt sản phẩm nền tảng số tiêu biểu: C. Ope2n; Data Center Tân Thuận hiện đại và an toàn nhất Việt Nam, nền tảng điện toán đám mây thương hiệu quốc gia CMC Cloud, trung tâm an ninh an toàn thế hệ mới CMC SOC... vào ngày 28/12/2022.
Tháng 12/2022, CMC Global cũng đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT Phần thưởng này khẳng định hướng phát triển tốt đẹp và sự nỗ lực của toàn Tập đoàn, hướng tới mục tiêu chung Go Global của cả nhóm.
“Giai đoạn 2021-2025, CMC đặt mục tiêu trở thành công ty toàn cầu đẳng cấp quốc tế với doanh thu 1 tỷ USD và hơn 10.000 nhân viên. CMC sẽ kiên định với định hướng là nhà tư vấn và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu Việt Nam, giúp các doanh nghiệp, tổ chức trong nước thực hiện thành công số hóa, giúp định hình điện toán đám mây (Cloud) và SaaS (Phần mềm như một dịch vụ) mới và nằm top đầu thị trường an ninh mạng”, Chủ tịch CMC - ông Nguyễn Trung Chính cho biết.